Mẫu 1:
“Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đó là quy luật tâm lý hàng đầu, luôn phát huy tác dụng. Biết mình, hiểu tâm lý mình đã đành, mà muốn thành công, chinh phục được nhân tâm, bạn còn cần phải biết người, hiểu người, “đọc” ra được các diễn biến tâm lý nơi người nữa.
Hiểu người, để rồi đáp ứng người, thì kết quả là người cũng sẽ đáp ứng mọi điều mình mong muốn. Đức Khổng từng dạy rằng: “Muốn người khác làm điều gì cho mình, trước hết mình hãy làm điều đó cho người khác”. Và đó cũng tương tự như nguyên tắc Bạch Kim trong mối quan hệ: “Hãy đối xử với người khác theo cách người ấy mong muốn”.
Muốn làm được điều đó, bạn phải thấu hiểu tâm lý người khác. Muốn thấu hiểu tâm lý người khác, bạn phải biết học cách quan sát và để ý nhiều đến người khác. Vì tâm lý bên trong thường được biểu lộ ra thành những hành vi, cử chỉ bên ngoài.
Hãy tập để ý quan tâm đến mọi người bạn gặp gỡ thường ngày trong cuộc sống, trong công việc. Và hãy tập chiều lòng họ. Đó là cách để bạn gây dựng tốt các mối quan hệ, tạo thiện cảm với mọi người, để đến lượt mình, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công đúng như ý mình mong muốn.
Mẫu 2:
Lão Tử từng nói: “Hiểu người khác là thông minh, hiểu được chính mình mới là khôn ngoan thực sự. Kiểm soát được người khác là sức mạnh, kiểm soát được chính mình mới là năng lực thật sự”.
Những cặp vợ chồng hạnh phúc thường rất hiểu nhau. Một bà mẹ sẽ hiểu con trai của mình. Một giáo viên tận tâm sẽ hiểu được học sinh của mình. Sự thấu hiểu lẫn nhau sẽ giúp chúng ta có khả năng vượt trội để đáp ứng nhu cầu, chữa lành mọi vết thương, giúp đỡ và cùng nhau tiến về phía trước.
Muốn có một cuộc sống thành công, trước tiên bạn cần phải biết rằng điều gì khiến bạn cảm thấy gắn bó, bạn yêu hoặc ghét điều gì, nỗi sợ của bạn là gì và vì sao bạn sẵn sàng vượt qua nỗi sợ đó. Món quà lớn nhất mà bạn có thể dành tặng cho bản thân chính là hiểu, chấp nhận và yêu mến con người mình.
Thẳng thắn mà nói, không ít người đã học được những bài học cuộc sống sâu sắc từ những điều tưởng như chẳng hề liên quan. Biết đâu một ngày đang đi trên đường và nhìn thấy đứa trẻ đạp xe bị ngã rồi nó tự đứng dậy, bạn sẽ đặt câu hỏi: “Liệu mình sẽ làm gì khi không thể thất bại được nữa, mình có dám đứng dậy đi tiếp như đứa trẻ kia không?”
Bạn có nghĩ đến việc bơi qua eo biển Anh không? Hay tham gia chương trình bay vào vũ trụ? Trở thành chủ dự án một startup? Viết một cuốn tiểu thuyết? Bây giờ, hãy thử tưởng tượng như thể bạn đang được làm đúng những thứ mình muốn. Bạn có thấy tâm hồn thư thái và thỏa mãn không? Bạn có yêu công việc đó đủ nhiều để cống hiến phần lớn thời gian và công sức của mình nhằm hoàn thiện nó không?
Nếu câu trả lời là "có", nhưng bạn vẫn chưa có cơ hội được làm công việc mình yêu, vậy rất có khả năng nỗi sợ thất bại đang khiến bạn chùn chân. Bạn chưa hiểu được chính mình và chưa dám chiến thắng nỗi sợ của bản thân.
Steve Jobs từng nói, cho dù còn trẻ nhưng rất có thể hôm nay sẽ là ngày cuối cùng chúng ta được sống. Vậy hãy làm điều gì đó để khi ngày này đến, chúng ta vẫn có thể quay đầu nhìn lại cuộc đời mình một cách hãnh diện, rằng “đây là cuộc đời do chính bàn tay tôi tạo nên”.
Mỗi ngày trong cuộc đời dành trọn cho công việc của mình, Steve Jobs luôn nhìn vào gương và tự đặt câu hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng được sống, bạn vẫn muốn làm điều mình đang làm chứ?”.
Và ông đã giữ đúng lời. Khi ông làm việc tại Apple, tiếp theo là NeXT, sau đó là Pixar, và cuối cùng lại là Apple, ông luôn trả lời "có" cho câu hỏi trên. Tinh thần này vẫn luôn tồn tại trong ông suốt hàng chục năm cống hiến cho Apple, thậm chí trong suốt 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Ông vẫn tận tụy làm việc, thậm chí cho đến ngày trước khi ông qua đời.
Nếu biết mình chỉ còn một ngày, một tháng, một năm để sống, bạn vẫn sẽ gắn bó với công việc mình đang làm bây giờ chứ? Bạn có thực sự thỏa mãn với cuộc sống bạn đang sống không? Nếu câu trả lời là không, bạn có dám thay đổi không? Nếu có, bạn sẽ phải thay đổi ra sao?
Cuộc sống vốn không có gì dễ dàng nhưng hiểu được bản thân là ai chắc chắn sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến thành công và đam mê, như cách mà Steve Jobs đã làm với Apple.