Trước hết, gươm thần là hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh chính nghĩa của quân và dân ta. Như chúng ta đã biết, gươm thần có nguồn gốc và cách thức đến với nghĩa quân Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn rất đặc biệt. Gươm thần vốn là của đức Long Quân nhưng vì thấy nghĩa quân trong những ngày đầu khởi nghĩa liên tiếp thất bại nên đã cho nghĩa quân mượn với mục đích giúp nghĩa quân đánh thắng quân xâm lược. Thêm vào đó, trên gươm còn có hai chữ "Thuận Thiên" có nghĩa là thuận theo ý trời. Chính điều này đã chứng minh cho chúng ta thấy gươm thần chính là sự ủng hộ, đồng thuận, giúp đỡ của các vị thần và điều đó xét đến cùng là sự khẳng định sức mạnh, tính chất chính nghĩa của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược bởi chỉ khi đấy là cuộc chiến đấu giành chính nghĩa thì mới có thể nhận được sự giúp sức của các vị thần.
Đồng thời, gươm thần mang trên mình sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sức mạnh của sự thống nhất trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cộng đồng, dân tộc. Chắc hẳn trong mỗi chúng ta những ai đã từng một lần đọc truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm sẽ không thể nào có thể quên được cách thức đặc biệt để gươm thần đến với Lê Lợi nói riêng và với nghĩa quân Lam Sơn nói chung. Truyền thuyết kể lại rằng Lê Thận - một người dân làm nghề đánh cá sau nhiều lần quăng lưới, lần nào cũng có một thanh sắt mắc vào lưới và về sau khi mang về đưa ra dưới mồi lửa thì phát hiện đó là một lưỡi gươm. Còn về phần chuôi gươm lại do Lê Lợi nhặt được trên ngọn cây đa trong một lần bị giặc rượt đuổi. Và để rồi khi Lê Lợi dùng chuôi gươm nạm ngọc ấy tra vào lưỡi gươm ở nhà Lê Thận thì "vừa như in". Với cách thức đến với Lê Lợi - vị chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn đã giúp chúng ta cảm nhận được rằng gươm thần chính là cầu nối gắn kết toàn thể những người dân trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bởi lẽ chiếc gươm thần ấy mang trên mình sức mạnh thống nhất và đoàn kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Thêm vào đó, gươm thần còn có ý nghĩa, sức mạnh đặc biệt đối với nghĩa quân Lam Sơn. Nếu như trong những ngày đầu khởi nghĩa, nghĩa quân liên tiếp gặp thất bại thì từ ngày có gươm thần sức mạnh của nghĩa quân như tăng lên gấp bội, "nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng". Thanh gươm trong tay của Lê Lợi "tung hoành khắp trận địa, làm cho quân Minh bạt vía". Thêm vào đó, họ không còn phải trốn tránh địch như trước nữa mà chủ động tấn công, họ không phải ăn uống thiếu thốn như trước nữa mà giờ đây đã có thêm những kho lương mới chiếm của giặc. Và rồi đến cuối cùng, "gươm thần đã mở đường cho họ đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước".
Tóm lại, gươm thần là một nhân vật đặc biệt và có vị trí quan trọng trong tác phẩm. "Nhân vật" gươm thần đã góp phần to lớn trong việc khẳng định tính chất chính nghĩa và sức mạnh đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống quân Minh xâm lược của quân và dân ta.