Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nghị luận xã hội về vấn đề bạo lực

Nghị luận xã hội về vấn đề bạo lực 
3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
182
1
0
HaHa
25/09/2019 18:52:59
Bạo lực học đường – một vấn đề nan giải đối với ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Khi xã hội càng phát triển, dường như vấn đề này lại càng trở nên nhức nhối bởi càng ngày mức độ nghiêm trọng của nó càng tăng và để kiếm soát được nó thì lại không hề dễ dàng. Vậy tại sao “bạo lực học đường” lại là một trong những vấn đề nghiêm trọng và luôn đi đầu trong công cuộc giáo dục giới trẻ hiện nay, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên – lứa tuổi đang có những sự thay đổi và hình thành nhân cách?
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu “bạo lực học đường là gì? “Bạo lực học đường” là những hành vi ngang ngược, xúc phạm, thô bạo, gây tổn hại đến thể xác và tinh thần người khác, diễn ra trong phạm vi trường học. Nhắc đến bạo lực học đường, người ta có thể liên tưởng ngay đến những cuộc ẩu đả từ cá nhân đến tập thể, từ phạm vi nhỏ diễn ra trong lớp học đến những phạm vi lớn diễn ra ngay bên ngoài cánh cổng nhà trường và dường như, câu hỏi mà dư luận thường quan tâm nhất khi vấn đề này lại nổi lên chính là: “Thầy cô đang làm gì?”. Điều đáng buồn chính là việc xã hội quá đề cao và quan tâm người chịu trách nhiệm ở đây chính là ai mà có lẽ không hề quan tâm cao đến: “Nguyên nhân của nó là gì?”. Có lẽ chăng, xã hội giờ đang đặt nặng vấn đề giáo dục con cái lên đôi vai của nhà trường, lên đôi vai của những người thầy, người cô dạy dỗ các con hàng ngày? Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Tại sao vấn đề này ngày càng trở nên khó kiểm soát và mức độ xảy ra cũng như hậu quả nó để lại ngày càng lớn và nghiệm trọng? Cuối cùng, ai mới phải là người chịu trách nhiệm và phải ngăn chặn chuyện này? Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều sự quan tâm mỗi khi vấn đề này được nhắc tới, được đem ra bàn luận, và có lẽ nó sẽ không bao giờ trở lên thôi “nóng hổi”Như chúng ta đã biết, lứa tuổi vị thành niên – lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi, khi các con đã bắt đầu có sự nhận thức về bản thân, thay đổi tâm sinh lý và hình thành tính cách. Đây là một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, bởi chúng sẽ trở nên rất nhạy cảm và bắt đầu xuất hiện cảm giác “trở thành người lớn”, khi mà “cái tôi” sẽ dần được hình thành và trở thành một trong những điều mà trẻ coi là quan trọng nhất. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, gia đình và nhà trường cần phải có những biện pháp, sự quan tâm đặc biệt nhất đến trẻ, giúp các em có sự định hình và hướng đi đúng đắn nhất.Khi xã hội ngày càng phát triển, bố mẹ càng trở nên bận rộn hơn với công việc, đồng nghĩa với việc sẽ dành ít sự quan tâm và chăm lo đối với con cái, khiến chúng trở nên phụ thuộc vào các loại hình công nghệ, phụ thuộc vào mạng xã hội, trò chơi online… Như ta đã biết, mạng xã hội hay game online mang tính chất hai mặt, sẽ trở nên rất tốt nếu như các con biết cách sử dụng, ví dụ như facebook giúp con khám phá ra nhiều kiến thức mới, giúp tuyên truyền giáo dục những nếp sống lịch sự, văn minh hay những hành động tốt đẹp bảo vệ môi trường, an toàn giao thông,…hay game online giúp trẻ rèn tính cẩn thận, khả năng phản xạ hay sự kiên trì. Tuy nhiên, facebook cũng tồn tại rất nhiều những “mặt tối”, tuyên truyền phản động, hành động xấu, tuyên truyền văn hóa không lành mạnh hay nếu như quá lạm dụng, ham mê trò chơi điện tử, dành quá nhiều thời gian cho chúng thì việc học tập của trẻ sẽ giảm sút và thời gian trẻ tiếp xúc, trò chuyện với người thân cũng không còn được trẻ quan tâm và dường như, đó chính là nguyên nhân khiến trẻ trở nên vô cảm hơn – một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường trở nên ngày càng phát triển.Hãy trở lại khoảng chục năm về trước, khi thời kỳ công nghệ còn chưa phát triển, bạo lực học đường dường như chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, chỉ đơn giản là những xung đột về lời nói cũng như hành vi giữa các học sinh với nhau, và thường diễn ra ngay trong phạm vi lớp học, còn nếu xảy ra trên quy mô lớn hơn – “đánh hội đồng”, thông thường các con sẽ mất nhiều thời gian hơn để thực hiện. Chính vì vậy, việc ngăn chặn chúng xảy ra sẽ trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều. Còn hiện nay, khi các con chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn cũng có thể tạo ra một “cuộc chiến” trên quy mô lớn chỉ trong vòng năm phút, không những thế, địa điểm diễn ra cũng kín hơn rất nhiều, không đơn giản là trong lớp học hay trước cổng trường, điều đó thật sự trở thành một khó khăn lớn cho nhà giáo dục trong việc phát hiện và ngăn chặn sao cho kịp thời. Có lẽ khi nhìn vào, người ta sẽ nghĩ, chắc hẳn phải có nguyên nhân gì lớn lắm, các con mới làm như vậy. Tuy nhiên, nhiều khi “dẹp loạn” xong, ta mới “ngã ngửa” với những lý do đằng sau chúng: “Do bạn bình luận trên facebook chê bai”, “Do bạn không cho chép bài”, “Do bạn nhìn đểu”… Khi bị động vào lòng tự trọng, động vào “cái tôi” nhạy cảm, nếu không được người lớn xoa dịu hay định hướng kịp thời, các con thường sẽ nghĩ ngay đến xu hướng bạo lực, và dĩ nhiên, hậu quả mà chúng để lại, thật chẳng đơn giản chút nào…Có lẽ sẽ không còn quá ngạc nhiên khi tội phạm ở Việt Nam đang trong xu thế bị trẻ hóa, lứa tuổi vị thành niên phạm tội đang ngày một tăng cao, mà nguyên nhân chính là “bóng ma” bạo lực học đường: “Nữ sinh tự tử vì bị tẩy chay”, “Nam sinh đâm chết bạn vì tán tỉnh bạn gái của mình”,… Nếu như ngày trước, hậu quả của bạo lực học đường chỉ dừng lại ở mức độ kỷ luật trong phạm vi nhà trường, hậu quả cũng chỉ ảnh hưởng nhất thời và quy mô sự ảnh hưởng đó cũng rất nhỏ thì hiện nay, hậu quả còn có thể đi xa hơn rất nhiều. Nạn nhân của bạo lực học đường không những chịu sự hành hạ về thể xác và tinh thần nhất thời, mà sự ám ảnh đó còn đeo bám các em khi những hình ảnh các em bị bắt nạt bị ghi lại, sau đó bị “up” trên các trang mạng xã hội, bị lan truyền, các em phải đối mặt với những lời lẽ cay nghiến, cay độc,… Không những thế, nếu không có sự can thiệp kịp thời của gia đình, người thân, các em có thể nghĩ theo những chiều hướng tiêu cực, dễ dàng tìm đến cái chết, chấm dứt cả một tương lai, thật sự hậu quả để lại quá thương tâm và quả thật “không đáng” một chút nào.Vậy liệu rằng có biện pháp nào có thể ngăn chặn được việc này? Thực tế, để có thể ngăn chặn vấn đề “bạo lực học đường” này một cách triệt để ngay tức thời, quả thật không dễ dàng. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu tần suất cũng như giảm nhẹ đi hậu quả mà chúng để lại, thì ta có thể làm được. Câu trả lời nằm ở chính mỗi gia đình cũng như nhà trường. Thay vì sự thờ ơ, phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường của đại đa số gia đình hiện nay, thì mỗi gia đình, bố mẹ cần phải có thời gian dành cho con cái, quan tâm, chia sẻ với các con nhiều hơn, hãy khiến trẻ coi bố mẹ, người thân như những người bạn, để trẻ có thể thoải mái tâm sự, trao đổi những khúc mắc, sự thay đổi tâm sinh lý, từ đó việc giáo dục, định hướng đường đi đúng đắn cho các con sẽ dễ dàng hơn. Còn với nhà trường, thay vì quá đè nặng lên vấn đề thành tích, thi cử thì việc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống, quả thật sẽ giúp đỡ các em rất nhiều trong việc xây dựng tính đoàn kết, tình cảm bạn bè và từ đó tạo nên những tiền đề vững chắc cho việc định hình cũng như hình thành tính cách cho bản thân sau này. Còn với xã hội, thiết nghĩ nên bổ sung các điều luật đối với trẻ vị thành niên, với hành động gây tổn hại đến tinh thần cũng như thể xác của người khác, để trẻ cảm thấy bị răn đe. Các cơ quan chức năng cần nghiêm ngặt hơn trong việc rà soát để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các cuộc xung đột “bạo lực học đường” diễn ra bên ngoài phạm vi trường học. Và quan trọng hơn hết, chính là sự kết hợp hài hòa giữa gia đình và nhà trường, để các con luôn cảm thấy được an toàn, được thoải mái, được yêu thương và được thấu hiểu.
Quả thực hiện nay, “bạo lực học đường” không đơn thuần chỉ là một vấn đề mà có lẽ nó đã phát triển trở thành một vấn nạn. Vậy phải làm sao để có thể giải quyết được chúng, chắc hẳn sẽ là một bài toán nan giải và không thể giải quyết được trong nhất thời, đòi hỏi gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội phải có những biện pháp kịp thời giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lí, để trẻ có một môi trường giáo dục và rèn luyện lành mạnh và tốt đẹp hơn.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
_Rin Rin_
25/09/2019 19:25:41
Trường học là môi trường giáo dục nhân cách con người, là nơi mà ai cũng trải qua một thời gian gắn bó, là nơi có bạn bè để ta học hỏi, có thầy cô dìu dắt nhân cách chúng ta. Nhưng thật đáng buồn nếu môi trường ấy ngày càng trở nên tha hóa bởi vấn đề bạo lực học đường. Không những vậy, vấn đề này trong thời gian gần đang là vấn đề đáng lo ngại của phụ huynh nhà trường nói riêng và của xã hội nói chung.
Vấn đề bạo lực học đường trong thời gian gần đây thực sự đang trở thành một mối lo lắng và quan tâm lớn của toàn xã hội. Thông thường khi nới tới hai từ “bạo lực” chúng ta chỉ nghĩ tới các bạn học sinh nam sinh đánh nhau, những người dễ dàng dùng sức mạnh cơ bắp với người khác.Nhưng trên thực tế hiện nay cho thế những hành vi bạo lực này không chỉ xảy ra ở các bạn nam mà còn ở không ít các bạn gái, và thậm chí càng phổ biến hơn nhiều. Trong hai năm trở lại đây nổi cộm lên vấn đề nữ sinh thường xuyên giật tóc, đánh nhau bị quay clip đăng ên mạng xã hội.
Phụ huynh học sinh, thầy cô không có ai có thể không bàng hoàng cũng như bức xúc và tức giận trước những clip cả hội đồng nhào vô đánh một bạn nữ, thậm chí cắt tóc, cởi đồ quay clip up lên mạng xã hội. Mà những đoạn video đó cũng chỉ là một góc rất nhỏ trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay , ngoài xã hội thực chất vẫn còn vô vàn các vụ bạo lực mà có thể còn chưa được công khai. Đối tượng trong các clip đánh nhau đó chính là những bạn học sinh trung học cơ sở hay trung học phổ thông, là lứa tuổi mà các em có những biến đổi về tâm sinh lý,suy nghĩ bồng bột và thích thể hiện bản thân.
Ngày nay, bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở hình thức đơn gian như chửi nhau, đánh nhau trên lớp nữa mà đáng lo ngại hơn đó là việc đánh nhau nghiêm trọng có thể nguy hại đến tính mạng. Có những sự việc cả chục nữ sinh xúm vào giật tóc, cầm giày dép đánh một bạn, thậm chí còn quay clip bêu rếu trên mạng xã hội, và thậm chí còn dùng dao rạch vào mặt bạn. Những người hứng chịu việc bạo lực học đường đó chắc chắn không chỉ chịu nỗi đau về thân xác mà còn chịu tổn thương về tinh thần.
