Giới trẻ đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở mỗi quốc gia vì đó là một lực lượng đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Khi còn sinh thời, trong một lần nói chuyện với học sinh (HS), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”
Thế nhưng, một thực tế đang báo động là lối sống đạo đức của một bộ phận HS đang đi xuống do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi tìm giải pháp để ngăn chặn những tác động mang tính khách quan, lại không nghiêm khắc với chính mình thì vấn đề không thể nào giải quyết được. Chính vì vậy, bài viết này sẽ khái quát thực trạng đạo đức HS, phân tích hai nguyên nhân được xem là cơ bản, đồng thời đề xuất một vài giải pháp được đúc kết từ kết quả quan sát thực tiễn và từ các nghiên cứu trong nước và quốc tế.
2. Thực trạng đạo đức HS và nguyên nhân nội tại
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục, tình hình vi phạm các chuẩn mực đạo đức của HS là khá nghiêm trọng. Có đến 8% HS tiểu học thực hiện hành vi quay cóp trong thi cử và tỉ lệ gia tăng ở các cấp học trên: HS THCS là 55% và HS THPT là 60%. Hành vi nói dối cha mẹ cũng gia tăng theo cấp học: tiểu học là 22%, trung học cơ sở là 50%, trung học phổ thông là 64% (Trần Hữu Quang, 2012). Vì thế, nhận xét của hai tác giả Đặng Văn Chương và Trần Đình Hùng (2012) làm cho những ai có trách nhiệm phải suy ngẫm: “Càng học lên cao thì số HS, sinh viên vi phạm đạo đức càng tăng lên.” Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 1.600 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học trong một năm học, tính trên phạm vi toàn quốc, trung bình xảy ra khoảng 5 vụ/ngày (Mai Chi, 2017).
Nghiên cứu của tác giả Lê Duy Hùng (2013) về đạo đức của HS tại ba trường THPT tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỉ lệ HS vi phạm các chuẩn mực đạo đức là không nhỏ. Hành vi vi phạm phổ biến nhất là: chửi thề, chửi bậy; gây gổ, đánh nhau; trốn học, bỏ giờ và gian lận trong thi cử. Tỉ lệ 50% HS được khảo sát cho biết thỉnh thoảng có chửi thề và 12% thường xuyên có những hành vi đó. Tình trạng báo động HS gây gổ đánh nhau, trong đó không chỉ có HS nam mà còn có cả HS nữ. Một tỉ lệ đáng kể (34,2% HS) cho biết là thỉnh thoảng có thực hiện hành vi gây gổ, đánh nhau. Bên cạnh đó, hành vi bỏ giờ, trốn học cũng trở thành phổ biến. Có đến 26,7 % HS được khảo sát thừa nhận thỉnh thoảng và 7,5% cho biết là thường xuyên.
Khảo sát về thực trạng đạo đức của HS tại 5 trường THCS tại TP. Hà Nội, tác giả Nguyễn Thị Thi (2017) cũng đã có một thống kê về hàng loạt hành vi vi phạm đạo đức như: vi phạm quy chế thi cử, gây gổ đánh nhau, bỏ giờ trốn học, trộm cắp, thiếu tôn trọng thầy cô, …
Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận giới trẻ nói chung và HS nói riêng không chỉ là kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu và theo dõi phản ánh của giới truyền thông, trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa X (Đảng CSVN, 2006), Đảng ta cũng đã nhận định “Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong giới trẻ”.
3. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan như tác động của internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc,… nhưng cần thiết phải ‘tự soi lại chính mình’ bằng việc xem xét lại hai nguyên nhân cơ bản xuất phát từ gia đình và nhà trường. Tại hội nghị quốc tế lần thứ 5 về giáo dục thế giới năm 2012 với chủ đề “Giáo dục đang đối mặt với những vấn đề đương đại thế giới”, hai chuyên gia Clipa và Lorga (2012) đã khẳng định gia đình và nhà trường là hai yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức HS. Tuy nhiên, hai yếu tố then chốt này xét trong bối cảnh Việt Nam đang có vấn đề bởi:
3.1. Gia đình thiếu quan tâm hoặc là giáo dục con em mình không đúng cách
Nghiên cứu của hai tác giả Lê Duy Hùng (2013) và Nguyễn Thị Thi (2017) như đã nêu trên đều thể hiện sự thiếu quan tâm của gia đình là nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức của các em.
Qua khảo sát về đời sống đạo đức của thanh thiếu niên đang tham gia sinh hoạt tại Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp (tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi đã ghi nhận vài câu chuyện để làm rõ hơn về nguyên nhân trên. Một HS lớp 10 cho biết em giao tiếp rất tốt với mọi người xung quanh, trừ cha mẹ của em. Khi được hỏi về nguyên nhân, em kể rằng cha mẹ của em thường xuyên mắng chửi em và không bao giờ có những lời nói êm dịu khi nói chuyện với em. Một HS lớp 10 khác cũng kể rằng cha em thường la mắng em một cách vô cớ cho nên em rất buồn và sợ giao tiếp với cha. Khi chúng tôi tiếp xúc để phỏng vấn mẹ của em, mẹ của em xác nhận sự việc nêu trên là có thật, mà nguyên nhân là do công việc kinh doanh không thuận lợi nên cha em hay cáu gắt với mọi người trong gia đình. Một HS lớp 12 kề rằng em thường xuyên tránh gặp mặt bà của em. Nguyện vọng của em là học ngành Công nghệ thực phẩm để trở thành một đầu bếp trong tương lai nhưng nguyện vọng chính đáng ấy gặp sự phản đối quyết liệt của người bà vì bà em cho rằng chọn nghề nào là phải đến đền để cầu thánh phán cho. Vì vậy, mỗi lần gặp mặt em là bà buộc em đến đền cùng bà (Lê Tấn Lộc, 2018).
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã quan sát và ghi nhận lại một vài tình huống thực tế đáng lưu tâm. Một người mẹ chở con đến trường. Ngồi phía sau lưng mẹ, cô bé uống hết hộp sữa và cầm mãi chiếc hộp rỗng trên tay. Người mẹ quay lại phía sau giục cô vứt chiếc hộp xuống đường. Cô bé do dự và bị mẹ quay lại quát mắng. Hay một người mẹ trước khi rời khỏi nhà đi làm, căn dặn con mình ở nhà nếu hàng xóm có sang mượn thứ gì thì đều trả lời là không có. Qua quan sát một số trường hợp khác, chúng tôi nhận thấy phần lớn phụ huynh có khuynh hướng to tiếng quát nạt con mình để bày tỏ sự không hài lòng với con về một điều gì đó. Làm như thế cứ tưởng rằng con mình sẽ sợ và sẽ ngoan hơn nhưng đâu biết rằng theo nghiên cứu của Quỹ Tâm lý học Ca-na-đa (2012), việc phụ huynh mắng chửi, lên lớp, hay biểu hiện tức giận đối với con cái trong độ tuổi vị thành niên không có tác dụng tích cực mà chỉ làm cho con cái mình phản ứng lại một cách tiêu cực.
3.2. Giáo dục đạo đức ở nhà trường chưa thực sự đạt hiệu quả, chưa đạt được mục đích là giáo dục hướng thiện đối với con người
Hầu như nhà trường chỉ tập trung cho việc dạy chữ. Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhận định: các trường quốc tế làm tốt việc dạy HS làm người hơn vì không bị áp lực nhiều bởi yêu cầu thi cử, sĩ số trong lớp ít, thiết bị phục vụ dạy học phong phú đa dạng, quan tâm nhiều đến các hoạt động thực hành trải nghiệm của HS (Phan Ngọc Quang, 2017).
Có những việc tưởng rằng nhỏ nhưng lại có tác động đáng kể đến quá trình hình thành nhân cách của HS, tuy nhiên nhà trường lại không lưu tâm đến. Ví dụ như việc làm vệ sinh trường lớp. Hầu như các trường đều thu phí để thuê nhân viên vệ sinh thay cho HS. Điều này vô tình làm giảm ý thức bảo vệ môi trường của các em. Ở Nhật, HS phải tự làm vệ sinh phòng học và nhà vệ sinh vì người Nhật cho rằng việc đó có ý nghĩa giúp HS trở thành công dân gương mẫu khi lớn lên (Thùy Linh, 2018).
Mặt khác, nói đến vai trò của nhà trường trong việc dạy HS làm người, trước tiên phải đề cập đến vai trò của người thầy. Tác giả Dương Văn Duyên (2011) cho rằng người học luôn lấy người thầy làm mẫu. Thế nhưng hình ảnh mẫu mực của người thầy trong xã hội chúng ta trong thời gian qua đang bị xem nhẹ. Hiện tượng giáo viên vi phạm đạo đức như chạy trường, chạy điểm, nhận phong bì, … là có xảy ra, dù đó không phải là hiện tượng phổ biến nhưng đã gây mất niềm tin của xã hội về một hình tượng cao quý trong tâm thức của nhiều thế hệ (Nguyễn Văn Tỵ, 2017). Mặt khác, Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07-5-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra rằng bên cạnh đa số giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt thì vẫn còn tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc cho xã hội (Bộ GDĐT, 2018).
