Soạn bài số phận con người của M. Sô-lô-khốp
I. Bố cục văn bản
Từ đầu đến đang nghịch cát đấy: giới thiệu nhân vật.
Tiếp đó đến chỗ chợt lóe lên như thế: niềm hạnh phúc của bé Va-ni-a.
Còn lại: số phẩn hẩm hiu của Xô-cô-lốp và niềm tin vào sức mạnh của con người Nga.
II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi.
Câu 1. Hoàn cảnh đáng thương của con người sau chiến tranh.
- Người lính Xô-cô-lốp:
+ Niềm vui sướng và niềm hi vọng cuối cùng đã chôn trên đất Đức.
+ Bước ra khỏi cuộc chiến không biết đi về đâu, đành về tá túc nhờ nhà người bạn và làm nghề lái xe cho nông trường.
+ Hay uống rượu để dịu bớt nỗi đau.
- > Nhân vật chịu đựng sự đau đớn, mất mát quá lớn, nỗi bất hạnh tột cùng của một kiếp người. Xô-cô-lốp phải sống chung với nỗi cô độc trống vắng hụt hẫng. Biết rượu là món nguy hại mà vẫn cứ uống chứng tỏ nhân vật rơi vào tình cảnh đau buồn bế tắc. Tuy vậy nhân vật vẫn tràn đầy nghị lực.
- Bé Va-ni-a.
+ Cha mẹ không còn
+ Lang thang vất vưởng, đói rách, ăn xin.
+ Đôi măt như ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm.
- > Thân phận mồ côi bơ vơ, lạc loài thật đáng thương nhưng chú bé thật hồn nhiên, trong sáng.
Sơ kết: Hai số phận đau thương nghiệt ngã đặt cạnh nhau, bổ sung cho nhau làm rõ những mất mát không gì bù đắp nổi do chiến tranh gây ra. Ý nghĩa tố cáo chiến tranh toát ra từ đây.
Câu 2. Sự gặp gỡ của tình yêu và sự đùm bọc.
- Ở quán giải khát, Xô-cô-lốp bắt gặp đứa bé lang thang, lấm lem bụi bặm, nhìn ảnh tình của cháu, Xô-cô-lốp cảm thấy thương và nhớ nó - > tình cảm tự nhiên và chân thật.
- Sang ngày thứ tư, khi nhìn thấy bé Va-ni-a mà có vẻ đang đói, tình cảm tự nhiên thôi thúc Xô-cô-lốp phải làm một cái gì cho bé được no và được vui. Xô-cô-lốp gọi cho đi xe ôtô, đứa bé như giật nảy mình vì vui mừng vừa e ngại. Đứa bé rất hoạt bát nhưng khi ngồi trên xe bỗng dung đâm ra tư lự rồi lại thở dài - > cách miêu tả tâm lí rất thực, tự nhiên.
- Khi biết rõ hoàn cảnh của cháu: cha chết ngoài mặt trận, mẹ bị bom chết khi đi tàu hỏa, còn cháu sống vất vưởng, Xô-cô-lốp không cầm được nước mắt và nhanh chóng đi đến quyết định: nhận Va-ni-a làm con nuôi. Giây phút ấy tâm hồn Xô-cô-lốp bỗng nhẹ nhõm và bừng sáng lên - > Đây là một quyết định tự phát, biểu hiện tình cảm tự nhiên, cao quý thiêng liêng. Xô-cô-lốp cũng đã có những đứa con như thế này nên đứa bé đã bù đắp hình ảnh chúng trong trái tim thương nhớ của người cha. Niềm hạnh phúc của Xô-cô-lốp phản ánh quy luật tình cảm của cuộc sống, khi cho đi làm là được nhận. Do đó, đoạn trích cũng như tác phẩm thấm đẫm chất nhân văn.
- Nghe được tiếng nói từ một người đàn ông lạ: Ta là bố của con, thì trong tâm hồn đứa bé bùng lên cơn xúc động mãnh liệt. Nó nhảy chồm lên cổ tôi, hôn vào má, vào môi, vào trán và như con chim chích, nó ríu rít líu lo vang rộn cả buồng lái: “Bố yêu của con ơi! Con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Con chờ mãi mong được gặp bố!”. Nó áp sát vào người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió.
- > Từ hành vi vồ vập, cử chỉ cuống quýt, thái độ vội vã đến lời nói tha thiết qua nhịp văn nhanh, tác giả đã lột tả được trạng thái xúc động cực điểm với niềm hạnh phúc vô biên, tột bậc của Va-ni-a. Tình huống gặp gỡ cảm động nhất, kì diệu nhất được kể lại sinh động và tài ba. Đây là một niềm hạnh phúc tột đỉnh khi bắt gặp lại điều thiêng liêng nhất đã từng bị đánh mất. Nỗi khao khát tình thương cháy bỏng đã được bù đắp. Như người chết đuối vồ được chiếc phao, sợ rơi mất lần nữa nên cháu bé ôm riết người cha, không chịu buông ra dù một phút.
- Giác công viên dở dang, Xô-cô-lốp đưa Va-ni-a về nhà chăm sóc.
+ Lấy xà phòng rửa sạch tay cho nó, rồi đặt nó ngồi vào bàn ăn.
+ Đứa bé sạch sẽ, ngồi ăn ngấu nghiến dưới một mái nhà.
- > Cảnh tượng thật giản dị mà cảm động, Xô-cô-lốp mãn nguyện, vui vẻ òn chị chủ nhà thì khóc. Khóc vì thương cháu quá bé, chừng ấy tuổi đầu mà bao năm tháng qua phải chịu đựng cảnh đói khát, khóc vì tủi thân cho mình không có một mụn con để chăm sóc, khóc vì mừng cho hạnh phúc của hai bố con. Sau chiến tranh có biết bao mảnh đời đáng thương tội nghiệp như thế. Nước mắt đứa bé thiếu cha mẹ, nước mắt người lính mất cả gia đình, nước mắt người mẹ không con, tất cả là do chiến tranh. Những dòng nước mắt ấy còn rơi đến ngày hậu chiến hòa chung vào dòng sông tình người lai láng, dù đau thương nhưng không bi lụy mà hơi ấm của nó sẽ truyền sinh lực, nâng đỡ con người vượt qua số phận.
- Niềm vui được chăm sóc đứa con nuôi của Xô-cô-lốp.
+ Đưa đi cắt tóc, về tắm sạch sẽ, cho nó ngủ, đứa bé vẫn cứ ôm cha.
+ Ra cửa hàng mua quần áo, đôi dép, cái mũ. Nhưng chả cái nào vừa! Đảm đang như thế nhưng không tránh khỏi cái thô vụng của người đàn ông, làm sao thay thế được bàn tay dịu hiền của người mẹ.
+ Sau bao nhiêu năm, Xô-cô-lốp mới có được một giấc ngủ ngon lành. Nửa đêm thức giấc vì nó quẫy đạp, Xô-cô-lốp bật diêm nhìn nó ngủ mà lòng vui không lời nào tả xiết.
+ Trái tim tôi đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ, nay trở nên êm dịu hơn.
- > Nghệ thuật kể chuyện chân thực đến từng chi tiết, cách miêu tả tâm lí tự nhiên, sắc sảo, chi tiết nào cũng gây xúc động nên lột tả được niềm hạnh phúc dịu ngọt vô biên trong trái tim Xô-cô-lốp. Xô-cô-lốp đã lấy được trạng thái thăng bằng trong cuộc sống.
Niềm vui của vé Va-ni-a được thể hiện bộc trực mạnh mẽ còn niềm vui của Xô-cô-lốp thì được thể hiện một cách điềm tĩnh sâu lắng, đó cũng là nghệ thuật thể hiện tâm lí tài ba.
Sơ kết: Hai thân phận bất hạnh đã tìm đến nhau, cho nhau hơi ấm tình thương, nguồn sống, niềm vui và hạnh phúc trong đời. Trái tim héo hắt, đau khổ cùng Xô-cô-lốp đã được tái sinh, bé Va-ni-a đã tìm được mái ấm bình yên và chỗ dựa ở người cha. Tình thương và nghị lực sẽ giúp họ hướng về tương lai đẹp.
Câu 3. Những nan giải và số phận không may.
- Khi Xô-cô-lốp đi làm thì không ai chăm sóc bé Va-ni-a, mà nó thì không chịu rời bố nửa bước.
- Kí ức về người cha cũ lâu lâu chợt lóe lên, một hôm nó chợt hỏi: Cái áo bành tô bằng da của bố đâu rồi? Xô-cô-lốp lúng túng nhưng tìm ra cách nói dối trơn tru. Nhưng không thể nói dỗi với cháu mãi được. Đến khi nó biết được sự thật thì nó sẽ tổn thương như thế nào. Vấn đề tưởng nhỏ nhưng không đơn giản.
- Rồi bệnh tim của Xô-cô-lốp tái phát. Nếu không may, thằng nhỏ lại mất cha một lần nữa thì Xô-cô-lốp sẽ đau khổ biết chừng nào.
- Còn một nỗi khổ tâm nữa, hằng đêm Xô-cô-lốp chiêm bao thấy vợ con… thức giấc thì gối đậm nước mắt - > Bé Va-ni-a mang lại niềm vui và hạnh phúc nhưng chỉ xoa dịu vết thương lòng chứ không thể thay thế vợ con, không thể bù đắp nỗi mất mát lớn lao, những tình cảm thiêng liêng đã mất. Trong sâu thẳm tâm hồn, Xô-cô-lốp vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau – vết thương chiến tranh dai dẳng. Quy luật tâm lí được thể hiện chân thực tự nhiên, thuyết phục.
- Khi lái xe, Xô-cô-lốp lỡ gây ra tai nạn, chuyện không đâu nhưng anh bị tước bằng lái. Thế là mất việc. Hai cha con lại lang thang đi tìm việc. Hình ảnh con người bé nhỏ côi cút giữa nước Nga mênh mông đã gây xúc động lớn.
- Cuối cùng là cảm nghĩ của tác giả về những con người Nga đó, tác giả tin rằng, với nghị lực và sức mạnh, họ sẽ đương đầu và vượt qua mọi thử thách.
III. Hướng dẫn ôn tập
1. Phân tích tình huống gặp gỡ giữa Xô-cô-lốp và bé Va-ni-a.
2. Phát biểu cảm nghĩ của anh /chị về số phận con người sau chiến tranh.
3. Cảm nhận của anh / chị về những giọt nước mắt trong trích đoạn của SGK.