Sử thi Đăm Săn là một trong những bộ sử thi có giá trị và được nhiều người biết đến nhất trong kho tàng sử thi của các dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S. Đăm Săn kể về những chiến công lừng lẫy trong cuộc đời của người anh hùng Đăm Săn, trong đó Chiến thắng Mtao Mxây là đoạn trích kể về một trong những chiến công lừng lẫy nhất của chàng. Nghệ thuật nổi bật của đoạn trích đó là nghệ thuật miêu tả và biểu cảm rất đặc biệt, mang đậm nét văn hóa của người dân Ê đê. Đoạn trích: "Đoàn người đông như...cõng nước" đã chứng minh cho quan điểm ấy.
Những hình ảnh so sánh ngang bằng, được cường điệu hóa, rất đỗi hồn nhiên, thực thà như cái tâm tính của người dân tộc Ê-đê. Lối nói liệt kê, so sánh liên tục làm gia tăng cảm giác đông đúc nhộn nhịp của đoàn người đang đổ xô về với buôn làng của Đăm Săn, khơi gợi được sự trù phú, đã giàu mạnh nay lại càng thêm giàu mạnh hơn của tù trưởng Đăm Săn. Lấy hình ảnh con người đem so với con vật không phải là ý chỉ sự khinh thường, mà người ta muốn đưa vào những hình ảnh dễ liên tưởng, có chút hoang dã phù hợp với phong cách sống của dân tộc mình. Đó là những hình ảnh mang tính bầy đàn như bầy cà tong, bầy kiến mối, bầy thiêu thân, bầy ong,... thể hiện cái sự đoàn kết, tinh thần nhất trí, đồng lòng một dạ với tù trưởng là Đăm Săn. Dòng của cải được luân chuyển về nhiều vô số kể, tấp nập nhịp nhàng, được đem so sánh với việc "ong đi chuyển nước", "vò vẽ đi chuyển hoa". Điều đó còn thể hiện sự chăm chỉ của những tôi tớ, nô lệ mà Đăm Săn thu phục được. Ngoài ra, ta còn cảm nhận được sự vui mừng, rạng rỡ, tươi trẻ đầy sức sống của những nô lệ khi có một người chủ mới tài giỏi là Đăm Săn qua hình ảnh "bầy trai gái đi giếng làng cõng nước".
Như vậy chỉ thông qua một đoạn văn ngắn, chúng ta đã có thể thấy được những giá trị miêu tả và biểu cảm rất đỗi chân thực, hài hòa nhiều sức gợi bằng biện pháp tu tư so sánh là chủ yếu.