Dàn ý:
A. Mở bài
Kim Lân là một nhà văn gắn bó máu thịt với những người nông dân nghèo, những kiếp người chịu nhiều khốn khổ bần cùng. Ông cũng là một văn nhân có trái tim yêu nước son sắt, một tấm lòng thiết tha với dân tộc. Bởi vậy mà những sáng tác của ông thường viết về những người nông dân có lòng yêu nước, yêu cách mạng sâu sắc. Nói đến các sáng tác của Kim Lân ta không thể không kể đến truyện ngắn “Làng”. Tác phẩm đã khắc hoạ sinh động chân dung nhân vật ông Hai - một người nông dân chân chính với tình yêu làng, yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó máu thịt với bộ đội cụ Hồ. Điều đó được thể hiện một cách rõ nét nhất qua đoạn trích kể về tâm trạng của ông Hai khi nghe được tin cải chính.
B .Thân bài:
1.Khái quát về tác phẩm
Truyện làng được viết năm 1948,thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.Truyện thành công không chỉ bởi tài năng truyện ngắn của ông mà còn do sự am hiểu người nông dân cùng thời kì lịch sử lúc bấy giờ.Nhà văn đã có lần tâm sự:" cái không khí ngày đầu kháng chiến ở nông thôn ,tôi đã vào làng.Lúc ấy Tây còn đóng ở cầu Đuống ,tôi về làng chơi mấy lần chứng kiến tận mắt thế nào là làng chiến đấu".Truyện hấp dẫn bạn đọc ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong những tình huống đặc biệt cùng với cách viết đơn giản ngôn ngữ mộc mạc dân dã .
2.Cảm nhận ông Hai trong đoạn trích
2.1. Khái quát nội dung đoạn trước đó.
Ở phần đầu của tác phẩm, người đọc đã được chứng kiến một ông Hai rất yêu và tự hào về làng của mình. Đi đâu ông cũng khoe về làng thế nên khi nghe tin làng theo giặc ông vô cùng bàng hoàng sửng sốt. Không không tin đó là sự thật nhưng khi buộc phải tin ông đã vô cùng đau khổ, tủi nhục đến mức phải đi đến quyết định thù làng. Nhưng tất cả những khổ đau, tủi nhục ấy đã tan biến hết khi ông nghe được tin cải chính. Ông Hai như được hồi sinh, “bệnh” hay khoe của ông lại “tái phát”.
2.2. Cảm nhận về ông Hai trong đoạn trích
*Ông Hai là một người nông dân ít chữ, chân chất, mộc mạc.
Đọc đoạn trích này, ta không khỏi ấn tượng với hình ảnh ông Hai- một người nông dân ít học, chân chất mộc mạc. Nhận được tin cải chính, ông đi khoe khắp nơi. Ông gọi “Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy?” rồi “Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả” Cái cách ông Hai trò chuyện và giao tiếp với mọi người mới thân thiện và gần gũi làm sao. Ông ít học, không thông thạo chữ nghĩa nhưng lại thích dùng chữ. Kim Lân để cho ông năm lần bảy lượt nói “Toàn là sai sự mục đích” nhưng không hề biết rằng mình đang dùng sai từ. Thế đấy, người nông dân bao giờ cùng mộc mạc và giản dị như vậy.
*Tuy nhiên, nổi bật hơn cả ở ông Hai trong đoạn trích này là tinh thần sẵn sàng hi sinh vì kháng chiến.
Đọc đoạn trích, có lẽ gây ấn tượng với người đọc nhất là hình ảnh ông Hai chạy đi khắp nơi chỉ để khoe “Tây nó đốt nhà tôi rồi. Đốt nhẵn!” Mới đọc chi tiết này, ta thấy dường như vô lý bởi ngôi nhà là cả một tài sản quá lớn, người ta phải dành dụm cả đời mới có thể làm được một căn nhà. Hơn thế nó còn gắn với bao kỷ niệm vui buồn rất thiêng liêng của mỗi con người. Mất nó ai mà không xót xa đau đớn? Nhưng ông Hai lại có cử chỉ “Múa tay lên để khoe” đó là biểu hiện của tâm trạng sung sướng, sung sướng đế tột độ. Tâm trạng này dường như có vẻ không bình thường? Không! Đặt ông Hai trong hoàn cảnh của “Làng” - làng Dầu đang bị hai tiếng việt gian theo tây - thì ông Hai không vui sướng sao được vì nhà bị tây đốt
là bằng chứng hùng hồn rằng làng Dầu của ông vẫn theo kháng chiến, theo cách mạng, đó là một làng quê anh hùng, đứng dậy chống thực dân Pháp. Chắc hẳn mất nhà ông Hai cũng đau lắm chứ, xót xa lắm chứ. Nhưng dù thế nào thì nhà còn có thể xây dựng lại được, song danh dự của làng đâu dễ lấy lại? Ông đã quên nỗi đau, sự mất mát riêng để tự hào sung sướng trong vẻ đẹp, sức mạnh chung của làng quê, đất nước. Thế đấy niềm vui, nỗi buồn của ông Hai luôn gắn liền với vận mệnh của Làng Dầu. Thế mới biết ông Hai yêu làng quê tha thiết đến chừng nào! Tình yêu làng quê được mở rộng, hoà quyện trong tình yêu tổ quốc thật sâu nặng và thiêng liêng.
3.Đánh giá
- Nhà văn Kim Lân đã tạo dựng một tình huống thử thách tâm lí nhân vật rất đặc sắc, qua đó, tính cách, phẩm chất của nhân vật nổi lên thật rõ ràng. Lối kể chuyện giản dị tự nhiên, gần gũi, ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm cũng góp phần tạo nên một hình tượng chân thực và đẹp đẽ về người nông dân Việt Nam.
- Đoạn trích đã cho ta thấy sự phát triển trong nhận thức của người nông dân Việt Nam: tình yêu làng là cơ sở của tình yêu nước, yêu cách mạng song tình yêu nước vẫn bao trùm lên tất cả và là định hướng hành động cho họ.
C. Kết bài:
Có thể nói rằng truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm vô cùng đặc sắc. Tác phẩm và đặc biệt là đoạn trích kể diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng được cải chính đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng kể chuyện của nhà văn Kim Lân, càng thêm trân trọng và yêu mến những người nông dân Việt Nam trong kháng chiến. Từ tình huống ông Hai nghe được tin cải chính về làng, tác phẩm đã đem đến cho người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về tình yêu quê hương, về đức hi sinh, về lòng yêu nước. Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.