Lời dạy của cha ông ta “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta với những con người luôn biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, cũng có không ít kẻ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức.
Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại...
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh khó chữa này bắt nguồn từ chữ “sợ”: Sợ liên lụy, sợ chuốc họa vào thân, sợ gặp phải phiền phức… đã khiến cho mọi người xung quanh, nhất là giới trẻ hiện nay trở nên vô cảm. Họ không còn quan tâm hoặc thích thú với những hoạt động, những sự kiện trong đại, những vấn đề quan trọng của cộng đồng, của xã hội, của đất nước. Họ tự tạo ra một cái hang để chui rúc vào đó và tách biệt bản thân với xã hội. Vì đơn giản, họ chỉ muốn được sống cho riêng bản thân mình, cho lợi ích của mình, không phải lo âu về những phiền toái của người khác.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến căn bệnh vô cảm này chính là sự kích động tinh thần của thế hệ trẻ khi xem phim hành động hay chơi game - trò chơi bạo lực đã làm cho con người trở nên sắt đá, tính tình nguội lạnh, chẳng còn cảm giác hay suy nghĩ gì về những điều xung quanh mình... Có những trường hợp ngã xe hay tai nạn trên đường, mọi người đi đường xung quanh nhìn thấy, họ ngoái đầu nhìn, họ chỉ trỏ và họ quay lưng đi.
Rõ ràng, bệnh vô cảm đã và đang gây những tác hại to lớn đối với xã hội, với nhân cách của mỗi con người, vì vậy, cần phải khắc phục ngay căn bệnh này. Muốn ngăn chặn, tiêu diệt hiện tượng này thì cải cách giáo dục một cách toàn diện từ mục đích, phương pháp cho đến cách thức là điều cực kỳ cần thiết.
Chúng ta cần một nền giáo dục không còn những giáo điều, lý thuyết khô khan, nặng nề, không cần thiết nữa mà thay vào đó là những bài học sinh động, thực chất để phát triển tâm hồn, nhân cách, nhân phẩm của mỗi học sinh. Bên cạnh đó, cách giáo dục trong gia đình về tình yêu thương, đồng cảm, sẻ chia ngay từ khi trẻ còn nhỏ là vô cùng cần thiết. Chỉ có như thế, thì vô cảm mới có thể được giảm thiểu ở mức thấp nhất.