Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam, Phan Bội Châu là một nhà yêu nước nồng cháy thiết tha, một nhân vật lịch sử kiệt xuất, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc mấy chục năm đầu thế kỷ XX.
Phan Bội Châu có một tiểu sử oanh liệt. Ngay đến những năm cuối đời, khi bị giặc Pháp giam lỏng ở Huế, Phan Bội Châu vẫn được sự quan tâm đặc biệt của đồng bào, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Ông rất có ý thức bồi dưỡng thế hệ trẻ và đặt vào họ những hy vọng lớn lao. Đầu năm 1927, học sinh trường Quốc học và trường Dòng ở Huế tổ chức chúc thọ ông tròn tuổi 60. Đáp lại tình cảm ấy, Phan Bội Châu đã ứng khẩu đọc bài Bài ca chúc Tết thanh niên, theo thể hát nói. Thông qua những lời bộc bạch chân thành, tác giả thiết tha kêu gọi thanh niên hãy từ bỏ lối sống tầm thường, quyết tâm tu dưỡng, vươn tới lý tưởng cách mạng cứu nước, bắt kịp thời đại mới. Đó chính là sự kỳ vọng và sự bàn giao trách nhiệm của thế hệ Phan Bội Châu cho thế hệ thanh niên kế tiếp.
Mở đầu Bài ca là tiếng gọi đột ngột, khẩn cấp, giục giã: “Dậy! Dậy! Dậy”. Đây là lời của ai? Hãy đọc kỹ những câu thơ tiếp theo:
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy.
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng.
Cách mở đầu thật độc đáo. Tác giả muốn lay tỉnh mạnh mẽ lớp hậu sinh hãy mở mắt nhìn ra một ngày mới bắt đầu: Trời đã sáng, chim chóc đã cất tiếng hót tưng bừng rộn rã. Điều đáng nói ở đây là tiếng gà, tiếng chim kia đều có sức thôi thúc, giục giã khác thường. Thì ra, những âm thanh đời thường vốn rất là quen thuộc ấy được “nghe” qua tâm trạng hy vọng, mong chờ một thời cơ mới và thế hệ mới của tác giả bỗng trở thành có tính biểu tượng đầy ý nghĩa của “vận hội mới”. Cảm động biết bao khi ta hiểu đây là tâm trạng của một người đang sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã, bị kẻ thù kìm kẹp hòng cắt lìa khỏi thực tế đấu tranh của dân tộc, nhưng vẫn gắn bó với cuộc sống, tin tưởng ở thế hệ tương lai của đất nước.
Xét đến cùng, tiếng thúc giục “Dậy! Dậy! Dậy” không chỉ là lời kêu gọi tâm huyết của Phan Bội Châu. Đó là tiếng gọi của Tổ Quốc, của non sông mà Phan Bội Châu là người đại diện. Tiếng gọi Phan Bội Châu – Tổ quốc ấy ta còn thấy vang ở nhiều tác phẩm khác của nhà cách mạng. Trong cuốn Trùng Quan tâm sử ông từng viết “Non sông như cũ, thành quách y nguyên! Chủ nhân là ai? Quốc dân ơi! Đồng bào ơi! Dậy! Dậy! Dậy!”
Đoạn thơ tiếp theo, Phan Bội Châu dành mấy dòng nói về bản thân mình. Lời thơ chân thành, tha thiết khiến cho người đọc vô cùng xúc động:
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng,
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót.
Trời đất may còn thân sống sót,
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh.
Khác với giọng vui tươi, phấn khởi phần đầu, những câu thơ ở đây có nhịp điệu chậm rãi, nặng trĩu ưu tư, phiền muộn. Trước “tân vận hội”, Phan Bội Châu cảm thấy chạnh buồn khi tâm sự với mùa xuân của đất trời và cũng là tâm sự với thế hệ trẻ, những người tri âm, tri ki của nhà thơ. Ở đây có nhiều cách hiểu về mùa xuân; xuân vừa có nghĩa là đất nước quê hương vừa để chỉ những lớp người trẻ tuổi. Phan Bội Châu bộc bạch hết nỗi niềm tâm sự. Đấy trước hết là nỗi đau của một người đã từng phải làm “khách không nhà trong bốn biển”, suốt nai mươi năm bôn tẩu, nhưng rốt cuộc “trăm thất bại không một thành công”. Đúng là trong nỗi đau này không chỉ có “thẹn” mà còn có thêm nỗi “buồn” và nỗi “tủi” lẫn cả sự chua xót đắng cay. Đây là nỗi đau xót của một trượng phu, một anh hùng, một nhân vật lịch sử kiệt xuất. Đây còn là nỗi đau của cả một dân tộc, một đất nước. Câu thơ “Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng” được ngắt đều thành ba nhịp, ba vế đối nhau, mỗi trạng thái tình cảm đặt vào trong quan hệ của một hình ảnh biểu tượng của đất nước, thể hiện nỗi đau của tầm vóc núi sông, tầm vóc thời đại. Ta liên tưởng đến nỗi đau lớn của Đặng Dung thời trước trong bài thơ Cảm hoài đầy bi tráng: “Thù nước chưa xong, đầu đã bạc”. Đây là tâm sự của một con người đã từng trải qua mấy chục năm tung hoành, khi ở Nhật Bản, lúc ở Trung Quốc, lúc ở Xiêm La, nay phải sống trong vòng kiềm tỏa của quân thù và tuổi già đã đến, chỉ còn biết trông cậy vào “lũ đầu xanh” để khuây khỏa “tháng ngày”. Như vậy, Phan Bội Châu ý thức sâu sắc vai trò lịch sử của mình đã chấm dứt và cụ nghiêm khắc tự đánh giá bản thân mình. Điều này chứng tỏ sự sáng suốt nhân cách cao đẹp của nhà cách mạng. Riêng việc hiểu được bản thân mình, thấy được giới hạn của mình cũng đã thể hiện một phần tầm vóc lớn của tác giả, khiến người đọc vô cùng cảm phục.
Thất bại, nhưng không thất vọng; nhà thơ đặt hy vọng vào thế hệ thanh niên:
Thưa các cô, các cậu, lại các anh.
Một chữ thưa mà hàm chứa bao nhiêu niềm trân trọng và tin yêu. Đó vừa là đức khiêm nhường, vừa thể hiện tấm lòng thiết tha của nhà cách mạng lão thành đối với vận mệnh của đất nước. Thì ra, đối với Phan Sào Nam, dẫu ở tuổi 60, dẫu đã là một nhân vật lừng danh, nhưng bất kể già trẻ gái trai, ai có tinh thần cứu nước, biết thương xót giống nòi thì đều phải kính trọng. Ta còn nhớ có lần, Phan đã “ngàn vạn lạy” các chú lính tập để họ quay về với Tổ quốc (Việt Nam vong quốc xứ). Hơn nữa, cách xưng hô thích hợp để tác giả trình bày những vấn đề trọng đại tiếp theo. Bởi vậy, có thể nói, ở đây, cụ Phan đã chọn lựa được những lời lẽ và giọng điệu thích hợp nhất để phô diễn ý tưởng của mình.
Tâm sự với thanh niên, Phan Bội Châu khẳng định “đời đã mới, người càng nên đổi mới”. Câu thơ có cách diễn đạt tăng cấp: lúc nào cũng cần đổi mới, huống chi đời đã đổi mới, tức là có cơ hội mới, vận hội mới. Đến câu tiếp theo “Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn”, tác giả nói cụ thể hơn nhiệm vụ của thanh niên phải cùng nhau đoàn kết giành lại chủ quyền cho giang sơn mà cha ông từ ngàn xưa để lại. Công việc này thật khó khăn, nặng nề, vì thế không những phải dũng cảm, mà còn phải khôn khéo kiên trì, nhất là phải biết đoàn kết, biết “liên hiệp lại” thành một khối vững chắc:
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Đây đoàn thể quyết ghe phen liên hiệp lại.
Trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng, cụ Phan ý thức rất rõ về tầm quan trọng của sự đoàn kết. Ngay những năm đầu ra nước ngoài, trong Thư gửi người trong nước khuyên nhân dân giúp tiền cho học sinh đi học ngoại quốc, Phan Bội Châu đã nêu rõ: “Hễ người đông thì xong công việc, đồng tâm thì sức sẽ khỏe; góp nhiều mảnh da để may áo cừu, góp nhiều cây lại để chống nhà. Muôn búa vào rừng cây to cũng ngã; xe cát suốt ngày, biển sâu cũng lấp”. Những câu thơ trên đây hấp dẫn người đọc không phải chỉ ở nội dung mà chính là ở cách nói, ở bầu nhiệt huyết. Nó còn có sức thuyết phục lớn vì được bảo chứng bằng cách cả cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của nhà đại ái quốc.
Lời khuyên nhủ có lúc chuyển sang giọng dịu dàng, nhỏ nhẹ, như vỗ về:
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Xếp bút nghiêng mà tu dưỡng lấy tinh thần,
Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn…
Có lúc lại sôi nổi, hào hùng và quyết liệt:
Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Nhưng đấy mới thực là giọng chủ đạo của thơ Phan Bội Châu – đúng như Tố Hữu nhận xét: “Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng”. Qua giọng thơ và hình ảnh thơ, ta thấy hiện lên thật rõ nét một Phan Bội Châu tuy tuổi đã già, thân bị giam cầm nơi Bến Ngự, mà tinh thần vẫn hăm hở sục sôi, vẫn khao khát tung hoành và đặc biệt là vẫn muốn chuyển mình theo “tân vận hội”.
Khát vọng ấy ông muốn truyền tới lớp đầu xanh với tất cả niềm tin của mình:
Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |