Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nghĩ về văn học trung đại

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
1.193
0
0
Lê Nhi
17/10/2019 21:49:01
Văn học trung đại là một thành tựu cực kì quan trọng trong văn học Việt Nam. Khám phá thế giới nghệ thuật này không hề là một điều đơn giản. Để trở thành một tuợng đài nghệ thuật, nó phải là kết tinh từ đỉnh cao của những thủ pháp nghệ thuật. Để làm nên thành công và chất đặc trưng của văn học trung đại, yếu tố không gian nghệ thuật là điều không thể thiếu. Không gian không đơn thuần mang ý nghĩa khách quan mà nó là không gian được quan niệm, được gán cho một ý nghĩa nhất định. Tìm hiểu về không gian nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam, ta sẽ càng hiểu hơn về cha ông của mình.
Trong thi pháp học hiện đại, thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong việc sáng tác và phê bình tác phẩm. Hai yếu tố này đã góp phần tạo nên thế giới hình tượng sinh động và phong phú. Nó không chỉ thể hiện thế giới vào tác phẩm mà còn biểu đạt những cảm thức, những quan niệm của người viết.
Không gian nghệ thuật, cũng như thời gian nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trong một văn bản văn học không đơn giản là xác định nơi chốn hay tái hiện những khung cảnh hiện thực mà nó được xây dựng như một kí hiệu đặc biệt để thể hiện tâm trạng của nhân vật hay bộc lộ quan điểm của thi sĩ về thế giới.
Không gian trong tác phẩm văn học có sự phân biệt hẳn so với không gian khách quan. Không gian này chứa đựng một giá trị tình cảm, do thế nó được tổ chức theo quan niệm riêng của tác giả, hoàn toàn không giống với trật tự của không gian bên ngoài. Đối với người trung đại, không gian có một giá trị riêng biệt gắn liền với cảm thức của họ. Trước hết đời sống lệ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp đã tạo nên một sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Mặt khác, chủ trương vô vi, sống hoà vào thiên nhiên của Lão Trang đã gieo vào tâm thức người trung đại một ý thức rất coi trọng không gian thiên nhiên. Thiên nhiên vừa rất huyền bí lại vừa rất gần gũi với con người. Do vậy, điều dễ thấy nhất trong thơ ca trung đại là sự xuất hiện rất thường xuyên của không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên. Hầu như trong tác phẩm của các nhà thơ lớn, thiên nhiên và không gian bao la khoáng đạt của nó có một vị trí hết sức quan trọng.
Đặc biệt, trong thơ Thiền, hình ảnh không gian luôn luôn xuất hiện với vẻ bao la nhưng trong trẻo và lặng lẽ đến lạ thường:
Ngàn sông có nước ngàn sông nguyệt
Vạn dặm không mây vạn dặm trời
(Trần Thái Tông)
hay: Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Ngoài song đôi bướm trắng
Phấp phới sấn hoa bay
(Trần Nhân Tông)
Vạn vật dưới con mắt Thiền dường như vẫn còn giữ nguyên cái vẻ trinh nguyên, non tươi. Nhưng một thiền sư đạt đến “chân như” không chỉ nhìn thấy cái bao la của không gian mà còn nhận ra được sự tồn tại của không gian ấy trong cái rất ư nhỏ bé, bình thường:
Trời đất trên đầu một sợi lông
Nhật nguyệt hai vừng trong hạt cát
(Khánh Hỷ)
Cái lớn lao có thể tồn tại trong cái nhỏ bé, cái vô hạn có thể hiện diện trong cái hữu hạn, ấy chính là lẽ diệu kỳ của vạn vật.
