Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời dẫn trên trích từ trong Bản tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ kính yêu đã đọc vào ngày 2/9/1945, khẳng định các quyền của con người trong đó có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Mỗi một cá nhân đều mong ước có cuộc sống hạnh phúc nhưng không phải ai cũng có hướng đi đúng đắn để kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình. Truyện cổ tích Tấm Cám chính là một bài học lớn về cách mưu cầu hạnh phúc, hạnh phúc ấy không phải có được từ những việc làm xấu xa mà là từ tấm lòng hướng thiện và nhân cách tốt đẹp.
Trước hết, chúng ta cần định nghĩa hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là cảm giác thỏa mãn của con người trước cuộc sống, không ai có niềm hạnh phúc giống ai cả, đó là dấu ấn cá nhân thuộc về suy nghĩ và thế giới nội tâm của con người. Có những người cảm thấy rằng cuộc sống lầu son gác tía, nhung lụa vây quanh mới là hạnh phúc, giống như nhân vật Cám, nhưng có người lại ưa thích cảm giác yên bình, thỏa mãn với những gì mình đang có, đó là hạnh phúc. Có người lấy việc hy sinh, tạo niềm vui cho người khác làm hạnh phúc của riêng mình, có người lại nghiêng về lối sống phóng khoáng tự do, hưởng thụ làm hạnh phúc. Hay có khi đơn giản là được ăn bữa cơm cùng gia đình, uống cốc trà chiều với bạn thân, hay được ăn món ăn mình ưa thích vào đúng lúc đang đói bụng,... tất cả đều là cảm giác hạnh phúc. Nói thế để biết rằng cảm giác hạnh phúc là vô vàn vô tận chẳng thể nào nhớ mặt chỉ tên hết được.
Có nhiều con đường để đi tới hạnh phúc, nhưng dù là con đường nào chúng ta cũng phải hướng tới chữ "thiện", không tranh giành cướp giật hạnh phúc của người khác, không đố kỵ với thứ người khác có, bởi vốn dĩ thứ hạnh phúc ấy không phải của chúng ta và cũng không phù hợp với chúng ta. Giống như nàng Cám trong truyện Tấm Cám, nàng ta sinh ra đã được sống sung sướng, nhưng lại chưa bao giờ thỏa mãn với những thứ mình có, luôn ganh ghét đố kỵ với Tấm, một người con gái có số phận bất hạnh. m mưu giết chị để cướp chồng chị, để được làm hoàng hậu, sống trong sung sướng, nhưng thứ nàng ta nhận được là sự thờ ơ lạnh nhạt của hoàng thượng, chàng ham thích vui vầy bên chú chim vàng anh, bên chiếc võng mắc ở cây xoan đào hơn là để ý đến Cám, dù Cám cũng xinh đẹp. Cám sống không hạnh phúc, lại càng đâm ra chán ghét những thứ liên quan tới Tấm, nàng ta tìm cách tiêu diệt hết tất thảy, nhưng cuối cùng Tấm vẫn sống lại, đòi lại thứ thuộc về mình còn Cám thì nhận kết cục chẳng mấy tốt đẹp. Điều đó đã chứng minh chân lý hạnh phúc trước hết phải xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, biết thỏa mãn với thứ mình có, biết tự tìm niềm vui trong cuộc sống, chứ chẳng phải là tìm mọi thủ đoạn để tranh giành với người khác, rồi khi giành được rồi mới đau đớn phát hiện ra chúng vốn chẳng hề phù hợp với mình. Đó là một sai lầm hết sức phổ biến.
Với nhân vật Tấm, con đường đi đến hạnh phúc của nàng cực kỳ gian truân và vất vả, có lẽ là ông trời đã sắp xếp để thử lòng kiên trì của cô gái hiền lành chân chất ấy. Tấm năm lần bảy lượt chịu sự hành hạ, hãm hại của mẹ con Cám, nhưng nhờ nghị lực sự nhẫn nhịn cuối cùng Tấm cũng trở thành hoàng hậu được vua hết lòng thương yêu, thậm chí sau khi nàng chết vua cũng chỉ chăm chăm mong nhớ về nàng. Tuy nhiên muốn có được hạnh phúc thì phải đấu tranh, phải mạnh mẽ, ở đây đấu tranh không có nghĩa là giành giật với người khác mà chính là đấu tranh với số phận khắc nghiệt, đấu tranh với chính bản thân. Trong truyện Tấm Cám, nhân vật Tấm ban đầu hiền lành cam chịu nên chịu nhiều thiệt thòi, sau khi chết đi, hồn nàng cũng như ý thức của nàng dường như đã thức tỉnh, nàng nhận ra muốn có hạnh phúc thì phải mạnh mẽ, phải kiên cường chống lại cái ác. Hình tượng chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, cây thị chính là sự đấu tranh mạnh mẽ của Tấm để giành lại hạnh phúc vốn thuộc về mình.
Dẫn từ truyện ra cuộc sống cũng vậy, ai cũng mong muốn có được hạnh phúc, nhưng có phải hạnh phúc tự tìm đến đâu, ta phải đi kiếm tìm hạnh phúc, xây dựng và bồi dưỡng hạnh phúc dựa trên cơ sở, nền tảng của lòng yêu thương cuộc sống, con người, không vị kỷ, xấu xa. Hạnh phúc là của riêng mỗi người, nên hãy cố đừng vì hạnh phúc của mình mà làm ảnh hưởng đến người khác, nếu cần thiết có thể hy sinh hạnh phúc của bản thân để thành toàn cho người khác, đó cũng là một cách gây dựng hạnh phúc. Những con người biết nỗ lực, cố gắng, tự hoàn thiện bản thân, luôn làm điều tốt thì hạnh phúc ắt mỉm cười với họ, bởi chỉ riêng việc mỗi ngày sống đều cảm thấy có ý nghĩa, mỗi buổi sáng thức dậy đều thấy tràn đầy năng lượng cũng là một loại hạnh phúc. Đừng nên so bì hạnh phúc với bất kỳ ai, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, có thể với một bệnh nhân ung thư, được sống thêm một ngày, được hít thở không khí trong lành bên cạnh người thân cũng đã là hạnh phúc. Có những em bé nghèo tận vùng núi phía Bắc, việc được đến trường học con chữ con số là một loại hạnh phúc tuyệt vời, với những người mẹ việc nhìn thấy con mình ăn được ngủ được cũng là niềm hạnh phúc vô bờ.
Vậy nên, lời khuyên chân thành nhất của tôi dành cho mọi người ấy là hãy biết hài lòng với hạnh phúc mà bản thân đang nắm giữ, luôn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để bảo vệ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Tuyệt đối đừng giống như cô Cám truyện cổ tích kia mà làm hại người rồi cuối cùng lại hại mình. Mưu cầu hạnh phúc không sai, nhưng mưu cầu sai cách thì thực sự là sai hoàn toàn.