Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Những Bài Văn Kể Chuyện Tưởng Tượng Lớp 6

11 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
20.408
128
43
CenaZero♡
01/08/2017 02:26:55
tổng hợp những bài văn hay về chủ đề tưởng tưởng trong chương trình văn học lớp 6. Bộ bài văn này sẽ giúp bạn có tài liệu tham khảo, ngoài ra nó cũng giúp bạn có các ý tưởng hay khi viết văn tưởng tưởng. Các bạn cùng tham khảo nhé, chúc các bạn học giỏi.

Đề bài: Hãy tưởng tượng cuộc đọ sức của Sơn Tinh và Thuỷ Tinh trong điều kiện ngày nay với máy xúc, máy ủi, xi măng cốt thép, …
Sơn Tinh đang dự cuộc họp nghe báo cáo về những hậu quả cũng như thiệt hại do cơn lũ gây ra thì có tin cấp báo: "Báo cáo Sơn Thần, một phần của đoạn đê xung yếu ngàn nước tràn vào thành phố đã bị vỡ, đề nghị ngài về ngay ạ". Thế là cơn lũ lại tràn về, dòng nước của Thủy Tinh. Sự quyết tâm gây lũ lụt của Thủy Tinh và ý chí quyết không để lũ lụt gây thiệt hại cho nhân dân của Sơn Tinh lại tạo nên trận chiến. Qua mấy ngàn năm phát triển, ngày nay họ đọ sức với nhau bằng máy xúc, máy ủi, xi măng cốt thép, máy bay trực thăng, điện thoại di động...

Sơn Tinh nghe tin vội điều máy bay trực thăng về nơi xảy ra sự cố. Ngồi trên máy bay nhìn đoạn đê xung yếu bị vỡ, mọi vật cứ nổi lềnh bềnh trên nước khiến ngài đau lòng. Và giữa dòng nước kia Thủy Tinh đang chỉ huy dâng nước lên phá vỡ hoàn toàn đoạn đê, Sơn Tinh cho máy bay hạ xuống. Sơn Tinh dùng điện thoại di động gọi cho chỉ huy hạm đội phụ trách việc cứu trợ đồng bào. Sơn Tinh nói:
- Hạm đội một nghe rõ trả lời, anh đã cứu hết được nhân dân từ những nơi cơn lũ đang đi qua chưa?
Vị chỉ huy trưởng lúng túng:
- Dạ thưa, cơn lũ mạnh quá xuồng của chúng em không tiếp cận được, chúng em đang cố hết sức có thể.
Vẻ mặt lo âu trên khuôn mặt Sơn Tinh lộ rõ. Thủy Tinh đang đứng trên xe lội nước để ra giữa dòng lũ chiến đấu với Sơn Tinh. Đứng giữa dòng lũ, Thủy Tinh tự đắc nói:
- Sơn Tinh kia, lần này thì ngươi sẽ phải nhận lấy thất bại. Với đội quân hùng hậu của la, ta sẽ làm cho tất cả nơi đây chìm trong biển nước và ta sẽ có được Mị Nương.
Lời nói của Thủy Tinh không làm giảm đi ý chí của Sơn Tinh. Sơn Tinh cho điều các máy xúc, máy ủi tới đem theo những bao tải cát để ngăn chặn dòng lũ.
Hàng nghìn bao tải cát đã được đem tới. Hàng ngàn người đang xếp từng bao tải cát để hàn lại đoạn đê bị vỡ. Nhưng không ngờ, tưởng rằng dòng lũ đã được ngăn chặn lại bị Thủy Tinh dồn hết nội lực tấn công vào đoạn đê xung yếu nhất. Có lẽ những bao tải cát kia chưa phải là một trở ngại quá khó khăn đối với Thủy Tinh; đoạn đê lại bị vỡ. Những tiếng cười đắc chí vang lên từ phía quân của Thủy Tinh cùng với tiếng nước ồ ồ đổ vào vùng dân cư ở phía trong đê. Đồ đạc, những dụng cụ gia đình đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Mấy xác gà, chó trôi xuôi. Trời đã quá trưa nhưng Sơn Tinh vẫn không nuốt nổi một hạt cơm. Sự khổ cực khốn đốn của nhân dân và nét mặt ngạo nghễ của Thần Nước như những lưỡi dao đâm vào tim gan chàng. Có điện báo từ nơi cứu hộ đồng bào:
Thưa ngài, chúng em đã dùng xuồng, ca nô cứu được nhiều người nhưng vẫn còn có người bị mắc kẹt trên nóc nhà, họ đang bị đói.
Nghe thấy vậy, Sơn Tinh liền điều một máy bay phản lực đem theo lương thực, thuốc men tới để cứu đói và cũng ngăn chặn nguồn bệnh phát sinh.
Nước lũ mỗi ngày một dâng cao. Gió àơ ào, mưa tầm tã, cây cối ngả nghiêng, có nhiều cây cổ thụ đã bị đổ, các tuyến đường giao thông chìm trong biển nước, nhiều vùng dân cư bị cô lập. Một ngày trôi qua mà vẫn không có kết quả gì chuyển biến. Sơn Tinh đã thức suốt đêm để xem xét tình hình khi cơn lũ lên cao kịp đối phó. Sáng sớm hôm sau, cùng Sơn Tinh đối phó với dòng lũ còn có những quan chức tối cao của Chính phủ, ai cũng đau đầu một điều mong dòng lũ rút sớm để cuộc sống của nhân dân được bình yên. Sơn Tinh điều thêm máy xục hút nước từ đoạn đê vỡ bơm ra sông Hồng, sông Nhuệ. Xe chở xi măng cốt thép được điều tới. Lợi dụng cơ hội Thủy Tinh đang đắc ý mở tiệc ăn mừng, Sơn Tinh cho quân đổ xi măng hàn khẩn quãng đê vỡ. Vì mừng rỡ quá sớm, tưởng rằng Sơn Tinh đã chịu thua, Thủy Tinh thả sức ăn uống đấn nỗi say mềm không còn biết điều gì. Khi Thủy Tinh tỉnh dậy ra xem thì đoạn đê mới đã chặn dòng lũ, nhiều trạm bơm hoạt động suốt ngày đêm trên nhiều tuyến sông, cuộc sống của nhân dân đã gần trở lại bình thường. Mọi sự tức giận của Thủy Tinh được dồn hết vào sự tấn công đoạn đê mới vỡ nhưng không được. Một lần nữa Thủy Tinh quay cuồng trong thất vọng. Đây chắc lần thua đau đớn nhất của Thủy Tinh, tưởng mình đã nắm chắc phần thắng mà lại chịu thất bại. Mọi người vui mừng ôm lấy Sơn Tinh, dù ngày xưa hay ngày nay với những công cụ hiện đại thì người thua vẫn là Thủy Tinh.
Vậy là mùa bão lụt của năm nay đã đi qua, nhân dân lại đước sống yên bình. Với những máy móc khoa học kỹ thuật, Sơn Tinh lại một lần nữa chiến thắng. Em mong rằng năm sau, nhiều năm nữa Thủy Tinh sẽ không dâng nước đánh Sơn Tinh để nhân dân khỏi phải chịu khổ dù Sơn Tinh ở thời đại nào cũng vẫn là một người anh hùng.

Đề bài: Em hãy tưởng tượng mình mơ thấy Thánh Gióng và hỏi ngài bí quyết, xem ngài khuyên em như thế nào?
Sáng nay, trong tiết Văn, chúng em được học về truyền thuyết Thánh Gióng, người anh hùng nhỏ tuổi đã lập nên kì tích quét sạch giặc Ân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta. Giọng kể truyền cảm, sinh động của cô giáo Hương đã đưa chúng em vào thế giới đầy những hình ảnh huyền ảo, phi thường. Hình tượng đẹp đẽ của Thánh Gióng đã để lại trong tâm trí em một ấn tượng sâu đậm có sức cuốn hút lạ lùng. Đến đêm, trước khi đi ngủ, em giở sách ra đọc lại truyện một lần nữa và ao ước rằng giá như mình vươn vai một cái cũng trở thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt như Thánh Gióng. Ao ước cháy bỏng ấy đã theo em vào cả giấc mơ,..
Em đang đi giữa một vùng quê yên bình, đầy hoa thơm cỏ lạ. Những ngôi làng được bao bọc bằng lũy tre đằng ngà, thân vàng óng, lá xanh rì rào trước ngọn gió xuân hây hẩy. Dọc đường, ao chuôm nối tiếp nhau thành dãy, mặt nước lung linh soi bóng mây trời. Mỗi hình ảnh đều gợi lại chiến công của Thánh Gióng. Dòng người đông đúc đang hối hả kéo nhau về đền thờ Thánh Gióng. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, náo nức cả một vùng.
Em ngước mắt lên nhìn bầu trời xanh thăm thẳm, ồ kia! Lạ chưa! có một đám mây ngũ sắc gióng hệt hình người đang cưỡi ngựa. Đám mây hạ thấp dần, thấp dần và em không tin vào mắt mình nữa. Trước mặt em là Thánh Gióng đầu đội mũ sắt, mặc áo giáp sắt, cưỡi trên lưng ngựa sắt… hiển hiện trên bãi cỏ xanh. Thánh Gióng vui vẻ cất tiếng chào:
- Chào cậu bé! Ta !à Thánh Gióng. Ta đã nhận được lời nguyện cầu của cậu. Cậu có muốn ta giúp gì chăng?!
Sự ngạc nhiên tột độ đã nhanh chóng biến thành niềm vui mừng khôn xiết. Em vội vàng bày tỏ:
- Thưa ngài! Em và các bạn chi ao ước làm sao vươn vai một cái trở thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt như ngài. Xin hỏi ngài bí quyết để điều đó biến thành hiện thực.
Thánh Gióng cười lớn, tiếng cười vang động không gian:
- Ồ! Ta hiểu! Tuổi thơ bao giờ cũng có những ước mơ đẹp đẽ lạ thường! Ngày xưa, ta cũng vậy. Chính sự tồn vong của đất nước trước nạn ngoại xâm đã khơi dậy trong ta sức mạnh thần kì. Chính dân làng đã góp gạo nuôi ta lớn nhanh như thổi để đi đánh giặc. Sức mạnh của ta là sức mạnh lòng yêu nước của toàn dân. Việc ta vươn vai một cái trở thành tráng sĩ tượng trưng cho khát vọng chiến thắng quân thù. Ta thay mặt nhân dân trừng trị đích đáng lũ giặc ngông cuồng, dám xâm phạm vào giang sơn gấm vóc của tổ tiên.
Còn bây giờ, trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, con người không cần phải khổng lồ về thể xác nhưng phải khổng lồ về ý chí và trí tuệ. Một trí tuệ sáng suốt, một nghị lực phi thường trong một thân thể khỏe mạnh là những điều rất cần thiết cho cuộc sống ngày nay. Đó là những lời tâm huyết mà ta muốn nói. Cậu bé hãy suy nghĩ kĩ xem có đúng không. Nếu đúng thì hãy làm theo và ta cũng nói trước rằng đó là cả quá trình phấn đấu lâu dài và gian khổ đấy ! Ta chúc cậu mai sau trở thành người có đức, có tài hữu ích cho đất nước! Thôi, chào cậu! Ta đi đây!
Thánh Gióng dứt lời, ngựa sắt hí vang, bốn vó từ từ nhấc khỏi mặt đất. Cả người lẫn ngựa bay càng lúc càng cao, rồi mờ dần, mờ dần giữa những đám mây trắng như bông.
Em bàng hoàng tỉnh giấc. Ôi! Thì ra là một giấc mơ! Một giấc mơ lạ lùng! Tiếng nói của Thánh Gióng vẫn văng vẳng đâu đây. Em thấm thía lời khuyên chí tình của ngài. Đúng là chi có thể bằng con đường học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng thì chúng ta mới biến được những ước mơ đẹp đẽ thành hiện thực.

Đề bài: Em hãy viết bài văn tưởng tượng và kể lại mười năm sau em trở về ngôi trường đang học hôm nay.
Thời gian trôi thật nhanh thấm thoắt đã mười năm kể từ ngày em rời xa mái trường “Trung học cơ sở Tân Khánh” để bước vào một môi trường học tập mới và theo đuổi ước mơ của mình. Hôm nay nhân kỉ niệm năm mươi năm thành lập trường, em quay trở lại mái trường xưa với bao cảm xúc trào dâng.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, em thi vào một trường chuyên cấp ba trên tỉnh, khá xa nhà và ít khi có dịp về nhà và càng không có cơ hội quay lại thăm mái trường xưa nơi đã em đã gắn bó suốt bốn năm học cấp hai của mình. Học xong cấp ba, em thi và đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. Nhờ sự kiên trì, chịu khó và sự ham học hỏi của mình em nhận được một suất học bổng du học nước ngoài trong vòng bốn năm, bốn năm sinh hoạt và học tập ở nước ngoài, nỗi nhớ quê hương da diết luôn thường trực trong tâm trí em. Hoàn thành khóa học bốn năm, em tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành xuất sắc bảo vệ luận án thạc sĩ của mình. Và giờ đây em trở về quê hương, trở thành giảng viên một trường đại học danh tiếng ở Việt Nam như đúng ước mơ của mình.
Hôm nay em mới có cơ hội trở lại thăm ngôi trường trung học cơ sở Tân Khánh nhân kỉ niệm năm mươi năm thành lập trường. Ngôi trường giờ đã khác xưa rất nhiều, ấn tượng đầu tiên của em đó là dòng chữ “Trường trung học cơ sở Tân Khánh” được đúc bằng đồng, thay cho dòng chữ đó mười năm trước được in màu trắng chìm trong tấm biển bằng sắt, nằm trang trọng trong tấm biển hiệu nhà trường, bên trên là rất nhiều lá cờ nhỏ bay phấp phới trong gió. Mười năm trước và giờ đây, đã có một sự thay đổi lớn lao tại nơi đây. Lúc em học, ngôi trường chỉ có một dãy nhà ba tầng duy nhất dành cho học sinh, một dãy nhà hai tầng dành cho ban giám hiệu hiệu nhà trường, và rất nhiều những dãy nhà cấp bốn khác.
Nhưng giờ đã có một dãy nhà năm tầng mới mọc lên nằm bên cạnh dãy nhà ba tầng, những lớp học nhà cấp bốn tuy vẫn còn nhưng chỉ còn rất ít. Các dãy nhà cũ đều đã được sửa sang khang trang và quét sơn trông rất đẹp. Cơ sở vật chất trong các lớp học cũng được hiện đại hơn rất nhiều, ngày trước cả trường chỉ có từ một đến hai chiếc máy chiếc phục vụ những buổi thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, hoặc những lớp có tiết học có giáo viên dự giờ hay thao giảng thì mới được lên phòng máy chiếu nhưng nay tất cả các lớp đều có máy chiếu và mọi bài giảng của giáo viên đều được trình chiếu trên máy chiếu để những tiết học thêm sinh động, tránh gây sự nhàm chán. Mọi thứ thay đổi chỉ có hàng cây xà cừ và phượng vĩ vẫn còn đó, nhưng đã to hơn rất nhiều.
Em gặp lại rất nhiều bạn cũ cũng về tham dự buổi lễ quan trọng này, mặc dù đã mười năm nhưng vẫn còn nhớ nhau lắm. Em gặp lại bạn Nga – một cô gái yêu thích nghệ thuật, vẽ tranh thì giờ đã là một nhà thiết kế thời trang, bạn Nam với ước mơ thi đỗ vào trường “Học viện cảnh sát nhân dân”, giờ đây bạn đã thực hiện được ước mơ của mình và hoạt động trong ngành công an, còn nhiều bạn nữa nói chung bạn nào cũng có nghề nghiệp ổn định và thành công với ước mơ của mình. Em gặp lại các thầy cô, thầy Duy hiệu trưởng nhà trường, giờ đây cũng đã nghỉ hưu và hôm nay cũng có mặt với sự kiện to lớn của trường. Em gặp lại cô giáo chủ nhiệm hồi lớp Chín, cô vẫn nhận ra chúng em. Cả cô cả trò đều rất vui, cô hỏi chúng em về tình hình học tập và rất mừng khi thấy học trò của mình ai cũng thành đạt, sau đó cô và trò cùng nhau ôn lại những kỉ niêm cũ. Hết buổi kỉ niệm cô mời chúng em vào nhà chơi, nhưng chúng em xin phép vì còn bận một số công việc và hứa với cô sẽ vào thăm cô vào một dịp khác.
Trở về trường cũ với bao sự đổi khác, chỉ có tình thầy trò là vẫn như xưa. Em thực sự xúc động và tự hứa sẽ không bao giờ quên những kỉ niệm nơi đây, nơi có những thầy cô luôn hết mình, tận tụy với sự nghiệp trồng người.

Đề bài: Tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện tâm sự giữa các đồ dùng học tập
Đêm đã khuya, tôi đang nằm đọc truyện thì chợt có tiếng nói khe khẽ. Tôi nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai. Tôi hơi chột dạ vì mình đã khóa cửa kỹ lắm rồi, mà hình như là có trộm. Nhưng rõ ràng tiếng nói ấy vọng ra từ phía bàn học. Tôi để ý và phát hiện ra, đó là cuộc nói chuyện giữa các bạn đồ dùng học tập và cũng nhờ cuộc trò chuyện đó mà tôi đã hiểu được tâm sự của những người bạn thầm lặng bên mình.
Tôi phải tự thú thật rằng tôi là một đứa con gái chẳng mấy nết na, hiền dịu mà ngược lại, rất nghịch ngợm và chẳng gọn gàng. Học xong là sách vở, bút thước của tôi lại bày bừa khắp mặt bàn. Bố mẹ nhắc tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn chưa sửa được cái tính đấy cho đến khi nghe được cuộc nói chuyện này. Đầu tiên là lời than thở của chị hộp bút: "Tôi chẳng biết anh thước ko, chị bút chì, mấy cô cậu sách vở sướng hay khổ nhưng tôi thấy mình bị hành hạ ghê quá! Hồi xưa tôi còn là một chiếc hộp bút đẹp đẽ, mới mẻ và trắng trẻo mà giờ đây mặt mũi tôi nhem nhuốc toàn mực là mực, những mảng da thì loang loang lổ lổ. Cô chủ thấy những hình thù nào đẹp là lại dán vào, chán rồi thì lại hóc ra. Những mảng da của lôi cũng dần bị bóc theo. Cái xương sống của tôi giờ cũng sứt mất mấy miếng, đau ơi là đau".
Anh thước kẻ nghe vậy cũng thông cảm cho chị hộp bút và kể lể chuyện của mình:
– Ừ, tôi cũng thấy chị hộp hút khổ thật nhưng tôi nào khác chị. Ngày cô chủ mới mua tôi về, những vạch in số của tôi còn rõ ràng nhưng sau mấy bữa, những con số đó bị cô chủ cậy hết và viết những cái gì linh tinh vào mình tôi. Cô ấy còn lấy dao vạch vạch những hình thù quái dị vào người tôi nữa. Tôi còn là một vũ khí để chiến đấu với mấy thằng con trai hay lấy đồ của cô chủ nên người tôi sứt mấy mảnh liền. Cô chủ thật là…
Mấy cô cậu sách giáo khoa cũng chen ngang vào: "Phải đấy! Phải đấy! Cô chủ thật là vô tâm, chẳng biết thương chúng ta chút nào. Chúng em còn bị dập ghim vào người, cô chủ còn vẽ vời lên người chúng em nữa. Ôi, đau lắm! Đau lắm!". Nghe những lời tâm sự đó, tôi mới ngồi nhớ lại những lần tôi làm chúng bị đau, bị bẩn. Ôi! Các bạn đồ dùng học tập đúng là bị tôi làm xấu, làm hỏng thật nhiều.
Đồ dùng học tập là những người bạn trợ giúp việc học tập của chúng ta thêm tốt hơn. Tôi sẽ và đang cố gắng không bừa bộn và giữ gìn chúng cẩn thận hơn. Nếu bạn nào giống tôi thì cũng phải sửa đấy!


Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
54
39
NoName.114871
28/11/2017 21:18:28
đây là một trang web tốt các bạn nên phát triển nó!!
35
21
NoName.149099
25/12/2017 21:01:54
Can them nhieu bai van hay hon nua
 
60
15
NoName.152816
30/12/2017 08:08:18
Trong nhà tôi có ba phương tiện giao thông là bác ô tô, chú xe máy và anh xe đạp. Một hôm, trời nóng bức, tôi leo lên người bác ô tô mở tung hết cánh cửa xe ra để nằm cho mát. Tôi chợt nghe thấy có tiếng rên rỉ của bác ô tô: “Kít! Kít! Đau quá! Đau quá!”.
Nghe thấy tiếng bác ô tô rên rỉ, anh xe đạp ở bên cạnh thì thầm với chú xe máy:
- Bác ô tô sướng thật, suốt ngày nằm ở nhà, chẳng vất vả gì. Thỉnh thoảng, nhà chủ phải đi bốc hàng thì mới phải đi còn những ngày thường thì được tắm rửa sạch sẽ, có khi còn được mua quần áo mới cho nữa. Chẳng bù cho tôi, tôi là người khổ nhất, người tôi gầy gò, ốm yếu nhất trong ba người, thế mà ngày nào cũng phải cùng ông chủ tập thể dục vào buổi chiều, ngày nào cũng phải đi bốn, năm cây số chứ ít gì đâu. Chân tay tôi lúc nào cũng ra rời. Có lần chân tay còn bị chảy máu vì dẫm phải đinh hay vấp hòn đá nhọn giữa đường, ông chủ phải mang tôi đi băng bó vết thương cho lành lại. Bác ô tô mới có thế mà đã kêu toáng cả lên.
Bác ô tô nghe thấy nhưng vẫn lờ đi, coi như không có chuyện gì cả. Được thể, chú xe máy lên tiếng:
- Ừ, chẳng bù cho tôi suốt ngày phải làm việc, luôn chân luôn tay, chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Buổi sáng thì chở cô chủ đến trường, trưa về lại cùng bà chủ ra chợ, đến chiều bà chủ lại bắt mang hàng đi cất. Đợt vừa rồi, chắc làm việc quá sức nên tôi bị ốm, ông chủ bà chủ không mang hàng đi cất được, buộc phải chờ tôi khoẻ hẳn. Tuy tôi to hơn anh thật đấy nhưng lại phải làm việc nặng hơn, nhiều hơn. Trong số chúng ta, tôi mới là người khổ nhất.
Bác ô tô nghe thấy hết, không chịu được nữa, định cho mỗi người một cái bạt tai nhưng may là bác ấy trấn tĩnh lại được, chứ không thì… Bác nghĩ mình là người có tuổi, không nên làm như vậy, chi bằng giải thích để mọi người hiểu. Bác ô tô cất giọng từ tốn và nghiêm khắc nói:
- Các anh vừa nói gì với nhau tôi đều đã nghe thấy cả. Nhưng tôi thắc mắc là, chẳng hiểu các nhà nghiên cứu đã phát minh ra chúng ta làm gì cơ chứ? Họ bỏ công sức và tiền của làm ra chúng ta là để làm cảnh hay sao? Chẳng nhẽ chúng ta lại là một lũ vô tích sự?
Sau những câu hỏi của ô tô đưa ra, xe đạp và xe máy liếc nhìn nhau, mặt người nào người nấy đỏ bừng, không nói được câu nào. Bác ô tô lại nói tiếp:
- Các nhà nghiên cứu phát minh ra chúng ta để phục vụ cho cuộc sống con người, giúp con người thuận tiện hơn khi đi lại, mua bán, giao tiếp. Còn bản thân tôi, tôi cũng phải làm việc, thậm chí là những công việc nặng nhọc, nhiều hơn các anh. Mà nào tôi có hé răng kêu ca với ai, thỉnh thoảng có đau mỏi quá thì kêu lên một mình đấy thôi! Phải biết rằng con người vất vả lắm mới kiếm ra được hạt cơm hạt gạo chứ chẳng ai không dưng lại có mà ăn!
Nói xong, bác ô tô ho lấy ho để. Thấy thế, anh xe đạp và chú xe máy vội chạy lại xoa bóp cho bác ô tô và xin lỗi rối rít.
Từ đó họ không còn kêu ca, phàn nàn nữa, ai cũng cố gắng làm việc.
17
39
NoName.160496
11/01/2018 20:42:58
Tôi là môt caa
30
10
Pikachu
05/12/2018 20:43:58

Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra.

Bài làm

Thấm thoát mà tôi xa trường đã mười năm rồi... Đọc báo thấy tin tức nhắc đến ngày Nhà giáo 20/11, tôi bỗng nhớ đến ngôi trường xưa và có dự định thăm lại nơi này…

Hôm nay trở về, lòng xiết bao bỡ ngỡ! cổng trường xập xệ lúc trước đã được thay bằng trụ cột bê tông vững chắc. Nổi bật nhất phía trên là bảng tên trường hãnh diện khoe những nét chữ trăng trắng trên nền màu xanh dương. Tuy bề ngoài có vẻ nho nhỏ nhưng vào trong mới thấy những đổi thay của một ngôi trường khang trang, bề thế ngập đầy bóng mát xanh tươi.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào cổng là cảnh sân trường rộng rãi, thoáng mát với nhiều chậu cảnh đủ loại, muôn màu muôn vẻ như cây sứ, cây chuỗi hạt, cây dừa cảnh... được đặt dọc theo lối đi. Tô điểm thêm cho cảnh vật là hàng loạt băng ghế đá trắng, vàng, đỏ được kẻ dọc theo bờ tường nhưng đẹp nhất vẫn là bảy cây phượng xum xuê, xanh mươn mướt trồng thành những hàng liên tiếp từ đầu đến cuối sân. Ở đầu sân cột cờ bằng gỗ năm xưa được thay bằng cột inox trắng sáng với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên cao. Đây là nơi biểu tượng cho lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là nơi buổi lễ chào cờ được tổ chức đều đặn vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần mà tôi không thể nào quên.

Khu nhà trung tâm là tầng lầu với các lớp học chạy dài tít mắt đến tận cuối sân. Lớp nào cũng sơn phết, xây dựng cùng một kiểu giống như duyệt binh: tường quét vôi màu vàng chanh, cửa sơn màu xám tro nhạt... tạo nên một khung cảnh nhẹ nhàng dễ chịu. Trong mồi phòng học, bàn ghế kê thành hai dãy thẳng tắp, tấm bảng đen ngày xưa được thay bằng bảng tương tác rất hiện đại.

Thay đổi nhiều nhất phải kể đến phòng nghe nhìn và phòng thư viện. Nơi đây có ti vi, đầu máy, dàn karaoke để học môn Anh văn, mắt thấy được những hình ảnh sinh động trên màn hình, tai nghe được đúng giọng của người bản quốc. Nơi đây còn có máy vi tính tối tân, hiện đại. Còn phòng thư viện được trang trí đẹp đẽ với những kệ sách đầy ắp truyện tranh, truyện ngắn, sách tham khảo... kết hợp với một dàn vi tính để học sinh thuận lợi tìm tài liệu tham khảo.

Đang đi thăm trường, tôi bỗng gặp được thầy Minh, người thầy chủ nhiệm năm xưa. Thầy không còn trẻ trung như ngày trước. Mái tóc đã lốm đốm bạc.

- Em chào thầy! Thầy có nhớ em không? Em là Hoa nè.

Thoáng một chút bỡ ngỡ, thầy lộ vẻ vui mừng:

- Hoa lớp trưởng phải không?

Da. đúng ạ!

- Bây giờ em lớn mà lại đẹp ra. Hiện giờ em đang làm gì?

- Dạ, em mới ra trường. Cũng làm nghề như thầy.

- Chúc em thành đạt.

- Em cũng chúc thầy mạnh khỏe.

Chào thầy, tôi bước ra cổng trường với những cảm xúc khó tả...

Qua mười năm, mái trường đã thay đổi nhiều, các thầy cô cũng đã thay đổi. Bản thân chúng tôi cũng đã hoàn toàn khác xưa. Duy chỉ có một điều còn mãi, đó là tình cảm thân yêu đối với thầy cô, lòng biết ơn mái trường, cảm xúc quyến luyến với nơi mình đã học tập và trưởng thành.

Em hãy tường tượng kể lại chuyện sáu con gia súc so bì công lao.

Bài làm

Trong cuộc sống của con người, từ xưa đến nay đều có sự tham gia đóng góp tích cực của các giống vật trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn,... Các giống vật quần quật sớm tối với con người trong mọi việc, làm cho cuộc sống con người giàu có, phong lưu. Tuy vậy giữa các giống vật vẫn thường xảy ra sự suy bì, tị nạnh. Một hôm trâu gặp người than thở:

Trong các giống vật, trâu là kẻ vất vả nhất. Sớm tinh mơ đã bị gọi dậy đi cày, đi bừa, ách khoác lên vai, dây chão xâu đằng mũi. Thôi thì tùy chủ, miệng quát, tay đánh, trâu chỉ một lòng chăm chỉ làm lụng, không kể ruộng cạn đồng sâu, ngày mưa ngày nắng, chỉ mong lúa ngô tươi tốt đê đền ơn chủ. Nhưng vất vả như vậy vẫn chưa hết việc. Khi gặt lúa lại cũng phải do trâu kéo về, rồi lại trâu trục lúa. Hết mùa lúa lại phải đi kéo gỗ, chở phân. Ăn uống thì chỉ có rơm và cỏ, vội vàng cũng chẳng kịp nhai! Chỉ khi về nhà mới đem ra nhai lại. Khi già yếu thì bắt làm thịt, lột da, nghĩ thật là tủi cực trăm đường! Trong khi đó lũ chó chẳng thấy làm gì, ngày hong hóng ăn ba bữa, sủa cuội, sủa nhăng, lắm khi chủ không kịp treo cất thức ăn thì chó liền ăn vụng, thật là vô tích sự!

Chó nghe trâu nói, tức khí liền sủa vang nhà, mắt long sòng sọc:

- Trời sinh giống nào việc nấy, sao trâu lại dám suy bì? Thử hỏi ai canh giữ cửa nhà, chống quân kẻ trộm? Ai đuổi cáo, ai thức trắng đêm chờ nghe động tĩnh? Thức ăn của chó có gì mà bì? Chỉ cơm thừa canh cặn, xương xẩu bỏ ra mới đến phần chó. Nuôi trâu còn tốn kẻ chăn dắt chứ đâu như nuôi chó, chủ chẳng phải lo gì?

Người an ủi bảo hai con đều giỏi, trước sau người đều yêu quý cả hai. Song, chó lại tị nạnh cùng lũ ngựa, sao chúng lại được ưu đãi quá nhiều. Ngựa được ăn thóc, án cháo đậu xanh, ở nhà lợp ngói, người còn thưởng xuyên tắm táp, chăm lo sửa vó, sửa bờm, sắm yên, sắm lạc, dây cương thì làm bằng bạc, ra vẻ oai phong, mà thực ra chẳng biết cày gừa, giữ nhà gìử cửa!

Ngựa nghe nói hí vang sân trại, kêu to:

- Thử hỏi ai xứng đáng kéo xe, phò giá, phục vụ các đức ông? Ai xông pha trận mạc, vượt hàng trăm dặm? Các người chỉ quanh quẩn xổ bếp, góc vườn, làm sao mà hiểu được ngựa, một kẻ mà chí hướng để ở phương xa!

Người vỗ về nói công lao của ngựa không nhỏ. Nhưng ngựa đâu chịu yên? Ngựa chỉ trích lũ dê nhàn nhã, chỉ biết ăn và nhảy nhốt mà thôi, hễ gặp ai thì cũng kêu be be một cách vô nghĩa.

Dê nghe ngựa nói liền vểnh râu cãi lại:

- Tôi ham ăn cũng chỉ ăn lá, ăn cỏ, không hề phạm vào cây lúa, cây ngô, lá khoai, quả đậu. Nhưng khi cúng tế, xác ngựa tuy to, thử hỏi ai cần? Còn như thiếu dê tôi thi không thành đồ lễ. Anh ngựa thật chi biết nhìn đời một phía mà không biết suy nghĩ. Nếu biết suy nghĩ sao không trách lũ gà, ăn rồi chỉ biết bới rác, phá giậu, phá vườn, ai cho ăn gì, ăn xong thì quẹt mỏ!

Gà nghe nói khinh bỉ nhìn nghiêng:

Xin hỏi các anh, ai có đủ phẩm chất nhân, dũng, tín, văn, võ như tôi? Này đầu có mào là dáng quan văn, chân có cựa là thân tướng võ, có miếng ăn thì cục cục gọi đàn, như thế là nhân. Sáng sáng gáy đúng giờ, như thế là tín, thấy kẻ địch xông tới là đánh, như thế là dũng! Đó là chưa kể chân gà giúp bói toán để biết lành dữ. Gà không được ai chăn dắt thì phải bơi rác chứ sao nhưng gà ăn rất ít có tốn mấy mà kêu? Có đậu ăn nhiều như lũ lợn, ăn no lại nằm?

Lợn nghe nói đến mình liền ụt ịt phân bua:

- Các anh đừng có lắm lời, vì không hiểu lợn. Lợn phải béo mới cúng được thần. Các thứ việc làng, việc xã, cưới xin, tang ma, khao vọng không có lợn thì làm sao xong được? Ở đời mỗi người mỗi việc, xin chớ lắm điều!

Người nghe lợn nói liền khen lợn, gà, dê đều giàu đức hy sinh, lại giàu khả năng sinh nở. Cả sáu giống vật nuôi trong nhà, giống nào cũng quý, xin đừng tị nạnh thiệt hơn, có thế nhà ta mới lắm phúc.

Em hãy tượng tưởng kể lại tâm sự của Thạch Sanh

Bài làm

Ngồi trong ngục tôi, chờ ngày ra xét xử, ta mới hiểu hết bụng dạ người anh kết nghĩa Lý Thông và mới hiểu hết cái âm mưu hèn ha của hắn.

Thì ra việc nhờ canh miếu thần chỉ là cái cờ để mượn ta thế mạng, còn việc đuổi ta, doạ rằng ta sẽ bị tội chết vì giết chết chằn tinh của vua nuôi cũng chỉ là cái cớ cướp công của ta!... Thực ra, khi đánh nhau với chằn tinh và giết nó, ta đâu nghĩ đến việc lập công, lĩnh thưởng. Ta chỉ vì tự vệ và nếu vì tự vệ mà giúp mọi người trừ được một mối hại lớn thì cũng là một việc làm phúc to cho đời rồi.

Tệ nhất là việc Lý Thông hại ta khi cứu công chúa Quỳnh Nga. Thật không ngờ hắn lại nỡ lấy đá lấp hang để không cho ta trở về. Cũng may là thế giới rộng lớn, đường đi muôn ngả và ta được làm quen với con vua Thủy Tề. Người dưới thủy cung thật chân thành và tốt bụng. Khi ra ve con biếu ta cây đàn làm bạn.

Cho đến bây giờ ta vẫn không hiểu tại sao quan quân lại tìm thấy vàng bạc của vua ở nơi gốc đa của ta. Rất có thể là kẻ nào muốn hãm hại ta mà bày ra chuyện dó. Biêt dâu việc này lại không dính với âm mưu của Lý Thông?

Tâm địa Lý Thông thì đã rõ rồi nhưng tại sao công chúa Quỳnh Nga im lặng? Nàng ốm hay đi đâu? Ta rất tin vào tấm lòng trong trắng, chân thật của nàng. Chắc là nàng bị bưng bít, bị lừa gạt chi đây?

Buồn quá. Ta ôm cấy đàn và đánh lên mấy tiếng. Lạ chưa, tiếng đàn ngân nga thành bài:

Đàn kêu tích tịch tình tang

Ai đem công chúa dưới hang trở về?...

Số phận ta rồi sẽ ra sao? Chẳng lẽ bọn Lý Thông vẫn tiếp tục làm mưa làm gió, hăm hại người tốt măi hay sao?

Hãy tưởng tượng kể chuyện cô Tấm (trong truyện cổ tích “Tấm Cám”) đang ở nhà bà hàng nước, nhớ nhà, nhớ vua mong được đoàn tụ.

Bài làm

Từ ngày buông mình rơi vào vạt áo bà lão hàng nước, được bà nâng niu, Tấm trong quả thị rất đỗi cảm động. Mỗi khi bà đi bán hàng, Tấm từ quả thị bước ra quét nhà, nấu cơm nấu nước cho bà. Rồi bà rình bắt được, xé vụn vỏ thị, thế là Tấm làm con gái bà cụ.

Những khi bà cụ đi chợ vắng, làm xong mọi việc trong nhà, Tấm thường ngồi trên chõng tre, cảm thấy lòng mình vừa vui vừa buồn.

Nàng vui vì được bà cụ xem như con gái, tìm ra được tình cảm người mẹ mà nàng tưởng như đã mất vĩnh viễn. Nàng chạnh lòng nhớ đến người mẹ xấu số đã mất đi quá sớm để lại cho nàng một số phận bơ vơ ngay trong nhà mình. Nàng căm giận bà dì ghẻ và đứa em gái cùng cha khác mẹ nỡ nhẫn tâm cướp đi tuổi thơ hồn nhiên và niềm vui của nàng. Thì ra thấy nàng mồ côi, không nơi nương tựa, hai mẹ cọn rắp tâm ăn hiếp và tước đoạt những quyên lợi mà lẽ ra nàng được hưởng. Thấy nàng xinh đẹp, hai mẹ con lại ra tay giết hại để tước đoạt hạnh phúc của nàng. Thật hiếm có một hành động nào tàn khốc và nhẫn tâm hơn thế. Nàng nghĩ: “Lừa ta hụp xuống cho sâu để trút hết giỏ cá của ta để về nhà tranh chiếc yếm đỏ tuy là không tốt nhưng cũng là việc nhỏ. Nhưng làm sao có thể tưỏng tượng được là có thể lừa ta trèo cây cau để chặt cây cho ta ngã chết? Khi ta đã hóa ra làm chim vàng anh để được gần chồng ta thì Cám lại ăn thịt ta. Ta hóa thành cây xoan đào dể ru chồng ta ngủ, Cám cũng chặt thân ta đi. Vậy là Cám đã hại ta hết kiếp này đến kiếp khác. Giờ này hẳn mẹ con cái Cám đang chiếm dụng cung vua và không biết chồng ta đang sống ra sao?

Nàng lo lắng cho vua. Liệu nhà vua có nhận ra con Cám độc ác hay không? Nàng sung sướng thấy nhà vua đã nhớ đến nàng khi nàng là con chim vàng anh, chàng đã nâng tay áo rộng lên đón nàng vào. Khi nàng là cây xoan đào, ngày nào chàng cũng mắc võng hóng mát dưới bóng cây. Khi cây bị đốn thì chàng buồn bã. Rõ ràng là chàng rất yêu Tấm. Song tại sao chàng lại nhu nhược đến thế? Chàng chỉ ngậm miệng chịu thiệt, chẳng có biện pháp gì để chặn bàn tay tội ác của con Cám lại là tại làm sao? Nếu chàng không bảo vệ được nàng thì đời nàng sẽ như thế nào?

Ngày ngày Tấm đều trông ra đường và mong nhà vua đến tìm. Càng ngày nàng càng sốt ruột; một ngày đi qua là lòng nàng thêm niềm khắc khoải.

Hạnh phúc của nàng rồi sẽ ra sao? Phải chăng cái ác sẽ bị tiêu diệt? Phải chăng ở hiền gặp lành và ác giả ác báo như niềm tin muôn thuở?

Tượng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó.

Bài làm

Ngày xửa ngày xưa, có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: Cáo mời Cò đến ăn bữa trưa và bày ra một đĩa canh. Với cái mỏ dài, Cò chẳng ăn được chút gì, thê là Cáo chén sạch. Cò tức, ngày hôm sau mời Cáo sang và dọn bữa ăn đựng trong một cái bình cổ cao. Cáo không cho mõm vào được. Cò thì với chiếc mỏ dài đã thò mỏ vào và một mình ăn no.

Câu chuyện ấy được lan truyền từ đời này sang đời khác, trong nhừng cánh rừng và trên các dòng sông.

Có một chú Cáo mới lớn nghĩ bụng, câu chuyện cùng hay nhưng đó chỉ là truyền miệng. Còn thực tế ở đời thì sao nhỉ? Mình thử kiểm tra lại xem sao mới được. Và nó cũng bày ra một cái đĩa đầy thức ăn ngon rồi mời Cò đến.

Quá đúng như truyện, Cò mới mổ được vài tí thì Cáo đố liếm sạch cá đĩa. Thế mà Cò không tỏ ra khó chịu, nó chỉ nhỏ nhẹ mời Cáo đến nhà nó ăn, rỗi lặng lẽ ra về.

Còn một mình, Cáo mỉm cười nghĩ bụng: “Chắc sẽ diễn ra đúng như truyện đây. Ta đã chơi Cò một vố, thế nào mà Cò chẳng trả thù ta”.

Tuy vậy, hôm sau Cáo vẫn đến nhà Cò. Chủ nhà vui vẻ ra tận cổng mời khách rồi nhanh chóng bày bừa ăn. Nó bê ra một cái bình cổ cao đặt lên bàn rồi đi vào. Cáo đang nghĩ bụng: “Đúng y như truyện rồi. Ta đành phải mang bụng đói về thôi...” thì Cò khệ nệ bưng ra một đĩa tròn đầy thức ăn.

- Xin mời anh ăn phần ở đĩa này. Chiếc bình là phần tôi. Xin mời anh xơi!

Khi ăn đã no say, Cáo mới vui vẻ hỏi Cò:

- Sao chị không trả thù tôi, sao chị không làm theo truyện?

Cò cười:

- Có cái làm theo truyện, có cái phải làm khác truyện. Trong trường hợp này mà làm theo truyện thì tôi sẽ trở thành kẻ thù của anh chứ đâu còn là bạn của anh nữaỉ

Tưởng tượng một nội dung mới cho một truyện cổ tích nào đó (“cây khế thời nay”)

Bài làm

Truyện cổ tích Cây khế “ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang, đem theo mà đựng” thì người lớn ai củng biết, còn bạn nhỏ thì thuộc làu.

Thế nhưng cây khế cùa bà Tư - mẹ liệt sĩ - thì các bạn nhỏ vô tinh không biết tới. Bà chỉ có hai người con là bộ đội đă hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, bà sống một mình, tuổi đã già yếu. Nhà bà có cây khế ngọt trong vườn, thỉnh thoảng bà hái đem di bán để kiếm thêm tiền mua trầu cau. Chờ lúc bà vắng nhà, các bạn nhỏ tha hồ leo lên cây, vừa bứt lá, vừa hái quả. Nhiều lần như thế, bà Tư biết nhưng không hề than thở với ai. Một hôm bà trở về bất ngờ và gặp các bạn đang còn ở trên cây. Bà hiền từ nói:

- Các cháu xuống cẩn thận từng cháu một, kẻo té thì khổ bà. Rồi các cháu vào đây bà kể chuyện cổ tích cho mà nghe.

Bà không trách mắng một bạn nhỏ nào. Bà nhỏ nhẹ kể cho các bạn nghe truyện Cây khế. Câu chuyện mà bạn nào cũng biết, cũng thuộc nhưng lần này mới thấy, mới hiểu hết ý nghĩa của nó.

Từ buổi nghe chuyện đó, các bạn nhỏ thường xuyên đến nhà bà Tư để chăm sóc, giúp đỡ bà những việc nhỏ trong nhà, hoặc trèo lên cây khế hái quả cho bà đem ra chợ bán.

Riêng mùa xuân này, nhờ chăm sóc tốt, cây khế cho rất nhiều quả làm bà Tư rất vui. Các bạn nhỏ càng thấy có niềm vui to Iớn hơn.

Em hãy tưởng tượng một kết cục khác cho một truyện cổ tích mà em biết (chẳng hạn truyện “Tấm Cám”).

Bài làm

Từ ngày đón được cô Tấm từ quán bà hàng nước trở về, nhà vua vô cùng sung sướng, ngày đêm quấn quýt bên người vợ trẻ, lòng lâng lâng như sống trong mơ.

Cũng từ ngày bị vua bỏ rơi, lạnh nhạt, Cám thấy buồn thủi trong lòng. Nay lại thấy Tấm về xinh đẹp, hạnh phúc hơn xưa thì lòng ghen tức của Cám lại sôi lên sùng sục. Như mọi lần, Cám lại về nhà mách mẹ. Mẹ Cám bảo: “Con yên chí, ta lại sẽ làm giỗ cha con, rồi lại gọi Tấm về trèo cau như trước, rồi ta chặt cây cho nó chết một lần nữa”. Cám bảo mẹ:

- Nhưng chị ấy có chết đâu, chị ấy lại được biến thành vàng anh, thành xoan đào, thành quả thị rồi trở về thành hoàng hậu đấy thôi.

- Vậy chỉ có một cách là con phải đẹp hơn nó mà muôn đẹp thì tự mình phải hóa kiếp.

Cám nói:

- Để được đẹp hơn nó, con không sợ gì cả, chết mấy lần con cũng cam lòng.

Nói rồi, Cám vội vàng ra vườn, trèo lên cây cau và giục mẹ lây dao chặt cây. Người mẹ tham lam nghe lời con, vội lây dao chặt cây cau. Cám ngã xuống chết.

Tuy nhiên, vì Cám độc ác quá, nấm mồ Cám đất rắn như nung, cỏ không mọc được nêii không hóa thành gì được. Mẹ Cám chờ đợi con gái hóa thành chim, thành cây, thành cô gái nhưng chờ mãi không được, đành chết già bền nấm mồ khổ.

Hãy đóng vai người chú kể lại câu chuyện về Lượn (chuyển nội dung bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu thành một câu chuyện).

Bài làm

Trong cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta chống quân xâm lược, tôi đã biết nhiều trường hợp hi sinh. Trong số đó, sự hi sinh của các em thiếu nhỉ làm tôi rất xúc động, mà đặc biệt nhất là trường hợp của chú bé Lượm.

Ngày ấy, khi giặc Pháp đánh đến Huế thì tôi vừa đi Hà Nội về, tình cờ gặp cháu Lượm. Đó là một chú bé loắt choắt, đeo cái xắc bé xíu. Đặc biệt chú thích đội nghiêng chiếc mũ ca lô trên đầu, vừa huýt sáo, vừa nhảy chân sáo trên đường, nom hệt như một chú chim chích.

Tôi hỏi:

- Cháu di làm liên lạc cho cơ quan kháng chiến, có nhớ nhà không?

Cháu cười rạng rỡ, hai mắt híp lại, hai má đỏ hồngỊ như trái bồ quân, nói:

- Ở đồn Mang Cá vui lắm chú ạ, còn vui hơn ở nhà Ị nhiều!

Tôi từ biệt cháu, lại lên đường ra Bắc, còn cháu lại trở về Mang Cá. Từ đó công việc liên miên, tôi khôngỊ còn dịp nào trỏ về Huế nữa.

Một hôm, tôi gặp một người quen từ Huế ra công tác. Trong giờ nghỉ ngơi, người ấy nói:

- Cháu Lượm hi sinh rồi, anh biết không?

- Sao? Lượm hi sinh rồi sao, trong trường hợp nào?

Tôi hấp tấp hỏi, dôi mắt như nhòa đi.

Người quen ấy kể;

- Cháu Lượm vẫn làm liên lạc cho cơ quan chúng tôi. Một hôm có công văn khẩn phải đưa đi gấp. Đường đi băng qua đồn dịch, rất nguy hiểm. Chúng tôi căn dặn:

- Phải cẩn thận, đường nguy hiểm lắm đấy, qua đồn cháu phải coi chừng mới được.

Cháu mỉm cười, bừng đỏ đôi má bồ quân.

- Nguy hiểm cháu cũng không sợ, việc cần thì phải đi.

Nói rồi cháu bỏ thư vào xắc, đội mũ ca lô ra đi. Từ xa tôi trông theo vẫn thấy cái mũ ca lô nhấp nhô trên đồng lúa như thể cháu vừa đi vừa nhảy, vừa huýt sáo. Bỗng từ phía đồn dịch một chớp đỏ lóe lên rồi một tiếng nổ vọng lại. Cái mũ ca lô biến mất. Khi chúng tôi tìm đến thì cháu đã hi sinh. Máu đỏ thấm ướt ngực cháu nhưng nét mặt thanh thản như là đang ngủ, một tay nắm chặt bụi lúa bên đường. Đồng lúa trổ đòng đòng, hương thơm ngào ngạt như đang ấp cho cháu ngủ.

Tin cháu Lượm hi sinh làm tôi xót xa bàng hoàng. Từ độ kháng chiến đến nay, tôi dã nghe nhiều tin tức hi sinh của đồng bào đồng chí nhưng tin cháu Lượm bỏ mình làm tim tôi xúc động mãi. Cháu còn bé bỏng

quá, vô tư quá, đã hiểu thế nào là sống chết đâu.

Trước mặt tôi bỗng hiện lên hình ảnh một chú Lượm nhỏ bé, đeo cái xắc xinh xinh, đội mũ ca lô lệch vừa huýt sáo vừa nhảy như con chim chích trên đồng ruộng Việt Nam.

Đóng vai Thánh Gióng, em hãy tưởng tượng kể vể cuộc đời của vị Phù Đổng Thiên vương này.

Bài làm

Tôi sinh ra dưới thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng. Cha mẹ tôi về già mà chưa có đứa con nào để nối dõi. Một hôm, mẹ tôi ra đồng sớm, thấy trên mặt đất có nhiều dấu chân lớn, bèn ướm thử bàn chân mình lên. Không ngờ về nhà mẹ tôi thụ thai.

Mẹ tôi mừng lắm, mong đợi mãi đến mười hai tháng sau mới sinh ra tôi. Tuy mặt mũi rất khôi ngô nhưng đến năm lên ba mà tôi vẫn chưa biết nói, chưa biết cười, cũng chẳng biết đi, đặt đâu thì nằm đó.

Năm ấy, giặc Ân tràn vào nước ta, cướp bóc, chém giết, làm cho dân ta rất điêu đứng. Vua Hùng cử sứ giả đi khắp nơi trong nước, rao truyền tìm người ra giúp vua đánh giặc. Khi sứ giả đến làng Gióng, nghe tiếng rao, tôi bỗng cất tiếng nói: “Mẹ ơi, mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Mẹ tôi kinh ngạc quá bèn làm thao. Tôi nói với sứ giả: “Ông về tâu vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt, một áp giáp sắt. Ta đánh tan giặc”. Sứ giả mừng rỡ, tức thì trở về triều. Nhà vua nghe tâu, truyền ngay thợ rèn ngày đêm làm gấp các thứ như tôi dã dặn.

Sau lúc gặp sứ giả, tôi bắt đầu lớn nhanh vùn vụt. Cơm ăn mấy cũng không no, áo may xong mặc vào đã chật. Thóc gạo của cha mẹ khổng đủ nuôi tôi ăn. Dân làng rủ nhau góp thêm thóc gạo đế nôi tôi, vì ai cũng mong tôi giết giặc cứu nước

Lúc ấy, quân giặc dã tiến đến chân núi Trâu gần kinh thành, tình thế rất nguy kịch. Ngựa sắt, roi sắt áo giáp sắt vừa rèn xong, vua cho đưa ngay đến làng Gióng. Tôi vùng dậy, vươn vai một cái bỗn biến thành một tráng sĩ cao lớn, oai phong lẫm liệt. Tôi mộc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, giết giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gẫy, tôi hèn nhổ những bụ tre bên đường quật vào giặc. Giặc tan tác, đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn. Tôi đuổi đến chân núi Sóc rồi một mình một ngựa chạy lèn đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại. Tồi cùng ngựa từ từ bay vứt lên trời.

Vua nhớ công ơn của tôi, phong là Phù Hổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà. Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm làng đều mở hội to vào tháng tư, mọi người từ khắp nơi tưng bừng về tham dự.

Ai ơi mùng chín tháng tư

Không đi Hội gióng cùng hư mất người.

Sau này người ta kể rằng, những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy nên có màu vàng óng, còn những vết chần ngựa nay thành những ao hồ liên tiếp. Khi ngựa thét ra lửa đã thiêu cháy một làng nên làng đó về sau gọi là làng Cháy.

Trong nhà em có ba phương tiệng giao thông: xe đạp, xe máy và ô tô. Chúng cãi nhau, so bì hơn thua kịch liệt. Hãy tưỏng tượng em nghe thây cuộc cãi nhau đó và sẽ dàn xếp như thế nào.

Bài làm

Trong nhà tôi có ba phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy và ô tô. Ba phương tiện này đều đóng góp tích cực cho cuộc sống mọi người. Tuy nhiên, cả ba đều không ai ưa ai. Một buổi tối em út xe đạp đến than thở với tôi:

- Chị Mai ơi! Chị đứng ra làm chứng cho em. Người khổ nhất trong nhà này vẫn là em. Người vừa gầy vừa bé thế mà phải cõng mọi người suốt mấy chục năm trời, từ khi nhà này còn nghèo túng cho đến bây giờ.

Thế mà vừa mua được anh xe gắn máy là muốn quăng em sang một bên.

Bỗng từ sau lưng em út xe đạp vang lên một giọng nói giận dữ của anh tư xe máy:

Ai nói tôi sướng! Từ khi có tôi có phải là em út xe đạp được thảnh thơi hẳn ra. Chỉ có một việc là chở chị Mai đi học, còn ngoài ra là chẳng phải làm gì hết. Còn xe máy tôi ai cũng tranh nhau sử dụng. Hẳn là chạy cho nhanh mà không tốn sức. Ngược lại người tôi nóng ran lên, thở toàn ra khói. Thế có khổ không! Chứ không như ai kia, mặt mũi bóng láng, lại nằm chình ình một chỗ, chiếm cả nửa căn nhà.

Anh năm ô tô đang nằm im, nghe có người nói kháy mình liền cười nhạt:

Các chú lầm to rồi! Sướng gì mà sướng? Chỉ có hai chú sướng mà không biết đấy thôi. Tôi còn khổ hơn các chú trăm lần. Này nhé, quãng đường các chú chuyên chở chỉ vài cây số hoặc quá lắm vài chục mà thôi, còn tôi đây lên đến vài trăm cây số. Chạy liên tục từ sáng đến trưa, có khi đến chiều tối mới đến nơi. Thử hỏi còn gì mệt hơn. Các chú so làm sao được. Có đúng thế không chị Mai?

Chị Mai từ đầu đến giờ ngồi im, lúc này mới lên tiếng hòa giải:

- Từ nãy đến giờ, chị đã nghe hết cả rồi. Các chú đừng so bì và cãi nhau nữa. Tất cả đều có ích, không ai hơn ai mà cũng chẳng ai kém ai. Tất cả đều phục vụ lợi ích cho con người. Cả nhà đều cám ơn các chú.

Nghe vậy, em út xe đạp, anh tư xe máy và anh năm ô tô vui vẻ bắt tay hòa giải với nhau. Riêng tôi, sau khi nghe câu chuyện của các phương tiện giao thông, tôi mới thấm thìa về lợi ích của các phương tiện này, từ đó cố gắng chăm sóc, bảo quản, giữ gìn phương tiện của mình thật tốt để chúng gắn bó với tôi trong suốt cuộc đời.

12
8
NoName.375596
07/12/2018 21:34:52
Hay quá đi
12
8
NoName.376812
09/12/2018 14:59:23
Hay quá điiiiiiiiiiii
15
6
PHAM thu ha
09/12/2018 19:15:03
ke chuyen tuong tuong ve cuoc tranh tai cua cac loai hoa
12
7
NoName.379417
12/12/2018 21:10:30
Cũng hay
6
5
Trang Thuy
25/11/2019 15:17:13
Hay qua .

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×