“Trông vời lưng núi Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây
Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo
Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá
Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà”
Có lẽ nhiều người Việt Nam đã được nghe giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển của bài ca này. Lấy hang Pắc Bó - một di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu làm điểm tựa, nhạc sĩ đã hướng triệu triệu con tim tới “núi Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây”, nơi “Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà”, rồi tha thiết biết bao khi giai điệu cất lên:
“Ơ.. ớ rừng Pắc Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người
Bước chân Người đi đất chuyển dời theo Người
Người về rừng núi, bóng Người vì sao trong sáng”
Những câu hát ấy đã lay động tâm hồn mỗi con người, dù ở phương trời nào, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng, từ giờ phút ấy có lãnh tụ sống giữa lòng dân, dẫn dắt Nhân dân từng giờ, từng phút đi theo cách mạng, làm cách mạng dưới ánh sáng của “vì sao sáng đó”.Quá khứ và hiện tại, lịch sử và thời đại hòa quyện nhau qua các câu hát:
“Bóng đa Tân Trào đọng lời thiết tha
Nắng in Ba Đình còn nghẹn lòng ta
Suối reo dưới chân Người qua
Đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám
Khuổi Nậm còn reo nhịp theo mong nhớ...Người”
“Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” có giai điệu ngọt ngào, đằm thắm nhờ khai thác chất liệu dân ca Tày - Nùng với giai điệu hát Then nổi tiếng của vùng Đông Bắc rất khéo léo, nhuần nhuyễn. Ca khúc có bố cục chặt chẽ, phù hợp với cảm xúc tự nhiên của người hát nên thật dễ hiểu khi nó được công chúng tiếp nhận rất nhanh chóng và yêu thích:
“Nương đồi bát ngát, gió ngàn vờn mây nắng chiều về đây
Lặng nghe sáo ai bay dập dìu trên đèo
Kể rằng Người còn đây
Người cao hơn núi tưởng chừng trông theo bóng dáng Người còn in trên đèo
Ơ.. ớ bản Pắc Bó quê ta mấy mùa qua nghe tiếng Người
Sắn vươn đồi xưa, lúa ngập vàng đôi bờ
Người về chỉ lối, theo người ngày mai tươi sáng
Bát cơm mong chờ người già ước mơ
Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ
Bác ơi tóc sương bạc phơ
Núi cao suối sâu Thủ đô yêu dấu
Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ…Người”
“Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” là một bài hát hay ca ngợi lãnh tụ. Lời ca dâng Bác được tác giả thành kính gởi vào giai điệu hát Then nổi tiếng vùng Đông Bắc, kết hợp với lối nghĩ giản dị của dân gian, điều đó đã giúp nhạc sĩ thể hiện thành công vẻ đẹp của hình tượng Bác Hồ, Bác vĩ đại mà vô cùng gần gũi. Bởi theo nguyên tắc thẩm mỹ phương Đông, vĩ nhân luôn được tôn thờ như những siêu nhân (Bước chân Người đi đất chuyển dời theo Người), được thần thánh hóa trở nên thiêng liêng, nhuốm màu huyền thoại. Như ông Tiên, ông Bụt, đức độ cao cả của Người có thể cảm hóa được cả những vật vô tri, vô giác, nên khi Bác đi xa suối nhớ, rừng thương (Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ…Người).
Bài hát sau khi ra đời đã được Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương thể hiện rất thành công, sau này có rất nhiều nghệ sỹ hát nhưng nổi bật hơn cả là tiếng hát nhẹ nhàng, trong trẻo của Nghệ sỹ Nhân dân Lê Dung đã thể hiện toát lên được hết nội dung và ca từ của bài ca mà nhạc sĩ đã sử dụng trong việc khai thác chất liệu dân ca Tày, Nùng với điệu hát Then nổi tiếng của vùng Đông Bắc nước ta.
“Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” trước hết là khúc nhạc trữ tình chứ không bị chất sử thi lấn át, nhờ sự tài hoa của nhạc sĩ mà Then Tày như được thoát xác trở nên một hình hài mới, lộng lẫy, lấp lánh và rạng rỡ đầy tự hào. Hơn 63 năm qua ca khúc vẫn luôn lắng đọng trong lòng người hâm mộ và sống mãi với thời gian.