Nguyên nhân của vấn đề bạo lực học đường trong thời gian gần đây có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân xã hội: sự bức xúc của cá nhân khi không nhận được điều mà cá nhân muốn và những điều mà cá nhân kỳ vọng nhưng không đạt được; sự ghanh ghét đố kị về những điều mà người khác có được; những cử chỉ và nhận xét mang nội dung hạ nhục. Đặc biệt là đối với học sinh THCS với sự thay đổi nhanh mạnh về mặt thể chất và tâm sinh lý nhưng không cân đối do đó trong tâm lí có những nét bất ổn, đôi lúc là bốc đồng và không kiểm soát được hành vi bản thân.
Thứ hai là tác động của văn hóa: truyền thông đại chúng (phim ảnh bạo lực, những clip đánh nhau, những hình ảnh mang tính bạo lực …), game hành động. Đây là một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng tương đối sâu sắc tới hành vi bạo lực của học sinh trung học cơ sở. Do hành vi lây lan của học sinh, vì học sinh lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông rất quan trọng tình bạn và quan hệ bạn bè chi phối rất nhiều tới sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi này. Do đó khi trẻ chơi với nhóm bạn có hành vi bạo lực thì trẻ cũng có hành vi bạo lực theo và đôi khi hành vi bạo lực đó được trẻ coi là hành vi tốt để bảo vệ bạn bè. Nói như thế có nghĩa là đôi khi trẻ không nhận thức được hoặc có nhận thức sai lệch về động cơ của hành động dẫn tới những hành vi sai lệch trong môi trường học tập.
Bạo lực học đường trước hết gây tổn hại về thể chất nghiêm trọng cho những em chịu những trận đòn đó. Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về tinh thần. Khi trường học không còn là nơi giáo dục nhân cách con người mà là nơi chỉ có những trận đòn roi đáng sợ thì ai ai cũng sợ phải đến trường. Khi trường học không còn là nơi ngập tràn kỉ niệm bạn bè nữa mà là nơi chi có sự thù ghét nhau thì đó chính là tổn thương sâu sắc đến với người học sinh.
Vì vậy việc chỉ góp một chút công sức và ý chí của bạn, vấn nạn chung của xã hội này phần nào được giảm thiểu. Trên hết, gia đình sẽ là nơi yêu thương và giáo dục các bạn học sinh đầu tiên. Nếu được sống trong một môi trường giáo dục tốt, những suy nghĩ và hành động của các bạn sẽ ôn hòa và tình cảm hơn. Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường và thầy cô cũng vô cùng quan trọng.
Nhà trường cần giáo dục các em về đạo lý và cách cư xử giữa người với người. Thầy cô cần răn đe và chỉ rõ cho các bạn những gì mình đã làm chưa đúng. Riêng bản thân các bạn học sinh, cần nói không với bạo lực học đường. Không tham gia đánh nhau hoặc tổ chức đánh nhau mà hãy tập trung học và vui chơi lành mạnh.
Nạn bạo lực học đường đang là vấn nạn lớn của cả xã hội và ngày càng phức tạp. Nói như vậy không phải là không thể ngăn chặn được nạn bạo lực này. Mỗi người trong chúng ta cần phải hành động và làm những gì để góp phần hạn chế và tiến đến xóa bỏ nạn bạo lực học đường. Gia đình, nhà trường cần giáo dục tốt và tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh để các bạn học sinh học tập. Hãy nói và chia sẻ với nhau nhiều hơn thay vì dùng hành động. Hãy yêu thương lẫn nhau và đừng làm tổn thương nhau. Và hãy để nạn bạo lực học đường chỉ còn là quá khứ!
0
0
Death Angel
25/09/2019 21:22:47
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng cao. Giới trẻ là thành phần được quan tâm nhiều nhất. Nhưng ta cũng nên nhìn nhận một cách khách quan rằng xã hội thay đổi quá nhanh. Con người ngày càng có những đòi hỏi cao hơn ở cuộc sống. Nhu cầu của nhân loại dần được thay thế, cũng như người ta “muốn ăn ngon mặc đẹp” thay vì “ăn no mặc ấm”. Và chính vì sự thay đổi đột ngột của xã hội mà hành vi, lối sống của một số thanh niên, học sinh, sinh viên ngày càng sai lệch.
