Không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã từng đọc, từng học và từng nhầm lẫn một cách rất đáng yêu rằng truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh chính là bài tâp đọc đầu tiên của mình. Sự nhầm lẫn vô lí mà lại hết sức có lí. Vô lí vì bài tập đọc đầu tiên hẳn phải là các câu văn, đoạn văn hay bài thơ chứ khó có thể là cả một truyện ngắn.
Còn có lí bởi học trò các thế hệ có thể quên đi nhiều bài tập đọc khác, nhưng hình như ít ai hoàn toàn quên được những cảm xúc trong trẻo nguyên sơ mà từng dòng từng chữ của Tôi đi học gợi lên trong miền kí ức tuổi thơ của mình. Để có được điều đó, cũng bởi như nhận xét của nhà văn Thạch Lam: “Truyện ngắn nào hay cũng có chất thơ và bài thơ nào hay cũng có cốt truyện”.
Để hiểu vì sao Tôi đi học là một truyện ngắn giàu chất thơ, chúng ta cần hiểu chất thơ là gì?
Chất thơ là tính chất trữ tình – tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. Chất thơ là một thuật ngữ lý luận chỉ một phẩm chất đặc biệt của văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi được xem là có chất thơ khi nội dung của nó đi sâu vào trạng thái cảm xúc, diễn tả diễn biến trong trạng thái chủ quan với những rung động tinh tế. Chất thơ còn nằm trong hình thức thể hiện.
Đó là tính nhạc, sự hàm xúc của ngôn từ, đó là sự linh hoạt của các thủ pháp nghệ thuật tạo cho giọng văn, lời văn sức truyền cảm lớn. Một truyện ngắn (hoặc tác phẩm văn xuôi) được coi là giàu chất thơ khi mối bận tâm của người viết không đặt vào việc kể lại một biến cố, sự việc, hành động mà là việc làm bật lên một trạng thái của đời sống hoặc của tâm hồn con người.
Trước hết, chất thơ được thể hiện ở chỗ truyện ngắn không có cốt truyện mà chỉ là dòng chảy cảm xúc, là những tâm tư tình cảm của một tâm hồn trẻ dại trong buổi khai trường đầu tiên với những cảm xúc ngọt ngào, man mác buồn nhưng cũng tưng bừng khi lần đầu tiên được cắp sách tới trường: “Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.
Những câu văn trong sáng, gợi cảm và giầu chất thơ kiểu như thế này đã để lại những dấu ấn đậm nét trong hành trang tinh thần của nhiều thế hệ bạn đọc. Có thể dễ dàng tìm thấy nhiều câu văn, nhiều đoạn văn đẹp và tha thiết trong các trang viết của ông. Thanh Tịnh thuộc loại nhà văn viết không nhiều. Tác phẩm của ông không gây ra những choáng váng, đột ngột mà nhẹ nhàng thấm sâu. Chừng nào con người còn yêu thương cảm xúc, còn nặng lòng gắn bó với quê hương, đồng loại thì còn tìm thấy trong những trang viết của Thanh Tịnh mối dây đồng cảm và niềm an ủi. Con người trong tình yêu, tình bạn, tình vợ chồng, cha con, con người với quê hương… tất cả đều được ngòi bút của ông trình bày một cách nhẹ nhàng, thanh thoát và đằm thắm.
Thứ hai, trong truyện ngắn Tôi đi học, hình ảnh được tác giả huy động sử dụng với tần số lớn. Các hình ảnh này đều mang những đặc điểm chung: đẹp, lãng mạn và thi vị. Ngay ở phần mở đầu câu chuyện, tác giả đã dựng nên một khung cảnh cuối thu tuyệt đẹp để làm “chất xúc tác” cho những kỷ niệm tuổi thơ ùa về: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”.
Dọc theo câu chuyện, những hình ảnh giàu chất thơ như vậy thường xuyên xuất hiện: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”, “người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa”, “trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp”, “một con chim liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao”… Những hình ảnh so sánh trong truyện cũng thật đẹp, gợi cảm: “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”, “ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”, “họ như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”…Có thể nói, trong một dung lượng truyện tương đối nhỏ, những hình ảnh lãng mạn, ý vị được sử dụng với số lượng khá lớn đã góp phần làm cho câu chuyện trở nên giàu chất thơ, hình tượng trong truyện trở nên lung linh, đẹp hơn rất nhiều.
Thứ ba, từ ngữ và câu văn cũng là một trong những phương diện góp phần quan trọng vào việc làm nên chất thơ trong truyện ngắn Tôi đi học. Dễ dàng nhận ra những đặc điểm độc đáo, nổi bật của từ ngữ và câu văn trong truyện ngắn này. Về câu văn, truyện sử dụng nhiều câu dài (có những đoạn văn chỉ là một câu), mở rộng nhiều thành phần, sử dụng nhiều từ có thanh bằng, âm mở để tạo nên nhịp điệu êm ái, âm điệu du dương như: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường” (một đoạn, 18/34 âm tiết là thanh bằng); “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng” (một đoạn, 15/28 âm tiết là thanh bằng); “Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lê Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết” (một đoạn, 17/32 âm tiết là thanh bằng)…
Thật vậy, theo như Trần Hữu Tá, “nhìn chung, tác phẩm Thanh Tịnh đậm chất trữ tình. Thông qua tâm hồn tác giả, hiện thực cuộc sống được phản ánh giản dị mà sâu sắc, không phải chỉ ở bề ngoài, mà ở cái linh hồn sâu kín bên trong. Văn Thanh Tịnh gợi cảm, đằm thắm và trong sáng” (Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, H., 2004, tr. 1636). Tôi đi học, một truyện ngắn giàu chất thơ, là tác phẩm rất tiêu biểu cho điều này.