Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em sau khi học bài "Thương Vợ" của Trần Tế Xương

viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em sau khi học bài thương vợ của tế xương.giúp mình với m.n ơi 
 
1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
853
0
2
Likeme
10/09/2019 18:52:34
Trong lịch sử văn học nước ta xưa nay, thơ viết về vợ vốn không nhiều. Do đó, thơ hay nghĩa là viết chân thật, sâu sắc và xúc động về đề tài này lại càng hiếm hoi. Vì vậy có thể xem Trần Tế Xương là một trường hợp đặc biệt. Trong thơ mình, ông nói đến vợ rất nhiều lần.
Khi thì lăm le bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ. Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ. Đem chuyện trăm năm giở lại bàn. Khi thì Vuốt râu nịnh vợ con bu nó. Lại có lúc Viết vào giấy dán ngay lên cột. Hỏi mẹ mày dốt hay hay. Cao hứng và ngông nghênh hơn, nhà văn đã viết văn tế để tế sống vợ. Nhưng đỉnh cao mảng thơ này của ông phải nói là bài thơ Thương vợ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thăn cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói dời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!
Đây là một bài thơ trữ tình - trào phúng đậm sắc dân gian đầy cảm động. Để bộc lộ lòng thương quý, biết ơn và trân trọng vợ mình, nhà thơ đã cực tả nỗi nhọc nhằn lao khổ của bà, người đàn bà đã một thân một bóng tần tảo nuôi con và chồng. Qua đây, ông ca ngợi đức tính đảm đang, lòng hi sinh thầm lặng cao cả một bậc hiền phụ.
Trong hai câu thơ đầu, Tú Xương đã nói về sự vất vả và nhẫn nại của vợ mình một cách tự nhiên, thân mật, dí dỏm và hóm hỉnh. Ông vừa giới thiệu cái gánh nặng chồng con trên vai bà vừa cho thấy một cách gián tiếp tình cảm sâu nặng của mình dành cho vợ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Hai câu thơ là một lời chấm công. Trong câu thơ đầu, bản thân công việc buôn bán tuy chưa đủ thể hiện được sự vất vả hay nhẫn nại nhưng hoàn cảnh thời gian (quanh năm) và hoàn cảnh không gian (ở mom sông) thì lại nói khá rõ về điều đó.
Quanh năm, chỉ hai tiếng ấy thôi cũng đã chứa đựng biết bao nhiêu là thời gian nối tiếp nhau triền miên không dứt, suốt từ đầu năm đến cuối năm, cho dù mưa gió, nắng nôi, lúc nào cũng như lúc nào, bà vẫn miệt mài buôn bán. Đó là hoàn cảnh thời gian. Còn hoàn cảnh không gian, còn chỗ làm ăn? Đó là mom sông. Mom sông theo giáo sư Lê Trí Viễn là một địa thế thừa của đất liền ba bề là nước, đổ ùm xuống sông lúc nào không biết chừng (Lê Trí Viễn - Những bài giảng văn ở Đại học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1982). Bà Tú đã phải ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, buôn bán làm ăn ở cái mom sông chênh vênh không vững vàng gì ấy.
Vì sao bà phải vất vả đến như vậy?
Câu thơ thứ hai đã trả lời rõ:
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Nhà thơ đã nâng cao vợ mình lên hàng trụ cột của gia đình. Cả một gánh nặng sinh kế đã đặt lên vai người phụ nữ. Bà quanh năm khó nhọc, vất vả, bất kế nguy hiểm, gian nan là để nuôi đủ năm con và một chồng nghĩa là sáu miệng ăn hết thảy chưa kể cả chính mình. Nhưng đồng thời ông cũng đã tự hạ mình xuống thành ngang hàng với lũ con, nói đúng hơn là ông đứng cuối hàng sau năm con để thành ra thứ sáu Với một chồng thể hiện rõ ra ông là ăn theo, ăn ké lũ con. Nhà thơ tự thấy mình là gánh nặng của vợ. Cách nói ấy hàm ý vừa biết ơn vừa tự hào mà lại có chút gì đó hối hận, ăn năn, mỉa mai mình một cách thâm trầm hóm hỉnh.
Tiếp theo là hai câu thực nhà thơ đã thể hiện tình thương vợ của mình bằng cách miêu tả cái vất vả, gian nan mà cũng là cái đảm đang của bà Tú:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Mượn hình ảnh cô đơn, vất vả của con cò trong ca dao xưa: con cò lặn lội bờ sông... ông trau chuốt thêm bằng bàn tay nghệ sĩ tài hoa của mình. Nếu ca dao thường dùng hình ảnh con cò để so sánh, ví von gián tiếp về người phụ nữ, nói rõ hơn là người vợ, người mẹ cặm cụi tảo tần thì ở đây Tú Xương đã đồng nhất trực tiếp thân cò với thân phận người vợ. Nhà thơ lại dùng phép đảo ngữ Lặn lội thân cò để nhấn mạnh vào sự vất vả, lam lũ của vợ mình. Đã vậy cái khung cảnh không gian kiếm ăn của thân cò ở đây không phải chỉ là một cái bờ sông bất kì nào, có thể nhộn nhịp đông vui hay lặng lẽ, buồn thiu mà lại được nhà thơ xác định rõ là quãng vắng. Tất cả những điều vừa phân tích đều nhằm để nói và đã nói được cái vất vả gian truân thầm lặng của người vợ mang số phận thân cò.
Câu thơ tiếp theo nói thêm sự vật lộn với sinh kế của bà Tú. Gặp phải buổi đò đông (bến đông đò hay đò đông người) bà đều phải chịu cảnh bị xô đẩy, tranh giành nhau lời qua tiếng lại eo sèo để mặc cả mua bán như ai. vốn con nhà dòng dõi, chẳng gì cũng là bà Tú vậy mà cũng phải lấm láp, phong trần. Nhà thơ hơn ai hết đã thầm cảm thương cho cảnh ngộ và cả sự hi sinh thầm lặng của vợ mình. Chỉ vì gánh nặng áo cơm của chồng con mà bà Tú đã xông pha quên cả hiểm nguy, khó nhọc... Câu thơ này tuy không trực tiếp trích lời ca dao nhưng vẫn đâu đây thấp thoáng ý tình: Con đi mẹ dặn lời này, Sông sâu chớ lội, đò đầy khoan sang. Đó là lời dặn thân gái phải giữ mình. Song ở đây chỉ vì chồng con mà bà Tú phải đành lòng làm ngơ trước lời dặn ấy.
Chỉ với hai câu thơ bằng những từ ngữ gợi tả và cảm động, Tú Xương làm hiện lên rõ nét hình ảnh một người vợ thui thủi làm ăn, một mình toan lo lặn lội trong những khung cảnh không gian và hoàn cảnh thời gian vất vả, gian nan nhất, đáng thương và đầy ái ngại nhất. Nhiều người cũng cho rằng đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, với hai câu thơ này Tú Xương chẳng những đã khái quát được nỗi vất vả, cơ cực, nhọc nhằn của bà Tú mà còn gợi lên được khung cảnh buôn bán nơi bãi chợ bến sông của tỉnh Nam Định một thời.
Nếu bốn câu thơ đầu vừa phân tích hoàn toàn là lời ông Tú nói về vợ mình thì bốn câu sau lại thể hiện giọng bà Tú tự than thân, trách phận chính mình. Nói đúng hơn là đến đây nhà thơ không đứng ngoài khách quan để miêu tả nữa, ông đã nhập thân vào nhân vật thảo ra lời bà vợ để than thở giùm bà một cách chủ quan hơn:
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Duyên, tiếng nhà Phật có nghĩa rất rộng. Trong mối quan hệ vợ chồng, duyên là cái căn nguyên từ trước, do đó, mà vợ chồng lấy được nhau hoặc lấy phải nhau. Từ ý nghĩa vừa nói, dân gian ta đã làm thành một cặp khái niệm đối lập nhau: duyên và nợ (Một duyên, hai nợ, ba tình. Duyên dì anh nợ gì tôi, chẳng qua là cái nợ đời chi đây...). Như vậy trong dân gian Một duyên hai nợ là chỉ sự may rủi của đời người con gái. Nhưng ở đây trong thế đối ngẫu với câu dưới. Một duyên hai nợ trong câu thơ của Tú Xương lại có ý nghĩa khác hẳn: một, hai không còn là số đếm nữa mà là số tính, số nhân: duyên chỉ có một mà nợ đến những hai duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Bà Tú lấy được ông Tú ngẫm cho kĩ đó cũng là duyên. Ông cũng đỗ đạt hơn người thường một chút. Chỉ có vậy thôi. Chứ còn ông là chồng mà lại dở dở ương, khoán trắng
Tiền bạc phó cho con mụ kiếm; Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ... thì đúng là một thứ nợ đời. Duyên thì ít mà nợ thì nhiều là như vậy.
Cái vất vả, cực nhọc của lặn lội thân cò ở câu thơ trên đến đây đã được nâng lên thành cái vất vả, cực nhọc của một số phận là định mệnh của cả một kiếp người nên nặng nề và cay cực biết bao. Đã là số phận thì phải âu đành. Âu có nghĩa là cam mà đành cũng là cam. Một câu thơ mà những hai lần cam chịu. Vì cam chịu nên Năm nắng mười mưa dám quản công là vậy. Cho dầu nắng mưa đến mấy (Năm nắng mười mưa) bà vẫn không chút e ngại, chẳng tiếc chi công sức của mình. Dám quản công là không những chỉ có ý nghĩa như vừa nói mà còn cho thấy ý khiêm nhường. Nổi lên thêm từ hai câu thơ là đức tính hi sinh, nhẫn nhịn âm thầm của bậc hiền phụ. Đây cũng là đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Đã thấy tấm lòng thương vợ của nhà thơ là thấm thía và sâu sắc biết mấy.
Sau cùng, hai câu kết của bài thơ là một lời chửi rủa:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!
Thác lời của bà Tú, nhà thơ đã chửi rủa chính cái bạc bẽo và cái vô tích sự của người chồng nghĩa là của chính mình. Tất cả nỗi thương vợ cùng với sự bất lực giận mình, giận đời đã lắng đọng trong tiếng chửi rủa đầy day dứt, xót xa kia. Nhưng thực sự ông có bạc bẽo, hờ hững với vợ mình không? Điều này khó trả lời.
Nhưng ngẫm cho cùng, bài thơ này đã giải đáp phần nào câu hỏi ấy. Hơn nữa, tự coi mình cũng như không cũng như một người thừa, một kẻ hờ hững sống đấy mà cũng như đã chết thì tuy đó là lời rủa mình nhưng cũng là lời ca ngợi và đề cao công ơn của vợ. Tuy là một lời chửi rủa nhưng hai câu thơ kết vẫn đượm thắm màu sắc vui đùa. Nhà thơ phán xét tự trách mình cũng là cách biểu hiện sự thương cảm sâu xa với vợ. Ông nói ăn ở bạc nhưng lòng ông không bạc, không hờ hững với bà chút nào cả.
Như vậy Thương vợ đúng là một bài thơ hay cho ta hình dung được nỗi lòng thương yêu mênh mông chân thành và sâu sắc của nhà thơ đôi với người vợ chịu thương, chịu khó, hi sinh, khó nhọc, vất vả một cách lặng thầm vì gánh nặng chồng con. Với một bài thơ trữ tình giàu hình ảnh, nhạc điệu, ngôn ngữ tự nhiên, dân dã, nhà thơ không những đã thể hiện được tình cảm ấy của mình mà còn tạo nên được một bức chân dung bất hủ có tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ các đức tính đáng quý là đảm đang, cần cù, nhẫn nại, hi sinh.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×