Ở giai đoạn thượng kỳ trung đại, không gian nghệ thuật trong các bài thơ bộc lộ chí hướng là một không gian vũ trụ khoáng đạt, rộng lớn và hoành tráng, mà trong đó, con người dù nhỏ bé song vẫn cố gắng vươn lên ngang tầm và có khát vọng làm chủ trời đất, vũ trụ, chinh phục thiên nhiên. Phạm Ngũ Lão trong bài thơ “Thuật hoài” đã phóng lớn ngọn giáo của mình cho tương xứng với kích thước của đất nước:
Hoành sóc giang san cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu
Trước đó, ở bài thơ “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư, ta còn cảm thấy choáng ngợp hơn khi không gian của bài thơ là một dải đất rộng trải dài đến hút tầm mắt vẫn chưa là gì đối với thiền sư mà khả năng của ông còn là chế ngự cả vũ trụ. Không gian chính và đẹp nhất trong bài là “thái hư”, nó gần như là cả bầu trời, cả vũ trụ, thế mà nhà sư chỉ bằng “trường khiếu nhất thanh” là có thể làm giá lạnh nó.
Cũng với khát vọng như thế, nhưng bài thơ “Cảm hoài” của Đặng Dung miêu tả cụ thể, chi tiết hơn:
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Ta có cảm giác không gian ở đây đã được kéo căng đến tận vô cùng. Có vẻ như cả trời đất rộng lớn đều không bao phủ, khuất lấp nổi trước tầm mắt của con người. Nổi bật trong không gian đó là một con người to lớn, ấp ủ hoài bão kinh người: xoay trục đất, kéo sông Ngân hà xuống rửa giáp binh. Mặc dù Đặng Dung không thành công với chí hướng của mình, nhưng cái tâm cuả ông khiến người ta cảm phục. Trong các tác phẩm thơ văn Lý Trần, nếu phải chọn một tác phẩm có không gian nghệ thuật hoành tráng và hùng lệ nhất, tôi sẽ chọn bài thơ “Cảm hoài” mà không chút do dự.
Không gian thiên nhiên là một nơi ẩn mình lý tưởng của nhiều bậc trí thức thời trung đại. Chốn quan trường lao xao, nhiều tranh chấp, không thích hợp cho những bậc quân tử nên họ thường tìm về thiên nhiên, sống cuộc sống dân dã, vui thú điền viên để giữ tinh thần luôn được thanh tịnh. Không gian thiên nhiên lúc này không còn mang cái vẻ bao la, huyền bí nữa mà nó đã trở thành người bạn thân thiết, tri âm tri kỷ của thi sĩ:
Cây rợp, tán che am mát,
Hồ thanh, nguyệt hiện bóng tròn
Cò nằm, hạc lặn nên bầy bạn
Ap ủ cùng ta làm cái con
(Nguyễn Trãi)
hay: Trăng trong gió mát là tương thức
nước biếc non xanh ấy cố tri
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tình cảm của người thi sĩ đối với người bạn thiên nhiên thật ấm áp, chân thật. Và thiên nhiên dường như cũng giao hòa, san sẻ những nỗi buồn vui của con người.
Không gian xuất hiện trong các tác phẩm văn học trung đại thường là không gian tĩnh. Trong không gian ấy, vạn vật dường như ở trạng thái ngưng đọng, vừa có vừa không:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
(Trần Nhân Tông)
Cảnh tượng thôn quê buổi chiều thật là trầm lặng, thanh bình nhưng không đìu hiu, ảm đạm. Đâu đó vẫn ánh lên sự sống của con người với những sinh hoạt hết sức bình dị, dân dã.
Trong nhiều tác phẩm, nhà thơ khắc hoạ không gian vũ trụ hoà lẫn với không gian sinh hoạt làm cho bài thơ có một sức sống mới. Hai bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Trãi Bến đò xuân đầu trạiCuối xuân tức sự đều được tạo thành bởi phong cách trên:
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi
(Bến đò xuân đầu trại)
Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn
Khách tục không ai bén mảng gần
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan
(Cuối xuân tức sự)
Không gian thiên nhiên trong hai bài thơ này hiện lên với tất cả những vẻ sinh động tươi tắn vốn có của nó. Cỏ xuân thì xanh như khói, một màu xanh tràn đầy sức sống; lại thêm mưa xuân tạo nền cho không gian thêm mướt, thêm xuân. Hình ảnh mùa xuân đang muộn dần ở bài thơ thứ hai không gợi lên cho người đọc cảm giác buồn rầu, tiếc nuối vì cảnh hoa xoan nở đầy sân dưới làn mưa bụi lất phất đã mang đến một sức sống mới, chứa đầy niềm tin và lạc quan cho con người. Những âm thanh rất kêu được tạo ra bởi tiếng nước vỗ trời, tiếng cuốc kêu làm cho không gian thêm rộn rã và lòng người theo đó cũng háo hức, hăng hái thêm. Ngược lại với không gian sôi động của vũ trụ, không gian sinh hoạt của con người hoàn toàn tĩnh lặng. Đường đồng thì quạnh quẽ không khách vãng lai, đò thì suốt ngày nằm phơi bãi, mọi hoạt động dường như ngưng lại. Khung cảnh thứ hai cũng chẳng sinh động hơn mấy: phòng văn khép cửa nhàn nhã, bên ngoài không có người khách nào qua lại, không gian tuyệt đối im lặng. Và trong không khí đó, không gian thiên nhiên nổi trội lên với tất cả sức sống của nó, bởi vì khi hoạt động của con người đã lắng lại, thưa đi thì người ta mới cảm nhận được toàn vẹn sự vận động của vũ trụ từ những biểu hiện cụ thể nhất cho đến những hình ảnh tinh tế, lung linh nhất. Đó cũng là biểu hiện của một con người biết gạt bỏ những ưu tư, phiền muộn của đời thường để hoà điệu cùng với sự vận động của thiên nhiên.
Trái với kiểu không gian thiên nhiên đã phân tích ở trên, trong các sáng tác của bà huyện Thanh Quan, không gian xuất hiện luôn là không gian tĩnh lặng, mà con người trong không gian đó thật lạc loài, nhỏ bé. Đó cũng là nghệ thuật đặc trưng trong thơ bà. Không gian ấy luôn được khắc hoạ vào thời điểm buổi chiều, đấy là lúc mà mọi hoạt động của con người dừng lại nhưng cũng là thời điểm không gian sinh hoạt chiếm ưu thế, chim về tổ, trâu về chuồng, con người quây quần bên mâm cơm gia đình. Thế nhưng mọi hình ảnh xuất hiện trong thơ bà huyện Thanh Quan lại gợi cho người ta một cảm giác cô đơn, buồn man mácmột nỗi sầu thiên cổ:
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
(Chiều hôm nhớ nhà)
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
(Qua đèo Ngang)
Cảnh tượng khoáng đãng nhưng heo hút, con người có xuất hiện, có hoạt động nhưng lặng lẽ, thưa thớt. Cái không gian được nói đến trong hai bài thơ hãy còn hoang sơ, cô tịch. Hình ảnh viễn phố, cô thôn gợi cho người ta một cảm giác trống trải, cô đơn đến lạ thường. Thử tưởng tượng viễn cảnh ngư ông tìm về phố xa, mục đồng trở lại thôn vắng, người ta như thấy đường về dài thêm mãi, không có chỗ dừng. Nhưng dù sao cảnh vật ở đây vẫn còn vương chút hơi người, đỡ hơn không gian đìu hiu đến rợn người của thành Thăng Long xưa cũ:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
(Thăng Long thành hoài cổ)
Tác giả đã rất thành công khi khắc họa hình tượng không gian tĩnh mịch, cô liêu để biểu đạt cảm nhận sâu sắc của mình về sự biến dời khôn lường của vạn vật.
Không gian nghệ thuật là không gian chứa đầy tâm trạng. Ở các tác phẩm hay, ta thường bắt gặp các nghệ sĩ xây dựng ngoại cảnh để bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình. Nguyễn Du là bậc thầy của nghệ thuật này. Ông xác định: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nên tùy theo tâm trạng vui buồn của nhân vật mà ông khắc họa khung cảnh có khác nhau. Tâm trạng Thúy Kiều lúc mới gặp chàng Kim hãy chưa vướng nỗi sầu muộn, hãy còn rất hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng nên không gian hiện lên cũng rất tinh khiết và gần gũi:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Đến khi Kiều rơi vào lầu xanh, đã nếm được mùi cay đắng của cuộc đời, tâm trạng chứa đầy nỗi hoang mang, lo sợ và đau khổ thì không gian bao quanh nàng mênh mông, rợn ngợp, dữ dội và đầy đe dọa:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Am ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Một điều dễ nhận thấy là không gian trong Truyện Kiều là một không gian rộng lớn, trải dài đến hút tầm mắt. Không gian ấy có rộng, có lớn mới chứa được một bãi cỏ non xanh rợn chân trời, một con đường khuya ngất tạnh mù khơi, một cánh rừng phong thu đã nhuộm màu quan san,… Vũ trụ rộng nhưng trống trải gợi một cảm giác lạnh lẽo, cô đơn đến ghê người. Ấy vậy mà vũ trụ ấy đang bao vây lấy Thúy Kiều. Vẫn biết rộng, vẫn biết trống nhưng nàng vẫn phải dấn thân vào và hình ảnh một nàng Kiều đơn độc, lẻ loi thật đáng thương trước cái vũ trụ mênh mông, xa lạ, đầy hiểm nguy. Cảnh tượng này gợi cho chúng ta một suy nghĩ về thân phận bé nhỏ của con người trong cái vũ trụ bao la, rộng lớn.
Bàn về không gian nghệ thuật trong văn học trung đại, chúng ta không thể bỏ qua bức tranh thu tuyệt vời của cụ nghè Tam Nguyên Yên Đỗ:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
(Thu điếu)
Một bức tranh thiên nhiên “tĩnh lặng tối đa”, trong trẻo đến lạ thường. Nước trong veo, trời xanh ngắt, thuyền bé tẻo teo, làn sóng hơi gợn, gió khẽ đưa, mây lơ lửng, khách vắng, ngư ông ôm cần, cá khẽ động – mọi thứ đều nhằm biểu đạt ý nghĩa trong và lặng. Và hoạt động của con người như hòa vào không khí thanh tĩnh ấy của mùa thu. Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của ngư ông – thi sĩ đã nắm bắt hết mọi biến động của thiên nhiên, dù sự biến chuyển ấy rất nhỏ, rất khẽ. Vì thế không gian biểu hiện trong bài thơ là một không gian tinh tế, vừa chứa đầy chất thơ vừa mang nhiều ý nghĩa. Không gian nên thơ ấy gieo vào lòng người một tình cảm trong sáng, một cảm giác thoát tục, bay bổng.
Cũng như thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật cũng có tính chất mơ hồ, ước lệ. Những cầu Vị, những bến Tiêu Tương, những chốn Hàm Dương,… được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Chinh phụ ngâm đều là những địa điểm tượng trưng. Những không gian ấy được nhà thơ phác họa không nhằm xác định địa điểm cụ thể mà chỉ làm cho sự hồi tưởng về buổi tiễn đưa, về những lời ước hẹn của người chinh phụ thêm sinh động, gợi hình, gợi cảm và có ý nghĩa.
Trong rất nhiều bài thơ, không gian nghệ thuật được xây dựng gắn liền với cảm thức về thời gian. Khi thì không gian là một ước lượng của thời gian:
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì
(Cung oán ngâm khúc)
Có lúc không gian thực tại hòa lẫn với thời gian siêu thực tại tạo nên một tứ thơ hết sức bất ngờ:
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt
Tân niên hoa phát cố niên hoa
(Đêm qua trăng sáng trăng đêm nay
Năm mới hoa nở hoa năm ngoái)
(Tuệ Trung thượng sĩ)
Không gian nghệ thuật được xây dựng hết sức đa dạng qua các tác phẩm khác nhau. Với mỗi ý đồ riêng biệt của từng tác giả mà không gian nghệ thuật có một ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa đó gắn liền với cách cảm thụ và quan niệm về thế giới của người trung đại.
Qua những phân tích trên đây, chúng ta có thể nhận thấy trình độ nghệ thuật của ông cha ta rất phong phú, đa dạng, sự trình bày, diễn đạt cũng đi đến độ nhuần nhuyễn, điêu luyện không kém gì chúng ta ngày nay. Văn học trung đại Việt Nam là một kho báu vô giá, nó còn ẩn chứa rất nhiều điều kì diệu mà chúng ta cần phải học tập và khám phá.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×