Hoài Văn nằn nì thế nào quân Thánh Dực cũng không cho chàng xuống bến. Hầu đứng trên bờ, thẫn thờ nhìn bến Bình Than. Hai cây đa cổ thụ rủ bóng râm mát che kín cả một khúc sông.
Dưới bến, những thuyền lớn của các vương hầu về hội sư, đậu dài san sát, sơn đủ các màu. Trên mũi thuyền, phất phới những lá cờ hiệu của các vương hầu. Hiệu cờ của Chiêu Minh Vương, của Chiêu Quốc Vương, của Chiêu Văn Vương, của Hưng Đạo Vương, của Chiêu Thành Vương, chú ruột mình. Thuyền của các vị đại vương chức trọng quyền cao nhất của triều đình đều ở gần thuyền ngự. Thuyền ngự cao lớn hơn cả, chạm thành hình một con rồng lớn rực rỡ son vàng, hai bên mạn dàn bày cờ quạt, tàn vàng, tán tía và đồ nghi trượng của đấng thiên tử. Hết thuyền của các đại vương là thuyền của các tước vương bậc dưới, rồi đến thuyền của các tước hầu, cuối cùng là thuyền của các tướng sĩ đi hộ vệ. Mắt Hoài Văn đăm đăm nhìn thuyền của Hưng Võ Vương, Hưng Trí Vương, Hưng Hiếu Vương... Thì ra các con trai của Hưng Đạo Vương đều đủ mặt. Những người em họ ấy, chẳng qua chỉ hơn Hoài Văn dăm sáu tuổi! Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này! Mắt Hoài Văn giương to đến rách, nhìn những lá cờ bay múa trên những đoàn thuyền đẹp như gấm như hoa.
Qua các cửa sổ có chấn song triện và rủ mành mành hoa của thuyền rồng, Hoài Văn thấy các vương hầu đang ngồi bàn việc nước với quan gia. Hoài Văn chẳng biết các vị đang nói gì. Nhưng bàn gì thì bàn, Hoài Văn dám chắc cũng chẳng ngoài cái việc lớn là cho quân Nguyên mượn đường vào đánh Chiêm Thành hay chống cự lại mà thôi. Dã tâm của quân giặc đã hai năm rõ mười rồi. Nó giả tiếng mượn đường, kì thực là để cướp sống lấy nước Nam. Chỉ có việc đánh, làm gì phải kéo ra tận đây mà bàn đi bàn lại? Chao ôi! Lúc này mà Hoài Văn được xuống thuyền rồng và được bàn việc nước! Chàng sẽ quỳ trước mặt quan gia, và xin quan gia cho đánh! Thuyền rồng im lặng. Tàn tán, cờ quạt và các đồ nghi trượng in màu vàng son trên mặt nước sông trong vắt. Chốc chốc lại thấy những người nội thị quỳ ngoài mui, dâng trầu cau, dâng thuốc. Hoài Văn muốn xô mấy người lính Thánh Dực để chạy xuống bến nhưng lại sợ tội chém đầu.
Chàng muốn thét to: "Xin quan gia cho đánh", nhưng lại e phạm thượng!
Mấy tháng ở kinh, thấy sứ Nguyên hạch sách đủ điều, Hoài Văn chỉ có một ý nghĩ là đánh, đánh để giữ lấy quốc thể. Rồi lại đến cái ngày quan gia mời các bô lão khắp bàn dân thiên hạ về kinh để nhà vua hỏi ý dân xem nên cho giặc mượn đường hay nên đánh lại. Các bô lão là những người quê mùa chất phác, chưa bao giờ được bước chân vào nơi lầu son, gác tía, chưa bao giờ được bàn việc nước, thế mà nghe quan gia hỏi, họ đều nắm tay, gân mặt, khẳng khái tâu lên: "Xin đánh", trăm miệng một lời, rung chuyển cả tòa điện Diên Hồng. Những người áo vải ấy còn biết đường phải trái, huống chi ta là bậc tôn thất há lại không nghĩ được như họ hay sao? Đến họ mà quan gia còn hỏi kế, sao ta là người gần gụi, quan gia chẳng hỏi một lời ?
Suốt ngày hôm qua, Hoài Văn ruổi ngựa đi tìm vua, quên không ăn uống. Hôm nay, đợi mãi từ sớm đến trưa, Hoài Văn thấy đói cồn cào, mắt hoa lên, đầu choáng váng, chân tay buồn bã. Hoài Văn không chịu được nữa. Đứng mãi đây cho đến bao giờ? Thôi thì liều một chết vậy. Ta cứ xuống, chỉ nói hai tiếng xin đánh, rồi mặc cho triều đình luận tội. Hoài Văn xô mấy người lính Thánh Dực ngã chúi, xăm xăm xuống bến. Một viên tướng hốt hoảng chạy tới, níu áo Hoài Văn lại. Quốc Toản tuốt gươm, mắt trừng lên một cách điên dại:
- Không buông ra, ta chém !
Lính ập đến giữ lấy Hoài Văn. Thực ra, vì nể chàng là một vương hầu, nên họ đã để cho chàng đứng đấy từ sáng.
(Nguyễn Huy Tưởng, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, NXB Văn học, Hà Nội, 1997)
Câu 1: Nhân vật chính trong ngữ liệu trên là ai?
