“Không có gì tự đến đâu con
Quả muốn ngọt phải ngày tháng tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa
Mùa bội thu trải một nắng hai sương…”.
Nguyễn Đăng Tiến là cậu bé được bố viết tặng bài thơ “Không có gì tự đến đâu con”, vào khoảng năm 1995, khi Tiến đang học lớp 3. Bài thơ được in trong tập thơ “Lời ru Vầng trăng”, xuất bản năm 2000.
Ông Tấn cảm thấy vui buồn lẫn lộn khi thơ của mình liên tục được bạn đọc chia sẻ, thậm chí làm thành video, tuy nhiên lại không ghi tên tác giả. Những lời thơ nhẹ nhàng như một bài hát du dương, gợn chạm vào tâm hồn người đọc. Ông Tấn chia sẻ, những bài thơ ông viết cho con, cũng là viết cho chính mình.
Cậu bé Tiến hồi bé khá hiếu động, có nhiều lúc, vợ chồng ông Tấn cũng phải “mướt mồ hôi” trong việc dạy con. Tuy nhiên, qua cuộc trò chuyện, lúc nào cũng thấy toát lên ở ông tình cảm thiêng liêng của một người cha dành cho con cái.
May mắn là cậu bé Tiến dù ham chơi, nhưng hễ khi đã yêu thích cái gì thì sẽ say mê lắm. Mỗi lúc như thế, ông lại lặng lẽ ủng hộ con.
Tuy nhiên, ông Tấn cho rằng, dù có thương con thế nào, thì khi con hư ông cũng sẽ nghiêm khắc dạy dỗ. Những trận đòn roi là không thể tránh khỏi, chỉ có điều gia đình ông sẽ hạn chế lạm dụng hình phạt này.
Thơ của ông, là tất cả những gì đã diễn ra trong đời sống hằng ngày. Ông cứ nhớ mãi cái thời khốn khó, đến nỗi vợ chồng ông phải nói dối con nhiều lần. Sau này ông viết thành bài thơ “Dối con”. Để khi độc giả đọc được những lời nói dối ấy, sao mà cứ thấy nghẹn ngào.
“Áo bố hứa mua tiền giữa tháng trắng tay
Khi con hỏi: Dối cửa hàng chưa bán
Thịt phần con bố mẹ bảo ăn nhiều nên chán
Quà chưa mua bảo ăn nguội bụng đau.
Gạo hết rồi bố mẹ lỡ nói nhau
Mẹ đỏ mắt dối con là đau mắt
Nhà mấy mét con bảo sao ở chật
Dối con rằng như vậy sẽ ấm hơn…”
“Đó là một thời cả nước khốn khó. Đứa con trai còn nhỏ, ngây thơ chưa nếm trải sự đời nên vô cùng tin tưởng lời bố mẹ”, ông Tấn bồi hồi.
Theo ông Tấn, nền tảng gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc dạy dỗ con cái. