1. Khái niệm nguồn của Luật quốc tế
Nguồn của Luật quốc tế là những hình thức biểu hiện sự tồn tại hay chứa đựng các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế do các quốc gia và các chủ thể khác của Luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nên.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 38 Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế thì nguồn của Luật quốc tế bao gồm : Điều ước quốc tế; Tập quán quốc tế; Các nguyên tắc pháp luật chung; Phán quyết của Tòa án công lý quốc tế; Các học thuyết về Luật quốc tế... Tuy nhiên, trên thực tế vai trò của các nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ và hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng và không thể phủ nhận.
Trong các loại nguồn được liệt kê trên thì điều ước quốc tế ( nguồn thành văn) và tập quán quốc tế ( nguồn bất thành văn) có thể xem là hai loại nguồn chủ yếu, cơ bản và có vai trò quan trọng nhất.
2. Điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế theo Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế ký kết giữa các quốc gia thì điều ước quốc tế được xác định là : “ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.
Như vậy, với tư cách là nguồn cơ bản của Luật quốc tế, điều ước quốc tế là sự thỏa thuận giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng nhằm thiết lập những quy tắc pháp lý bắt buộc gọi là những quy phạm luật quốc tế để ấn định, thay đổi hoặc hủy bỏ những quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, điều ước quốc tế chủ yếu được trình bày dưới dạng thành văn.
Quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế được điều chỉnh bởi các nguyên tắc, quy phạm pháp luật và tuân thủ các quy phạm jus cogens của Luật quốc tế. Điều kiện để một điều ước quốc tế trở thành nguồn của Luật quốc tế : Không phải tất cả các điều ước quốc tế ký kết đều là nguồn của Luật quốc tế. Một điều ước muốn trở thành nguồn của luật quốc tế phải thỏa mãn các nguyên tắc sau :
Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong quá trình ký kết điều ước quốc tế;
Nguyên tắc điều ước quốc tế phải có nội dung phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế;
Nguyên tắc điều ước quốc tế ký kết phải phù hợp với pháp luật của các bên ký kết về thẩm quyền và thủ tục ký kết.
Như vậy, mọi văn bản pháp luật quốc tế đều là điều ước quốc tế là chưa chính xác, nếu văn ản pháp lý quốc tế đó không phải là điều ước quốc tế khi không thỏa mãn các nguyên tắc ở trên.
3. Tập quán quốc tế
Tập quán quốc tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành Luật quốc tế. So với điều ước quốc tế, tập quán quốc tế ra đời sớm hơn. Đó là những quy tắc xử sự chung ban đầu do một hay một số quốc gia đưa ra và áp dụng trong quan hệ với nhau. Sau một quá trình áp dụng lâu dài, rộng rãi và được nhiều quốc gia thừa nhận như những quy phạm pháp lý nên những quy tắc xử sự đó đã trở thành tập quán quốc tế.
Từ đây có thể thấy, tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể của Luật quốc tế thừa nhận rộng rãi là những quy tắc có tính chất pháp lý bắt buộc.
Trong thực tiễn quan hệ pháp lý có rất nhiều loại tập quán pháp lý khác nhau, trong đó có những tập quán là nguồn của tư pháp quốc tế, như các tập quán về thương mại quốc tế, hàng hải quốc tế, tập quán về tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp tuyệt đối của các quốc gia…Tuy nhiên trong phạm vi này ta chỉ đề cập đến tập quán quốc tế với tư cách là nguồn của luật quốc tế.
Một số tập quán quốc tế được áp dụng điển hình như : Tập quán được “quyền chọn luật” cho phép các đương sự được quyền chọn luật nước ngoài để điều chỉnh cho hợp đồng mà mình ký; tập quán “luật quốc tịch” quy định pháp nhân mang quốc tịch nước nào thì địa vị pháp lý của nó do luật nước đó quy định; tập quán “ tòa án hoặc trọng tài nước nào khi giải quyết tranh chấp có quyền áp dụng các quy tắc tố tụng của nước đó”...
Quá trình thành lập tập quán quốc tế không thông qua hành vi kí kết mà nó được hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được sự thừa nhận của các chủ thể Luật quốc tế.
Con đường hình thành tập quán quốc tế gắn liền với quá trình thành lập tập quán quốc tế rất lâu dài và đòi hỏi phải có sự liên tục. Không có một thước đo chung cho thời gian hình thành các tập quán pháp có thể nói lên đến trăm năm thậm chí là hàng ngàn năm.