Âm nhạc Việt Nam là một phần của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam phản ánh đúng những nét đặc trưng của con người, văn hóa, phong tục, địa lý,... của đất nước Việt Nam, trải dài suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ những nền văn minh đầu tiên qua những phát hiện khảo cổ về những nhạc cụ và tranh vẽ trong hang đá. Trải qua những triều đại phong kiến, nền âm nhạc Việt Nam có được những nét phát triển rõ rệt và đặc trưng. Tới thời kỳ đô hộ của Trung Quốc ngoài ra của các nền văn hóa ngoại lai khác như Ấn Độ, Chăm Pa,... âm nhạc Việt Nam sớm có được những ảnh hưởng và quan điểm mới, dung hòa hoàn hảo những yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài với những nét nổi bật vốn có của âm nhạc truyền thống, từ đó tạo nên những loại hình âm nhạc cổ truyền của từng vùng miền như hát xẩm, chèo, ca trù, hò, cải lương, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, quan họ,...
Âm nhạc phương Tây xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ XIV.[cần dẫn nguồn] Giai đoạn Pháp thuộc vào cuối thế kỷ XIX đặc biệt góp phần giúp âm nhạc Việt Nam được tiếp xúc với những phong cách và quan điểm của văn hóa phương Tây, đồng thời tiếp tục phát triển với những nét đặc trưng riêng. Tân nhạc Việt Nam ra đời vào cuối thập niên 1930 với dòng nhạc tiền chiến rồi tiếp hơi cho những làn điệu mới trong thời gian đất nước chia đôi dưới hai chính thể: Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhạc đỏ ra đời sau năm 1945 ở miền Bắc với sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, sau này trở thành cột trụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại,[cần dẫn nguồn] trong khi đó nhiều thể loại âm nhạc mới như nhạc vàng, nhạc trẻ, du ca nở rộ ở miền Nam.
Sau năm 1975, âm nhạc Việt Nam bắt đầu học tập nhiều phong cách từ khắp nơi trên thế giới. Sau khi đất nước mở cửa vào cuối thập niên 1980, đặc biệt là việc những lứa nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên được cử đi du học, âm nhạc Việt Nam đã theo kịp xu hướng của thế giới, mang theo nhiều phong cách và thể loại chưa từng xuất hiện tới nền văn hóa đại chúng nói chung và nền âm nhạc nói riêng ở Việt Nam. Ngoài ra, một số lượng lớn nghệ sĩ hải ngoại cũng góp phần xây dựng đáng kể vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam ngày nay. Âm nhạc hiện đại Việt Nam bao gồm nhiều yếu tố kết hợp của các nền văn hóa châu Á, châu Âu, thậm chí châu Mỹ và châu Phi qua việc gia tăng cộng tác của các nghệ sĩ trong nước với các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Trên hết, âm nhạc Việt Nam vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam.