Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. (10 mẫu)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. (10 mẫu)
1 trả lời
Hỏi chi tiết
12
0
0
Nguyễn Thị Nhài
12/09 15:48:00

Mẫu 1

Mỗi câu chuyện của ông cha ta để lại dù ngắn hay dài đều là cả quá trình tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo. Trong các câu truyện ông cha ta để lại em thích và nhớ nhất là truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Câu chuyện ca ngợi công lao dựng nước của vua Hùng. Ông cha ta mượn cuộc chiến của Sơn Tinh, Thủy Tinh để giải thích hiện tượng lũ lụt xảy ra hàng năm và ước mơ muốn chế ngự thiên tai.

Bằng khả năng sáng tạo của mình ông cha ta đã sáng tạo truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh lịch sử hóa thần thoại về núi Tản Viên thành truyện truyền Thuyết. Câu chuyện được khéo léo gắn vào thời đại vua Hùng thứ mười tám, đây là một trong những truyện nằm trong kho tàng những câu chuyện về Hùng Vương.  Ở nước ta từ xưa đến nay luôn luôn phải đối mặt với các trận lũ lụt gây hậu quả và người và tài sản. Người Việt cổ luôn giải thích các sự vật, hiện tượng tự nhiên đều liên quan đến các vị thần như thần núi, thần nước, thần gió,…. Nên có thể khi phải đối mặt với các trận lũ lụt thì người Việt cổ nghĩ đến có việc khiến thủy thần hàng năm nổi giận. Họ đã sáng tạo ra truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh để giải thích nguyên nhân dẫn đến các trận luc lụt hằng năm và qua truyện hộ thể hiện ước muốn chế ngự thiên tai.

Câu chuyện được bắt đầu rất độc đáo, đó chính là việc vua Hùng thứ mười tám muốn kén rể cho con gái. Con gái của vua Hùng tên là Mị Nương là cô gái đẹp người, đẹp nết được vua Hùng yêu thương hết mực nên muốn tìm cho con một người chồng tài giỏi, xứng đáng.

Khởi đầu là cuộc tranh tài bất phân thắng bại của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Người Việt cổ dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của mình để sáng tạo nên hình tượng vĩ đại của hai chàng trai đến cầu hôn. Phần giới thiệu rất ngắn gọn những thể hiện tài năng hơn người và ngang tài ngang sức của hai chàng trai. Một người thì “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn cát; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên tường dãy núi đồi. Người ta gọi chàng là Sơn Tinh.” Người còn lại thì “tài năng cũng không kém: gọi gió, gió đến: gọi mưa, mưa về. Người ta gọi chàng là Thủy Tinh.” Một người trên núi, một người dưới biển mà ngang sức ngang tài kiến cho vua Hùng không biến chọn ai bèn cho mời các lạc hầu bàn bạc đưa ra quyết định nếu ai mang đầy đủ lễ vật đến trước thì người đó sẽ đón được Mị Nương về làm vợ.

Khi đọc đến phần lễ vật em cảm thấy vua Hùng hình như nghiêng về bên Sơn Tinh có thể lễ vật chỉ là cách mà vua Hùng nghĩ ra. Lễ vật gồm “Một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.” Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao là chỉ sống ở vùng núi. Còn cơm nếp và bánh chưng dều là các sản phẩm nông nghiệp nơi vùng đất Sơn Tinh cai quản. Người Việt cổ dùng trí tưởng tượng ra những món lễ vật phi thường voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao bên cạnh đó là những sản vật gần gũi và quan trọng đối với họ là các món ăn từ lúa gạo. Vì vậy, có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của Sơn Tinh đến sớm đón được Mị Nương.

Có thể các lễ vật ở vùng núi nên Thủy Tinh mất nhiều thời gian đi tìm hơn nên mang lễ vật đến muộn hơn Sơn Tinh. Vì vậy, khi Thủy Tinh đến nơi thì Mị Nương đã được Sơn Tinh đón về núi khiến Thủy Tinh tức giận đuổi đanh Sơn Tinh muốn cướp lại Mị Nương. Thủy tinh thể hiện hết khả năng “ Thần hô mưa, gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả trời đất, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh.” Thủy Tinh không để ý đến sự tức giận của mình khiến “nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước.”

Sự tức giận của Thủy Tinh khiến cho muôn dân lầm than, những cánh đồng lúa làm ra ván cơm nếp, nệp bánh chưng bị dòng nước nuốt chửng. Người dân vì dòng nước mất đi ruộng vườn nơi ở, mất đi cả người thân. Đứng trước sự tức giận của Thủy Tinh, Sơn Tinh không hề nao núng “bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông cao lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu.” Trận chiến ác liệt kéo dài mấy tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh cũng thua buộc phải rút quân. Trận đấu nhờ những chi tiết kì ảo, tưởng tượng của người Việt cố hiện lên thật vĩ đại, đây là cuộc chiến của các vị thần mang sức mạng vĩ đại. Với chiến thắng cuối cùng, Sơn Tinh như vị anh hùng đại diện cho dân tộc bảo vệ và đứng ra trị thủy bảo vệ ruộng vườn, nhà của và cuộc sống của người dân.

Năm nào cũng vậy, từ xưa đến nay, Vì lòng ghen muốn đoạt lại Mị Nương mà Thủy Tinh không tiếc gây ra thiệt hại cho người dân dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng nhờ sức mạnh, sự đoàn kết và trí thông minh dùng núi, đồi,đất ngăn nước Sơn Tinh luôn chiến thắng Thủy tinh, buộc Thủy Tinh phải rút quân. Phải chăng tài năng của Sơn tinh phải chăng chính là sáng tạo của nhân dân chống lại lũ lụt hằng năm bằng các đắp đê ngăn lũ như ngày nay được truyền lại. Nhân dân ta luôn đứng lên nghĩ cách chế ngự thiên tai và còn sáng tạo ra câu chuyện thú vị giải thích cho con cháu về nguyên nhân gây ra lũ lụt hằng năm cùng với biện pháp chống lại lũ lụt.

Đáp lại công ơn các vua Hùng dựng nước và các bài học của người Việt cổ để lại, chúng ta ngày nay đã xây dựng được các bờ đê vững  chắc đặc biệt là chúng ta đã chinh phục được dòng nước để xây dựng đập thủy điện phục vụ cho cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta lại tự phá hủy đi tuyến phòng ngự của thấn núi là các cánh rừng phòng hộ ngăn lũ lụt. Vậy nên, dù có kế thừa và phát huy sáng tạo của người Việt cổ mà chúng ta không giữ gìn và bảo vệ rừng cùng chung sức với thần núi thì sẽ có lúc Thủy Tinh sẽ giành chiến thắng.

Mẫu 2

Từ năm lớp hai, em đã được nghe thầy giáo kể truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh”. Thế mà năm học lớp sáu, được nghe cô giáo giảng lại truyện ấy trong giờ giảng văn, em vẫn theo dõi hứng thú vô cùng. Truyện cổ dân gian này tuy là một truyện thần thoại nhưng cũng phản ánh ước mơ chiến thắng bão lụt của cha ông ta ngày xưa.

Truyện kể về Vua Hùng thứ 18 có một người con gái tên là Mị Nương, sắc đẹp tuyệt trần. Nhà vua rất mực yêu thương con nên muốn kén cho nàng một người chồng thật xứng đáng. Một hôm, có hai chàng trai tuân tú đến xin ra mắt Vua đề cầu hôn. Một người tên Sơn Tinh ở núi Ba Vì khôi ngô, tài giỏi có thể chuyển cả núi non, dời cả đồng ruộng. Một người tên là Thủy Tinh ở tận biển Đông có tài gọi gió hô mưa. Vua Hùng lúc bấy giờ băn khoăn chẳng biết nên gả Mị Nương cho ai nên ra điều kiện: “Ngày mai ai đem lễ vật tới đây trước: một trăm ván cơm nếp hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi thì được rước dâu về”.

Sáng sớm hôm sau, Sơn Tinh đem đủ lễ vật đến trước và được rước vợ về. Thủy Tinh đến sau không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận đuổi theo Sơn Tinh để giành lại Mị Nương. Hai bên đều dốc hết phép thuật đánh nhau dữ dội. Cuối cùng Thủy Tinh thua. Thế nhưng hàng năm, anh cưới vợ hụt này vẫn đem quân lên đánh Sơn Tinh để phục hận nhưng năm nào cũng thất bại:

Núi cao sông cũng còn dài

Năm năm báo oán đời đời đánh ghen

Đọc hay nghe kể chuyện Sơn Tinh xong, hẳn ai cùng thích thú với chi tiết các lễ vật mà Sơn Tinh đã đưa đến để hỏi cưới Mị Nương. Đó “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Các món này đều là bảo vật riêng của miền rừng núi, mà muốn có được trong một thời gian rất ngắn như thế, rõ ràng là Sơn Tinh cũng phải mất nhiều công sức để mà có được các món sinh lễ có một không hai này. Điều đó cũng biểu lộ quyết tâm mãnh liệt của Sơn Tinh muốn cưới Mị Nương làm vợ. Tình yêu của một chàng trai miền rừng núi bình tĩnh thâm trầm, khác hẳn với Thủy Tinh nóng nảy, thù dai và ích kỉ.

Thật vậy, khi không rước được Mị Nương, Thủy Tinh đã đùng đùng nổi giận, hô mưa, gọi gió, làm dông bão phá phách thẳng tay. Thủy Tinh dùng phép thuật dâng nước sông lên cuồn cuộn dìm kinh thành Phong Châu lềnh bềnh trong biển nước. Một con người nóng nảy, dữ dằn, vị kỉ lại thù dai. “Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” như thế làm sao cho thể xứng đôi với người đẹp Mị Nương nết na, dịu dàng được? Trong khi đó Sơn Tinh tỏ ra bình tĩnh và thận trọng bốc từng quả đồi, dời từng quả núi làm thế nào để nước sông dâng lên bao nhiêu thì núi đồi cao lên bấy nhiêu.

Hình tượng Sơn Tinh phải chăng là thi vị hóa của hình ảnh nhân dân chống bão lụt thiên tai đầy gian khổ mà cũng vô cùng dũng cảm ở vùng đồng bằng sông Hồng ngày xưa, nhằm bảo vệ cửa nhà, hoa lợi non sông gấm vóc? Hình tượng ấy cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng đầy tính lãng mạn của người xưa.

Tóm lại, tuy là thần thoại đầy tính lãng mạn nhưng truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh” mà em được học vẫn có nhiều yếu tố chân thực. Một trong những nét chân thật là truyện phản ánh ước mơ chiến thắng được bão lụt thiên tai của cha ông ta ngày xưa. Trong thực tế đời sống, bão lụt thiên tai đã thường xuyên phá hoại cuộc sống yên lành nhưng mọi người khi ấy chưa đủ sức để thắng được thiên nhiên. Do đó, họ phải dùng thần thoại để chiến thắng được bão lụt và thiên tai trong trí tưởng tượng đầy lãng mạn của mình.

Mẫu 3

Truyện thần thoại “Sơn Tinh- Thủy Tinh” là một câu chuyện hay không chỉ đơn thuần kể về việc kén rể, lấy vợ mà còn phản ánh, giải thích hiện tượng lũ lụt hằng năm đồng thời thể hiện ước mơ, khát vọng chiến thắng và làm chủ thiên nhiên của người dân lao động.

Nhân dân ta từ ngàn xưa đã phải chịu thiệt hại từ thiên tai lũ lụt, từ thuở sơ khai con người từ miền núi chuyển xuống đồng bằng tìm kiếm đất đai phù sa, màu mỡ phục vụ cho đời sống cũng như việc chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi với địa hình bằng phẳng, nhân dân ta cũng phải chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, chủ yếu là ở đồng bằng sông Hồng. Để bảo vệ thành quả lao động, chúng ta đã dũng cảm, mưu trí chống lại và khắc phục thiên nhiên.

Dựa trên những điều đó, dân gian đã dựng nên câu chuyện nhà vua kén rể, các chàng trai đi tìm vợ, người lấy được vợ xinh đẹp, người thua cuộc trở về dẫn đến cuộc giao tranh lẫn nhau. Hai vị thần dựng nên xung đột, mỗi năm kẻ ôm mối thù vẫn gây sự để trả thù đối phương. Câu chuyện không chỉ phản ánh hiện thực đời sống mà qua đó còn thể hiện trí tượng tưởng phong phú cũng như là món ăn tinh thần cho nhân dân lao động.

Truyện có hai nhân vật chính là Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sơn Tinh hay còn gọi là Thần Núi Tản Viên- Thánh Tản là chúa tể ở vùng non cao hùng vĩ, Thủy Tinh- Thần Nước là chúa tể của vùng nước thẳm mênh mông. Hai người đều có tài năng phi thường. Sơn Tinh vẫy tay về phía đông, phía đông mọc lên cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên các núi đồi, chỉ tay đến đâu rừng núi mọc lên đến đó, chim muông đầy đàn. Thủy Tinh gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Cả hai thần đều giỏi và được lòng vua cha, khiến ngài do dự không biết gả con gái cho ai nên đành ra điều kiện, ngày mai ai mang sính lễ đến sớm hơn thì cưới được Mị Nương.

Ngay từ đầu chúng ta đã nhận thấy vua cha có phần ưu tiên cho Sơn Tinh hơn, bởi các sính lễ mà ngài yêu cầu đều rất dễ để Sơn Tinh tìm kiếm và ngược lại, rất khó đối với Thủy Tinh bởi: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng chỉ có ở trên núi non. Sáng hôm sau, Sơn Tinh đã nhanh chân hơn, đến mang đầy đủ những sính lễ và cưới được Mị Nương.

Thủy Tinh đến sau không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, tức khắc đuổi theo và kêu gọi binh tướng để đánh Sơn Tinh quyết chiếm lại công chúa Mị Nương. Sơn Tinh và Thủy Tinh đánh nhau với cuộc chiến dữ dội và ác liệt. Thủy Tinh hô mưa gọi gió, dùng tất cả các phép dâng nước lên cao để nhấn chìm Sơn Tinh, sấm chớp đùng đùng, đồng ruộng phút chốc ngập trong biển cả.

Thần Núi cũng không hề thua kém, nước dâng lên đến đâu, Thần dùng phép làm núi cao lên đến đó, chặn dòng nước dữ dội. Cuối cùng, Thủy Tinh kiệt sức, đành phải rút lui. Cả Sơn Tinh và Thủy Tinh đều là những vị thần đều có tài lực ngang nhau. Với việc sử dụng các chi tiết tưởng tượng, kì ảo, hoang đường tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện thể hiện trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo.

Chính vì căm thù Sơn Tinh, không cưới được vợ xinh đẹp nên hằng năm cứ vào tháng bảy âm lịch lại gây mưa bão, hô mưa gọi gió gây thiệt hại mùa màng để trả thù Sơn Tinh. Nhưng Thủy Tinh vẫn không thể có được Mị Nương. Tình huống truyện không chỉ mang ý nghĩa thực về cuộc giao tranh kiếm vợ của hai vị thần mà nó còn mang ý nghĩa tượng trưng. Sơn Tinh là hiện thân cho lớp người nông dân, cần cù đắp đê chống lũ, thể hiện cho khát vọng được chinh phục và chiến thắng thiên nhiên.

Sức mạnh, tầm vóc của Sơn Tinh thể hiện cho sức mạnh của người dân lao động dũng cảm chống lại thiên tai. Thủy Tinh là đại diện cho mưa gió, sấm chớp, là kẻ thù của người dân lao động. Ngày nay, để khắc phục thiên nhiên, đã xuất hiện nhiều công trình thủy lợi, đê điều, mương máng chứa nước, đập nước điều hòa của các sông Hồng, sông Đà nhằm khắc phục được phần nào tình hình lũ lụt, lũ quét, xói mòn đất đai, thiệt hại mùa màng. Tuy nhiên, gần đây nạn chặt phá rừng, phá rừng diễn ra nghiêm trọng ở rộng khắp cả nước. Đồng thời sự thay đổi về thời tiết, khí hậu ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như đời sống của con người.

Chính quyền nhà nước cũng quan tâm sát sao đến tình hình củng cố đê điều, mương máng, các công trình thủy lợi được xây dựng kiên cố, nổi lên nhiều ở các lưu vực đồng thời thực hiện các chính sách ngăn cấm chặt phá rừng, tổ chức các phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, thể hiện sự đúng đắn, hợp lí của chính quyền. Câu chuyện Sơn Tinh- Thủy Tinh thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta nhằm khắc phục, chiến thắng được thiên nhiên.

Mẫu 4

Sơn Tinh Thủy Tinh là một câu chuyện được xây dựng trên trí tưởng tượng phong phú của người dân Việt Nam thời xưa. Mang ý nghĩa sâu sắc nhằm lý giải hiện tượng lũ lụt hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ, Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh đã để lại cho em những bài học, kiến thức mới mẻ.

Câu chuyện kể về hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh tài cưới Mị Nương công chúa. Cả hai đầu có những tài năng phi thường, đều là những người tài giỏi. Thế nhưng, với những điều kiện mà Đức Vua đưa ra thì dĩ nhiên, Sơn Tinh sẽ là người chiến thắng.

Trong truyện, Sơn Tinh được coi là hiện thân của người Việt Nam ta thời xưa dày công đắp đê để chống lại lũ lụt hằng năm. Sơn Tinh mang một sức mạnh phi thường là thể hiện cho ước mơ lớn lao của nhân dân ta muốn chiến thắng những thiên tai. Bởi thế, ta hoàn toàn có thể nhận ra, người đọc cũng như tác giả dành nhiều tình cảm hơn cho Sơn Tinh. Đức vua cũng không ngoại lệ. Bằng chứng là trong ngày cưới, nhà vua đã yêu cầu sính lễ là những sản vật của đất liền:Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, trăm ván cơm nếp, trăm tệp bánh chưng. Phần thắng đương nhiên thuộc về Sơn Tinh.

Về phần Thủy Tinh, chàng cũng mang những năng lực phi thường, hô mây gọi gió, nhưng lại có thể tạo ra những thiên tai bão lũ. Đây chính là hiện thân của những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa tới đời sống của người dân thời xưa. Sơn Tinh và Thủy Tinh là những hình tượng huyền thoại, được hình thành, nhào nặn trong trí tưởng tượng của người Việt cổ, trong đó những yếu tố tự nhiên và xã hội, hiện thực và lí tưởng đã kết hợp, hòa lẫn với nhau, rất khó tách bạch.

Sơn Tinh là sự khái quát hóa, hình tượng hóa và thần thánh hóa không chỉ riêng lực lượng con người (tinh thần, ý chí, thành quả chống lũ lụt của nhân dân) mà còn có cả lực lượng tự nhiên (rừng, núi). Sự xung đột giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh không chỉ phản ánh mâu thuẫn giữa con người và hiện tượng bão lụt trong thiên nhiên mà còn phản ánh cả sự xung đột giữa con người với con người, giữa các bộ tộc miền biển và miền núi trong thời kì Văn Lang của các vua Hùng.

Cơn giận dữ của Thủy Tinh hàng năm được phản ánh vô cùng độc đáo, hấp dẫn, lý giải hiện tượng lũ lụt hằng năm của thiên nhiên và hiện tượng ghen tuông dai dẳng của con người. Ở cuối câu truyện, chi tiết Thủy Tinh dâng nước lên bao nhiêu thì Sơn Tinh lại nâng núi Tản Viên cao lên bấy nhiêu đã thể hiện được ước mơ nhưng đồng thời cũng có tính hiện thực ở trong đó. Câu chuyện như một bài học nhắc nhở con cháu sau này phải luôn chiến đấu, đối mặt với thiên tai khốc liệt.

Câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh vẫn còn mang một giá trị to lớn đối với các thế hệ ngày nay.

Mẫu 5

“Sơn Tinh Thủy Tinh” là một truyền thuyết rất hay và độc đáo của nền văn học dân gian Việt Nam. Tác phẩm được xây dựng bằng trí tưởng tượng của con người, trong đó truyện mang đậm những yếu tố thần thánh nhằm giải thích hiện tượng lũ lụt hàng năm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời qua đó, tác phẩm cũng thể hiện mơ ước của nhân dân trong việc chống lại thiên tai, đem đến một cuộc sống thanh bình no đủ hơn.

Truyện kể về hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh tài giỏi cùng đến xin vua Hùng được kết hôn cùng công chúa Mị Nương xinh đẹp. Vua Hùng rất khó xử bèn ra điều kiện thách cưới. Cuối cùng Sơn Tinh đã đem được lễ vật đến trước nên cưới được Mị Nương. Thủy Tinh vì thua cuộc nên mới tức giận hô mưa gọi gió hòng tiêu diệt Sơn Tinh, cướp lại Mị Nương. Thế nhưng Sơn Tinh cũng quyết tâm chống trả lại. Cuối cùng, Thủy Tinh đành phải rút lui nhưng hàng năm vẫn nhớ mối thù xưa cũ nên dâng nước làm lũ lụt khắp nơi.

Với câu chuyện này, tác giả dân gian muốn giải thích về hiện tượng lũ lụt ở đồng bằng Bắc Bộ hàng năm. Và từ xa xưa, người Việt chúng ta cũng đã biết cách đắp đê chống lũ. Bởi vậy, dù hàng năm có lũ lụt nhưng rồi nước vẫn phải rút. Đất đai sau đó lại trở nên màu mỡ và tươi tốt hơn. Người xưa chính là dựa trên những thực tế mà tưởng tượng ra câu chuyện về Sơn Tinh, Thủy Tinh để lý giải cho hiện tượng tự nhiên này.

Có thể thấy rằng, vị thần Sơn Tinh trong truyện chính là hiện thân của người Việt xưa đã biết cách đắp đê chống lũ. Đây là nhân vật được tác giả dân gian xây dựng bằng trí tượng cho nên Sơn Tinh với những tài năng rất phi thường đã chiến thắng Thủy Tinh, qua đó thể hiện ước mơ chiến thắng thiên tai của nhân dân. Chính vì thế mà tác giả dân gian đã yêu mến, để cho vua Hùng ra yêu cầu thách cưới đa phần là những sản vật của đất liền như: “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh trưng….”. Và cuối cùng, Sơn Tinh cũng đã chiến thắng Thủy Tinh trong cuộc thách cưới và cuộc chiến đấu chống lại lũ lụt. Điều đó cùng thể hiện sự chính nghĩa, mơ ước ước của nhân dân trong việc chống lại thiên tai, vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng.

Nhân vật Thủy Tinh cũng có những năng lực phi thường nhưng vì tính tình nóng nảy cho nên mới luôn tìm cách trả thù, gây ra lũ lụt hàng năm, làm thiệt hại đến nhân dân. Vì vậy, đối với nhân dân, Thủy Tinh trở thành hiện thân của kẻ hung ác, chỉ nghĩ đền quyền lợi cá nhân mà không biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Những kẻ hung ác và tàn bạo như vậy thì luôn luôn thất bại trước chính nghĩa.

Câu chuyện về Sơn Tinh Thủy Tinh vẫn còn tồn tại cho đến tận hôm nay như thể nhắc nhở cho thế hệ sau về tinh thần chính nghĩa của nhân dân ta đã chiến thắng trong cuộc chiến lại thiên tai, bão lũ. Ngày nay, bão lũ vẫn thường xảy ra nhưng nhờ có hệ thống để điều, các công trình thủy lợi kiên cố mà cuộc sống của con người càng ổn định và đảm bảo hơn. Có thể nói câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh vẫn còn giá trị cho đến ngày nay vì ước mơ, khát vọng chiến thắng thiên tai của người xưa đã được thế hệ sau tiếp nối, gìn giữ và thực hiện.

 Mẫu 6

Em đã từng đọc rất nhiều truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết; mỗi câu chuyện đều để lại trong em những cảm xúc riêng. Tuy nhiên em vẫn ấn tượng với truyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Đây là câu chuyện do nhân dân dựng nên, mượn hình ảnh của các vị thần để nói lên sự tàn khốc của thiên tai, bão lũ hằng năm. Đồng thời qua đó ngợi ca công lao dựng nước, giữ nước của các vua Hùng.

Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh xoay quanh cuộc đấu tài, đấu trí của hai vị thần Sơn Tinh – chúa tể vùng non cao và thần Thủy Tinh – chúa tể của vùng nước thẳm để có được công chúa Mỵ Nương. Sơn Tinh khi vẫy tay về phía đông thì phía đông nổi lên cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây lập tức hiện ra núi đồi. Thủy Tinh gọi gió, gió tới; hô mưa, mưa về. Cả hai vị thần này đều rất tài giỏi. CHính điều này đã khiến vua Hùng không biết chọn ai nên bèn đưa ra điều kiện: Ngày mai, nếu ai mang lễ vật đến sớm thì sẽ cưới được Mỵ Nương. Ngay trong chuyện lễ vật nhà vua đã có ý nghiêng về thần Sơn Tinh: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, trăm ván cơm nếp, trăm nệp bánh chưng. Tất cả những thứ đó đều là thức quà của đồng ruộng và núi rừng hùng vĩ.

Sơn Tinh là người đến trước và rước công chúa Mỵ Nương về, nhưng Thủy Tinh vì không cưới được công chúa đã nổi giận đùng đùng và lập kế hoạch cướp công chúa về. Thủy Tinh hô mưa gọi gió gây nên bão lũ, nước sông dâng tràn. CUộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh không cân sức. Nhưng Sơn Tinh mưu dũng và tài trí đã chiến thắng được thủy tinh.

Cuộc chiến giữa hai vị thần đã gây ra bao nhiêu lầm than và nước mắt cho nhân dân. Lũ lụt triền miên, sạt lở đất là những thiên tai mà hằng năm nhân dân ta vẫn phải hứng chịu. Nhân dân ta đã có một trí tưởng tượng phi thường mới có thể nghĩ ra một câu chuyện hư cấu nhưng lại mang ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống như vậy. Sự nổi giận của các vị thần sẽ gây nên hệ quả xấu đối với đời sống của nhân dân.

Chi tiết Thủy Tinh vẫn ôm hận hằng năm hô mưa gọi gió gây ra cảnh lũ lụt triền miên cũng là một cách lý giải cực kỳ sâu sắc cho việc thiên tai hằng năm vẫn đổ ập lên đời sống nhân dân. Thực tế năm nào cũng vậy, nhân dân ta luôn phải hứng chịu những trận bão lũ cuồng phong do Sơn Tinh và Thủy Tinh gây ra. Nhưng năm nào Sơn Tinh cũng chiến thắng Thủy Tinh. Chi tiết này ẩn dụ cho việc con người không bao giờ chịu khuất phục trước thiên nhiên, bằng mọi giá phải chống chọi và đẩy lùi nó. Một tinh thần quả cảm, anh hùng đáng khâm phục.

Cuộc chiến Sơn Tinh và Thủy Tinh đều không có thực, đều là do nhân dân tưởng tưởng nên nhưng vua Hùng và Mỵ Nương là những nhân vật lịch sử có thật. Điều này cho thấy rằng từ ngàn đời nay nhân dân đã hứng chịu thiên tai lũ lụt triền miên, đồng nghĩa với tinh thần kiên cường, không bất khuất của nhân dân.

Qua câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh; chúng ta thấy được rằng hằng năm nhân dân ta phải hứng chịu rất nhiều thiên tai, bão lũ nhưng tất cả đều không nao núng, vẫn kiên cường chống chọi và chiến thắng tất cả.

Mẫu 7

Truyền thuyết Việt Nam là bức tranh đẹp đẽ về đời sống, về trí tưởng tượng tài hoa của ông cha xưa. Trong kho tàng ấy có biết bao câu chuyện làm say đắm các thế hệ người nghe, người đọc và một trong những tác phẩm đó là truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Tác phẩm là một thần thoại cổ đã được lịch sử hóa khi gắn với thời đại Hùng Vương và trở thành truyền thuyết trong thời đại các vua Hùng.

Tác phẩm tập trung thể hiện hai nội dung chính: cuộc giao tranh của Sơn Tinh và Thủy Tinh để giải thích hiện tượng mưa bão hàng năm và sự việc Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh phản ánh khát vọng chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta. Câu chuyện được bắt đầu bằng việc vua Hùng kén rể cho người con gái yêu của mình là nàng Mị Nương. Trong vô vàn những người kiệt xuất, ưu tú thì Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai chàng trai xuất sắc nhất. Sơn Tinh là thần núi Tản Viên, có nhiều phép lạ “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”, Thủy Tinh cũng không hề kém cạnh, chàng là chúa vùng nước thẳm cũng có những tài năng kì lạ “gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về”.

Quả thực tài năng hai người ngang tài ngang sức nhau, trước tình thế đó vua Hùng không biết lựa chọn ai, bèn đưa ra sính lễ: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”, ai mang đến sớm vua Hùng sẽ gả con gái yêu của mình cho người đó. Nhìn vào số đồ sính lễ này ta có thể dễ dàng nhận ra ưu thế đang nghiêng về chàng Sơn Tinh, và bất lợi đang nghiêng về phía chàng Thủy Tinh, đồ sính lễ đều thuộc địa phận cai quản của Sơn Tinh. Và kết quả Sơn Tinh mang sính lễ đến trước và rước được Mị Nương về.

Thủy Tinh vô cùng giận dữ đem quân đuổi theo đánh Sơn Tinh, cuộc giao tranh diễn ra vô cùng quyết liệt. Thần nước “hô mưa gọi gió, làm thành dông bão, rung chuyển cả đất trời” nước mỗi ngày một dâng cao nhằm đánh bại Sơn Tinh. Nhưng trước sự hung hãn của Thủy Tinh, Thần núi vẫn không hề nao núng, Sơn Tinh “bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ”. Cuối cùng Thủy Tinh yếu thế đành phải rút lui. Cuộc giao tranh giữa hai vị thần không đơn thuần là cuộc giao tranh để đòi lại người đẹp (Mị Nương) mà nó còn phản ánh sức mạnh của dân tộc ta trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, bão lụt. Thủy Tinh đại diện cho sức mạnh của thiên nhiên hung bạo, Sơn Tinh đại diện cho sức mạnh quật cường của dân tộc Việt. Trước những thiên tai bão lũ dân tộc ta không chịu lùi bước, luôn kiên cường chống đỡ. Đồng thời bằng trí tưởng tượng của mình, các tác giả dân gian còn dùng cuộc đấu tranh giữa hai vị thần về hiện tượng mưa bão, lũ lụt hàng năm.

Tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm ta không thể không kể đến sự góp công của các yếu tố nghệ thuật. Trước hết là việc xây dựng cốt truyện với tình huống truyện gay cấn, sự kiện sinh động. Không chỉ vậy, xây dựng các nhân vật với tài năng phi thường, các yếu tố kì ảo làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Ngoài ra còn phải kể đến sự kết hợp hài hòa giữa các yêu tố tưởng tượng kì ảo với yếu tố hiện thực lịch sử. Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm này.

Sơn Tinh Thủy Tinh là một truyền thuyết lí thú trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Truyện vừa thể hiện cách giải thích của nhân dân ta về hiện tượng mưa bão hàng năm nhưng đồng thời cũng phản ánh sức mạnh, mơ ước chế ngự thiên tai, bảo vệ và xây dựng cuộc sống của nhân dân ta.

Mẫu 8

Tuổi thơ mỗi người chắc hẳn đều gắn với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết hay thần thoại, đó là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt. Những câu chuyện này đều do nhân dân sáng tạo ra nhằm giải thích những hiện tượng thiên nhiên bí ẩn, nó cũng thể hiện ước mơ hoài bão của người dân về công lý, về sức mạnh chế ngự thiên nhiên của con người. Sơn Tinh Thuỷ Tinh là một truyền thuyết rất đặc sắc kể về cuộc chiến giữa hai vị thần, nó đã tái hiện được thiên nhiên khắc nghiệt bão lũ xảy ra hằng năm trên đất nước ta.

Cách đây hàng ngàn năm khi người Việt từ núi rừng chuyển xuống đồng bằng sinh sống thì hằng năm đều xảy ra thiên tai lũ lụt. Đầu tháng bảy mùa mưa bão đến, nước từ các sông hồ dâng cao làm ngập hết những làng mạc, nhà cửa. Thế nhưng chưa bao giờ làm ngập được núi đồi sừng sững kia, khi mùa lũ qua đi sông hồ lại trở lại hiền hoà, êm dịu. Chỉ là hiện tượng thiên nhiên tàn khốc nhưng với trí tưởng tượng bay bổng của mình, nhân dân cho rằng đó là cuộc chiến giữa hai vị thần để trả mối thù năm xưa.

Tương truyền vua Hùng thứ mười tám có một cô con gái rất xinh đẹp đã đến tuổi gả chồng, vua ban lệnh xuống tìm nhân tài để chọn làm phò mã. Sau có hai chàng trai đến xin hỏi cưới Mỵ Nương. Cả hai đều khôi ngô tuấn tú và có phép thần thông. Một là Sơn Tinh – Thần Núi Tản Viên (Thánh Tản), hai là Thủy Tinh (Thần Nước). Sơn Tinh chỉ tay đến đâu núi rừng mọc xanh tươi lên đến đấy, muông thú từng đàn. Thủy Tinh có tài hô mưa gọi gió, chỉ cần vẫy tay thì nước dâng lên cao vạn trượng, ba ba, thuồng luồng nổi khắp mặt nước. Ai cũng tài giỏi xuất chúng khiến nhà vua không biết chọn ai đành bảo ngày mai ai đến trước với đủ sính lễ: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi; thì sẽ cưới được công chúa. Những thứ lễ vật vua đưa ra thử thách đều là những tinh hoa của núi rừng, trong lần so tài này nhà vua vốn có ý thiên vị nghiêng về Sơn Tinh bởi nhà vua có lẽ đã sớm nhận ra tấm chân tình và khí chất anh hùng của Sơn Tinh.

Mờ sáng hôm sau Thuỷ Tinh đã đến trước với đầy đủ sính lễ và rước Mỵ Nương về núi. Vì bận tìm kiếm lễ vật Thuỷ Tinh đến sau không cưới được công chúa bèn cho quân tức tốc đuổi theo sau để giành lại Mỵ Nương. Hai vị thần đánh nhau một trận kinh thiên động địa, khắp trời đất là một màu tối đen. Thuỷ Tinh cho nước dâng cao nhằm nhấn chìm Sơn Tinh, nước cứ cao lên bao nhiêu Sơn Tinh lại dời núi cao lên bấy nhiêu. Sau cùng Thuỷ Tinh đánh không lại đành chịu thua và rút quân về. Thế nhưng vẫn ôm mối thù xưa hằng năm cứ vào tháng bảy âm lịch Thuỷ Tinh lại cho quân đến đánh Sơn Tinh. Trận chiến của Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đã gây ra cho nhân dân biết bao lầm than, tất cả nhà cửa, hoa màu, trâu bò lợn gà,.. đều bị nhấn chìm, bị cuốn trôi theo dòng nước. Hằng năm nhân dân đều phải oằn mình chống chọi với cơn giận lôi đình của Thuỷ Tinh.

Đây là một câu chuyện rất hay và ý nghĩa. Qua cuộc chiến giữa hai vị thần, tác giả dân gian đã thể hiện rõ ước mơ của nhân dân về công lý, lẽ phải, cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác. Thuỷ Tinh dù có hàng trăm phép thần thông cũng không thể chiến thắng Sơn Tinh, bởi vì từ cổ chí kim thì người tốt luôn được đất trời che chở bảo vệ. Đồng thời câu chuyện cũng thể hiện tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân ta trước những hoàn cảnh khó khăn, dù thiên thiên có hung bạo tới đâu cũng sẽ phải khuất phục trước sức mạnh kiên cường của con người. Với sự sáng tạo, tưởng tượng phong phú của nhân dân đã sáng tạo nên câu chuyện có tính chất hư cấu, kỳ ảo nhưng cũng không kém phần độc đáo thú vị. Thuở xưa khi khoa học còn chưa thể lý giải những hiện tượng tự nhiên, con người đã mượn câu chuyện để giải thích cho nó và làm cho cuộc sống thêm thú vị hơn.

Sơn Tinh Thuỷ Tinh là câu chuyện hư cấu nhưng lại khéo léo lồng ghép những chi tiết lịch sử có thật như vua Hùng, Mỵ Nương để làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Câu chuyện “vừa hư vừa thực” này thể hiện một ẩn ý rất sâu sắc: Con người sẽ không bao giờ lùi bước trước thiên nhiên khắc nghiệt, sẽ luôn làm chủ số phận mình trước mọi hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Cho dù Thuỷ Tinh có dâng nước cao lên bao nhiêu nữa thì Sơn Tinh cũng lấp đầy đá bấy nhiêu.

...

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500K