A. Trần Quốc Toản B. Trần Quốc Tuấn.
C. Hưng Đạo Vương. D. Chiêu Quốc Vương.
Câu 2: Giặc Nguyên có dã tâm gì đối với nước ta?
A. Để cướp sống lấy nước Nam. B. Giúp đỡ nước ta.
C. Thông thương với nước ta. D. Liên kết với nước ta xâm chiếm nước khác.
Câu 3: Hoài Văn xin gặp vua để làm gì?
A. Để xin vua ra lệnh đánh giặc. B. Để xin vua ra lệnh hòa hoãn.
C. Để xin vua ra lệnh đầu hàng. D. Để xin vua ra lệnh rút lui.
Câu 4: Hưng Võ Vương, Hưng Trí Vương, Hưng Hiếu Vương – các con trai của Hưng Đạo Vương hơn Hoài Văn bao nhiêu tuổi?
A. Dăm sáu tuổi. B. 3 tuổi.
C. 4 tuổi. D. 5 tuổi
Câu 5: Mấy tháng ở kinh, thấy sứ Nguyên hạch sách đủ điều, Hoài Văn chỉ có một ý nghĩ là:
A. đánh, đánh để giữ lấy quốc thể B. nên hòa với giặc
C. được ngắm bến Bình Than D. xin được rút lui
Câu 6: Suốt ngày hôm qua, Hoài Văn ruổi ngựa đi tìm vua đã quên điều gì ?
A. quên không ăn uống. B. quên đem theo gươm
C. quên đem theo quân lính D. quên báo cho mẹ biết
Câu 7: Hoài Văn Hầu - Trần Quốc Toản có tâm trạng như thế nào khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Than?
A. Thẫn thờ nhìn bến Bình Than B. Vô cùng ấm ức, vừa hờn vừa tủi.
C. Vui mừng, hạnh phúc. D. Buồn bã, do dự.
Câu 8: Quang cảnh, không khí ở bến Bình Than – nơi diễn ra hội nghị quan trọng như thế nào?
A. Đầy những thuyền lớn của các vương hầu về hội sư, các vị vương chức quyền cao nhất của triều đình, thuyền ngự, không khí trang nghiêm, tĩnh mịch.
B. Đầy những thuyền lớn nhỏ, cờ, hoa và biểu ngữ, không khí vui tươi, hân hoan.
C. Tấp nập người qua lại, nhộn nhịp, không khí mới lạ đầy thú vị.
D. Đầy những thuyền lớn của vua quan, không khí vui vẻ.
Câu 9: Hoài Văn có hành động gì khi không chịu được cảnh chờ đợi?
A. Liều mạng xô mấy người lính Thánh Dực ngã chúi, xăm xăm xuống bến.
B. Nhờ Trần Hưng Đạo xin.
C. Đánh lạc hướng quân lính
D. Đứng ở trên bờ kêu lớn cho mọi người nghe.
Câu 10: Câu chuyện dựa trên bối cảnh lịch sử nào?
A. Cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược.
B. Cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược.
C. Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
D. Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược.
Câu 11: Tại sao binh lính lại để cho Hoài Văn đứng ở bến Bình Than từ sáng?
A. Vì họ nể Hoài Văn là một vương hầu. B. Vì họ sợ Hoài Văn.
C. Vì họ không quan tâm đến Hoài Văn. D. Vì họ sợ vua chém đầu.
Câu 12: Thái độ của Trần Quốc Toản đối với quân Nguyên ra sao trước âm mưu xâm chiếm đất nước?
A. Vô cùng căm giận. B. Vô cùng xấu hổ.
C. Vô cùng sợ hãi. D. Vô cùng tủi nhục.
Câu 13: Chàng muốn thét to: "Xin quan gia cho đánh", nhưng lại e phạm thượng! Từ “phạm thượng” trong câu trên có nghĩa
A. phạm tội với Vua B. danh dự của một quốc gia
C. gặp nhau bàn việc quân D. lệnh của bề trên
Câu 14: Nét tính cách nào của Trần Quốc Toản được thể hiện qua suy nghĩ “Chàng muốn thét to: "Xin quan gia cho đánh", nhưng lại e phạm thượng! ” với vua?
A. Dũng cảm, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc.
B. Ham học hỏi, trọng tình nghĩa.
C. Tủi hờn của một thanh niên mới lớn.
D. Thể hiện người có sức mạnh vô cùng to lớn
Câu 15: “Mắt Hoài Văn giương to đến rách, nhìn những lá cờ bay múa trên những đoàn thuyền đẹp như gấm như hoa.” Theo em tâm trạng đó thể hiện Hoài Văn là người như thế nào?
A. quyết tâm được xuống thuyền gặp vua để trình bày ý kiến đánh giặc của mình
B. là tính cách của một thanh niên mới lớn: tự ái, hờn tủi
C. phản ứng bột phát, bất chấp phép tắc và sự can ngăn của mọi người
D. thể hiện chàng là một người có sức mạnh vô cùng to lớn.
Câu 16: Ngữ liệu trên mang lại cho em những cảm xúc gì?
A. Biết ơn, tự hào về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.
B. Biết được nhiều các nhân vật lịch sử.
C. Hiểu thêm về Hoài Văn.
D. Lo sợ Hoài Văn bị chém đầu.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |