Nhà anh Lân ở làng Thạch Thổ. Hộ anh có bảy khẩu. Năm ngoái mất một khẩu. Đó là khẩu bà nội anh. Bà mất vì đã biến thành trẻ con. Vào một sáng, bà nghe anh Lân từ cổng vào, la to : “ Có bánh nậm đây, mẹ của cha ơi ! ”. Bánh nậm bà rất thích. Nghe thế, bà mừng quýnh, lều khều bước nhanh ra thềm cao, sụp chân té văng xuống sân, va vào đá lổn nhổn. Gãy chân, móp đầu, ba ngày sau bà “ đi ” ! Bánh nậm vĩnh viễn chưa ăn !
Sổ hộ khẩu anh Lân đã gạch tên bà. Hiện nay còn sáu khẩu :
– Cụ ông : bố của Lân. Tóc lưa thưa vài sợi rất dài và trắng tinh. Trông ma quái thần tiên. Suốt ngày ngồi thần người, không hở môi nơi cuối hiên nhà, mắt đậu dính về đỉnh núi Cảo, chìm đắm nơi chín tầng trời tiên giới.
– Cụ bà : mẹ của Lân. Nhỏ thó. Mặt, tay, cổ vô số nếp nhăn rối rắm, sâu như dao cứa. Tiếng nói khàn đục, giọng thổ của đàn ông. Trò chuyện thường liếc ngang, liếc dọc, khiến người gần bên cảm giác bà thuộc phe mình.
– Anh Lân : chủ hộ. Con bí mật của cụ bà. To lớn, vạm vỡ. Tánh lửa. Nóng lên, hai phao mũi phập phồng, sẵn sàng thô bạo. Dị ứng chữ nghĩa. Thích rượu và cả đánh lộn.
– Chị Thuỳ : vợ Lân. Mảnh mai, dễ vỡ. Da trắng bạt lạt, cổ nổi nhiều gân xanh. Nhìn chị, người ta ái ngại, lo lắng, không biết có sống nổi qua con trăng này không. Siêng năng im lặng. Cần cù làm việc. Nhiều lúc, ngỡ là cái bóng.
– Cu Còm : con. Đang theo lớp năm. Ngày không học, phụ trách chăn bò thay bố.
– Gái Tý : con. Theo lớp bốn. Chuyên quét sân, quét nhà, rửa bát và đập vào vai ông nội mời cơm.
Đàn bò nhà anh Lân mười sáu con lớn nhỏ.
Lúc này, năm giờ rưỡi chiều. Nền trời rực màu cà rốt. Nhiều đàn chim cò bay về núi Cảo theo đội hình, trông thật ngoạn mục. Gió đứng yên. Không khí còn nóng.
Nhà anh Lân, cơm chiều đã dọn ra hiên.
Hôm nay rằm, cụ ông ăn chay, cả nhà cũng theo cho tiện việc nấu nướng. Trên bàn gỗ vuông thấp, đã đặt nồi cơm bốc khói. Một đĩa lớn rau dền luộc, một tô xác đậu xào giá, hai chén xì dầu : một ớt, một không. Cụ bà, chị Thuỳ, cu Còm, gái Tý ngồi bằng đòn kê quanh bàn. Họ chờ anh Lân gài cổng chuồng bò, nên chưa động đũa. Gài cổng xong, anh vào bếp, giắt chiếc roi mây củ sáp vào líp tre, đoạn ra vò nước rửa tay rửa mặt. Trông anh mệt mỏi và bực dọc. Trời còn sáng. Nhà chưa bật điện. Cụ ông vẫn ngồi bất động nơi cuối hiên, mắt đậu lên đỉnh núi Cảo, lưng quay về phía bữa cơm.
Lân vừa ngồi xuống đòn, cáu kỉnh :
– Lạc mất tiêu con nghé lang.
Nghe câu Lân vừa nói, mọi người chìm hẳn. Nếu mất thật con nghé lang, là mất ba triệu !
Chị Thuỳ vừa bới cơm, vừa bảo nhỏ gái Tý :
– Tý, con đến mời ông nội.
Gái Tý phụng phịu :
– Mẹ không sai anh Còm, sai con hoài ?
Chị Thuỳ nhìn gái Tý, ngạc nhiên một thoáng, đoạn nói :
– Còm, con mời ông, nhanh lên.
Còm vùng vằng :
– Sai Tý không đi, mẹ lại chuyền sang con.
Lúc này, cụ bà vừa so đũa, vừa chen vào :
– Thì, thằng Lân mày đi mời cũng được. Để tụi nó ăn.
Nghe thế, đột ngột cơn nóng giận xoè cánh đập phừng phực trong người Lân. Hai phao mũi anh, lập tức phập phồng báo hiệu một biến cố. Nhanh như điện, anh bốc thằng Còm quăng ra sân. Chân xoạt thẳng, anh đạp cái Tý ngã ngửa. Chân cái Tý móc chiếc bàn ăn đổ ngã. Còm té sấp xuống sân, mồm bê bết máu, bụi. Nước chấm xì dầu tung đầy ngực cụ bà. Nồi cơm lăn lóc xuống bậc tam cấp đá, đĩa rau dền luộc, đĩa xào xác đậu tấp vào bụng chị Thuỳ và gái Tý. Còm, Tý hốt hoảng bật phóng dậy, chạy trốn sau hè chuồng bò. Cụ ông vẫn ngồi bất động nơi cuối hiên, không hề hay biết. Lân vụt đứng phắt dậy, vớ cái chổi, nắm chặt, mắt lia nhanh về phía cụ ông, tiếp đến xoẹt sang cụ bà. Chị Thuỳ sững người, chị điếng người khi gặp ánh mắt của chồng. Một ánh mắt rực lửa căm ghét, sắc như dao cạo. Ánh mắt kinh khủng đến nỗi, chị lạnh toát sống lưng. Trong một thoáng, ánh mắt của chồng, đã nói tất cả. Sự bạo động vừa nổ ra dành cho cụ ông đang ngồi cuối hiên. Tay cầm chặt cán chổi là để quét cụ bà. Gái Tý và Còm là cái cớ hy sinh. Đột ngột, chị đứng phóc dậy, ưỡn ngực, nhìn thẳng vào mặt chồng, đôi mắt nẹt lửa. Lân giơ cao tay cao lên toan tát, nhưng trước cái nhìn đầy dũng mãnh thách thức ấy của Thuỳ, bàn tay anh thõng xuống, rơi cái tát. Bàn tay tự nó thả rơi cái tát. Anh chưa hiểu được, tại sao lại đầy sức mạnh trong đôi mắt vợ. Bực tức, anh quăng chổi ra sân, phóng xuống thềm, đi nhanh ra cổng…
Lúc này, cụ bà đấm hai tay vào ngực, tức tưởi :
– Nó lấy chổi quét tao ! – Giọng thổ, khàn đục của bà rít lên ma quái như từ âm phủ – Còn giả nhân, giả nghĩa quăng Còm, đạp Tý. Đồ mất dạy ! Quân bất hiếu ! Biết thế, bóp mũi chết ngay hồi mới lọt !
Cụ vịn gối đứng dậy, lê chân vào nhà trong thay áo. Khuôn mặt cụ nhăn nhúm như tờ giấy bạc pôlyme rớt vào chậu lửa. Cụ vừa đi, vừa chửi rủa trong nước mắt : “ Quân tồi bại ! ”. Vừa nghe tiếng chửi rủa của mình vang lên, đột ngột mắt cụ ráo hoảnh. Ráo hoảnh ngay trong nước mắt. Cụ giật mình. Thì ra, tiếng chửi rủa vừa rồi, là để chửi rủa mình ! Cụ vừa gặp một thứ ánh sáng của đèn chai, loại ánh sáng cong, đã len lỏi vào tâm hồn cụ. Ừ, có thời gian dài, cụ ông bỏ nhà, mê theo nhóm đạo sĩ tu tiên đỉnh núi Cảo. Áp lực của sự đè nén dục tình lâu ngày, đã nhấn chìm cụ. Bố thật của Lân, cái thằng khốn kiếp ấy, cụ không bao giờ hé răng. Thằng ấy buộc phải làm hòn sỏi chìm sâu đáy biển tâm hồn. Đang lê bước, cụ khựng lại đột ngột như chiếc xe thắng gấp. “ Quân đồi bại ! ” đúng là tiếng rủa mình. Cụ mím môi. Cụ đóng chặt cánh cửa quá khứ lại. Quăng chìa khóa xuống vực, lê bước đi tiếp vào phòng. Một khi con người tự ghét mình, khó mà thương ai nổi nữa ! Cụ bà âm thầm thay quần áo ướt xì dầu, thinh lặng, không khóc.
Nhà có chó, nhưng bị bắt trộm, thức ăn vung vãi còn đấy…
Bên ngoài, chị Thuỳ tay nắm cái chổi mà kiệt sức. Chị cố gắng nhấc lên để quét gom thức ăn vung vãi, hót đổ cho heo. Dọn dẹp xong, chị rửa mặt rửa tay cho Còm và Tý. Còm bị dập môi, gái Tý không sao, chỉ đau ê ê nơi bụng. Chị vào giường, trùm kín mền, tay bưng mặt khóc thút thít. Một trời tủi thân tràn ngập người chị ! Giờ đây, dưới áp lực của sự tủi thân thấm đẫm, cơn giận ghét chồng đã biến mất. Nó biến mất để nhường chỗ cho một căm ghét khác, đó là nỗi căm ghét con Tình, chủ sạp tạp hoá đầu làng Thạch Thổ. Khúc phim ký ức được nhúng vào thuốc hiện thực, đã hiện hình tươi màu sắc nét. Cái bản mặt vênh váo, cười cợt của con Tình hiện ra : “ Thím Lân xinh đẹp, trắng trẻo ơi ! Hai ống quần lò xo của thím, đúng mô đen phải đeo hai cục đá vào chớ ? Hai cục đá của thím đâu nào ? ”. Cái hôm xa lắc ấy, Thuỳ mặc bộ đồ đi làm nương rẫy. Bộ đồ lao động bạc màu, lam lũ. Hai ống quần ngồi đứng lâu ngày, cứ xoắn tít lên nửa ống chân. Chiếc quần một đời chưa trông thấy chiếc bàn là ! Câu nói mỉa mai cũ của con Tình, giờ này lại bồi thêm một nhát dao mới rớm máu. Máu ấy, nghe đắng nghét cổ họng. Ở đời, không có gì mất cả, cho dù là một câu nói. Đặc biệt, câu nói mỉa mai có tuổi thọ ngang bằng sự căm thù ! Cả cái cười mỉa mai cũng thế !
Thấy bố đi khỏi, Còm và Tý bật ti vi xem hoạt hình Tom và Jerry.
Bóng tối đã lả tả trùm xuống.
Đột ngột, chị Thuỳ tung mền ngồi dậy. Chị toan xếp quần áo, bỏ về nhà mẹ đẻ. Nhưng, chị lại cau mày, bởi hành động này là sự châm ngòi cho một cuộc nổ lớn hơn. Biết tính chồng, chị lại thôi. Lại khóc…
Bóng tối không còn lả tả nữa, mà trùm xuống nhiều hơn.
Cụ ông vẫn ngồi im lặng, nhoà dần nơi cuối hiên. Ông ngồi trên chiếc đòn nhỏ, đóng bằng ván cà ná, đầu gối quá tai, bởi lưng cụ đã còng nhiều. Dường như, đó là một hình khối có dáng hình nhân, vừa chồm tới vừa ngã sau cùng lúc. Vừa chồm tới, vừa ngã sau, thực ra đó là một thế vững chãi, rất vững chãi trong bấp bênh. Trong tư thế ấy, cụ ông nhớ ra, không có ai lay gọi mình ăn cơm cả. Cụ chép miệng. Tiếng chép miệng ngắn ngủn, đục và dứt khoát buồn. Thế cũng chẳng hề gì. Cụ nghe trong cổ họng có một thứ hiu hắt quánh lại thành cục. Cụ nuốt ực vào bụng. Cụ đổi thế ngồi. Cụ ngồi xếp bằng, hai tay chồng nhau, đặt lên đùi trái. Cụ xếp thẳng lưng. Cụ nhắm mắt. Cụ điều giãn cái tức. Cụ thiền định về cơm… Một chặp sau, cụ táp nuốt sương đêm của rừng núi vừa tạt vào… Cụ biến thành một con cóc ăn sương !
Làng Thạch Thổ đã sáng đậm cùng khắp. Những vùng sáng rải rác, vẽ một đường cong cong.
Còn anh Lân chủ hộ, bước nhanh ra cổng, đi đâu ? Đi đâu ?... Giờ này ở đâu ?
Câu 1: Xác định thời gian nghệ thuật của văn bản ?
Câu 2: Chỉ ra đề tài ủa văn bản?
Câu 3 : Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn sau:” trên bàn gỗ vuông thấp đã đặt nồi cơm bốc khói.Một đĩa lớn rau dền luộc, một tô xác đậu xào giá, hai chén xì dầu : một ớt, một không ?
Câu 4: Anh chị có nhận xét gì về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong đoạn trích ?
Câu 5 Nêu ý nghĩa của nhan đề?
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |