Được biết tới như một cây bút sắc bén và chính trực của báo chí thời bình - Nguyễn Việt Chiến là một giương mặt tiêu biểu trên con đường đấu tranh và bảo vệ chân lí. Lý tưởng vì đất nước, vì nhân dân của ông như đã được ngấm đượm vào da thịt, vào từng lời thơ, con chữ. Cũng có lẽ bởi vậy, mà với ông đề tài biển đảo luôn là một trong những đề tài nổi bật để khai thác. Một trong những tác phẩm thành công nhất của ông chính là bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”.
Nguyễn Việt Chiến là một nhà thơ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước vẫn còn đang ngập trong lửa đạn, có lẽ vậy mà tình yêu nước cũng như tinh thần chiến đấu của ông luôn luôn sục sôi bùng cháy. Tinh thần đó đã theo ông trong suốt những năm tháng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Giờ đây, khi đất nước đã được sống trong hòa bình, tự do thì tinh thần ấy vẫn chưa bao giờ thôi khắc khoải. “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ được sáng tác tại Trại viết Văn nghệ Quân đội tổ chức vào tháng 4 năm 2009 ở Hạ Long. Sau nà, bài thơ còn được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Nội dung tác phẩm là những cảm xúc, những ấn tượng, sự hào hùng và bi thương xen lẫn với nhau tựa như một bản hùng ca của biển khơi gửi gắm về Tổ quốc.
Ngay từ những dòng thơ đầu tiên, chúng ta đã được nghe kể lại về bề dày lịch sử hào hùng ngàn năm của đất và nước Việt Nam. Từ những câu truyện thần thoại từ thuở khai thiên lập địa, cho tới những ngày tháng gian truân của quân dân Việt Nam khi chiến đấu đòi lại tự do hạnh phúc. Dù cho khi nào và ở đâu đi chăng nữa, đất và nước đều gắn liền với con người Việt Nam, gắn liền với dân tộc Việt Nam. Anh em chúng ta từ miền núi đến biển khơi đều nối tay nhau, gắn liền thành một khối đại đoàn kết. Ngày nào đất Trường Sơn còn rỉ máu thì sóng Trường Sa vẫn chẳng thể yên lòng. Hàng ngàn năm qua, biết bao nhiêu kẻ thù hiểm ác vẫn luôn lăm le xâm lược đất nước, chúng vẫn thèm muốn “ngã ba hàng hải” với vị trí đắc địa ấy biết bao. Nhưng trước khi chúng đặt chân được đến đất chúng ta thì đã bị những cơn sóng cuồn cuộn đánh tan. Biết bao trận chiến nổi tiếng diễn ra mà sử vàng mãi ghi danh như trận đại chiến trên sông Bạch Đằng từ bao năm. Tác giả dường như còn vô cùng xót xa cho những vùng đất phía xa Tổ quốc: “Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù/ Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ/ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u”.
Nhưng dù cho khó khăn, vất vả là vậy, những người dân và người lính nơi đây vẫn không nhụt đi ý chí chiến đấu của mình. Dù cho họ có đổ máu, có phải gục xuống nơi đây, họ vẫn kiên cường trụ vững để bảo vệ đất, bảo vệ nước và để bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình. Những hy sinh của họ sẽ là bước tiến để mọi người tiếp bước về tương lai, hướng về phía trước. Đó cũng chính là những bước đệm đầu tiên để con thuyền mai đây ngày càng lớn mạnh, ngày càng phát triển và vươn ra biển lớn như mong ước của Bác năm nào. Xuất thân tuy không phải là lính đảo, thế nhưng qua những hiểu biết của mình, Nguyễn Việt Chiến vẫn cảm nhận được rõ rệt những tâm tư tình của chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ vùng biển của Tổ quốc. Chính bảo vì cũng là một chiến sĩ, đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trận nên tác giả thấu hiểu rằng, đã là người con nước Việt thì sẽ “không bao giờ chịu khuất”. Tinh thần ấy vẫn sẽ sống mãi cùng với hồn dân, hồn nước Việt Nam. Dù có trải qua hàng năm đi chăng nữa, lời dặn dò về việc giữ gìn nguyên vẹn chủ quyền lãnh thổ vẫn còn vẹn nguyên như ngày đầu.
Xuyên suốt cả bài thơ, tác giả Nguyễn Việt Chiến đã liên tục nhắc lại cụm từ “nếu như”. Những giả thuyết tưởng chừng như là huyền ảo lại vô cùng chân thật, vừa đan xen quá khứ lại vừa nói về tương lai. Có thể nói rằng, chính những chiến công hiển hách tưởng chừng như “huyền ảo” đã góp phần tạo nên đất nước, tạo nên bề dày lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Thông qua bài thơ, tác giả Nguyễn Việt Chiến như cũng gửi gắm những hi vọng, mong ước về tương lai mai đây của đất nước. Qua những lời thơ của mình, ông như càng khẳng định thêm tinh thần quật cường kiên trung sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam sẽ luôn tiếp bước truyền thống của ông cha, quyết giữ trọn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước.
Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” tựa như một vì sao sáng đang tỏa sáng lấp lánh trên nền trời văn học Việt Nam. Tình yêu quê hương sâu sắc và tình cảm dành cho vùng biển đảo quê hương đã khiến cho bài thơ trở thành một tác phẩm nổi bật mỗi khi nhắc về biển đảo quê hương.