Lứa tuổi cắp sách đến trường, có thầy cô, có bạn bè thì không ai có thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích đối với những người xung quanh. Trước đây, đó cũng chỉ là những chuyện bình thường, người ta cãi nhau như để tranh luận, để tìm ra cái sai của mỗi người, để tập nói tiếng xin lỗi, cảm ơn và đôi khi lại có thêm người bạn mới. Nhưng hiện tại, những vấn đề này không chỉ đơn thuần là tranh cãi trong phạm vi nhà trường mà dường như nó đã vượt ra đến tầm ảnh hưởng của pháp luật.
Kết quả nghiên cứu về hành vi bạo lực trong nữ sinh trung học (với 200 phiếu khảo sát tại 2 trường THPT ở Hà Nội) được khảo sát cho thấy: có đến 96,7% số học sinh trả lời ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, mức độ là 44,7% rất thường xuyên, 38% thường xuyên… Trả lời quan niệm của các em về hiện tượng đánh nhau giữa các học sinh nữ: hơn 45% cho rằng đó là "bình thường".
Mới đây, dư luận còn chưa hết bàng hoàng trước video clip một học sinh nữ đánh bạn dã man được xác định là học sinh trường THPT Trần Nhân Tông thì người ta lại tiếp tục sốc với khoảng 4 video clip khác được đăng rầm rộ trên mạng mà điều đặc biệt là những “diễn viên” trong các đoạn clip trên đều là học sinh nữ…
Tôi vẫn nhớ như in, từ lúc bắt đầu vào lớp một – ngày đầu tiên cắp sách đến trường cho đến hôm nay là một học sinh THPT, mỗi khi bước vào lớp, đập vào mắt tôi là dòng chữ “tiên học lễ, hậu học văn”. Người ta học lễ nghĩa, học văn hóa, người ta học làm người trước rồi mới đến những kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Người Việt Nam tôn trọng đạo đức hơn tất cả. Ấy thế mà chỉ vì những lý do không đáng, một số học sinh sẵn sàng ra tay đánh bạn giữa chốn đông người, chà đạp nặng nề lên nhân phẩm người khác. Đó là bản thân họ đã có lỗi, họ đã không nhìn ra cái sai để sửa chữa. Một phần nữa ta cũng nên nhìn nhận rằng xã hội bây giờ quá thờ ơ. Thế nên mới có cảnh nhiều người ngồi thản nhiên trên ghế đá xem bạn cùng trường của mình bị một bạn khác đánh mà vẫn làm ngơ như kiểu: “đó không phải là trách nhiệm của tôi”. Hay có nhiều người khác lại quan tâm bằng cách quay hình lại truyền mạng.
Một trong những nguyên nhân cơ bản như đã nêu trên là tình trạng nhiều nơi chú trọng về chữ, nhẹ về dạy người. Đạo đức dần bị bỏ quên. Học sinh học tập căng thẳng nên dễ dẫn đến những tình trạng ức chế về tâm lý. Cộng với ở độ tuổi vị thành niên, học sinh thường có những suy nghĩ bốc đồng, mang trên mình cái tôi cá nhân quá lớn. Lòng tự trọng dần biến thành cục tự ái to đùng lúc nào không hay nên hay nổi nóng vì những chuyện không đáng và có khi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và cho người khác. Nhiều bạn trẻ quan niệm rằng: dùng bạo lực có tác dụng nhanh, hiệu quả tức thì, đối phương phải phục tùng mình. Thế nên tình trạng bạo lực học đường cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, truyền từ người này sang người khác.
Khi xảy ra bạo lực học đường, việc dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật ngoài xã hội chỉ là khoảng cách ngắn. Nếu hành vi bạo lực học đường không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và giải quyết triệt để sẽ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật ở ngoài trường gây hậu quả nghiêm trọng.
Các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực học đường hiện nay đầu tiên là tuyên truyền, giáo dục học sinh để tác động đến ý thức của học sinh về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành luật pháp. Tiếp đến là tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Xây dựng củng cố các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan chức năng có liên quan. Việc xử lý học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi xấu cần được xử lý ngay tại cộng đồng để phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố, gia đình, nhà trường. Việc tách các học sinh ra khỏi môi trường xã hội, gia đình đưa vào trường giáo dưỡng, trại giam chỉ là biện pháp cuối cùng.
Là công dân Việt Nam, là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi luôn nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện đạo đức, chính trị, học tập văn hóa xã hội để có kiến thức bền vững, để trở thành một công dân tốt, để đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn sánh vai cùng năm châu.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×