Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”. Đấy là tình cảm thiêng liêng nhất của trẻ thơ đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Tình cảm ấy không chỉ được các em thể hiện qua việc chăm ngoan, học giỏi và làm theo “5 điều Bác Hồ dạy”, mà còn là sự hồn nhiên, chân thật trong thơ khi nghĩ và viết về Bác.
Có một điều khiến nhân loại ngạc nhiên, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ “đồng bào ta dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người” nhưng không hề nao núng tinh thần. Đó cũng chính là thời đại của âm nhạc và thi ca. Nhiều nhà thơ tý hon xuất hiện. Ngoài những bài thơ ca ngợi thiên nhiên, cảnh vật quê hương, đất nước, các em đã có những bài viết về Bác Hồ rất xúc động. Hồi đó, xuất hiện một loạt “cây bút vàng” khắp mọi miền Tổ quốc như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ, Chu Hồng Quý... Đất nước của những cậu bé, cô bé làm thơ đã khiến nữ nhà văn Đi-mi-tro-va từ “đất nước hoa hồng” đã lặn lội tìm đến ngay “Từ góc sân nhà em”.
Tôi còn nhớ bài thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa được đăng trên Báo Thiếu niên tiền phong lúc ấy là “Ảnh Bác”. Dẫu đã 5 thập kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in, không phải vì thể thơ lục bát dễ nhớ mà vì cái nhìn ngây thơ, một lối nói thật lòng của con trẻ, không đưa đẩy, không luyến láy, nhưng dễ dàng nhập cuộc với độc giả:
“Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi”.
Những hình ảnh mộc mạc, chân chất, hồn nhiên của một cậu bé nông thôn chưa được gặp Bác Hồ bao giờ, nhưng chỉ nhìn ảnh thôi đã cảm thấy Bác rất gần gũi như cha, như mẹ mình. Với hình ảnh liên tưởng na đã chín và gà đang tìm mồi ngoài sân, cậu bé mách Bác bằng những lời thủ thỉ, tâm tình như tình cảm mênh mông của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi.
Ở khổ thơ cuối, Trần Đăng Khoa lại như được Bác Hồ khuyên bảo và đưa “thông điệp” này tới các bạn cùng trang lứa với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và nêu cao tinh thần cảnh giác:
“Em nghe như Bác dặn lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau quét bếp đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi”.
Trần Đăng Khoa có khá nhiều bài thơ hay viết về Bác nhưng trong bài “Đất trời sáng lắm hôm nay” có hai câu khiến nhiều người phải sửng sốt. Câu hỏi của cậu bé không mang tính hồn nhiên như xưa nữa, mà có tính trách nhiệm của cả dân tộc khi nghĩ về tuổi tác của Bác:
“Sang năm Bác tám mươi rồi
Bác ơi! Bác thấy trong người khỏe không?”.
Chẳng thể ngờ, sau đó chưa đầy 1 tháng, cả nước nhòa lệ tiễn đưa Người với “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng. Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay”.
Cậu bé Nguyễn Hồng Kiên cũng đã có bài thơ mà tứ thơ rất độc đáo, người đọc không thể ngờ sự liên tưởng rất thông minh giữa nhân cách trí tuệ Bác Hồ với Lê-nin. Tình cảm Bác Hồ thương các cháu thiếu nhi cũng như tình cảm ông Lê-nin đối với các cháu thiếu nhi:
Ông Lê-nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
Cũng vầng trán rộng thênh thang
Y như trán Bác mênh mang đất trời
Cũng đôi mắt đẹp sáng ngời
Y như mắt Bác đang cười với em
Cũng yêu các cháu thiếu niên
Y như tình cảm thiêng liêng Bác Hồ
Ông Lê-nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam.
Lúc còn sống, Bác Hồ dẫu bận trăm công ngàn việc cũng dành “muôn vàn tình thân yêu” cho các cháu thiếu nhi. Không có trung thu nào Bác Hồ lại không gửi thư và quà bánh thăm hỏi, động viên các cháu. Tình cảm Bác Hồ đã trở thành nỗi niềm đau đáu. Từ đó, cậu bé Chu Hồng Quý khát khao cháy bỏng được đón Bác Hồ vào thăm trong một trung thu đất nước hòa bình, thống nhất. Bằng trực giác quan sát, trí tưởng tượng thông qua tình cảm dồn nén từ nội tâm, Chu Hồng Quý liên tưởng Bác Hồ như một Ông tiên từ trên trời trở về trái đất để vui trung thu cùng các cháu. Khi cả bầu trời nhấp nháy sao sa, mỗi vì sao được phân công nhiệm vụ:
“Ngưu Lang Chức Nữ soạn thơ
Hướng về Bắc Đẩu đón chờ Bác sang
Sao Hôm báo hiệu an toàn
Chị Hằng dọn cỗ mâm vàng hát ca
Thuyền mây bóng Bác bước ra
Bao đàn cháu nhỏ được quà Bác cho.
Không có gì lắng đọng cảm xúc bằng âm nhạc và thơ ca. Thơ là tấm gương phản chiếu cái đẹp con người và cuộc sống. Những bài thơ của thiếu nhi trong kháng chiến chống Mỹ, ca ngợi Bác Hồ đẹp như ánh nắng ban mai, chính vì “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ”./.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |