Đề 1: Học qua loa, đối phó là cách học chuộng hình thức như lời nói của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong văn bản Bàn về phép học. Học qua loa là cách học có các biểu hiện học không có đầu có đuôi, không đến nơi đến chốn, cái gì cũng biết một tí nhưng không có kiến thức cơ bản, hệ thống sâu sắc. Học cốt là để khoe mẽ có bằng nọ bằng kia, nhưng thực ra đầu óc trống rỗng, chỉ quen “ nghe lỏm, học mót, nói dựa, ăn theo ” người khác, không dám bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề có liên quan đến học thuật. Học qua loa ngược lại với cách học tìm hiểu sâu, kĩ càng từ đầu đến cuối từ hiện tượng tới bản chất ẩn sâu bên trong của nó. Học qua loa là vậy, còn học đối phó là cách học chỉ cốt để thầy cô không quở trách, cha mẹ không rầy la, chỉ lo giải quyết việc trước mắt như thi cử, kiểm tra không bị điểm kém. Học đối phó là cách học chỉ dùng để đưa ra khi cần mà không phải mục đích của việc học là lấy kiến thức. Học đối phó thì kiến thức nông cạn, hời hợt. Nếu cứ lặp đi lặp lại kiểu học này thì người học ngày càng trở nên dốt nát, trí trá, hư hỏng, vừa lừa dối người khác, vừa tự huyễn hoặc mình. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng “ tiến sĩ giấy” đang bị xã hội lên án gay gắt. Trước hết, đối với bản thân cách học qua loa, đối phó không hề mang lại cho bản thân người học bất cứ tri thức nào. Vì với cách học này, các em sẽ không hiểu bài, không hiểu được bản chất của vấn đề, vì vậy, các em không thể nắm được những kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, những kẻ học đối phó sẽ không có hứng thú trong học tập và do đó hiệu quả học tập ngày càng thấp. Đây là một hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì nếu như một người đã đánh mất hứng thú học tập, thì việc học đối với họ đã trở nên quá nhàm chán. Như vậy, họ sẽ không thu được một kết quả tốt đẹp gì. Cách học này sẽ khiến đầu óc con người ù lì, chai nạn, không hình thành được thói quen tìm hiểu và suy nghĩ vấn đề. Nó sẽ giết chết óc khám phá, sự sáng tạo vô cùng to lớn của con người. Vì thế, cách học này vô cùng nguy hiểm đối với bản thân của mọi người.