4. Một số giải pháp cải thiện công tác giáo dục đạo đức cho HS
Để nâng cao hiệu quả việc giáo dục đạo đức cho HS, chúng ta không thể trông chờ vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực khác để hy vọng quản lý tốt việc kinh doanh trò chơi điện tử hay hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội và các loại hình giải trí, … hoặc trông chờ vào lương tâm của những người tạo ra sản phẩm “gây ngộ độc” cho đời sống đạo đức của HS, mà chính chúng ta, những người làm công tác giáo dục phải tiên phong. Vì thế, một số giải pháp xin được đề xuất như sau:
4.1. Cần thiết thực hơn trong việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình
Nghiên cứu của hai tác giả Clipa và Iorga (2012) cho thấy nếu nhà trường quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ này thông qua những việc làm thiết thực như tập huấn cho phụ huynh phương pháp giáo dục HS, tổ chức những buổi hội thảo để qua đó phụ huynh được chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con, tổ chức những buổi gặp gỡ giữa phụ huynh và các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, …, thì kết quả là không những thành tích học tập của HS tốt hơn mà một số hành vi phi đạo đức như nói dối, ích kỷ, vô kỷ luật giảm rõ rệt.
4.2. Mỗi giáo viên phải thực sự là người mẹ, người cha và là người bạn biết lắng nghe và chia sẻ
Qua kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân và một số đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy nếu giáo viên chỉ biết dùng kỷ luật và chỉ trích những học trò thuộc dạng khó dạy thì khó mà chuyển hóa được học trò. Giáo viên phải ân cần lắng nghe, hiểu, chia sẻ và thỉnh thoảng tìm những điểm tích cực để khen học trò nhằm khuyến khích các em phát huy những điểm tích cực.
4.3. Ngành Giáo dục phải thay đổi tư duy trong công tác quản lý, cần phải tiếp thu những mô hình quản lý hiệu quả của lĩnh vực ngoài công lập
Bên cạnh việc chăm lo đời sống giáo viên, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, không mang tính chất cào bằng thì cũng cần mạnh tay đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhằm làm trong sạch đội ngũ giáo viên, lấy lại vị thế cao quý của người thầy để người thầy thực sự trở thành tấm gương cho học trò.
4.4. Giáo dục cần giảm tải và cân bằng chương trình học
Chú trọng hơn các môn khoa học xã hội có tác dụng xây dựng nhân cách HS; thay đổi cách dạy và học đạo đức dưới hình thức lý thuyết khô khan và hô hào khẩu hiệu bằng việc học từ cuộc sống thực tiễn. Chúng tôi đã từng chứng kiến HS phổ thông của một trường ở Anh quốc đến các siêu thị trong vùng để phụ giúp nhân viên thu ngân ở các quầy bỏ hàng vào túi cho khách hàng và để đáp lại sự giúp đỡ đó, khách hàng có thể bỏ một ít tiền vào thùng từ thiện đặt bên cạnh. Các em sử dụng tiền quyên góp được để mang về trường làm từ thiện. Hoặc HS trên tay ôm thùng quyên góp xuống phố để quyên góp tiền ủng hộ cho bệnh nhân ung thư nhân ngày Ung thư thế giới ở Anh quốc. Rõ ràng các em đã được học một bài học rất thực tế về ý thức cộng đồng và cách thể hiện lòng nhân ái bằng chính khả năng của mình, thay vì về nhà xin tiền cha mẹ để đóng góp từ thiện như đa số HS ở nước ta hiện nay đã và đang làm. Ở Hồng Kông, việc dạy đạo đức không quá chú trọng vào khía cạnh học thuật mà chú trọng vào tính thực tiễn. Những bài học đạo đức xoay quanh các vấn đề xã hội mang tính thời sự, có tác động trực tiếp đến đời sống đạo đức của HS như: sử dụng rượu, thuốc lá, tình dục, bạo lực,…Giáo viên có thể chọn các chủ đề từ báo chí, truyền hình, mạng internet,… để cùng thảo luận với HS, chứ không dựa vào giáo án một cách cứng nhắc, khô khan (Cheung, 2007).
4.5. Cần nghiên cứu để áp dụng những giá trị đạo đức Phật giáo vào trong việc giáo dục đạo đức HS
Đây có thể là một chủ đề mà một số người xem là rất nhạy cảm đối với các trường công lập, nhưng giáo dục phải mạnh dạn nhìn đúng sự thật. Các nước trên thế giới đã và đang nghiên cứu Phật giáo dưới góc nhìn khoa học và triết học, để từ đó áp dụng một cách có hiệu quả vào việc phát triển nhân cách HS. Ngay cả ở các nước phương Tây, Phật giáo không phải là tôn giáo truyền thống nhưng người phương Tây sẵn sàng tiếp thu để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống, trong đó có giáo dục. Chẳng hạn như nhóm chuyên gia về tâm lý giáo dục của Mỹ và Ca-na-đa (Schonert-Reichl, et al., 2015) xem xét ảnh hưởng của thiền Phật giáo đến tâm lý của HS tại một số trường tiểu học ở Ca-na-đa. Sau bốn tháng thực hành thiền, HS không những có kết quả học tập tiến bộ hơn mà còn có khả năng kiểm soát được cảm xúc và có mức độ hành vi thuận xã hội tốt hơn. Hay giáo sư Ditrich (2017) của Đại học Sydney (Úc) nghiên cứu sự kết hợp giữa thực hành thiền Phật giáo và những giá trị đạo đức khác của đạo Phật như là lòng từ bi, tình yêu thương và những giá trị đạo đức từ Bát Chánh đạo (Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) tại bốn trường phổ thông trung học ở Úc. Kết quả thể hiện HS tập trung hơn trong việc học, nghiêm túc hơn trong giờ học, quan hệ với bạn học tốt hơn và giải quyết mẫu thuẫn với nhau tốt hơn.
Ngay tại Việt Nam, trong những năm gần đây việc nghiên cứu mối quan hệ giữa đạo đức Phật giáo và đạo đức xã hội đã và đang bắt đầu. Tác giả Tạ Chí Hồng (2004) nghiên cứu những giá trị của đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của những giá trị đó đến đời sống đạo đức của xã hội truyền thống. Cùng một góc độ nghiên cứu, tác giả Đặng Thị Lan (2005) đã phân tích những mặt tích cực của đạo đức Phật giáo ảnh hưởng đến đạo đức con người Việt Nam trong lịch sử cũng như trong hiện tại. Tác giả Đỗ Ngây (2012) khi nghiên cứu về triết lý nhập thế của Phật giáo thời Lý – Trần đã phân tích những giá trị nhập thế thể hiện qua một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đạo đức. Tác giả Dương Thị Thu Hà (2016) đánh giá ảnh hưởng văn hóa thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam. Trong đó, tác giả có một phần kết luận về tính tích cực của văn hóa thiền tông trong việc giáo dục hoàn thiện nhân cách cho thanh thiếu niên. Nhìn chung, các tác giả đều có cùng nhận định Phật giáo đã góp phần xây dựng tình thương yêu, đoàn kết; hướng dẫn con người sống tốt, đem lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng, dấn thân với cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái và hướng con người sống hiếu nghĩa.
Mặt khác, nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy rõ Phật giáo không chỉ góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước mà còn đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa của dân tộc Việt, trong đó có đạo đức. Phật giáo xuất xứ từ Ấn Độ, nhưng đã du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên và đã hòa nguyện được với văn hóa dân tộc để trở thành Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam dưới thời vua Trần Nhân Tông đã đóng góp tích cực vào đời sống đạo đức xã hội thông qua việc Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp trong dân dạy người dân hành thập thiện - Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dật, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không tham lam, không giận hờn, và không si mê – (Thích Thanh Từ, 2015, 35). Trần Phu, một sứ thần của nhà Nguyên, sau khi sang nước ta trở về, đã viết về cuộc sống của người dân Đại Việt trong tác phẩm An Nam tức sự rằng “dân cả nước đều là sư hết” (Trần Nghĩa, 1972). Điều đó có thể hiểu rằng trong xã hội thời Trần, mọi người sống rất đạo đức.
5. Kết luận
Đạo đức HS trở nên yếu kém trong những năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng hai nguyên nhân cơ bản cần phải khắc phục ngay đó là trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Giải quyết được các nguyên nhân cơ bản, thì các nguyên nhân khác không trở thành quá khó khăn và phức tạp. Cụ thể là nếu HS được gia đình và nhà trường giáo dục để đủ khả năng làm chủ được mình thì đồng nghĩa với việc các em có khả năng “miễn nhiễm” với những tác động bên ngoài.
Muốn làm được điều đó, nhà trường phải thể hiện vai trò là chủ xướng, gia đình phải có trách nhiệm phối hợp; mỗi giáo viên phải nhận thức và thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Những nhà giáo dục phải biết trăn trở để cùng nhau hành động trước ý kiến rất chân thật của một đại biểu quốc hội: “ Đạo đức xuống cấp nghĩa là giáo dục thất bại” (Hải Triều, 2018).
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, Ban hành ngày 07/5/2018.
2. Cheung, C. K., The teaching of moral education through media education, The Asia Pacific-Education Researcher, 16(1), 2007, pp. 61-72.
3. Clipa, O. & Iorga, A. M., The role of school-family parnership on moral development, Procedia - Social and Behavioral Sciences, 76, 2012, pp. 197 – 203.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006.
5. Đặng Đình Chương, Trần Đình Hùng, Vận dụng tư tưởng Phật giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên Việt Nam hiện nay, Phật giáo Kiên Giang. Nguồn: http://www.phatgiaokiengiang.com/vn-dng-t-tng-pht-giao-vao-vic-giao-dc-o-c-li-sng-cho-hc-sinh-sinh-vien-vit-nam-hin-nay.html.
6. Đặng Thị Lan, Đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, 2005.
7. Ditrich, T., Meditation in modern education: Outlining a pilot programme from Australia. Mandala of 21 st Century Perspectives: Proceedings of the International Conference on Tradition and Innovation in Vajrayana Buddhism. Thimphu, 01-3/6/2016. Centre for Bhutan Studies, 2017, pp. 205-221.
8. Đỗ Ngây. Triết lý nhập thế của Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần, Luận án Tiến sỹ Tôn giáo học, Học viện Khoa học Xã hội – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2012.
9. Dương Thị Thu Hà, Văn hóa thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2016.
10. Dương Văn Duyên, Xây dựng đạo đức nhà giáo Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 27/2011, tr. 23-29.
11. Hải Triều, Đạo đức xuống cấp nghĩa là giáo dục thất bại. Công an thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn:http://congan.com.vn/tin-chinh/dao-duc-xuong-cap-nghia-la-giao-duc-that-bai_64873.html.
12. Lê Duy Hùng, Giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 50/2013, tr. 29-37.
13. Lê Tấn Lộc, Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên: Những thành công và thách thức, Tạp chí Tôn giáo, 5 (141), 2018. tr. 44-47.
14. Mai Chi, Xuống cấp về đạo đức xã hội: Không ngăn chặn sớm sẽ ‘mất gốc’. Pháp luật Việt Nam. Nguồn:http://baophapluat.vn/giao-duc/xuong-cap-ve-dao-duc-xa-hoi-khong-ngan-chan-som-se-mat-goc-340285.html.
15. Nguyễn Thị Thi, Quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở thành phố Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục, Luận án Tiến sĩ, Học viện Quản lý giáo dục, 2017.
16. Nguyễn Văn Tỵ, Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo trong tình hình hiện nay. Nguồn:http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Van-hoa-xa-hoi/2017/48681/Nang-cao-dao-duc-nghe-nghiep-cua-nha-giao-trong-tinh-hinh.aspx.
17. Phan Ngọc Quang, Giáo dục đạo đức trong nhà trường. Nguồn: https://www.giaoduc.edu.vn/giao-duc-dao-duc-trong-nha-truong-2.htm.
18. Schonert-Reichl, A., K., et al., Enhancing cognitive and social–emotional development through a simple-to-administer mindfulness-based school program for elementary school children: A randomized controlled trial, Developmental Psychology, 51(1), 2015, tr. 52-66.
19. Tạ Chí Hồng, Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia, 2014.
20. The Psychology Foundation of Canada, Straight talk about teens: realistic ideas and advice for parents of older teenagers. Nguồn: https://www.dsb1.ca/Programs/MHWB/Programs/Documents/Straight-Talk-About-Teens.pdf.
21. Thích Thanh Từ, Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015.
22. Thùy Linh. Học sinh Nhật Bản tự dọn dẹp lớp học, nhà vệ sinh. Nguồn: https://vnexpress.net/giao-duc/hoc-sinh-nhat-ban-tu-don-dep-lop-hoc-nha-ve-sinh-3826588.html.
23. Trần Hữu Quang, Đi tìm nguồn gốc của tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội, Thời đại mới, 24/2012, tr. 1-30.
24. Trần Nghĩa, Một bức “ký họa” về xã hội nước ta thời Trần qua bài thơ “An Nam tức sự” của Trần Phu, Tạp chí Văn học, tháng 1/1972, tr.105-131.