Em hãy tìm kiếm số liệu về thực trạng vấn đề biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính ở nước ta trong những năm gần đây và làm rõ tác động của những biến đổi đó đối với sự phát triển kinh tế.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
a) Thực trạng vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam
♦ Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ rệt, có tác động trực tiếp đến các yếu tố của khí hậu, trước hết là nhiệt độ, mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước ta:
- Gia tăng nhiệt độ: Trong nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu đã làm cho nhiệt độ của Trái Đất, trong đó có Việt Nam liên tục tăng. Trong giai đoạn 1958 - 2018, nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng lên 0,89 °C.
- Biến động về mưa:
+ Lượng mưa thay đổi mạnh nhưng rất khác nhau theo thời gian, không gian và cường độ. Trên phạm vi cả nước, tổng lượng mưa năm tăng khoảng 2,1 % trong giai đoạn 1958 - 2018, nhưng giảm đi ở miền khí hậu phía bắc và tăng lên ở miền khí hậu phía nam.
+ Số ngày mưa lớn cũng tăng lên ở Bắc Bộ, Trung Bộ nhưng giảm đi ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
+ Mưa lớn xảy ra bất thường hơn về thời gian, địa điểm và cường độ.
- Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan:
+ Nhiệt độ tối cao và số ngày nắng nóng tăng lên trên phạm vi cả nước; số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng giảm ở miền khí hậu phía bắc.
+ Tình trạng hạn hán có xu hướng tăng ở miền khí hậu phía bắc, giảm đi ở miền khí hậu phía nam.
+ Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới tăng lên, những cơn bão mạnh tăng và thất thường về cường độ, thời gian hoạt động. Hiện tượng lũ lụt, sạt lở đất, mưa đá,... cũng tăng lên rõ rệt.
+ Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng các đợt rét đậm, rét hại có nhiệt độ thấp kỉ lục có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở vùng đồi núi phía bắc...
♦ Thuỷ văn nước ta phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ và lượng mưa. Do đó, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, gia tăng thiên tai và nước biển dâng.
- Thay đổi chế độ dòng chảy:
+ Biến động của lượng mưa kéo theo sự thay đổi mạnh và thất thường của chế độ dòng chảy sông ngòi nước ta: mùa lũ, mực nước sông dâng cao, lũ thường lên nhanh và bất thường nên rất khó dự báo để phòng tránh; mùa cạn, dòng chảy sông ngòi giảm mạnh, mực nước sông hạ thấp.
+ Chế độ dòng chảy có sự chênh lệch lớn giữa các mùa và giữa các hệ thống sông.
- Gia tăng lũ lụt, sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn: Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng lũ lụt, sạt lở bờ sông trong mùa lũ; hạn hán kéo dài ở nhiều vùng trên cả nước và nhiễm mặn ở các đồng bằng ven biển trong mùa cạn.
- Nước biển dâng: Biến đổi khí hậu làm mực nước biển, đại dương tăng lên. Tính trung bình, mực nước tại các trạm hải văn ven biển có xu thế tăng 2,74 mm/năm.
b) Tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế
♦ Tác động đến ngành nông nghiệp và thuỷ sản
- Đối với ngành nông nghiệp: Hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như: đất đai, nguồn nước, khí hậu, chế độ thủy văn, nhiệt độ, độ ẩm… nên sẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam
+ Thứ nhất, tình trạng ngập lụt do nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Ngập lụt sẽ làm mất đất canh tác ở hai khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng vì khoảng 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 30% diện tích đồng bằng sông Hồng có độ cao dưới 2,5 m so với mực nước biển. Hiện tại, diện tích đất gieo trồng của Việt Nam là khoảng 9,4 triệu ha (trong đó có 4 triệu ha đất trồng lúa). Tính trên phạm vi cả nước, Việt Nam sẽ bị mất đi khoảng hơn 2 triệu ha đất trồng lúa (khoảng 50%) nếu mực nước biển dâng thêm 1m.
+ Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp.
+ Thứ ba, nhiệt độ tăng, hạn hán (và thiếu nước tưới) sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất, cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ. Ước tính rằng, năng suất lúa xuân ở vùng đồng bằng sông Hồng có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
=> Mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng suy giảm sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đến đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như Việt Nam: nông nghiệp chiếm 52,6% lực lượng lao động và 20% GDP của cả nước. Dự báo đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 1m, vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị mất đi khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,5% sản lượng lúa của cả vùng. Do đó, Việt Nam sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 vì mất đi khoảng 21,39% sản lượng lúa (mới tính riêng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long). Trong một tương lai gần hơn, dự báo đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 120 triệu người. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng thì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho 120 triệu người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
- Đối với ngành thuỷ sản
+ Việt Nam hiện có khoảng 480.000 người trực tiếp tham gia vào đánh bắt; 100.000 người làm việc ở ngành chế biến thủy sản và khoảng 2.140.000 người tham gia vào các dịch vụ nghề cá. Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, nên là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
+ Nhìn chung, biến đổi khí hậu có xu hướng làm thay đổi môi trường sống của các loài thuỷ sản, dẫn đến thay đổi trữ lượng các loài thuỷ hải sản do di cư hoặc do chất lượng môi trường sống bị suy giảm; từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt, sản lượng đánh bắt và sản lượng nuôi trồng. Kết quả khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2011 cho thấy, các địa phương được khảo sát đều có tỷ lệ lao động đang làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản khá cao, dao động từ trên 50% đến 90% lực lượng lao động. Do hạn chế về vốn đầu tư và kiến thức/kỹ thuật nên hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân hầu như phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, thời tiết,… Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây do ảnh hưởng của nước biển dâng, khô hạn, xâm nhập mặn, mưa lũ trái mùa, thay đổi môi trường nước. Thiệt hại về sản lượng nuôi trồng thủy sản ở một số tỉnh, ví dụ như Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau,… đã tăng tới 30-40%/năm.
♦ Tác động đến ngành công nghiệp
Các ngành công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu:
- Nước biển dâng khoảng 1m vào cuối thế kỷ 21 sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp bị ngập, thấp nhất là trên 10% diện tích, cao nhất là khoảng 67% diện tích.
- Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may mặc sẽ bị suy giảm đáng kể vì không được tiếp ứng từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn bị ngập lụt nặng nề nhất ở Việt Nam. Điều này càng gây sức ép đến việc chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp về loại hình công nghiệp, tỷ lệ công nghiệp chế biến, công nghệ cao.
- Nhiệt độ tăng làm tăng tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp: tăng chi phí thông gió, làm mát hầm lò khai thác và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện. Tiêu thụ điện cho sinh hoạt gia tăng và chi phí làm mát trong các ngành công nghiệp thương mại cũng gia tăng đáng kể khi nhiệt độ có xu hướng ngày càng tăng.
- Mưa bão thất thường và nước biển dâng sẽ tác động tiêu cực đến quá trình vận hành, khai thác hệ thống truyền tải và phân phối điện, dàn khoan, đường ống dẫn dầu và khí vào đất liền, cấp dầu vào tàu chuyên chở dầu; làm gia tăng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa các công trình năng lượng; ảnh hưởng tới việc cung cấp, tiêu thụ năng lượng, an ninh năng lượng quốc gia.
♦ Tác động tới hạ tầng kỹ thuật
- Hệ thống đê biển: mực nước biển dâng cao có thể làm hệ thống đê biển không thể chống chọi được nước biển dâng khi có bão, dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn.- Hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao: mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông trong nội địa dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng lên, ảnh hưởng đến sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía Bắc, đê bao và bờ bao tại các tỉnh phía Nam.
- Các công trình cấp nước: Mực nước biển dâng làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền, làm cho các tầng nước dưới đất vùng ven biển cũng có nguy cơ bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất.
- Cơ sở hạ tầng đô thị: Nước biển dâng và triều cường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng các khu đô thị ven biển, gây ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt và các hoạt động sản xuất.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |