Hình tượng người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 được khai thác một cách sâu sắc và triệt để trong văn học. Qua những trang văn của các tác giả, những con người với số phận bất hạnh nhưng ngời sáng những phẩm chất cao quý được thể hiện một cách rõ nét. Nếu Ngô Tất Tố thành công với việc khắc họa hình tượng nhân vật chị Dậu, một người phụ nữ yêu chồng thương con, giàu đức hi sinh nhưng cũng có những phút giây vùng lên để chống lại cái xấu, cái ác trong "Tắt đèn" thì Nguyễn Công Hoan lại xây dựng hình ảnh một anh Pha dám vùng lên đánh trả lại bọn cường hào ác bá trong "Bước đường cùng". Và Nam Cao với hình tượng nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên đã khắc họa thành công hình tượng người nông dân với số phận nghèo khổ, bần cùng nhưng lương thiện, chất phác và rất giàu lòng tự trọng.
Lão Hạc có số phận bất hạnh vô cùng.Sự khổ đau, bất hạnh của lão thể hiện ngay từ hình dáng đến cuộc sống của lão. Một ông lão già nua, bất hạnh vì phải chịu cảnh cô đơn, bệnh tật lại nghèo đói. Hoàn cảnh của lão Hạc vô cùng cực khổ.Vợ lão chết sớm, lão phải lâm vào tình cảnh gà trống nuôi con. Vậy nhưng con trai lão cũng bỏ lão mà đi làm tại đồn điền cao su. Lão Hạc cô đơn, buồn tủi với tuổi tác đã già chỉ biết bầu bạn với con chó Vàng. Chính hoàn cảnh khốn cùng ấy với hoàn cảnh neo đơn của lão đã khiến người đọc vô cùng xót xa, thương cảm. Lão coi Vàng như một đứa con, đứa cháu, một người ruột thịt của mình. Lão chia sẻ từng đồ ăn, thức uống, trò chuyện, tâm sự với nó như một con người. Lão Hạc vì bất đắc dĩ phải đành lòng bán đi cậu Vàng, cái tên thân thương mà lão dành cho con chó của mình. Lão vì thương con trai, không muốn tiêu phạm vào số tiền dành dụm cho con. Lão đã tính kĩ mỗi ngày cậu ấy ăn thế cũng mất hai hào. Mà cứ thế này thì lão không lấy tiền đâu mà nuôi được.Đối với lão, giờ đây, tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của con trai. Cảnh tượng lão Hạc chia tay với con chó Vàng vô cùng xúc động. Đọc đoạn văn ấy, người đọc rưng rưng xúc động, đồng cảm sâu sắc với lão Hạc. Nam Cao cũng đã vô cùng thành công khi miêu tả cảnh tượng ấy chỉ bằng những nét chấm phá trên gương mặt đau khổ của lão. Sau khi bán con chó đi, lão Hạc sang nhà ông giáo để chia sẻ. Dù lão cố làm ra vẻ bình thường nhưng không thể nào giấu đi được khuôn mặt biến dạng của con người già nua đầy đau khổ đó. Nam Cao đã vô cùng tinh tế khi miêu tả lại khuôn mặt ấy: "Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...".Bán đi cậu Vàng, lão đau như cắt từng khúc ruột.Nhưng bởi hoàn cảnh sống, bởi tình thương yêu con vô bờ bến mà lão phải đưa ra quyết định ấy. Chính nỗi khổ tâm của người cha già luôn dằn vặt, đau đáu chuyện vì nghèo, vì khổ mà không cưới được vợ cho con, thêm nữa giờ đây cũng vì hoàn cảnh mà lão đối xử không đàng hoàng đối với một con chó. Lão nhờ ông giáo giữ lại hộ mảnh vườn để mai sau người con trai lão trở về sẽ có nhà để ở, có vườn ruộng làm ăn. Lão tự lo cho hậu sự của mình sau này, lão không muốn nhờ vả hay vay mượn bất cứ ai.
Cảnh sống nghèo khốn khó về vật chất và sự suy sụp về tinh thần khiến cho lão Hạc kiệt sức.Lão rơi vào cảnh bần cùng hóa. Không kiếm được việc làm, lại không có đủ sức khỏe, cô đơn lạc lõng, lão sống vật vờ qua ngày với con ốc, con trai, củ khoai, củ ráy, sung luộc...Cái kết của câu chuyện là một cái kết đầy đau xót đối với độc giả. Lão Hạc đã tìm đến cái chết.Sau cùng, con người khốn khổ ấy cũng tìm cho mình một lối giải thoát.Hầu hết khi nghĩ đến việc tự tử, người ta thường nghĩ đến những việc làm sai trái, tiêu cực nhưng với lão Hạc, lão không nào có tội tình gì. Lão chết với lí do muốn giữ lại tiền cho con trai mình, không muốn nhờ vả liên lụy mọi người xung quanh. Cái chết của lão cũng thật đau đớn, xót xa: "Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên".Lão đã tự tử bằng thuốc chuột.Cho đến cuối đời, lão nông khốn khổ ấy vẫn đau đớn và bất hạnh vô cùng. Một con người, một số phận đầy đau thương.
Lão Hạc là một trong những nhân vật điển hình trong các sáng tác của Nam Cao. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi: Phải chăng Nam Cao đã quá lạnh lùng với ngòi bút của chính mình? Phải chăng số phận của những nhân vật trong những tác phẩm của Nam Cao lại đều đau thương đến vậy?Thế nhưng ngẫm nghĩ lại, ta lại thấy đằng sau ngòi bút ấy là một tấm lòng chan chứa yêu thương. Càng viết, tác giả như càng muốn phơi bày sự thật của chế độ phong kiến tàn ác, chế độ đã đàn áp và đưa con người ta đến bước đường cùng. Vậy nhưng trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt ấy, những nhân vật của ông luôn ngời sáng lên vẻ đẹp tinh thần. Nhắc đến đây, ta lại nhớ đến nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Anh Chí ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao với sự thay đổi về cả nhân hình lẫn nhân tính nhưng có một khát khao lớn là muốn "làm người". Thế nhưng chính xã hội bất công ấy đày đọa con người ta đến bước đường cùng. Để rồi cuối cùng phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Có nhiều người cho rằng cách kết thúc tác phẩm của Nam Cao thường là ngõ cụt, mang tính tiêu cực.Thế nhưng điều đó làm cho hiện thực cuộc sống được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Lão Hạc, một cuộc đời đầy nước mắt, khổ đau, bất lực cho đến lúc mất đi nhưng luôn giữ trong mình bản chất lương thiện, hiền lành, nhân hậu. Đó cũng chính là thông điệp mà Nam Cao muốn truyền đến độc giả về bản chất của văn chương trong những sáng tác của ông: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có".