Vào đầu thập niên 1990 khi bài thơ “Bài học đầu cho con” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người nghe. Từ trong cũng như ngoài nước, ca khúc đã khơi động mạnh mẽ tâm trạng nhớ quê của hàng triệu con người bởi lời lẽ bình dị cùng những hình ảnh thân quen:
Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay / Quê hương là con diều biếc / Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ /Êm đềm khua nước ven sông...
Ai cũng có một quê hương, một tuổi thơ đầy dấu ấn. Và tuổi thơ trong những câu ca, lời hát hiện ra thật yên bình, êm đềm với chùm khế ngọt, con đường đi học, đàn bướm vàng bay, cánh diều đồng cỏ, con đò nhỏ trên sông… Biết bao hình ảnh đẹp được những nốt nhạc nâng lên một cung bậc, hòa vào lòng người một cách nhẹ nhàng, miên man.
Hay liệu có ai không khỏi nao lòng khi nhớ về nơi có chiếc cầu tre nhỏ, có bóng dáng mẹ trở về nhà với chiếc nón lá che nắng ban trưa, có những đêm trăng rằm sáng tỏ hoa cau rụng trắng sân nhà…
“Quê hương là cầu tre nhỏ / Mẹ về nón lá nghiêng che / Quê hương là đêm trăng tỏ / Hoa cau rụng trắng ngoài thềm”…
Xuyên suốt bài thơ, bản nhạc, lời ca, hồn ta sẽ lắng sâu và trải rộng miên man theo từng cung bậc cảm xúc. Nhạc cứ theo nhịp điệu mà dồn dập xoáy vào tâm tư người lữ thứ với bao kỉ niệm êm đềm của thời thơ ấu. Rồi khi đến cao trào, nhạc thể hiện một cách dồn dập như vừa lôi cuốn, vừa nhấn mạnh:
"Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người"Một sự so sánh tuyệt vời! Quê hương và Mẹ là những gì thiêng liêng, đáng quý nhất, chỉ có một cho mỗi người. Quê hương cũng là Mẹ, Mẹ cũng là quê hương, là những gì gắn bó thân thiết trong tim tôi và bạn; là sự chở che bao la; là tình thương vô bờ bến; là bến đỗ bình yên cho mỗi người chúng ta sau những giông bão cuộc đời. Như nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đã từng viết: Mẹ ơi! Mẹ ơi! Dù năm tháng trôi/ Mẹ như vầng trăng rạng rỡ sáng soi/ Tỏa mát đời con những khi va vấp ưu phiền/ Những khi hạnh phúc êm đềm/ Con chỉ tìm về với mẹ thôi… Và có lẽ, thiếu hơi ấm của quê hương, thiếu sợi vô hình mà mạnh mẽ ấy, có lẽ chúng ta “sẽ không lớn nổi thành người”.
Khi ta còn thơ bé, hình ảnh quê hương đã luôn hiện hữu trong tâm trí qua lời kể của bà, của mẹ. Để rồi, mỗi người khi trưởng thành, rời xa quê, mang theo trong lòng ký ức ngọt ngào đã phải bật khóc. Quê hương như máu thịt mà từ khi lọt lòng ta đã trao cho nửa linh hồn để rồi đi đâu cũng mãi nhớ, mãi thương…