Có nhiều cách hiểu khác nhau về câu ca dao này, lâu nay, cách hiểu thông thường nhất là: Muốn (đi) sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ (giỏi) thì yêu (quý trọng) lấy thầy. Nếu như ở câu thứ hai ý được thể hiện tương đối rõ ràng và hầu như chỉ có một cách hiểu thì ở câu thứ nhất, mọi chuyện có vẻ rắc rối hơn. Muốn đi sang (sông) thì phải bắc cầu, điều đó có lí, nhưng tại sao lại là cầu kiều? Có người giải thích đây là từ ghép của một yếu tố thuần Việt (cầu) với một yếu tố Hán (kiều). Đúng là trong tiếng Hán có một chữ kiều với nghĩa là cái cầu thật, nhưng giải thích như thế xem ra vẫn chưa thật ổn bởi trong tiếng Việt, cách ghép từ kiểu này không phải là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi xin nêu một cách hiểu khác để các bạn tham khảo.
Trước hết về chữ kiều, trong tiếng Việt cổ có một từ kiều dùng để chỉ cái yên ngựa. Ca dao còn nhiều câu ghi lại từ kiều với nghĩa là cái yên ngựa: Sông sâu ngựa lội ngập kiều/ Dẫu anh có phụ còn nhiều nơi thương hay: Ngựa ô anh thắng kiều vàng/ Anh tra khớp bạc đón nàng về dinh
Còn trong tiếng Hán, cành cây cao và cong cũng được gọi là kiều.
Như vậy, cầu kiều là loại cầu hình cong như cái yên ngựa. Người ta coi đây là một loại cầu đẹp và sang trọng bởi trước đây chỉ có các nhà quyền quý, giàu sang mới có hồ sen trong vườn, giữa hồ có lầu ngồi hóng mát, ngâm thơ. Để đi ra lầu, họ thường xây một chiếc cầu cong như hình cái yên ngựa. Cây cầu ấy gọi là cầu kiều, việc tồn tại của cầu kiều trong vườn nhà như là một biểu tượng, một minh chứng về sự giàu sang, quyền quý với những thú vui tao nhã. Và như thế, câu này phải được hiểu theo nghĩa: Muốn được coi là sang (trọng) thì hãy bắc cầu kiều, còn muốn con giỏi giang, tiến tới thì phải biết quý trọng người thầy. Cũng cần phải nói thêm là ở câu ca dao này, lượng thông tin chủ yếu tập trung ở câu thứ hai, vì thế nên nếu câu thứ nhất có được hiểu chưa chính xác thì cũng không làm sai lệch nội dung của toàn bài.
Trên thực tế, câu ca như một minh chứng về truyền thống tôn sư trọng đạo, một truyền thống đẹp, đã có từ rất lâu đời của dân tộc ta.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), xin gửi các bạn một số câu thành ngữ, tục ngữ nói về người thầy và đạo học:
Tiên học lễ, hậu học văn/ Không thầy đố mày làm nên/ Học thầy chẳng tầy học bạn/ Thuộc sách văn hay, mau tay tốt chữ/ Một kho vàng không bằng một nang chữ/ Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học/ Ăn vóc, học hay/ Ông bảy mươi học ông bảy mốt/ Dốt đến đâu, học lâu cũng biết/ Người không học như ngọc không mài/ Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi