Tôi còn nhớ bài thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa được đăng trên Báo Thiếu niên tiền phong lúc ấy là “Ảnh Bác”. Dẫu đã 5 thập kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in, không phải vì thể thơ lục bát dễ nhớ mà vì cái nhìn ngây thơ, một lối nói thật lòng của con trẻ, không đưa đẩy, không luyến láy, nhưng dễ dàng nhập cuộc với độc giả:
“Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi”.
Những hình ảnh mộc mạc, chân chất, hồn nhiên của một cậu bé nông thôn chưa được gặp Bác Hồ bao giờ, nhưng chỉ nhìn ảnh thôi đã cảm thấy Bác rất gần gũi như cha, như mẹ mình. Với hình ảnh liên tưởng na đã chín và gà đang tìm mồi ngoài sân, cậu bé mách Bác bằng những lời thủ thỉ, tâm tình như tình cảm mênh mông của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi.
Ở khổ thơ cuối, Trần Đăng Khoa lại như được Bác Hồ khuyên bảo và đưa “thông điệp” này tới các bạn cùng trang lứa với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và nêu cao tinh thần cảnh giác:
“Em nghe như Bác dặn lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau quét bếp đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi”.
Trần Đăng Khoa có khá nhiều bài thơ hay viết về Bác nhưng trong bài “Đất trời sáng lắm hôm nay” có hai câu khiến nhiều người phải sửng sốt. Câu hỏi của cậu bé không mang tính hồn nhiên như xưa nữa, mà có tính trách nhiệm của cả dân tộc khi nghĩ về tuổi tác của Bác:
“Sang năm Bác tám mươi rồi
Bác ơi! Bác thấy trong người khỏe không?”.
Chẳng thể ngờ, sau đó chưa đầy 1 tháng, cả nước nhòa lệ tiễn đưa Người với “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng. Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay”.