LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Suy nghĩ của em về hiện tượng học sinh nghiện điện tử

4 trả lời
Hỏi chi tiết
410
1
0
Yui
27/07/2019 13:41:36
Xã hội ngày càng phát triển sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật và công nghệ khiến con người ngày càng có nhiều đòi hỏi vào việc thỏa mãn bản thân. Và cũng vì lí do đó mà hiện nay trò chơi điện tử đã trở thành một trò tiêu khiển hấp dẫn. Bàn về vấn đề này có ý kiến cho rằng “Trò chơi điện tử đang trở thành trò chơi tiêu khiển hấp dẫn nhất là đối với các bạn học sinh. Nhiều bạn vì mải chơi nên sức học tập ngày càng giảm sút và còn phạm những sai lầm khác”. Vậy bạn có suy nghĩ gì về ý kiến này?
Ngày xưa, khi mà đời sống con người còn khó khăn, khoa học kĩ thuật là một thứ xa lạ mà chưa ai từng biết đến thì những trò chơi được giới trẻ yêu thích là nhảy dây, chơi chuyền, đá bóng… Thế nhưng chính sự phát triển của khoa học hiện đại của đời sống xã hội đã khiến con người ngày càng sa đà vào những thú vui khác, những trò chơi dân gian giờ chỉ còn tìm lại trong tư liệu. Mỗi ngày người ta nghĩ ra cả tá các trò chơi hấp dẫn để thu hút mọi người nhất là giới trẻ như: đế chế, liên minh, đua xe,… Những trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có trí tuệ, sự sáng tạo, trí tò mò và khéo léo. Chính vì thế nó được mệnh danh là một “trò chơi tiêu khiển hấp dẫn”. Vẫn biết rằng những trò chơi này ít nhiều sẽ giúp con người tìm lại được cân bằng sau những giờ lao động mệt nhọc nhưng nó cũng còn tồn tại đằng sau rất nhiều những vấn đề nan giải.
Việc học tập đối với học sinh là vô cùng quan trọng nó như là chiếc chìa khóa để bạn chinh phục thế giới muôn màu ngoài kia. Thế nhưng, hiện nay thay vì việc tìm tòi để tạo ra những sản phẩm tri thức thì dường như các bạn học sinh đang dành quá nhiều thời gian cho thú tiêu khiển này. Các bạn bỏ thời gian ngày đêm để cày cuốc lên hạng lên đời…. Nó chiếm quá nhiều trong quỹ thời gian một ngày của mỗi học sinh vì thế kết quả học tập sa sút cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể nó còn gây nên rất nhiều điều sai trái. Đánh điện tử không phải bạn không mất gì. Ngoài việc mất thời gian bạn còn phải mất tiền. Với những học sinh gia đình không có điều kiện mua máy tính sẽ phải ra quán điện tử. Số tiền tuy không phải lớn nhưng nó cũng quá sức đối với lứa tuổi của các bạn. Đấy còn chưa nói trường hợp một số bạn còn dùng tiền để mua dụng cụ phục vụ cho trò chơi của mình. Và để có được tiền ban đầu sẽ là nói dối bố mẹ, sau đó sẽ là trộm cắp cướp giật. KHông phải quá xa lạ vì đã có rất nhiều vụ việc báo chí phản ánh đó là việc nam sinh dùng dao tàn nhẫn cướp đi mạng sống của bà nội chỉ vì vài chục ngàn đồng đánh điện tử. Và còn có rất nhiều những việc đã diễn ra nữa.
Không chỉ mất tiền, sinh hư mà nó còn ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của mỗi người. Có rất nhiều trường hợp các bạn học sinh vì quá mải mê chơi điện tử mà đánh thâu ngày thâu đêm, bỏ bê ăn ngủ, giao tiếp dần dần dẫn đến kiệt sức và tử vong. Nhiều bạn học sinh vì quá ảnh hưởng những cảnh bạo lực trong game mà sinh ra tính tình cục mịch, khát máu… Dần dần thành hoang tưởng và có những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát bản thân.
Trên thực tế những hiện tượng này không phải là hiếm. Thậm chí nó còn nhan nhản trên các mặt báo. Nhiệm vụ của người học sinh quan trọng nhất đó là học tập và nghiên cứu kiến thức. VÀ chỉ có học chúng ta mới có thể trở thành những người có ích cho xã hội mà thôi. Trò chơi điện tử hay còn gọi là game là những thú vui dành để giải trí, tìm lại sự cân bằng sau những giờ học tập lao động vất vả. Mỗi ngày nếu bạn biết sắp xếp thời gian cho việc học tập, ngủ nghỉ và chơi bời thì việc chơi điện tử sẽ giúp bạn thư giãn và rèn luyện trí tuệ cực tốt. Còn nếu bạn lệ thuộc vào nó thì cuộc đời bạn sẽ sa sút dần vì nó.
Chúng ta sinh ra và lớn lên ai cũng mang trong mình một trách nhiệm và quyền lợi đó là học tập. Vì thế chúng ta hãy dành thời gian cho nó để nó mang đến cho bản thân những điều tốt đẹp nhất. Hãy biến việc chơi điện tử thành một thói quen tốt thay vì để nó hủy hoại chính tương lai của mình bạn nhé.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
0
MONSTER
27/07/2019 13:41:37
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển đã và đang đáp ứng được những nhu cầu căn bản của con người mà một trong số đó là giải trí. Game ra đời cũng vì mục đích ấy. Tuy nhiên, việc quá chìm đắm, say mê vào game online đã dẫn đến hiện tượng nghiện game của một bộ phận không nhỏ học sinh ngày nay.
Game là những trò chơi trên máy tính, được sáng tạo với mục đích giúp con người giải trí, thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Bản chất của game không xấu, tuy nhiên, nếu chơi quá nhiều sẽ dẫn đến nghiện game, phụ thuộc vào game và khó có thể dứt ra được.
Hiện nay, hiện tượng nghiện game trở nên vô cùng phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ. Ta có thể bắt gặp các hàng net mọc lên như nấm với đa phần là học sinh. Những học sinh này có thể ngồi hàng giờ để chơi game, quên ăn quên ngủ. Thậm chí, nhiều trường hợp, bố mẹ phải đến tận quán game để bắt con về. Người nghiện game thì luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải vì thiếu ngủ, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch.
Game cũng như một loại cám dỗ, để lại những hậu quả khôn lường. Trước hết, nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người chơi. Chơi nhiều có thể bị cận thị, thiếu ngủ, đầu óc không tỉnh táo, tinh thần mệt mỏi, lâu ngày còn có thể sinh trầm cảm. Hơn nữa, chơi game còn tốn thời gian và tiền bạc. Vì dành quá nhiều thời gian cho game, học sinh dễ chểnh mảng, sa sút trong việc học hành, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Nghiện game cũng là nguyên nhân sinh ra nhiều thói hư tật xấu, làm suy đồi nhân cách, đạo đức của người học sinh. Không có tiền chơi game, nhiều bạn nói dối, ăn trộm tiền của bố mẹ, trốn học để chơi game. Tình cảm gia đình, thầy trò vì thế mà rạn nứt, để lại vết thương khó có thể hàn gắn.
Vậy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do đâu? Trước hết, đó là do bản tính tò mò, ưa khám phá của người học sinh, dễ bị lôi cuốn, cám dỗ bởi những thứ mới mẻ. Đó còn là do học sinh không chú tâm vào việc học hành, bị bạn bè lôi kéo, sa đà vào con đường nghiện game. Một phần khác, là do gia đình, nhà trường chưa quan tâm, quản lí chặt chẽ thời gian học tập, sinh hoạt của con em mình.
Mỗi học sinh để không sa chân vào con đường nghiện game cần có ý thức trong việc học hành, tích cực rèn luyện đạo đức, coi học là nhiệm vụ chính, chơi game chỉ để giải trí, giải tỏa áp lực và có thời gian chơi phù hợp. Phụ huynh cần quan tâm hơn đến thời gian sinh hoạt của con cái, nhà trường cũng cần phối hợp với gia đình khi thấy học sinh có những biểu hiện bất thường như thường xuyên mệt mỏi, thiếu ngủ. Các cơ quan chính quyền nên có những biện pháp cụ thể để quản lí thời gian hoạt động của các quán game, tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, thú vị cho học sinh tham gia.
Những lợi ích của game là không thể phủ nhận, tuy nhiên nó tốt hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Nếu chơi có điều độ và thời gian hợp lí, game sẽ là món ăn tinh thần để chúng ta giải tỏa những muộn phiền, căng thẳng thường ngày. Thậm chí, chơi game còn giúp cải thiện tư duy, phản xạ tay và mắt nhanh hơn. Còn ngược lại, một khi đã trở thành nô lệ của game, nó sẽ làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Nghiện game là một hiện tượng đáng báo động ngày nay. Mỗi chúng ta hãy là một người chơi khôn ngoan, đưa game trở về mục đích tốt đẹp ban của nó.
Vấn đề nghiện game online hiện này vẫn đang trở nên bức thiết đặc biệt đối với các bạn học sinh khi suy nghĩ còn chưa chín chắn vẫn chưa nhận thức được tác hại và lợi ích của chơi game và cũng chưa biết cân bằng giữa giải trí và nghiện nên kéo theo rất nhiều hệ lụy khác nhau. Bên cạnh đó nghiện game trên điện thoại cũng trở nên đáng báo động. Thực tế việc chơi game bây giờ đa số đều tốn thời gian chứ ít mang tính chất giải trí vì người dùng sử dụng quá nhiều thời gian vào việc chơi game mà quên đi việc học tập hoặc lao động. Vì thế nếu có thể ban không nên chơi bất kỳ game nào mà hay lo học hành ra ngoài chơi các trò thể thao vận động sẽ tốt hơn
1
0
doan man
27/07/2019 14:03:39
Trong suốt dòng lịch sử con người, đã có những người phải vất vả chống lại tính nghiện ngập (nào là nghiện rượu, nghiện ma tuý,…) cũng như những thói quen không thể bỏ được, chẳng hạn như bài bạc. Giờ đây, các nhà tâm lí học ở nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng lại lưu ý đến tình trạng khẩn cấp phải đối phó của một chứng tật ham mê mới, đó là nghiện Game Online.
Xã hội càng phát triển thì ngày càng có nhiều trò chơi giải trí ra đời. Bên cạnh nhiều trò giải trí lành mạnh thì không ít những trò chơi bạo lực vẫn tồn tại và không ngừng gia tăng gây nhức nhối cho toàn xã hội. Trên thị trường có nhiều loại Game bạo lực như “Biệt đội thần tốc”, “ Đột kích”,… đang làm giới nghiền game lên cơn sốt. Tuy khác nhau về cách chơi nhưng các game trên đều có điểm chung là người chơi nhập vai trực tuyến để chém, bắn và giết người mà không suy nghĩ, chỉ cần giết càng nhiều người càng tốt. Người chơi thắng cảm thấy hả hê vì hạ được nhiều đối thủ, còn kẻ thua thì văng tục chửi thề rồi tìm cách giết lại đối phương. Những hình ảnh “đầu rơi máu chảy” trong trò chơi ăn sâu vào suy nghĩ và nhận thức của nhiều người thuộc giới trẻ. Nên khi đụng chạm thực tế, các bạn ấy dễ hành động như thế giới ảo.
Hiện nay, nạn chơi điện tử hay nói cách khác là những trò chơi game online đang ngốn không ít thời gian học tập của các các cô cậu học trò. Mặc dù một số cơ quan nhà nước đã có nhiều biện pháp mạnh để hạn chế nhưng hình như chưa có cách giải quyết thoả đáng. Các công ty giải trí vẫn không ngừng cung cấp cho cư dân mạng nhiều trò chơi mới mà đã dính vào thì khó có thể bỏ qua. Dạo một vòng quanh các quán Internet ven đường thì … ôi thôi, hình ảnh của những cậu học trò mắt dán lên màn hình, miệng văng tục, tay lia lịa khua trên bàn phím đã tạo nên một bức tranh phản cảm và gây “sốc” cho dư luận bởi vì chỉ ham chơi và quá đà mà họ đã đánh mất đi giá trị của người học sinh. Và rất có thể vì “con ma điện tử” mà họ đánh mất đi tương lai đẹp đẽ của chính mình.
Game Online đang là một hình thức giải trí “hót” nhất, ngày càng chứng tỏ một sức hút mạnh mẽ đến cộng đồng và được ví như một thứ “ma tuý” cuốn người chơi vào vòng xoáy ảo. Đằng sau vòng xoáy của những ma lực do game mang lại là nỗi đau của những người thân và cả nhiều người trong cuộc.
Ngoài sự lãng phí quá rõ về thời gian, tiền bạc, chơi game nhiều trên máy tính còn làm hại đôi mắt, làm giảm sút trí lực của những con nghiện… Ngày nay, tỉ lệ trẻ em bị cận thị, nhức đầu, suy giảm trí nhớ, thể lực, tổn thương đôi tay, viêm khớp, béo phì,… đang gia tăng mà hậu quả là từ việc ngồi lì bám trụ bên máy tính. Nguy hiểm hơn, các em dễ bị chìm đắm vào thế giới ảo của game. Tuy mọi hành vi là ảo nhưng tác hại của nó lại không hề ảo chút nào. Chơi game không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ, thể chất; nghiện game còn dẫn tới độ sa sút trong việc học hành, hạn chế sự giao tiếp giữa người với người v.v…
Nguy hại nhất là hậu quả xảy ra khi chơi game quá độ với nhiều chấn thương về tinh thần. Có thể nói, các trò chơi game ở hầu hết các điểm cho thuê máy hiện nay là không lành mạnh, là môi trường dễ xảy ra nhiều xung đột. Thời gian vừa qua, trên một số diễn đàn và trang web cũng có nhiều bài viết về những sự việc đáng tiếc xảy ra xung quanh Game Online như: thiệt mạng sau ba ngày chơi game không nghỉ; thiếu tiền chơi game sẵn sàng cướp của giết người,… hay những trường hợp đột quỵ vì chơi game qua độ,…
Hay như chính trong thực tế, điển hình là N.V.L – học sinh lớp 11 trường THPT T. L là con cả trong gia đình có hai anh em. Suốt chín năm học Tiểu học và THCS, L đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Những bức tranh tươi sáng về cậu ta dần chuyển màu sang hướng khác kể từ khi L bắt đầu chơi game online vào đầu năm học lớp 10. L dần nghiện game và bắt đầu bỏ học, nói dối gia đình để xin tiền học thêm Toán, Lí, Hoá,… Nhưng thực chất, số tiền mà bố mẹ cho, cậu ta đã “rải” theo bàn phím máy tính. Mỗi ngày L dành 7 là 8 giờ để chơi game. Đến khi phát hiện mọi chuyện, gia đình mới tá hoả. Chưa hết, sau đó vài lần, L còn quát tháo, thậm chí còn dám hành hung mẹ khi bị gia đình quản thúc hoặc không cho cậu ta tiền chơi game…
Game không chỉ làm suy đồi nhân cách mà còn huỷ hoại tương lai của cả một đời người. Học sinh, tuổi trẻ là tương lai đất nước. Những với một số lượng lớn những người trẻ tuổi nghiện game như hiện nay, không biết tương lai đất nước sẽ đi về đâu. Từ “chơi cho vui” đến giai đoạn nghiện nặng, dồn tất cả tiền bạc, sức lực, thời gian,… cho game online là một khoảng cách khá mong manh. Nghiện game online đến nỗi có hành vi vi phạm pháp luật, suy nhược cơ thể, tê liệt trí óc… không còn là chuyện hiếm. Khi những giọt nước mắt hối hận rơi ra thì đã quá muộn màng. Song muộn còn hơn không. Liệu khi có một ai đó nghiện game thì họ có thể “cai” được không? Đó là một câu không nhỏ đặt ra cho xã hội!
Vấn đề thanh thiếu niên ngày càng thích bạo lực không thể đổ toàn bộ lỗi cho họ cũng như game. Cuộc sống hiện đại với vòng quay công việc dẫn đến có rất nhiều cha mẹ không không quan tâm tới việc học cũng như tâm tư tình cảm của con, khiến trẻ chán nản, sa đà vào trò chơi game. Vấn đề giáo dục, quản lí con em trước hết phải từ các bậc cha mẹ. Hơn ai hết, những người làm cha làm mẹ cần hiểu rõ con cái. Để từ đó có thể phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn những thói hư tật xấu đang len lỏi, ăn mòn hành vi, nhân cách con mình em mình. Còn nếu như con em đã nghiện game, cha mẹ cần có sự quan tâm nhiều hơn với con cái, kiểm soát những hành động của con trên Internet và nhất là quy định giờ giấc học tập cũng như giải trí trên mạng của con mình. Gia đình hãy quan tâm, chia sẻ với con cái nhiều hơn, có những định hướng tốt cho các em. Gia đình nên đưa ra những mục tiêu hợp lí cho con em nếu như chúng đã “bị nghiện” game. Chẳng hạn một ngày bình thường chơi 8-10 tiếng thì cứ giảm dần theo từng ngày, từng tuần và tập trung cho những việc có ích khác như tập thể dục thể thao hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội vui tươi lành mạnh.
Bên cạnh gia đình, nhà trường và Đoàn thanh niên phải tạo ra nhiều sân chơi bổ ích lành mạnh cho học sinh như: tổ chức ngoại khoá, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền giáo dục đạo đức,… giúp thanh thiếu niên có nhiều điều kiện thể hiện khả năng, hòa nhập với đời sống thực,… Những trường hợp học sinh bỏ học, trốn tiết, nhà trường cần có biện pháp xử lý và nhanh chóng làm việc với gia đình. Giáo dục học sinh ý thức tự giác phát hiện và báo cáo với thầy cô những bạn bỏ học chơi game; đẩy mạnh tuyên truyền mặt trái của game online để học sinh nâng cao nhận thức; động viên, khuyến khích các em “cai nghiện” điện tử.
Không chỉ vậy, theo tôi, cộng đồng xã hội cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp người nghiện game thoát ra khỏi thế giới ảo. Chính quyền các cấp phải mạnh tay hơn với các quán internet đóng ở gần trường học, tạo thói quen xấu cho học sinh sau khi tan học là “tạt” vào chơi game. Các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lí, kiểm tra các dịch vụ internet. Giải pháp căn bản nhất để hạn chế nhược điểm của game olnline là phải xây dựng một môi trường có đầy đủ chất lượng, an ninh và an toàn. Để ngăn chặn và chấm dứt bạo lực học đường, điều cấp thiết nhất là chấm dứt những game mang tính bạo lực. Nhà nước cần phải có biện pháp để các nhà sản xuất game làm ra những trò chơi bổ ích, có tính chất vừa học vừa chơi, vừa thử thách trí tuệ trẻ; khuyến khích phát triển các game có nội dung liên quan đến giáo dục lịch sử, thông tin khoa học, phổ biến văn hoá và rèn luyện một số kĩ năng cho người chơi…
Cũng giống như nghiên rượu hay nghiện ma tuý, nghiện game online đem lại những hậu quả xấu khôn lường về tâm lý, thế xác, trí tuệ và tâm hồn cũng như các mối quan hệ xung quanh. Mỗi thanh thiếu niên học sinh chúng ta cần phát huy sức mạnh của internet, đừng để mặt trái của nó như game online làm hại tới thế hệ công dân @.
______________________
tham khảo
0
0
(•‿•)
28/07/2019 08:46:19
Thế kỉ XXI chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ với sự xuất hiện của hàng loạt các thiết bị thông minh phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của con người. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, thì chúng cũng mang lại không ít những thách thức đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong những năm gần đây là hiện tượng nghiện game ở học sinh.
Game là một phần của trò chơi điện tử. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa game và trò chơi điện tử bởi trò chơi điện tử là sự kết hợp giữa trò chơi và thiết bị giúp bạn tương tác và chơi được trò chơi đấy. Một số các game phổ biến hiện nay có thể kể đến như Liên minh huyền thoại, DOTA , Clash of Clans, Haft-life,... được giới trẻ vô cùng ưa chuộng. Và “nghiện game” đã chính thức được tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận như một dạng rối loạn tâm lý, y hệt như trầm cảm hay tâm thần phân liệt và cần có các cách điều trị đặc dụng riêng để giúp những "con nghiện" thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Nghiện game có thể một số biểu hiện như không thể kiểm soát được thời gian, tần suất, địa điểm chơi game, luôn bị ám ảnh bởi các hình ảnh trong game, coi trọng game hơn bất cứ thứ gì khác trong cuộc sống đến mức quên ăn, quên ngủ, không còn nghĩ gì đến học hành, công việc.
Việc nghiện game ở học sinh đã và đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống không chỉ của cá nhân học sinh đó mà còn lên toàn xã hội. Trước hết, nghiện game gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh. Việc tiếp xúc hàng giờ, thậm chí hàng ngày với máy tính có thể gây ra mỏi mắt, dần dần suy giảm thị lực. Bên cạnh đó, việc chơi các trò chơi chiến đấu thường xuyên đặt bộ não trong một trạng thái căng thẳng liên tục, đó là nguyên nhân dẫn đến các chứng rối loạn thần kinh, suy giảm trí nhớ. Không những thế, sức khỏe học sinh cũng bị tàn phá khi các “con nghiện game” thường xuyên ăn uống qua loa, tạm bợ, bỏ bữa để có thời gian chơi game, trong khi đó, cột sống cũng rất dễ bị tổn thương khi ngồi trong một tư thế, thậm chí là sai tư thế quá lâu...
Cùng với những tác động tiêu cực lên sức khỏe thế chất, nghiện game cũng ảnh hưởng xấu đến tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Coi game là “thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không có không quan trọng”, thành tích học tập dễ sa sút, học sinh không còn tâm trí học hành, làm việc, đắm chìm vào thế giới ảo và xa lánh với đời sống thật, họ dễ rơi vào trạng thái u uất, chán nản, lâu dần sinh ra trầm cảm, thậm chí có những hoang tưởng từ cuộc sống trong trò chơi ra ngoài đời thật.
Đồng thời, hiện tượng nghiện game đang diễn ra cũng gây ảnh hưởng to lớn tới gia đình, nhà trường và xã hội. Học sinh nghiện game sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền vào các game online. Ở lứa tuổi học sinh, chưa làm ra tiền, các em dễ nảy sinh tính trộm cắp, nói dối bố mẹ để có tiền chơi game. Ở mức độ nặng hơn, tâm trí học sinh còn có thể bị kiểm soat bởi những hành động trong game, gây ra những hành động trái pháp luật, gây tổn thương cho bản thân và cho người khác, trở thành gánh nặng cho cả xã hội.
Nguyên nhân từ đâu mà ngày càng có nhiều học sinh nghiện các trò chơi điện tử? Có thể thấy, sự giáo dục của nhà trường vẫn chưa toàn diện, chưa cho học sinh thấy hết được các tác hại nguy hiểm của việc nghiện game, sự quản lí của gia đình vẫn còn lỏng lẻo, xã hội vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức khi vẫn đễ cho các quán internet mọc lên ồ ạt mà không có sự kiểm soát sát sao, hơn hết là do ý thức chưa tốt của một số học sinh, chưa nhận thức được sự nguy hại của việc nghiện game.
Đã đến lúc tất cả chúng ta cùng chung tay hành động cho một môi trường phát triển tốt đẹp và toàn diện của học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước. Gia đình, nhà trường cần có sự kết hợp trong việc giáo dục và quản lí con em mình, các game đưa ra thị trường cần có sự quản lí, kiểm soát để đảm bảo đủ sự lành mạnh cho người dùng....Lứa tuổi học sinh là độ tuổi còn bồng bột, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ, nhưng hãy biết bảo vệ lấy chính bản thân mình để không sa vào các tệ nạn, trong đó có nghiện game điện tử, đừng biến mình thành “con sâu làm rầu nồi canh”, thay vì là người làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước lại biến mình trở thành nỗi lo của xã hội.
Chơi game là một hình thức giải trí tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu không thể kiểm soát tốt bản thân ta có thể trở thành “nô lệ” của trò chơi điện tử lúc nào không hay. Hãy là một người chơi thông thái bạn nhé!

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư