****Bn cố đọc nhé,các phần đều hữu ích,có thể chọn lọc 1 số ý chính****
I. KHÁI NIỆM THAM NHŨNG
1. Định nghĩa
Theo nghĩa rộng, tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Theo Từ điển Tiếng Việt, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân lấy của . Tài liệu hướng dẫn của Liên hợp quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng (năm 1969) định nghĩa tham nhũng trong một phạm vi hẹp, đó là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng...
Theo nghĩa hẹp và là khái niệm được pháp luật Việt Nam quy định (tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi . Người có chức vụ, quyền hạn chỉ giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị; nói cách khác là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, vốn, tài sản của Nhà nước. Việc giới hạn như vậy nhằm tập trung đấu tranh chống những hành vi tham nhũng ở khu vực xảy ra phổ biến nhất, chống có trọng tâm, trọng điểm, thích hợp với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng như: kê khai tài sản, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
2. Những đặc trưng cơ bản
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tham nhũng có những đặc trưng cơ bản như sau:
a) Chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn
Đặc điểm của tham nhũng là chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó (khoản 3, Điều 1, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005).
Nhìn chung, nhóm đối tượng này có đặc điểm đặc thù so với các nhóm đối tượng khác như: họ thường là những người có quá trình công tác và cống hiến nên có nhiều kinh nghiệm; được đào tạo có hệ thống, là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau; là những người có quan hệ rộng và có uy tín xã hội nhất định và thậm chí có thế mạnh về kinh tế. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng.
b) Chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao
“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng thứ hai của tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.
c) Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi
Hành vi tham nhũng là hành vi cố ý. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà kẻ tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được thì sẽ là không đầy đủ. Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt; ví dụ như: việc dùng tài sản của Nhà nước để khuyếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất, vừa là lợi ích tinh thần...
Đối với khu vực tư, khi có vụ việc tham nhũng xảy ra, pháp luật đã có những sự điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực tư cấu kết, móc nối với những người thoái hoá, biến chất trong khu vực công hoặc lợi dụng ảnh hưởng của những người này để trục lợi. Trong trường hợp đó, họ trở thành đồng phạm khi người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.