Người Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, coi đạo Hiếu là đạo lý cơ bản của con người, là gốc của nhân cách và là nền tảng của đạo đức xã hội. Văn học Việt Nam viết về hiếu nghĩa là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trong văn học dân gian còn lưu lại những điển tích về đạo hiếu của người Việt. Câu chuyện “Sự tích bánh chưng bánh dầy” đã nói về Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, là người con hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời. Do vậy mà được vua Hùng trao truyền ngôi vua. Trong khi đó, những người con khác dâng lên vua cha tiền bạc, vàng ngọc châu báu, của ngon vật lạ của đều bị đức vua từ chối. Câu chuyện đã lưu truyền từ đời này sang đời khác và bánh chưng, bánh dầy đã trở thành một sản phẩm cổ truyền thường được dâng cúng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên Đán và các lễ hội hàng năm.
Kho tàng ca dao Việt Nam với những lời lẽ mộc mạc, dễ hiểu đã đề cao được công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ to lớn như trời biển không gì sánh nổi:
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
“Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân”
Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc vào thế kỷ thứ mười lăm, là một nhà quân sự thiên tài, nhà chính trị lỗi lạc, một nhà văn hóa vĩ đại của dân tộc. Trong tác phẩm “Gia huấn ca”, ông đã đề cao đạo đức, luân lý trong mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội. Đạo Hiếu được nhấn mạnh rất rõ:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh dành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”
Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”
Bên lũy tre làng, còn vẳng đâu đây những lời ru ngọt ngào của mẹ đã dạy dỗ các con từ thuở còn thơ ấu:
“Ru hời, ru hỡi, ru hời
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.”
Cho dù có vất vả chăm sóc cho cha mẹ già, trong thâm tâm người con ngoài việc muốn tỏ lòng biết ơn, lòng hiếu thảo với cha mẹ nhưng còn muốn giáo dục đạo Hiếu cho con cái của mình:
Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiểu làm gì uổng công! Văn học Việt Nam về chủ đề đạo Hiếu thật nhiều lời hay, ý đẹp, ngọt ngào mà có ý nghĩa giáo dục sâu sắc với nhiều cung bậc, nhiều tiết tấu, bao la bát ngát tình đời, tình người. Ca dao có câu: “Dù ai buôn bán đâu đâu, cứ rằm tháng Bảy mưa ngâu thì về”. Rằm tháng bảy là ngày “Xá tội vong nhân”, người dân Việt Nam thường phát tâm làm lành, dâng lễ ở chùa và nhà cầu nguyện cho những người đã khuất trong gia đình. Tháng bảy âm lịch, mùa báo hiếu là dịp chúng ta nhắc nhở nhau nguồn cội sự sống, đạo lý sống và suy ngẫm về thuyết nhân quả để sống cho tròn chữ Hiếu, hợp với lòng Trời và lòng Người, xã hội an vui hạnh phúc. Đây là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.