Tôi là một bức tường xinh đẹp, được sống trong một gia đình có điều kiện nên chủ nhà luôn chăm chút cho tôi. Gần ngày tết, tốt được khoác lên mình một bộ áo mới màu vàng trông thật đẹp đẽ. Ở đây, tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị, có câu chuyện khiến tôi nực cười, có câu chuyện khiến tôi xúc động, có câu chuyện để lại trong lòng một nỗi đau đáu khôn nguôi. Có một câu chuyện mà đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không khỏi buồn lòng và đau đớn nhưng tôi vẫn muốn kể cho các bạn nghe để mong các bạn hiểu được rằng chỉ có tình thương của con người dành cho nhau mới cứu vớt được những số phận đầy bất hạnh và ngang trái.
Đó là một đêm giao thừa, đêm ấy trời rét như cắt, lạnh giá, người tôi như đóng băng trước cái thời tiết quỷ quái này, những bông tuyết rơi xuống để lại trên mặt đường đầy lạnh lẽo. Một em bé nơi góc đường lang thang một mình với những bao diêm đem bán. Tiếng em gọi bán nghe sao mà thảm thiết:
- Cô, chú mùa diêm cho con với ạ
- Bạn ơi, mua diêm giúp mình với!
Có lẽ vì quá lạnh, tiếng em ngày càng nhỏ dần đi, người run cầm cập, vậy mà đáp lại lời mời ấy là những ánh nhìn vô cảm và cái lắc đầu không mấy thiện cảm. Thật xót xa, giữa cái thời tiết khắc nghiệt này, cô chủ nhà của tôi đang cùng mẹ làm bánh kẹo trong một ngôi nhà ấm áp với hoa thường xuân và những ngọn nến lung linh, còn cô bé kia vẫn một mình dò dẫm nơi phố xá chào mời bán từng bao diêm nhỏ. Tôi thương em vô cùng, tôi muốn đội lên đầu em bé đáng thương kia chiếc mũ lông ấm áp, mang cho em đôi giày vải dẫu mỏng manh thay cho đôi chân trần tội nghiệp kia, khoác lên mình em chiếc áo để nguôi đi phần nào cái lạnh giá trong em, nhưng tôi không thể, đành ngậm ngùi dõi theo từng bước chân em trong niềm thương xót vô bờ.
Có lẽ vì quá lạnh nên em tìm đến chỗ tôi để ngăn đi sự buốt giá của những cơn gió vô tình thổi ngang. Tôi lấy thân hình rộng lớn của mình mà vỗ về em.
n cần hỏi:
-Hôm nay có bán được nhiều không cô bé?
Em nhìn tôi đầy ái ngại trả lời:
- Cũng không được bao nhiêu chú ạ, cháu đi từ sớm tinh mơ mà cả ngày bán được có hai bao. Giờ cháu lạnh lắm, bụng lại đói cồn cào vì chưa được ăn gì nữa.
- Thế sao cháu không về nhà cùng gia đình, cũng sắp đón giao thừa đến nơi rồi đó- Tôi xúc động hỏi.
Có lẽ câu hỏi của tôi không đúng lúc hay đúng hơn là hình như từng lời tôi hỏi đều cứa nát vào tim cô bé đáng thương, cô bé run rẩy trong tiếng nấc nghẹn ngào mà thưa:
- Cháu mồ côi mẹ từ nhỏ, trước đây cháu sống với bà và ba, giá đình cháu hồi xưa cũng hạnh phúc và êm ấm lắm...Nhưng....rồi...khi bà cháu...mất, gia đình bị mất hết của cải, từ đó bà cũng trở nên nổi nóng, tức giận, đánh mắng chửi rủa cháu....giờ cháu chưa bán được diêm mà về chắc chắn ba sẽ đánh cháu...
Rồi trong tiếng khóc nghẹn ấy, tôi nghe được lời em kể về những ngày em đón giao thừa ấm áp bên người bà đáng kính của mình, được bà chăm sóc, thương yêu trong ngôi nhà xinh đẹp có những dây thường xuân bao quanh. Dường như em đang sống lại với những ngày đẹp đẽ như thế để quên đi thực tại nghiệt ngã và đau thương lúc này, cô đơn, lạnh giá nơi xó tường chật hẹp. Em thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, không một ai cưu mang em lúc này cả. Càng về đêm trời càng lạnh, em bé cố thu đôi chân mình lại nhưng càng lúc em càng tái nhợt đi, đôi bàn chân em cứng đơ lại. Rồi em cười bảo, nụ cười sao mà chưa xót quá:
- Giá mà lúc này quẹt đi que diêm mà sưởi thì ấm phải biết chú nhỉ? Giá mà lúc này có ngọn lửa ấm để mà hơ ngón tay chú nhỉ?
Tôi chưa kịp trả lời em thì thấy bé đã mở hộp diêm, lấy que diêm đầu tiên ra quẹt. Ngọn lửa trên que diêm sáng dần rồi rực hồng lên sáng chói. Lúc này nhìn vào đôi mắt to sáng ấy, tôi như thấy hình ảnh cô gái bé nhỏ đang ngồi trước lò sưởi ấm áp, dơ đôi bàn tay lạnh cóng mà hít hà hơi ấm. Ánh lửa sáng chói trong chiếc lò sưởi bằng sắt in những hình nổi bóng loáng khiến em không khỏi thích thú và khoái chí. Em ước rằng giữa đêm lạnh giá này mà ngồi trước lò sưởi hàng giờ thì ấm phải biết. Nhưng vừa duỗi chân ra để sưởi thì chiếc lò vụt tắt, niềm tiếc nuối hiển hiện trên khuôn mặt tội nghiệp kia. Em bần thần cả người khi nghĩ rồi trở về cha sẽ đánh mắng em không thôi, cha em đã giao cho em đi bán diêm mà, sao em lại tự ý như thế.
Em thực sự rất sợ, nhưng có lẽ vì lạnh quá mà em không chịu nổi đành đánh liều quẹt tiếp quê diêm thứ hai. Diêm lại bắt đầu cháy và sáng rực lên. Ánh mắt của em thu hút tôi, trong ánh mắt ấy tôi thấy một bàn ăn dọn sẵn, khăn trải bàn trắng tình với những bát đĩa sứ, một còn ngỗng quay trên lưng có dao găm tiến về phía em, ánh mắt sáng ngời trong nỗi sung sướng khó tả. Nhưng rồi que diêm vụt tắt, chẳng có một bàn ăn thịnh soạn nào như em mộng tưởng cả. Em lại một mình co ro nơi đây, từng cơn gió mang cái rét cắt da cắt thịt vẫn cứ mặc nhiên thổi, người qua đường hò hẹn cùng nhau vẫn thản nhiên đi, chẳng một ai, chẳng một ai xót xa, thương cảm trước cảnh tình của em bé bán diêm tội nghiệp cả.
Rồi em lại tiếp tục quẹt que diêm thứ ba, que diêm lại sáng rực một vùng nhỏ. Sâu trong mắt em là hình ảnh những cây thông nô-en lộng lẫy và đẹp đẽ, những ngọn nến lung linh hiện lên cùng những món quà được xếp đặt tuyệt mỹ, tất cả thôi thúc em khiến em như muốn chồm dậy mà đi tới, mỉm cười đón nhận lấy những yêu thương lúc này. Nhưng rồi que diêm lại vụt tắt, em lại một lần nữa hụt hẫng, tiếc nuối.
Chao ôi, những điều em ước mơ thật bình dị, chẳng phải giàu sang phú quý, chỉ là lò sưởi, là món ngon, là cảnh sum họp mà bao đưa trẻ bình thường có được. Thật đáng thương, tôi thực sự không thể kìm nổi lòng mình nữa, tôi khóc, khóc cho em, khóc cho chính sự thờ ơ của những kẻ qua đường kia và khóc cho cả sự vô dụng của chính mình không thể làm gì ngay lúc này để giúp đỡ em cả.
Rồi em lại tiếp tục quẹt những que diêm còn lại trong bao, những que diêm mang chút ánh sáng đến soi rọi cuộc đời tăm tối của em. Trong ánh mắt đờ đẫn kia hiện lên hình ảnh người bà hiền từ năm xưa, bà trở về với em trong khi em tuyệt vọng và cùng cực nhất. Bà thật đẹp lão, mỉm cười đầy yêu thương với em, trong tiềm thức em cất lên tiếng lòng thổn thức:
- Bà ơi, bà đừng đi, bà hãy mang cháu theo với bà ơi, cháu muốn được bên bà, được cùng bà đến chốn thiên đường cùng Thượng đế chí nhân. Bà đừng bỏ cháu bà nhé!
Và những que diêm kế tiếp lại được em thắp sáng, em sợ rằng khi những que diêm tắt đi bà sẽ biến mất. Khi que diêm cuối cùng vụt tắt cũng là lúc em bé ngã khuỵu đôi chân xuống nền đất đầy tuyết lạnh, thoáng trên môi em nở nụ cười mãn nguyện. Em đã thực hiện được ước nguyện của mình, đến nơi thiên đường có sự yêu thương, chở che của bà, và có lẽ, với em giờ đây đó là điều tốt nhất dành cho mình.
Tôi đã khóc rất nhiều trong đêm giao thừa ấy, đêm mà người người đang ngập tràn hạnh phúc trong căn nhà ấm áp, ở một nơi lặng lẽ, một cái chết thật thương tâm đã xảy ra. Sẽ chẳng có ai biết rằng cô bé đã trải qua những gì và đau đớn, tủi khổ đến nhường nào. Sẽ chẳng ai thấy được bảo nỗi đau mà đứa trẻ thơ đáng thương kia phải gánh chịu. Và cũng chẳng ai biết cái chết của em đẹp đến nhường nào? Họ chỉ thấy một xác chết giữa hai góc tường, trên khuôn mặt nở nụ cười xinh xắn, họ sẽ không biết hoặc không muốn thừa nhận rằng chỉ vì sợ thơ ơ, vô tâm của mình mà đã cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ thơ ngây, tội nghiệp. Giá mà họ giang tay trao cho em chiếc bánh mì nóng hổi, giá mà họ mang cho em chiếc áo lành lặn, giá mà họ mua giùm cho em một bao diêm nhỏ bé kia thì có lẽ em đã khác rồi.
Thời gian cứ thế vô tình trôi, tôi vẫn ngày ngày đứng đây, kiên cường, vững chãi bảo vệ chủ nhân thân yêu của mình và chứng kiến những phần đời bất hạnh. Đây đó, vẫn còn nhiều những em bé bán diêm cần được chúng ta đang tay cưu mang, giúp đỡ, dù bất kỳ ai, ở đâu, hay lúc nào, hãy mở rộng tấm lòng thương cảm của mình mà chở che cho các em, hãy nên biết rằng, trẻ em chính là những mầm non, hơn bất kỳ ai khác, các em cần được bảo vệ và yêu thương, nên hiểu được rằng: "cho đi là còn mãi".