Lao động đúng là như vậy, khi đi đôi với giới tự nhiên là cái cung cấp những vật liệu cho lao động biến thành của cải. Nhưng lao động còn là một cái gì vô cùng lớn lao hơn thế nữa. Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức mà trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: lao động đã sáng tạo ra bản thân con người.
Sự phát triển của bàn tay đã tác động trở lại, một cách trực tiếp và có thể chứng minh được, đến những bộ phận khác của cơ thể, đó là điều còn quan trọng hơn rất nhiều. Như trên đã nói, các tổ tiên người-vượn của chúng ta là những động vật có tính hợp quần; rõ ràng là không thể kết luận rằng con người, tức là một loài động vật có tính hợp quần hơn hết, lại là do một tổ tiên gần nhất không có tính hợp quần, sinh ra. Dần dần với sự phát triển của bàn tay và với quá trình lao động, con người bắt đầu thống trị tự nhiên và cứ mỗi lần sự thống trị đó tiến lên một bước, là mỗi lần nó mở rộng thêm tầm mắt của con người. Trong các vật của giới tự nhiên, con người luôn luôn phát hiện ra được những đặc tính mới mà từ trước tới nay chưa ai biết đến. Mặt khác, sự phát triển của lao động đã đưa đến kết quả tất yếu là thắt chặt thêm những mối liên hệ giữa các thành viên của xã hội, bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để cho con người giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau, và làm cho con người càng ngày càng có ý thức rõ rệt hơn về lợi ích của sự hợp tác ấy đối với mỗi thành viên riêng rẽ. Tóm lại, những con người đang hình thành ấy đã phát triển đến mức là họ thấy cần thiết phải nói với nhau một cái gì đấy. Nhu cầu đó đã tự nó tạo ra cho nó một khí quan: cái cuống họng chưa phát triển của loài vượn, nhờ uốn giọng mà biến đổi, dần dần nhưng chắc chắn, để có thể thích ứng với một lối phát âm ngày càng phát triển thêm mãi, và các khí quan của mồm cũng dần dần luyện tập được cách phát ra những âm vận nối tiếp nhau