Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông là cây bút uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề nhằm tìm ra những nghĩa xác đáng nhất. Người lái đò sông Đà là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám. Trong bài tùy bút này, Nguyễn Tuân ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên con người Tây Bắc. Đến với “Người lái đò sông Đà”, người đọc sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp khác nhau của hình tượng sông Đà.
Sông đà là một hình ảnh trung tâm của tác phẩm được tác giả xây dựng rất thành công. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân sông Đà không chỉ tiêu biểu cho thiên nhiên Tây Bắc mà còn trở thành một sinh thể có tâm hồn có tính cách. Đó là một dòng sông rất hung bạo dữ dội và thơ mộng trữ tình. Không để cho người đọc phải chờ đợi lâu, ngay trong lời đề từ của tác phẩm Nguyễn Tuân đã tạo dấu ấn trong lòng người đọc về sự lạ thường của con sông đà. Nhà văn đã mượn câu thơ của Nguyễn Quang Bích để giới thiệu:
“Chúng thủy giai đông tẩu
Đà giang độc bắc lưu”
Việc sử dụng những câu thơ chữ Hán đã tăng thêm tính trang trọng, cổ kính cho hình tượng sông Đà. Từ “độc” trong lời thơ được sử dụng vô cùng hiệu quả thể hiện sự độc nhất, không lặp lại, sự khác biệt khác thường của sông Đà. Sau lời đề từ, Nguyễn Tuân đã tỉ mỉ liệt kê tên của 73 con thác của sông Đà, nhưng sự hùng vĩ của nó không chỉ có thác mà còn ở vách đá. Bờ sông Đà không trôi giữa hai bờ cát trắng phẳng lì thơ mộng trữ tình như Sông Đuống của Hoàng Cầm mà chảy sữa hai vách đá dựng đứng hun hút. Từ điểm nhìn bao quát, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc hình dung về sự hiểm trở của sông Đà. Cảnh quan bờ sông “dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy đứng ngọ mới thấy mặt trời”. Những từ ngữ chính xác và chi tiết cụ thể đã giúp người đọc hình dung về sự hiểm trở của vách đá đó.
Không chỉ vậy, bằng cách sử dụng nghệ thuật so sánh tài tình “cách đá thành chét lòng sông Đà như một cái yết hầu”, cùng sự liên tưởng độc đáo vừa chính xác kinh tế vừa bất ngờ lạ lùng “ngồi trong quãng đó…” lấy phố phường để ví von với sông nước, hai sự vật vốn không có điểm tương đồng nay lại có thể dùng để liên tưởng với nhau. Cách liên tưởng ấy đã truyền cho người đọc một cảm giác ớn lạnh rùng mình rất chân thực, có thể làm kinh động hồn trí người đọc khi nghĩ đến quãng sông ấy.
Con sông Đà không chỉ có những vách đá dựng đứng mà ở quãng Hát Loong còn: “dài hàng dài cây số nước và đá, nước xô đá, đá xô sóng, sóng lại xô gió” như một vòng tuần hoàn. Nguyễn Tuân tập trung miêu tả cảnh mặt ghềnh Hát Loóng để khắc họa sự hung bạo ở diện mạo của con sông. Tác giả nhắc đến địa danh Hát Loóng nhằm gợi sự xa xôi hoang sơ nguy hiểm. Thêm vào đó sự kết hợp nghệ thuật liệt kê “nước, đá, sóng, gió” cùng điệp từ “xô” đã gợi ra những hoạt động liên tiếp nối nhau cùng va đập, xô đẩy, gào thét tạo âm thanh kinh hãi vang động kéo dài cả hàng cây số. Từ láy “cuồn cuộn” cùng thủ pháp so sánh, nhân hóa “như đòi nợ xuýt”, “gùn ghè” vừa nhấn mạnh dòng chảy cuộn xiết, dữ dội cùng tiếng gió rít rùng rợn, quăng quật, gào rú thách thức con người vừa hé mở hành động tâm địa nham hiểm độc ác của con sông. Từ đó nhà văn làm nổi bật sự hung hãn lì lợm cuồng bạo của Đà Giang ngày đêm hăm dọa uy hiếp con người.
Đến quãng Tà Mường, ta lại bắt gặp “trên sông có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu…”. Từ “bỗng” gợi cảm giác bất ngờ, hoang mang trước sự xuất hiện đột ngột của hút nước. Nghệ thuật so sánh “như cái giếng bê tông” đã vẽ ra hình dáng to lớn, đen ngòm, sâu hoắm, tối tăm, hình dung như miệng của con thủy quái khổng lồ đang chực nuốt mọi thứ đi qua nó. Tất cả đã cụ thể tiếng kêu ghê sợ, rùng rợn, hoang dã, đủ thấy sự bạo liệt hiểm độc của xoáy nước Đà Giang. Không chỉ vậy, nhà văn còn tô đậm sức mạnh khủng khiếp ghê gớm của hút nước sông Đà “những bè gỗ lớn nghênh ngang bị lôi tuột xuống đáy, rồi bị hút xuống khiến nó trồng cây chuối ngược vụt biến đi và tan xác ở khuỷnh sông dưới”, nó gây nguy hiểm cho tất cả thuyền bè đi qua quãng ấy. Như vậy Nguyễn Tuân đã khắc sâu sự dữ dội nguy hiểm cũng như cảm giác rùng mình nghẹt thở hãi hùng trước sức mạnh của những xoáy nước trên sông.
Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh vách đá dựng đứng, những cái hút nước sâu hút hay hơi thở ừng ực của dòng nước cuồn cuộn, con sông Đà còn phối hợp hài hòa với âm thanh réo rắt của những thác nước. Tưởng chừng như tác giả là một nhạc trưởng đang chìm đắm điều khiển dàn nhạc giao hưởng hùng tráng của sông Đà với bài ca của sóng hòa với gió xô nước lên những vách đá. “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới, nhưng đã thấy tiếng nước réo gần... cùng gầm thét với đàn trâu ra cháy bùng bùng”. Như thế sông Đà phô trương thanh thế hù dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Khi giáp mặt, âm thanh gào thét rùng rợn của thác nước lại khiến con người choáng váng. Bằng những liên tưởng độc đáo. nhà văn đem đến ấn tượng mạnh mẽ về một sông Đà hung bạo khủng khiếp nhằm uy hiếp đến mức mất tinh thần hồn siêu phách lạc với những người lái đò non kinh nghiệm yếu tay lái.
Con sông Đà hiện lên dữ dằn, hung bạo, tàn ác không khác gì “kẻ thù số một của con người”. Nhưng cũng chính từ hình ảnh con sông ấy lại là kẻ tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân- ngòi bút số một về thể loại tùy bút Việt Nam. Nhưng con sông Đà hiện lên không chỉ trông hung bạo, dữ tợn như vậy mà đôi khi nó cũng có vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng trữ tình. Dòng sông Đà không chỉ có những “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế manh trên sông đá” mà nó còn là bức tranh thủy mặc vương vấn lòng người.
Với góc nhìn từ trên tàu bay nhìn xuống “Mùa nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt … ”. Tác giả sử dụng từ láy “ngoằn ngoèo” kết hợp với phép so sánh “như cái dây thừng” gợi đường nét uốn lượn quanh co gấp khúc khi sông Đà chảy giữa núi đồi Tây Bắc. Cách so sánh liên tưởng giản dị khiến sông Đà thật gần gũi, trong phút chốc người đọc quên đi ấn tượng về một dòng sông hung hãn nguy hiểm, luôn tìm cách để mưu hại con người. Từ trên cao nhìn xuống sông Đà xinh đẹp như một người con gái kiều diễm với hình ảnh “thuôn dài thuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Bằng sự quan sát đầy tinh tế, Nguyễn Tuân nhận ra mùa xuân nước sông có “màu xanh ngọc bích”, đến mùa thu nước sông Đà: “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu”, với cái nhìn đầy mê đắm Nguyễn Tuân nhận ra vẻ đẹp bí ẩn sống động ở diện mạo khiến sông đà như cô gái đẹp nhưng đỏng đảnh thất thường đầy cá tính.
Từ trong rừng nhìn ra, con sông đà gợi cảm như một cố nhân : “bờ sông Đà, bãi sông Đà, …, nó đằm đằm, ấm áp như gặp lại cố nhân”. Bằng thị giác nhà văn đã phát hiện vẻ đẹp quyến rũ cuốn hút riêng mà thiên nhiên sông Đà mang lại. Từ “cố nhân” khắc sâu bề dày kỷ niệm với sông Đà cũng như tình cảm gắn bó sâu nặng của Nguyễn Tuân dành cho dòng sông này. Với tác giả, vẻ đẹp gợi cảm của Sông Đà được khắc sâu qua chính cảm xúc của ông trong ngày tái ngộ. Bằng sự gợi cảm của mình, sông đà đã thực sự trở thành một cố nhân, một tình nhân dẫu trái tính vẫn hấp dẫn mê hoặc lòng người.
Cuối cùng Nguyễn Tuân tập trung miêu tả vẻ đẹp hoang sơ trù phú của đôi bờ khi ông đi thuyền trên sông Đà: “Cảnh ven sông ở đây lặng từ… Và con sông như đang trôi những con đò đuôi én thắp mình dây cổ điển”. Thi vị nhất là không gian tĩnh lặng trên dòng sông Đà, tác giả liên tưởng đến dòng sông chảy xa xăm trong lịch sử “đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”, vừa làm nổi bật sự cổ kính tĩnh lặng của không gian vừa gợi cái thăm thẳm xa xăm của thời gian. Không chỉ vậy, cảnh bờ sông tiếp tục được miêu tả qua những so sánh độc đáo “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử…”, sự liên tưởng mới lạ của ông đã tô đậm vẻ đẹp cổ kính hoang sơ mà vẫn trong trẻo êm đềm tĩnh lặng của dòng sông đã có từ rất xa xưa. Ẩn sau vẻ đẹp bình yên tĩnh mịch sông Đà còn mang vẻ đẹp hữu hình trù phú, được nhà văn phát hiện qua các hình ảnh “cỏ danh đang ra những nõn mút, búp cỏ danh đẫm sương đêm, mấy lá ngô non đầu mùa, áng cỏ sương”. Tất cả đã làm nổi bật khung cảnh yên bình thơ mộng sự sống tràn trề đã tạo nên diện mạo mới cho sông Đà nơi hạ lưu. Trong cảm nhận của Nguyễn Tuân sông Đà còn rất nặng tình nặng nghĩa.
Vẻ đẹp của sông Đà được khắc họa thành công bởi tác giả đã vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, sử dụng ngôn ngữ có giá trị tạo hình cao, dùng nhiều câu liên tưởng độc đáo bất ngờ, câu văn đa dạng giàu nhịp điệu. Qua góc nhìn tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà vô tri vô giác đã trở thành người tình nhân chưa quen biết đang chia tay với thượng nguồn để về với mảnh đất mới con người mới. Qua đó ông bày tỏ niềm ngưỡng mộ tự hào cũng như tình yêu tha thiết quê hương đất nước.
Với phong cách nghệ thuật tài hoa uyên bác của mình Nguyễn Tuân đã làm nổi bật vẻ đẹp hung bạo, hùng vĩ và thơ mộng trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc. Từ đó khơi dậy trong mỗi chúng ta tình yêu và niềm tự hào về thiên nhiên đất nước trong công cuộc xây dựng tổ quốc.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |