Bước 1:
- Dựng hình đôi giày thật kĩ, kể cả các chi tiết nhỏ cũng nên vẽ vào cho đầy đủ.
- Canh bố cục sao cho vừa vặn trong tờ giấy mà không bị quá to hay quá nhỏ.
- Ở đây tôi dùng chì kim HB đầu 0.5 để phác nét.
- Lưu ý nét phác không nên quá đậm và cũng đừng nên tẩy xóa nhiều vì sẽ làm sờn mặt giấy vẽ khiến cho việc lên màu không được đẹp.
- Có thể dựng hình bên ngoài 1 tờ giấy nháp cho tốt rồi sau đó can qua lại trên giấy dùng để tô màu nước cũng được.
Bước 2:
- Tô màu lớp lót cho bức vẽ.
- Ở bước này tôi tô màu có độ loãng vừa phải, lót sơ qua hết các chi tiết trên đôi giày, kể cả bóng phản chiếu của đôi giày tôi cũng tô luôn. Nhưng vì là bóng phản chiếu, nên chú ý màu sắc không nên tô quá dày và tươi ở vùng đấy.
- Vì tô màu loãng nên tôi tô màu sao cho các màu có sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau 1 chút.
- Đẩy khối nhè nhẹ cho đôi giày và thậm chí các chi tiết nho nhỏ vd như dây giày cũng nên tả khối luôn.
Bước 3:
- Tăng độ tươi cho những màu sáng, vd như vàng nghệ, đỏ cờ, xanh ngọc...
- Đưa 1 số màu tươi ra ngoài nền để tạo tương quan cho bức vẽ.
- Pha màu đậm dần để chuyển thêm khối cho đôi giày, chú ý bóng phản chiếu của nó không nên vẽ nhiều.
Bước 4:
- Bắt đầu nhấn nhá để bức vẽ được sâu hơn.
- Sau khi chuyển độ nhiều lớp thật kĩ cho từng mảng lớn của đôi giày, giờ là lúc vẽ tỉa các chi tiết.
- Có thể vẽ thêm 1 lớp lót nhè nhẹ cho bóng phản chiếu, luôn tiện dùng màu đậm để chuyển độ từ dưới đáy đôi giày chuyển ra.
- Màu nền tôi đưa màu tím than đậm ra dập lại để cho nền không bị gắt quá.
Bước 5:
- Hoàn thiện bức vẽ.
- Ở bước này tôi có sự thay đổi nhỏ ngoài ý muốn, vì thấy nền bên phải mẫu hơi trống nên tôi cho thêm 1 tĩnh vật nhỏ để bớt trống.
- Vì để cho tĩnh vật này không làm loãng bức vẽ, tôi cố gắng vẽ nó không quá nổi bật, hơi chìm vào không gian theo quy luật viễn cận.