Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nghị luận về đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
666
1
0
doan man
10/04/2019 21:55:55
Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu nhưng những câu chuyện, tàn dư vẫn còn kéo dài mãi đến tận hôm nay. Những bài học lịch sử. những giai thoại văn học vẫn nhuốm đầy mùi đau thương. Tôi chợt nhớ đến người chinh phụ - chinh phu trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn. Người chinh phụ ngày nhớ đêm mong người chồng nơi chiến trường đã ngậm ngùi thốt lên những lời ngâm xót xa. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ấy đột nhiên làm tôi giật mình xót thương...
"Chinh phụ ngâm" có thể nói là một tác phẩm nổi tiếng của Đặng Trần Côn được Đoàn Thị Điểm dịch (bản dịch trong sách Ngữ văn 10). Tác phẩmlà lời độc thoại nội tâm của người vợ có chồng tham gia cuộc chiến do triều đình phong kiến khởi xướng. Người vợ đã khuyên chồng ra phò vua giúp nước mong muốn gây dựng công danh. Tuy nhiên khi tiễn đưa người chồng đi rồi người vợ nơi quê nhà cô quạnh nhớ thương, khúc ngâm là những nhớ thương, tưởng tượng của người vợ về hình ảnh chồng nơi chiến trường. Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" diễn tả tâm trạng trăn trở, lo lắng của người chinh phụ khi đã quá hạn mà chồng vẫn chưa về, nàng gửi trọn tất cả niềm nhớ vào cảnh vật, vào từng hành động mỗi ngày.
Chúng ta đều biết những người yêu nhau sẽ luôn muốn ở cạnh nhau, đặc biệt là khi mới vừa lập gia đình. Và người chinh phụ cũng không ngoại lệ, tình cảm vợ chồng chưa bao lâu mà chàng đã phải ra chiến trường. Ngày đưa tiễn, nàng dặn lòng sẽ chờ nhưng rồi trở về căn phòng trống vắng chỉ có cảnh không còn người, nàng tự trách, tự hỏi cớ sao đôi lứa phải chia lìa nhau? Bao nhiêu nỗi cô đơn, buồn tủi, than trách tuôn trào khi phải chịu cảnh lẻ loi...
"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước"
Cứ ngỡ "dạo hiên" ấy nàng đang thảnh thơi chẳng lo nghĩ nhưng thực chất là đang lo lắng, bồn chồn, lòng chẳng yên. Nàng đi đi lại khắp hiên nhà như để giết thời gian đang chậm chạp trôi qua:
"Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin"
Tấm rèm được kéo lên rồi lại buông xuống như tâm trạng đang rối như tơ vò, day dứt, bồn chồn của nàng. Nếu dạo hiên thì "hiên vắng" - sự cô đơn, lẻ bòng thì khi ngồi trước rèm nàng lại chọn rèm thưa, tại sao? Bởi lẽ chỉ thưa nàng mới có thể mong ngóng tin chồng trở về, nàng hy vọng mong manh rằng qua chút khe hở ấy có thể thấy bóng dáng người chồng thân thương. Tâm trạng u uất, chất chứa nhưng chẳng một ai để chia sẻ, người chinh phụ như tự nhốt mình vào thế giới riêng:
"Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi."
Chinh phụ ngồi trước đèntâm sự với ngọn đèn nhưng cũng chính là tự nàng độc thoại với nỗi lòng. Nàng cô độc, nàng khao khát mãnh liệt sẽ có người cùng trò chuyện, cùng lắng nghe tâm tư của nàng nhưng sao mờ mịt, không gian vắng lặng vẫn chỉ một mình nàng. Cuối cùng nàng mượn đèn để gửi gắm nỗi lòng của mình. Ta đã từng thấy hình ảnh đèn xuất hiện nhiều trong ca dao như "Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt?" Ngọn đèn tượng trưng cho nỗi nhớ, cho những đêm thức trọn mong chờ tin của người ở lại đối với người phương xa. Nhưng càng hỏi người chinh phụ càng lui vào bế tắc, ngọn đèn ấy vốn dĩ chỉ là vật vô tri vô giác làm sao hiểu được? Nàng càng tủi cho phận mình "Hoa đèn kia với bóng người khá thương" - tự xót thương, tự hờn trách thân mình bẽ bàng, cô liêu giữa đêm khuya tĩnh mịch. Người chinh phụ giờ chỉ còn là "bóng người" tàn lụi như hình ảnh hoa đèn lụi tàn khi ngọn dầu đã cạn, một nỗi trống trải, một thân xác không còn sức sống.
Người ta nói "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" có lẽ là đúng! Khi tâm trạng chinh phụ đang trào dâng thì cảnh vật quanh nàng dường như càng sầu bi hơn:
"Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gãy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng."
Tiếng gà gáy "eo óc" gợi sự thê lương, sầu thảm. Hòe trong đêm chẳng buồn khoe sắc mà xuôi bóng ủ rủ. Cảnh vật bên ngoài nhuốm màu tang thương, vô hồn càng làm cho người chinh phụ thêm lẻ loi, tủi thân. Nàng ngóng trông chỉ mong khắc giờ trôi qua thật nhanh nhưng thời gian cứ trôi chậm chạp, cứ kéo dài "đằng đẳng" khiến nỗi sầu cũng dày thêm, như một tiếng thở dài buông thả cho tất cả. Một giờ với nàng như một năm dài triền miên, nỗi sầu nhớ chồng thì gửi tận miền biển xa, sâu rộng không bờ bến. Nghệ thuật so sánh dường như tô đậm, khắc họa rõ hơn, sâu hơn nỗi nhớ bao trùm lên cả thời gian, không gian của người chinh phụ. Nàng cô đơn giữa màn đêm, nàng "gượng" người làm những hành động quen thuộc để giết chết thời gian nhưng dường như không còn tâm trí. Nàng đốt hương để tìm chút lòng thanh thản nhưng càng mê mải, chìm đắm trong mộng mị. Nàng soi gương thì "lệ lại châu chan" - nỗi buồn rơi vào cực điểm. Nàng gãy đàn, mượn tiếng đàn để giải tỏa nỗi lòng nhưng buồn thay dây đứt, phím chùng - khát khao hạnh phúc bỗng chốc như điềm báo gở, nàng lại âu lo, lại suy nghĩ và buồn sầu hơn. Thực chất ta thấy người chinh phụ khi thực hiện những hành động ấy đều là "gượng" - tự ép bản thân lừa dối cảm xúc nên sầu càng thêm sầu, tự mình nhốt mình trở lại với tâm trạng chán chường, mệt mõi. Mười sáu câu đầu, hình ảnh người chinh phụ hiện lên lẻ loi, cô đơn với nỗi nhớ thương sâu nặng đến mức nàng quên mất thực tại, chìm vào chiêm bao. Cũng đúng thôi, người vợ nào chẳng thế khi bóng dáng người chồng cứ mù mịt, bặt tin suốt ngần ấy năm...
Nếu những dòng thơ đầu hình ảnh người chinh phụ hiện lên với từng nỗi nhớ chỉ thoáng thấy qua cảnh vật thì tám câu cuối nỗi nhớ đã tuôn trào, bật ra thành tiếng, thành hình. Chinh phụ đem nỗi nhớ ấy gửi cho gió đông, nhờ gió đem đến cho người chồng của mình nơi chiến trường:
"Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên"
Người chinh phụ giờ vẫn bặt vô âm tín, nàng chỉ biết chàng ở biên ải xa xôi mà chỉ có gió mới giúp nàng mang nhớ thương gửi đến nơi chàng. Nỗi nhớ dày hơn, nhạy hơn khi nhịp thơ, điệp từ liên tục lặp lại, đồn dập, tha thiết:
"Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong."
Từ láy gợi độ sâu, độ rộng của nỗi nhớ xuất hiện liên tục "thăm thẳm", "đau đáu" - thời gian, không gian lúc này như một đơn vị để đo lường cho nỗi nhớ. "Thăm thẳm đường lên bằng trời" - có ai biết đường lên trời ấy dài bao nhiêu? Nỗi nhớ cứ kéo dài mãi không biết là bao lâu, bao xa, thậm chí chuyển sang hòa vào trời xanh rộng lớn. Nếu thời gian là độ dài của nỗi nhớ, không gian là độ rộng thì lòng chinh phụ chính là độ sâu của nỗi nhớ. "Đau đáu" là khát vọng nhưng cũng chính là vô vọng, bao nỗi nhớ nhờ gió gửi tận trời cao nhưng đổi lại chỉ là sự lo sợ rằng chàng nơi biên cương liệu có biết lòng nàng đang ngày đêm mong nhớ? Và nếu biết có lẽ chàng đã trở về...
Nhớ thương gửi trọn vào cảnh vật, tâm trạng con người cũng hòa chung vào cảnh vật. Người chinh phụ nhìn cảnh vật mà chạnh lòng hay ta tự hỏi chính lòng chinh phụ đang sầu nên nhìn cảnh chỉ nhuốm màu đau thương? "Cảnh buồn người thiết tha lòng" hay lòng người gieo rắt nỗi sầu cho cảnh? Có lẽ chỉ lòng người chinh phụ mới hiểu rõ. Hay lòng nàng giờ đã buốt giá:
"Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun"
Đêm đã vê khuya, sương rơi thấm đẫm những cành cây trong đêm, thấm cả tâm hồn đã nguội của chinh phụ, làm tâm hồn nàng trở nên giá buốt hơn. Tiếng côn trùng bật lên trong đêm càng gợi sự cô quạnh, nhưng cũng chính là tiếng lòng nàng đang rung lên hồi chuông buông xuôi bất lực, Nỗi sầu nhớ lúc này hòa vào tiếng mưa, vào tự nhiên, lẫn vào âm thanh sầu thảm của đêm tối. Con người, tâm trí nàng đã tan theo làn mưa đêm...
Thiết nghĩ để khắc họa hình ảnh người chinh phụ cùng nỗi nhớ sâu nặng ấy tác giả đã rất tinh tế trong việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh. Từng từ như ghim vào tâm can người đọc, từng hình ảnh như vẽ ra một chinh phụ "dạo bước hiên vắng", "gượng gãy ngón đàn",...Kết hợp với nhịp thơ dào dạt của thể thơ song thất lục bát càng làm người đọc như cuốn vào từng cung bậc cảm xúc, trôi theo tâm trạng của người chinh phụ. Bút pháp nghệ thuật tài hoa, ngôn từ giản dị mà sâu sắc, cảnh - tình như hòa trộn vào nhau, điều này đã giúp tác giảthành công trong việc chiếm trọn cảm xúc của độc giả.
Người chinh phụ ấy khao khát sự đồng cảm mãnh liệt nhưng đến cuối cùng vẫn chỉ một mình. Nàng còn quá trẻ, nàng vẫn còn sự nồng cháy trong tình yêu đôi lứa, mặn nồng của hạnh phúc vợ chồng, Ấy thế mà chiến tranh đã cướp đi điều tưởng chừng đơn giản đó để rồi bỏ lại nàng cô đơn, lẻ bóng, ngóng trông tin người thương trong vô vọng. Mượn hình ảnh người chinh phụ không chỉ để nàng nói lên nỗi nhớ thương, tình cảnh lẻ loi mà qua đó còn là tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa, đấu tranh đòi quyền hạnh phúc lứa đôi trong tình yêu. Và quan trọng là khát khao được sống hạnh phúc giữa thời bình.
Khép lại bài thơ nhưng hình ảnh người chinh phụ ngồi trước gương lệ châu chan vẫn cứ ám ảnh tâm trí tôi mãi. Tôi thương nàng, thương cho số phận lẻ bóng, thương cho kiếp phụ nữ đang ở lứa tuổi xuân thì đã chịu cảnh đơn chiếc. Giật mình, tôi chợt nghĩ có lẽ xã hội phong kiến còn rất nhiều nữa những người chinh phụ như nàng. Những suy nghĩ cho số phận của họ cứ thường trực trong tôi...
"Khắc giờ đằng đẳng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa"

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
11/04/2019 06:59:02
Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta phải gặp rất nhiều mối quan hệ. Mối quan hệ gia đình, vợ chồng, quan hệ trung thần, hiếu tử… Tất cả các mối quan hệ đều phải dung hòa cân bằng với nhau.
Trong thời kỳ phong kiến nhiều cuộc chiến tranh nhằm xâm lấn, mở rộng đất đai, mở rộng quyền bá chủ thiên hạ. Nhưng chính những cuộc chiến phi nghĩa này đã làm cho nhiều gia đình rơi vào tình trạng ly tán.
Bài thơ Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn được tác giả Đoàn Thị Điểm dịch lại là một bài thơ diễn tả tâm trạng của người phụ nữ lẻ loi, những ngày tháng vò võ chờ chồng trong mòn mỏi khiến người phụ nữ khắc khoải, đau đớn khôn nguôi.
Trích đoạn này thể hiện tâm trạng buồn chán, cô đơn của người con gái khi có chồng đi xa, tham gia chiến trận không biết sống chết như thế nào.
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”
Những ngày tháng trông ngóng chờ chồng trong mòn mỏi ngày cũng như đêm, người phụ nữ thẫn thờ ra ngẩn vào ngơ không thiết tha gì với những vật xung quanh. Tác giả Đặng Trần Con đã miêu tả người phụ nữ chẳng khác nào cái xác không hồn, người phụ nữ đi trên đôi chân mình, nhưng do tâm hồn đang theo chồng nơi chiến trường.
trinh-bay-tac-gia-tinh-canh-le-loi-cua-nguoi-chinh-phu
Trong mỗi bước chân của mình thể hiện sự, thẫn thờ, không quan tâm tới những vạn vật thiên nhiên xung quanh, tâm trí của người cô phụ luôn hướng tới nơi xa xôi có bóng dáng người chồng thân yêu. Người đàn ông ra đi đã mang theo trái tim, linh hồn của người phụ nữ.
Nàng buồn nhìn bốn bức tường xung quanh tất cả đều tĩnh lặng vô tri vô giác khiến cho nàng vô cùng đau khổ. Những vật vô tri kia không thể nào hiểu được tâm trạng của người cô phụ lúc này. Bởi chúng không có linh hồn trái tim như con người.
“Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Buồn rầu nói chẳng lên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”
Người phụ nữ nhận thấy sự thật vô cùng phũ phàng rằng những vật vô tri như ánh đèn, hòa đèn không thể hiểu thấu tâm trạng nàng, không thể cùng nàng sẻ chia tâm sự. Nhìn không gian bốn bức tường bao quanh càng làm cho người phụ nữ càng thêm cô quạnh.
Chẳng có ai chia sẻ chỉ có bản thân người chinh phụ thêm ảm não, bi ai mà thôi. Nỗi buồn, sự cô quạnh không nói nên lời, hình ảnh người chinh phụ buồn chán in lên vách tường càng thêm cô đơn, một mình soi bóng của mình còn gì buồn hơn.
“Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Hương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại ngùng”
Trong đêm tối tĩnh mịch người con gái càng cảm thấy trăn trở khó ngủ, tiếng gà kêu, những tiếng côn trùng càng làm cho bóng đêm trở nên âm u tĩnh mịch. Nó làm cho bóng cây hòe rủ bóng xuống cửa sổ khiến cho người chinh phụ thêm ảo não bởi sự yếu đuối, có chút buồn thảm trong đó.
Mỗi giây mỗi phút trôi đi người con gái cảm thấy dài đằng đẵng chẳng khác nào một đời người đã trôi đi. Và những tình cảm sầu muộn ấy đã lấy đi tâm hồn người chinh phụ, khiến cho sống như một cái xác không hồn.
Đúng như câu nói của Nguyễn Du “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” khi tâm trạng con người buồn thảm thì nhìn cảnh vật xung quanh đều trở nên buồn thảm, u ám. Mọi thứ đều trở nên gượng gạo thể hiện sự thê lương như những giọt nước mắt rơi xuống.
Người thiếu phụ cầm cây đàn định gảy một khúc nhạc nhưng rồi lại cảm thấy ngượng ngùng, không muốn nâng đàn gảy tơ.
“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nối nhớ chàng đau đáu nào xong
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”
Nỗi sầu muộn của người chinh phụ muốn nhờ những ngọn gió đông kia mang đi, nhờ những cơn gió mang đi sự buồn phiền, tâm tình của người thiếu phụ gửi tới chồng mình nơi xa. Nó chính là tấm lòng chung thủy sắc son của người vợ đang ngày đêm chờ chồng, trông ngóng người phương xa quay về.
Thông qua bài thơ này tác giả Đặng Trần Côn muốn tố cáo tội ác của chiến tranh, nó đã làm cho nhiều gia đình phải ly tán, nhiều người phụ nữ phải sống cảnh đời cô phụ xa chồng, chờ mong trong mòn mỏi. Nhưng những người phụ nữ kia vẫn thủy chung sắc son một dạ chờ chồng trở về, dù tuổi xuân trôi đi trong vô vọng.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×