Trong chiến công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có phần đóng góp không nhỏ của Thanh niên xung phong - một lực lượng tự nguyện, trực tiếp được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Hoạt động của thanh niên xung phong rất phong phú, hiệu quả, từ trực tiếp chiến đấu đến phục vụ chiến đấu ở các địa phương trên miền Bắc, trong đó chủ yếu là ở các trọng điểm địch đánh phá ác liệt trên địa bàn Quân khu 4 và tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Mở đường, bảo vệ và sửa chữa cầu đường
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về chi viện chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định mở đường, bảo vệ đường là vấn đề có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện nhiệm vụ vận chuyển người và hàng. Vì vậy, việc hình thành, phát triển tuyến chi viện chiến lược gắn với quá trình mở đường liên tục của lực lượng thanh niên xung phong là nhiệm vụ quan trọng. Trong quá trình giữ vững những con đường chiến lược, thanh niên xung phong luôn phải đối phó với hai trở lực chủ yếu là sự ngăn chặn quyết liệt của địch, nhiều khi mang tính hủy diệt của không quân Mỹ và mưa lũ hằng năm phá hoại nghiêm trọng các tuyến đường đã xây dựng.
Để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, trong điều kiện địch đánh phá, ngăn chặn, việc xây dựng mạng đường thành hệ thống liên hoàn ngày càng vươn sâu, vươn xa vào chiến trường miền Nam và các nước bạn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Trong điều kiện ấy, thanh niên xung phong vừa phải mở đường, vừa chiến đấu bảo vệ đường và bảo vệ lực lượng. Khi địch tăng cường chiến tranh ngăn chặn, việc mở đường đã khó, nhưng việc giữ đường, bảo đảm giao thông thông suốt còn khó hơn. Đối với tuyến vận tải 559, do điều kiện địa lý tự nhiên, các trục giao thông phải cắt ngang dải Trường Sơn, từ phía Đông sang phía Tây. Các đoàn vận tải cơ giới phải tổ chức hành quân qua các vùng đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.
Đặc biệt, trên các trục vượt khẩu, địch tập trung oanh tạc hủy diệt vào những địa hình hiểm yếu, như các cửa khẩu, các bến vượt, những đoạn đường đèo, đường độc đạo. Ở đó, địch không chỉ đánh phá ban ngày mà cả ban đêm, với các thủ đoạn đánh nhồi, đánh bồi, đánh hỗn hợp các loại bom, mìn, cản trở ta khắc phục hậu quả. Thanh niên xung phong đối phó với địch bằng nhiều biện pháp sáng tạo, như mở đường vòng, đường tránh, ngụy trang nghi binh, đào công sự, hầm trú ẩn để người và xe qua trọng điểm an toàn.
Trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra quyết liệt trên cả hai miền Nam - Bắc, công tác mở đường cơ bản được đẩy nhanh với tốc độ thần kỳ qua các địa hình phức tạp, đường mở tới đâu, đưa vào sử dụng tới đó. Riêng năm 1971, thanh niên xung phong tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ chiến dịch vận tải VT5 do Bộ Giao thông vận tải phát động. Trong những ngày diễn ra chiến dịch, hàng vạn thanh niên xung phong khẩn trương lao động, không kể đêm, ngày, tranh thủ thời gian sửa chữa cầu đường, nâng cấp chất lượng đường, tăng trọng tải… Trên khắp các tuyến đường 7, 12, 15a, 15b, 21, 22 đều có lực lượng thanh niên xung phong gấp rút sửa chữa, nâng cấp với tốc độ khẩn trương. Riêng Đường số 10, thanh niên xung phong nhận nhiệm vụ nâng cấp nhựa hóa mặt đường và bê-tông hóa cầu, cống trong thời gian ngắn nhất để phục vụ kịp thời chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Từ năm 1972 đến hết năm 1974, nhiệm vụ vận chuyển diễn ra liên tục. Vì vậy, việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp mặt đường luôn được đặt ra song song với việc mở mới. Để có thể bảo đảm được chất lượng đường phục vụ cuộc kháng chiến, hơn 10 vạn thanh niên xung phong miền Bắc đã có mặt trên các tuyến đường huyết mạch. Thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, chịu đựng gian lao, vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để bám tuyến đường, cầu, làm nhiệm vụ chiến đấu, mở đường, phá bom, đào hầm trú ẩn, bảo đảm cho người và xe qua lại an toàn.
Trong suốt cuộc kháng chiến, thanh niên xung phong đã phối hợp với các lực lượng bảo đảm khác xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng 67.700km đường dã chiến các loại; 6.800km đường trục dọc Bắc - Nam; 5.000km đường trục ngang; hàng trăm đường vòng, đường tránh, qua sông, qua suối, qua cầu, qua trọng điểm.
Có thể nói, đường vận tải từ Bắc vào Nam giống như mạng nhện chằng chịt, đan xen nhau. Địch đánh hỏng đường này ta lại đi đường khác, địch đánh hỏng điểm này ta đi điểm kia, thậm chí địch đánh hỏng nhiều điểm một lúc cũng không thể cắt đứt cả tuyến vận tải Bắc - Nam của chúng ta. Bởi vậy, các tuyến đường không ngừng được mở rộng, vươn dài từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam