So với Luật cũ, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (gọi tắt là Luật mới) đã được sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Cụ thể, về kết cấu, Luật mới gồm 09 chương, 62 điều; so với Luật cũ, giảm 02 chương, 09 điều do bỏ chương “Việc phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp” gồm 04 điều (sẽ có luật riêng), 10 chương còn lại viết gọn thành 09 chương, không có điều nào được giữ nguyên. Về nội dung, Luật mới cơ bản kế thừa có chọn lọc Luật cũ, sắp xếp, trình bày một cách chặt chẽ, khoa học hơn và đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề đáng chú ý sau:
1. Kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với sinh viên được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.
Điều 30 của Luật mới, ngoài quy định chung độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình giống như Điều 12 của Luật cũ, còn bổ sung thêm: “công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.
Điều 4 của Luật cũ “Công dân nữ có chuyên môn cần cho quân đội, trong thời bình, phải đăng ký nghĩa vụ quân sự và được gọi huấn luyện; nếu tự nguyện thì có thể được phục vụ tại ngũ”, được khoản 2 Điều 6 của Luật mới sửa thành “Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ”.
2. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Điều 21 của Luật mới quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng; trong khi đó, Điều 14 của Luật cũ quy định thành 2 mức: 18 tháng dành cho hạ sĩ quan và binh sĩ nói chung; 24 tháng dành riêng cho hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ trên tàu hải quân.
3. Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba. Theo Luật cũ, tại Điều 21 quy định việc gọi công dân nhập ngũ được tiến hành từ một đến hai lần và không ghi thời gian cụ thể (Chính phủ sẽ quyết định trong từng năm); còn trong Điều 33 của Luật mới quy định rõ, hằng năm, gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; đồng thời, Điều 40 của Luật mới cũng quy định cụ thể “Thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm”.
4. Tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ. Tạm hoãn gọi nhập ngũ được quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật cũ và tại khoản 1 Điều 41 của Luật mới. Qua so sánh cho thấy, Luật mới đã bổ sung thêm diện tạm hoãn “trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận” và “Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%”. Tuy nhiên, Luật mới bỏ đối tượng “đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước,..” được tạm hoãn; đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên diện tạm hoãn thu hẹp hơn. Đồng thời, nhằm tránh tình trạng một số công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, tại khoản 3 Điều 41 của Luật mới bổ sung thêm: “Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ”.
5. Công nhận thực hiện nghĩa vụ quân sự và hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đây là nội dung hoàn toàn mới, nhằm bảo đảm bình đẳng về địa vị pháp lý đối với những công dân phục vụ trong một số lĩnh vực liên quan đến quân sự, quốc phòng. Tại khoản 3 Điều 4 quy định: “Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ”, và tại khoản 4 của điều này nêu rõ các trường hợp được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.
6. Đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chương II của Luật mới có nhiều nội dung được bổ sung và quy định cụ thể hơn so với Chương VIII của Luật cũ
7. Chế độ, chính sách. Để động viên, khuyến khích công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, Luật mới bổ sung nhiều chính sách ưu đãi. Trong đó có những điều hoàn toàn mới, như Điều 49 “Chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khoẻ” quy định: công dân trong thời gian thực hiện những nhiệm vụ trên sẽ được bảo đảm chế độ ăn, ở, tiền tàu xe đi, về và được trả lương cho ngày nghỉ để khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ, so với Điều 53 của Luật cũ, thì Điều 50 Luật mới bổ sung: được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật; được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự. Điều chỉnh về hưởng thêm phụ cấp quân hàm, bỏ mức: “Từ tháng thứ mười chín trở đi…”, chỉ giữ nguyên mức “Từ tháng thứ hai mươi lăm…” như trong khoản 3 Điều 53 Luật cũ. Khi xuất ngũ, được cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
8. Các hành vi bị nghiêm cấm. Đây là nội dung hoàn toàn mới, được quy định tại Điều 10 của Luật mới. Theo đó, những hành vi bị nghiêm cấm là: trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự; chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự; sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật; xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm hạ sĩ quan, binh sĩ./.