Là cây bút trẻ được biết đến khoảng hai thập niên trở lại đây, Nguyễn Ngọc Tư nổi lên như một “hiện tượng” và nhận được nhiều cảm mến của độc giả mọi lứa tuổi. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu viết về những câu chuyện bình dị của con người vùng sông nước Nam bộ - quê hương tác giả, với trái tim nhân hậu, nhạy cảm. Đọc đoạn trích “Ông ngoại” ta bị ấn tượng bởi cách miêu tả hình tượng nhân vật ông ngoại của tác giả.
Sáng tác năm 2001, tác phẩm “Ông ngoại” nằm trong tuyển tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi của cây viết trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Câu chuyện kể về Dung, một cô bé có lòng nhân hậu, chăm sóc những con vật khi chúng bị thương. Không những vậy, cô bé còn là một cô bé biết yêu thương, cảm thông chia sẻ với ông bà, trân trọng tình cảm của người khác đối với mình. Một truyện ngắn mang một bài học sâu sắc về tình cảm con người.
Trong truyện ngắn “ Ông ngoại” tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên một không gian chân thật, gần gũi với bạn đọc, đưa người đọc đến một cảm giác quen thuộc. Cách tác giả miêu tả hành động, cảm xúc của nhân vật ông ngoại đã tạo cho câu chuyện những hình ảnh sống động, rõ ràng trong tâm trí người đọc. Nhân vật ông ngoại được Nguyễn Ngọc Tư thể hiện một cách chân thực, gần gũi khiến người đọc như có cảm giác đã từng gặp ở đâu, một cảm giác thân thuộc không nói nên lời.
Trong truyện, nhân vật chính là cô bé nhỏ và ông ngoại của cô. Ông ngoại cô bé là một người ông yêu thương cháu, luôn dành tình yêu thương cho cô bé một cách thầm lặng. Cô bé Dung miêu tả về khoảng thời gian ở cùng ngoại "Ở với ông ngoại buồn muốn chết, đi học về, mở karaoke lại sợ ồn, nói chưa được mấy câu thì hết chuyện” hay “Ông khó lắm. Con mở nhạc cũng ngại, con nấu cơm khét ông mắng cả buổi” Những than thở của cô bé nhỏ về ông ngoại của mình khi chưa nhận ra những điều về ngoại rằng ở cùng với ông thật nhàm chán. Ông ngoại được miêu tả với những đặc điểm như “cứ lo tỉa tót cho mấy chậu kiểng, mấy con cá vàng”. Ngoại không thích tụ tập, ồn ào và tiệc tùng khiến cô bé than thở. Ông ngoại trong câu chuyện là điển hình cho những người cao tuổi, thích yên tĩnh, chăm chút mấy chậu cây kiểng, cho khu vườn cây, những bài nhật báo cùng chiếc radio cũ, thỉnh thoảng lại ngồi nói chuyện hàn huyên với mấy ông bạn già…., những điều ấy khiến cô bé Dung cảm thấy thật nhàm chán làm sau. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài và hành động nhàm chán ấy lại là một tấm lòng yêu thương cháu vô điều kiện của một người ông.
Khi cô bé Dung than thở với mẹ về những chuyện khi ở với ngoại, cô bé đã được mẹ cho lời khuyên rằng hãy chú ý hơn về những điều xung quanh mình, nhờ những lời khuyên đó Dung đã dần dần chú ý hơn về những điều xung quanh ông ngoại, những điều mà em đã từng vô ý mà không nhận ra về ông của mình. Thế giới của ông là mấy ông bạn già, mấy chồng nhật báo, cái radio lâu đời, là những lúc trầm tư suy ngẫm, là mảnh sân hoa trái. Hoàn toàn trái ngược với thế giới đầy màu sắc của cô bé nhỏ với “tiếng nhạc gào thét xập xình, là sắc màu xanh đỏ, là quả đất như nằm gọn trong bàn tay” Tuy nhiên, sau đó cô bé nhận ra rằng bấy lâu nay mình thật vô tâm, ông ngoại của cô bé vì sợ cô bé cảm thấy buồn khi ở một mình mà không tham gia câu lạc bộ. Ông ngoại luôn quan tâm đến cảm nhận của cô bé một cách thầm lặng. Ông luôn chăm sóc, dạy dỗ và che chở cho cô bé nhỏ, ông đã cùng cô bé làm bánh kem mừng sinh nhật cô bé, “hai ông cháu lăn vào khuấy bột, trộn sữa”. Tay ông nhẹ nhàng, nắn nót mười tám nụ hồng trên mặt bánh, Dung thòm thèm mãi” ngoại cùng em vui đùa vào ngày sinh nhật “ông mặc chiếc áo màu xanh thắt nơ hoa rất đẹp”. Lúc ông nắm tay nó, nhạc dạo bài Tango" Xa vắng”. Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện chân thực tình cảm sâu sắc và không điều kiện của một người ông đối với cháu của mình.
"Ông Ngoại" là một câu chuyện đầy xúc động, với thông điệp về tình yêu thương, sự hy sinh và sự quan trọng của gia đình. Sử dụng Ngôn ngữ đời thường, đậm chất Tây Nam Bộ và có giá trị biểu cảm cao; giọng điệu tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng thấm thía tác giả đã tạo ra một tác phẩm văn học sâu sắc, đáng đọc và để lại nhiều cảm xúc cho độc giả.
Qua quá trình rút ngắn khoảng cách thế hệ để thấu hiểu, yêu thương giữa Dung và ông ngoại, tác phẩm hướng tới đề cao những giá trị nhân văn truyền thống. Tình cảm gia đình, tinh thần trách nhiệm, biết sẻ chia, hi sinh. Nguyễn Ngọc Tư đã mang tới cho bạn đọc những thông điệp ý nghĩa biết yêu thương, trân trọng người thân trong gia đình. Hãy luôn nhớ rằng, gia đình là nơi ta được sinh ra, lớn lên và được yêu thương, che chở. Hãy trân trọng tình yêu thương gia đình và dành cho gia đình những gì tốt đẹp nhất.