nhiễm môi trường không khí ở mức báo động đỏ
TP.HCM là điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian gần đây, với hiện tượng sương mù dày đặc bao phủ cả thành phố đến trưa. Theo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do không khí ô nhiễm nên xảy ra hiện tượng mù khô.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho biết, tính đến 17/12/2023 các chất ô nhiễm vượt qua giới hạn cho phép, bao gồm bụi mịn PM2.5, PM10, các khí độc hại như NO2, SO2, CO,…
Bầu trời mù sương do ô nhiễm không khí ở TP.HCM vượt mức “cảnh báo đỏ”.
Số lượng người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư phổi,… gia tăng rõ rệt trong thời gian gần đây là minh chứng điển hình cho mức độ ô nhiễm môi trường không khí đáng báo động ở TP.HCM hiện nay.
Ô nhiễm môi trường âm thanh
Là thành phố “không ngủ”, Hồ Chí Minh đang phải đối diện với mức độ ô nhiễm tiếng ồn đáng báo động. Các thông kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023, cổng thông tin 1022 TP.HCM tiếp nhận 11.115 tin phản ánh về tiếng ồn. Trong đó:
- Số tin khung giờ khuya đến sáng (22h-6h) gấp 1,5 lần khung giờ ban ngày.
- Số tin phản ánh trung bình ngày cuối tuần gấp hơn 1,4 lần ngày trong tuần
- Số tin phản ánh khung giờ tối (18h-22h) gấp 3,1 lần khung giờ ban ngày, khung giờ khuya đến sáng (22h-6h) cũng gấp 1,5 lần khung giờ ban ngày.
Ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người đứng thứ 2 sau bụi. Là nguyên nhân làm giảm thính lực, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch… Tiếng ồn là nguyên nhân dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN), không có khả năng hồi phục.
Ô nhiễm môi trường ánh sáng
Trong các loại ô nhiễm, đây là loại ít được biết, tưởng chừng chỉ gây lãng phí năng lượng nhưng trên thực tế, ô nhiễm ánh sáng đã và đang là “sát thủ” thầm lặng gây hại đến sức khoẻ con người, phá vỡ hệ sinh thái.
Các kết quả khảo sát cho thấy, ô nhiễm ánh sáng gây các chứng bệnh mất ngủ, căng thẳng, làm suy giảm thị lực ở trẻ em, làm giảm khả năng sinh ra hormone chống lại bệnh tật ở cơ thể.Bên cạnh đó, ánh sáng nhân tạo ngày một nhiều môi trường bị tác động, biến đổi, khiến chu trình hoạt động của nhiều động vật, thực vật thay đổi, phá vỡ hệ sinh thái.
Đi kèm với sự lung linh về đêm là hiểm họa thầm lặng của ô nhiễm ánh sáng.
Ô nhiễm môi trường nước
Là thành phố đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, TP HCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Mặc dù đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo kênh rạch, xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng tình hình ô nhiễm nguồn nước vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Hiện ở HCM chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải được xây xong và hoạt động chưa hết công suất bao gồm: Bình Hưng (công suất 141.000m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000m3/ngày) và Tham Lương – Bến Cát (131.000m3/ngày). Một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư. Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%.
Bên cạnh nguyên nhân từ rác thải sinh hoạt thì một lượng lớn nước thải bắt nguồn từ các khu công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các cơ sở khám chữa bệnh, nhà hàng,… chưa tiến hành xây dựng và thi công hệ thống xử lý nước thải hoặc đã có những hiệu quả hoạt động không cao, chất lượng nước thải đầu ra không đáp ứng. Chưa kể nhiều đơn vị, cơ sở có hành vi xả thải nước thải trái phép.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại TP.HCM nói riêng và các thành phố lớn nói chung, đòi hỏi có sự tính toán, cải thiện hạ tầng thu gom, tách biệt nguồn thải đi kèm hệ thống, phương pháp xử lý phù hợp.