Cái đẹp, cái thiện có sức mạnh cảm hóa con người
Chữ người tử tù là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Tuân và của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Qua việc cho chữ của Huấn Cao và hành động nhận chữ của Viên quản ngục, tác phẩm khẳng định: Cái đẹp, cái thiện có sức mạnh cảm hóa con người. Cảm nhận trước tấm lòng biết trân trọng cái đẹp của quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ. Sau khi cho chữ, Huấn Cao còn khuyên quản ngục tìm về chốn thanh tao, trong sạch để giữ được nhân cách thiên lương và những sở nguyện cao quý. Quản ngục đã cảm động trước vẻ đẹp của nhân cách và khí phách của Huấn Cao nên bái lạy người tù và xin lĩnh hội lời dạy của ông. Qua đoạn trích, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện trước cái xấu, cái ác. Từ đó chứng minh cái đẹp, cái thiện có sức mạnh cảm hóa con người. Cái đẹp, cái thiện xóa đi ranh giới của địa vị xã hội, xóa bỏ những hận thù, vượt qua những nghịch cảnh để những tâm hồn đồng điệu có thể tìm đến với nhau. Cái đẹp cái thiện đã hướng con người tới những khao khát tốt đẹp, giúp con người biết tìm cho mình cuộc sống có ý nghĩa. Cái đẹp, cái thiện được ươm mầm, được chăm sóc sẽ chiến thắng cái xấu, cái ác. Những con người hướng thiện sẽ biết bảo vệ cái đẹp, cái thiện và có khát vọng vươn tới những giá trị sống đích thực. Trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại những hiện thân của cái xấu, cái ác. Con người cần biết phê phán và đấu tranh để chiến thắng. Thông điệp từ trong tác phẩm nghệ thuật đích thực vẫn còn tỏa sáng trong xã hội hiện nay. Nó sẽ thức tỉnh và cổ vũ cho những con người đang lầm lạc tìm về với con đường sáng