ĐỀ 01
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Thề nguyền(*)
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa(1)gương(2)giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh(3)hắt hiu
Sinh vừa tựa án(4)thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe(5),
Bóng trăng đã xế hoa lê(6)lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần(7).
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen(1)nối sáp lò đào(2)thêm hương.
Tiên thề(3)cùng thảo một chương,
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ(4)căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng(5)đến xương.
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du,Ngữ văn 10,
Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.115 - 116)
--------------------
(*) Thề nguyền: nhan đề văn bản lấy theo sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010. Đoạn trích nằm ở phần Gặp gỡ và đính ước: Một hôm, khi cả gia đình sang chơi bên ngoại, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Chiều tà, nàng trở về nhà, được tin cả nhà vẫn chưa về, Kiều quay lại gặp Kim Trọng.
(1) Nhặt thưa: (nhặt: mau, dày)chỉ ánh trăng chiếu xuyên qua lá cây tạo thành những khoảng sáng không đều nhau.
(2)Gương: ở đây chỉ mặt trăng
(3) Trướng huỳnh: xưa có người nhà nghèo không có đèn để đọc sách, phải bắt đom đóm làm đèn học. Do đó, trướng huỳnh được dùng chỉ phòng học của nho sinh, đồng thời gợi ý hiếu học, cả câu ý nói: nhìn từ bên ngoài vào thấy ánh sáng đèn từ phòng học của Kim Trọng lọt ra dìu dịu.
(4)Án: cái bàn học xưa
(5) Giấc hòe: ở đây chỉ giấc mơ
(6) Hoa lê: hoa cây lê, ở đây chỉ người đẹp
(7)Đỉnh Giáp non thần: bài Phú Cao Đường của Tống Ngọc kể rằng vua nước Sở chơi đất Cao Đường nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp, hỏi ở đâu, người đó nói là thần nữ núi Vu Giáp. Non thần: thần núi ấy. Cả câu có nghĩa là Kim Trọng cảm thấy Kiều xuất hiện như là thần nữ của núi Vu Giáp
(1) Đài sen: cái đài hình hoa sen để đặt cây nến
(2)Lò đào: cái lò hương hình trái đào. Cả câu ý nói Kim Trọng đặt thêm nến sáp cho thêm sáng, thắp thêm hương cho thêm thơm.
(3)Tiên thề: (tiên: tờ giấy) tờ giấy viết lời thề
(4)Tóc tơ: chỉ những điều tỉ mỉ, chi li
(5)Chữ đồng: chữ đồng tâm, đồng lòng
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên.
A. Thất ngôn xen lục ngôn
B. Song thất lục bát
C. Lục bát
D. Thơ trường thiên bảy chữ
Câu 2. Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của ai?
A. Lời của nhân vật Kiều
B. Lời của nhân vật Từ Hải
C. Lời của Thúy Vân
D. Lời của tác giả
Câu 3. Gọi tên 01 biện pháp tu từ trong câu thơ:
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê(6)lại gần.
A. Ẩn dụ
B. Hoán dụ
C. So sánh
D. Nhân hóa
Câu 4. Sắc độ ánh sáng trong 2 câu thơ sau như thế nào?
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen(1)nối sáp lò đào(2)thêm hương
A. Rất sáng
B. Vừa đủ
C. Mờ tối
D. Rất tối
Câu 5. Những từ nào sau đây nêu đúng đặc điểm, tính chất của không gian trong đoạn trích?
A. Thơ mộng, huyền ảo, thần tiên, thiêng liêng
B. Mờ ảo, thăm thẳm, tĩnh lặng, rợn ngợp
C. Sáng rực, thanh bình, tĩnh lặng
D. Huyền ảo, tĩnh lặng, sâu thẳm, rợn ngợp
Câu 6. Nội dung chính của đoạn trích là gì?
A. Miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều trong không gian đẹp đẽ dưới ánh trăng để chuẩn bị cho buổi thề nguyền
B. Miêu tả cuộc gặp gỡ, thề nguyền giữa Kim Trọng vàThúy Kiều trong không gian đẹp đẽ dưới ánh trăng.
C. Miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng vàThúy Kiều trong không gian đẹp đẽ dưới ánh trăng sau buổi thề nguyền
D. Miêu tả cuộc gặp gỡ, chia tay giữa Kim Trọng và Thúy Kiều trong không gian đẹp đẽ dưới ánh trăng.
Câu 7. Nhận xét về dụng ý của tác giả trong việc thay đổi sắc độ ánh sáng trong đoạn trích?
A. Tinh tế khi miêu tả sắc độ ánh sáng tăng dần theo thời gian làm rõ khung cảnh.
B. Tinh tế khi miêu tả sắc độ ánh sáng giảm dần theo thời gian làm rõ khung cảnh.
C. Tinh tế khi miêu tả sắc độ ánh sáng giảm dần theo thời gian phù hợp với tâm trạng
D. Tinh tế khi miêu tả sắc độ ánh sáng tăng dần theo thời gian phù hợp với tâm trạng
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 8. Tác giả thể hiện thái độ như thế nào đối với tình yêu Kim – Kiều qua đoạn trích trên?
Câu 9. Nêu quan điểm của bạn về sự chủ động của Thúy Kiều khi đến với tình yêu trong đoạn trích trên.
Câu 10. Hình ảnh nào trong đoạn trích để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bạn? Vì sao?
II. Viết (4,0 điểm)
Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |