Em hãy viết bài giới thiệu về một thành tựu trong hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương em.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
(*) Tham khảo: Những thành tựu kinh tế đối ngoại của Hà Nội
Đối ngoại Hà Nội không chỉ là đối ngoại với tư cách địa phương mà còn đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại chung của cả nước. Vì vậy, kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế của Hà Nội mang tính đặc thù riêng biệt. Hà Nội hiện có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kinh tế đối ngoại Hà Nội ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng, thu được nhiều thành tựu to lớn, đã và đang từng bước khẳng định là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô cũng như của cả nước.
Trên cơ sở tư duy kinh tế đổi mới, đặc biệt sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm kiếm cơ hội và kinh doanh tại Hà Nội. Năm 1989, Hà Nội thu hút được 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng kinh phí đầu tư đăng ký là 48 triệu USD (4). Đây là những dự án FDI đầu tiên được cấp phép trên địa bàn Hà Nội. Trong ba năm tiếp theo (1990 - 1992), Hà Nội thu hút 47 dự án với tổng số vốn FDI là 722 triệu USD, tăng gần 12 lần về số lượng dự án và 15 lần về số vốn đầu tư so với năm 1989. Mặc dù khởi đầu khiêm tốn nhưng những dự án FDI đầu tiên vào Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, hình thành một kênh huy động vốn mới cho kinh tế Thủ đô. Từ năm 1986 đến năm 2021, tổng hợp báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, số lượng dự án FDI của Hà Nội ngày càng tăng nhanh, với sự xuất hiện của nhiều dự án có quy mô lớn. Cụ thể trong vòng 10 năm, từ năm 2000 đến năm 2009, số lượng dự án FDI vào Hà Nội đã tăng lên 7 lần, từ 41 dự án lên 275 dự án/năm. Từ năm 2010 đến năm 2019, vốn FDI vào Hà Nội duy trì được tốc độ tăng trưởng, cả về số lượng dự án đăng ký mới lẫn số vốn đăng ký và số vốn thực hiện hằng năm. Đến nay, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, song Hà Nội vẫn là một trong những địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố có hơn 6.300 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký hơn 46,8 tỷ USD.
Một bộ phận khác của kinh tế đối ngoại là viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Hà Nội cũng không ngừng tăng cả về số lượng và quy mô. Từ năm 1993, Hà Nội nhận được sự hợp tác tài trợ của các tổ chức quốc tế, của nhân dân và chính phủ các nước đang phát triển. Hầu hết các dự án ODA có quy mô lớn được đầu tư cho kết cấu hạ tầng, như hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp và thoát nước…, góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn ODA cho thành phố Hà Nội với quy mô lớn nhất với tổng số tiền cam kết khoảng 2,6 tỷ USD, chiếm 56,4% tổng vốn ODA.
Cùng với thu hút vốn đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội cũng thu được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động xuất nhập khẩu từ chỗ chỉ gói gọn trong thị trường các nước xã hội chủ nghĩa với sự độc quyền của nhà nước đã vươn sang các thị trường khác; sản phẩm xuất khẩu ngày càng có chất lượng, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng; thành phần tham gia xuất khẩu đa dạng. Kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Hà Nội giai đoạn 2008 - 2012 đạt bình quân 8.390 triệu USD/năm, tăng trưởng bình quân 15,25%/năm. Từ năm 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt trung bình 11,52%/năm. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động xuất - nhập khẩu của thành phố Hà Nội trong nửa đầu năm 2022 đạt kết quả tích cực. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 48%; khu vực có FDI đạt 5,2 tỷ USD, tăng 21,6%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 4.349 triệu USD, tăng 14,9%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.921 triệu USD, tăng 37,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.709 triệu USD, tăng 8,2%; sắt thép đạt 1.433 triệu USD, tăng 63,8%; chất dẻo đạt 1.028 triệu USD, tăng 23,7%; sản phẩm hóa chất đạt 903 triệu USD, tăng 44,7%; hàng hóa khác đạt 8.763 triệu USD, tăng 48,7% (5). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 11,1 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,5%; khu vực có FDI đạt 5 tỷ USD, tăng 34,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong 8 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ, như: Hàng dệt, may đạt 1.701 triệu USD, tăng 47,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.471 triệu USD, tăng 42,9%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1.312 triệu USD, tăng 14,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 968 triệu USD, tăng 5,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 592 triệu USD, tăng 45,9%; hàng nông sản đạt 542 triệu USD, tăng 24%; hàng hóa khác đạt 2.884 triệu USD, tăng 32,2%. Riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 88 triệu USD, giảm 57% (6).
Với gần 6.000 di tích, hơn 1.350 làng nghề, Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Cùng với đó, vùng ngoại thành với nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, phù hợp để Hà Nội phát triển loại hình du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp... Trong những năm đầu thực hiện đổi mới, ngành du lịch Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn. Song, với sự tích cực, chủ động của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, du lịch Hà Nội từng bước vươn lên trở thành một trong những thế mạnh, không chỉ đóng góp nguồn lợi đáng kể vào ngân sách Thủ đô mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hà Nội hiện là thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO)… Số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng đều hằng năm. Từ năm 1990 - 2000 tăng khoảng 20% - 30%/năm, chiếm 30% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trong giai đoạn 2000 - 2010 bình quân tăng 11,8%/năm. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.000 phòng, trong đó có 591 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 24.415 phòng, chiếm 15,9% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.
Năm 2009, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Từ đó, Hà Nội trở thành một trong những trung tâm kết nối giá trị toàn cầu, nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Quan hệ giữa Thủ đô với các nước láng giềng, khu vực và trên thế giới ngày càng được củng cố và mở rộng. Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế.
Qua hơn 35 năm thực hiện chủ trương đổi mới, kinh tế đối ngoại Hà Nội đã tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế đối ngoại Hà Nội góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô cũng như của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bền vững, kinh tế đối ngoại Hà Nội hứa hẹn sẽ đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong những giai đoạn tiếp theo./.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |