Nguyễn Huệ sinh năm 1752 tại vùng Tây Sơn, phủ Quy Nhơn (Nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ) gốc người họ Hồ, thuở nhỏ tên là Thơm. Theo tác giả Hoa Bằng trong “Quang Trung anh hùng dân tộc” thì Nguyễn Huệ tóc quăn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm. Sách Tây Sơn lược còn miêu tả đôi mắt Quang Trung “ ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ đôi mắt soi sáng cả chiếu”.
Năm 1771, ông cùng hai anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ phất cờ khởi nghĩa. Năm 1777, nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm thành Quy Nhơn làm căn cứ địa tiến công giải phóng Đàng Trong. Sau bốn lần giải phóng Gia Định, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt hai vạn quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện tại Rạch Gầm, Xoài Mút ngày 18-01-1785 đập tan chính quyền phong kiến ở Đàng Trong.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra đánh Bắc Hà và mau chóng lật đổ tập đoàn phong kiến họ Trịnh thống trị đã ba trăm năm, lập lại nhà Lê. Vì hèn kém, nhu nhược và để bảo vệ ngai vàng nên năm 1788, Lê Chiêu Thống “ cõng rắn cắn gà nhà” cầu viện quân Thanh. Vua Càn Long nhà Thanh lợi dụng cơ hội để xâm lược nước ta, cử Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta. Được tin, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang tại Núi Bân, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi thống lãnh mười vạn quân thủy bộ tiến ra Bắc Hà.
Mùa xuân năm Kỉ Dậu 1789, với cuộc hành quân thần tốc, ông đập tan và quét sạch hai mươi vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, giải phóng Miền Bắc ra khỏi ách xâm lược. Nguyễn Huệ đã phá tan mọi âm mưu câu kết của các thế lực phản động trong nước và nước ngoài, chuẩn bị kế hoạch tiến đánh Nguyễn Ánh đang quấy phá ở Gia Định.
Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc, không những ông là một thiên tài quân sự mà còn xuất sắc về chính trị, ngoại giao, kinh tế...Là một vị tướng bách chiến bách thắng, trải qua hai mươi trận chiến đấu liên tục, Nguyễn Huệ đã đánh thắng hàng trăm trận và đánh đâu thắng đó, càng về cuối đời chiến đấu của ông, thắng lợi càng huy hoàng, chiến công càng hiển hách.
Mùa thu năm Nhâm Tí (16-9-1792) Nguyễn Huệ từ trần. Đây là một tổn thất lớn cho phong trào Tây Sơn nói riêng và cho dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỉ XVIII. Hình ảnh và công lao của ông còn sáng mãi trong câu thơ của Ngọc Hân công chúa:
Mà may áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
(Ai tư vãn - Ngọc Hân công chúa).