Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
947
0
0
Bạch Tuyết
06/08/2017 18:23:17
Trước đây hơn nửa thế kỉ, năm 1935, cụ Trần Thanh Mại, một trong những người đầu tiên nghiên cứu, giới thiệu thơ Trần Tế Xương, từng nhận xét: “Đối với ông Trần Tế Xương, tư tưởng ở trong óc ra thế nào được dùng ngay thể ấy, lanh lẹ, tươi tắn, không trau chuốt, không gọt đẽo, không dụng công. Hơi văn đi như một luồng nước chảy xuôi dòng, êm khỏe, mau…”. Đến nay, lớp con cháụ chúng ta, đọc thơ ông Tú, không ai không nhận rõ vị ngọt ngào của luồng nước ngôn từ xuôi chảy khỏe, êm, mau lẹ và nặng ân tình ấy. Tiêu biểu nhất là bài thơ Thương vợ. Thơ Đường đấy, cũng đề thực luận kết, thất ngôn bát cú. Nhưng không một chút khệnh khạng, chỉnh tề, mũ cáo áo dài đạo mạo, mà gần gũi thân thương như lời nói hằng ngày. Tên gốc của bài thơ là “Tặng bà Tú”. Chồng tặng vợ, thì rõ ràng là không thể cao giọng, sáo rỗng rồi. Nhưng cũng không được phép quá xuề xòa, thô thiển. Vì tình yêu, lòng quý trọng. Cũng vì mình là một trí thức, một nhà thơ, ông Tú chọn đúng giọng điệu, tìm về cội nguồn của dân tộc, khơi mạch và lắng lọc thêm. Vì thế, nét dẹp nhất, vị ngọt ngào nhất của bài thơ là ở những hình ảnh, thành ngữ, những lời lẽ dân gian mộc mạc, được nâng lên tầm bác học, tầm thi hào. Người xưa từng hát: Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non Tú Xương viết: Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm con, với một chồng Mới nhìn ngỡ hai bức chân dung của hai chị em ruột, giống nhau như đúc. Cũng cảnh sông nước, cũng chiếc đòn gánh trên vai, cũng thân cò hôm sớm nuôi chồng… Nhưng người chị ca dao bước đi sao thảm hại, vừa đi, vừa khóc, vừa khóc vừa kể lể, than vãn. Còn người em, bà Tú Xương khác hẳn. Khác từ thời gian, đến nơi chốn, công việc. “Quanh năm… mom sông”. Không phải “bờ sông”, “ven sông”. Bờ sông, ven sông dù sao cũng dài rộng và ít nhiều phẳng phiu. Còn “mom sông”, nơi bà Tú kiếm ăn, thì thật nhỏ nhoi, chênh vênh, nguy hiểm, đất có thể lở, nước có thể tràn lên bất cứ lúc nào. Khác đến cái bộ dạng con người. Ca dao kể xuôi: “Con cò lặn lội”. Tú Xương đảo lại: “Lặn lội thân cò”. Những bước đi chật chưỡng, bì bõm, thụt lầy trong bùn nước sớm nắng chiều mưa, nhìn thấy trước rồi con người hiện sau. Nỗi gian lao cơ cực nhân lên bội phần. Lại nữa, ca dao nói: “Con cò”, hoặc “cái cò”, vẽ một hình ảnh cụ thể. Ông Tú đối thành “Thân cò”, nghĩa khát quát hơn, vừa hàm ý so sánh vừa gợi liên tưởng rộng dài về những cuộc đời vất vả, những kiếp người bị đọa đày, rất đáng cảm thông. “Thương thay thân phận con rùa, lên đình đội hạc xuống chùa đội bia” (ca dao). “Thân lươn bao quản lấm đầu” (Truyện Kiều)… Và hình ảnh chuyến đò nữa. Cha ông xưa dặn dò: “Con ơi nhớ lấy câu này, sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Vậy mà, bá Tú vẫn phải qua sông trên những con đò như thế. Và hơn thế, chắc hẳn nhiều lần bà đã phải lời nọ, tiếng kia, giằng co, chen lấn, rồi mới được xuống đò. Vì vậy, ông Tú đối từ “đầy” thành “đông”, kết hợp với mấy từ tượng hình, tượng thanh, tạo nên câu thơ có hình có giọng: “Eo sèo mặt nước buổi đò đông. Rõ là chuyến đò chở nhiều người, vừa quá tải, vừa hỗn độn, chòng chành rất đáng sợ. Đi một mình phải “lặn lội khi quãng vắng”, đến chồ nhiều người thì “eo sèo đò đông…”. Chỗ nào, lúc nào bà Tú cũng gặp nhiều hiểm nguy và trăm ngàn cay đắng. Chỉ đảo nhẹ một cấu trúc câu, thay một vài chữ trong kho tàng tiếng nói dân gian, nhà thơ đất Vị Hoàng đã sáng tạo được một hình tượng thẩm mĩ tuyệt vời chân thực, giản dị, tự nhiên, thấm đẫm chất dân tộc, rất gần gũi, sống mãi trong không gian và thời gian. Trần Tế Xương tạc riêng hình ảnh vợ mình. Khi nhìn ngắm, chúng ta thấy rung rinh, ẩn hiện biết bao hình hài, dường nét chung của vạn triệu bà mẹ, người chị Việt Nam ngày ấy cũng như bây giờ. Những bà mẹ, người chị gian nan, vất vả hơn nhiều những “con cò, con vạc” thuở xưa và cũng bản lĩnh chu đáo, đủ đầy nhân hậu chẳng kém gì người xưa. Bước chân hiện thực của lời thơ luôn gắn bó với mạch trữ tình. Tình cảm của nhân vật, tình cảm của nhà thơ, khởi từ dòng đầu, càng đi càng thấm thìa. Tấm lòng của bà Tú với chồng, với con mỗi ngày thêm sâu nặng. Lời thơ ông Tú cũng mỗi lúc càng thêm tha thiết. Ông giới thiệu bà “Nuôi đủ năm con với một chồng”, ở ngay phần mở đầu, tiếp sau ông nói giùm bà những nỗi niềm, tâm trạng: Một duyên, hai nợ âu dành phận Năm nắng mười mưa dám quản công Tiếng Việt ta có những từ ghép thật hay, biểu hiện thật đẹp đẽ quan hệ người với người: Yêu mến, nhớ thương, tình nghĩa, duyên nợ, v.v… Từ lời nói hằng ngày, bà con cất lên thành câu hát: “Một yêu tóc bỏ đuôi gà… hai yêu, ba yêu. Hỡi ai, trăm mến, ngàn thương…” Học tập cách nói ấy, Tú Xương sáng tạo chữ “duyên nợ” thành “một duyên, hai nợ”, vừa miêu tả tình nghĩa vợ chồng, vừa cảm thông với những khổ cực mà chính mình, đức ông chồng hư đốn đã gieo xuống cuộc đời người vợ đáng thương, đáng trọng. “Duyên”, bà chỉ được “một”, mà “nợ” bà chịu gấp hai, ba. Vậy mà bà vẫn chấp nhận. Ba chữ “âu đành phận” có cái gì như chua chát của cuộc đời người phụ nữ, song cũng có cái gì ngọt dịu, đáng yêu của tình cảm người vợ thảo hiền. Tình nghĩa bà Tú thực đã lay động ngòi bút, giọng điệu nhà thơ. Ông kể tiếp: “Năm nắng, mười mưa…” chứ không phải “một nắng, hai sương” trong thành ngữ. Như thế, khi đã làm vợ, rồi làm mẹ, bà Trần Tế Xương đã vượt lên trên những tình cảm thông thường để gánh vác thiên chức lớn lao của nữ giới. Đó là nghĩa vụ, là nhân cách, cũng là quyết tâm, ước nguyện hạnh phúc cao cả. Tài thơ của ông Tú và tấm lòng người vợ thân yêu đã đồng vọng cái tài và cái tình của bà chúa thơ nôm xưa: “Chồn bước hay đâu khéo hẹn hò, Duyên chi hay bởi nợ chi ru”. Thế đấy, vợ chồng thi sĩ Thành Nam yêu nhau bằng chữ Duyên – tình cảm, rồi sống với nhau bằng chữ nợ – cuộc đời. Duyên một, nợ hai ba… Tất cả đều vì cái tình, cái nghĩa con người mà gắng sức vượt qua “năm, mười” mưa nắng, mưa nắng của cuộc đời, mưa nắng của cái tính ngang ngược, đành hanh mà không ít lần ông Tú đã gây ra, làm khổ bà Tú. Vì thế, chắc có lần bà đã bẳn gắt: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc Có chồng hờ hững cũng như không! Vẫn cách nói dân gian, nghĩ sao nói vậy, đến đây không nuột nà ý nhị nữa, mà có phần thô nháp, xù xì. Song nghe vẫn lọt tai, không làm cho nhau phật ý. Bởi vì, bước đi trữ tình của nhà thơ đã tới đích. Tình cảm yêu thương, trân trọng, bao dung đã đến độ chín muồi. Ngôn ngữ thơ chuyển sang dòng trào lộng, hóm hỉnh, để đùa vui, để chòng ghẹo nhau, nhích lại gần nhau hơn. “Cha mẹ thói đời…” Nghĩa hiển ngôn là lời bà Tú trách chồng, trách thiên hạ, nhưng là trách yêu, những tiếng hờn dỗi có duyên thầm. Nghĩa hàm ẩn — đây mới là nghĩa thực – là tiếng lòng của nhà thơ ăn năn, tự thẹn, xấu hổ vì… mình đã nhiều lần có lỗi với người vợ yêu. Cả tình thơ, lẫn lời thơ rất dân tộc, rất Tú Xương, bất ngờ và thú vị. Cụ Trần Thanh Mại kế rằng: “Khi nghe ông Tú đọc hết hai câu cuối, bà Tú khẽ đưa mắt, nguýt yêu ông, cười tình, tỏ ý khiêm tốn, không nhận công lao. Trong đôi mắt bà, thoắt sáng lên niềm tự hào, tự đắc chính đáng. Có lẽ đây là cái giây phút người đàn bà vất vả, cực nhọc suốt cuộc đời thấy hạnh phúc nhất, sung sướng nhất… Nhà nghiên cứu văn học kết luận: “Bà Tú không phải chỉ là một người đàn bà. Bà còn là một vị thiên thần trời sai xuống, không phải để giúp ông Vị Xuyên trên bước đường danh lợi, mà để cho nước Việt Nam một nhà đại thi hào”. Nối ý bậc tiền nhân, chúng tôi trộm nghĩ thêm rằng: vẻ đẹp thiên thần của bà Tú Xương, của những người mẹ, người vợ Việt Nam chúng ta đâu chỉ do trời mà trước hết là do… người, do cha mẹ, do những bà con chân bùn tay lấm, lặn lội thân cò tự ngàn đời trên mảnh đất lắm sông nước, nhiều nắng mưa này, sinh ra và dạy bảo. Còn tài thơ của thi hào Vị Xuyên trước hết ở tấm lòng nhà thơ với… đời, với người, rồi đến công lao, bà Tú và… sâu rộng hơn nữa là, nó được khơi mạch từ suốt nguồn trong mát của tiếng nói dân gian, văn học truyền miệng, những bài ca dao, những câu thành ngữ nôm na, mộc mạc, ẩn chứa biết bao vàng ngọc ở bên trong.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×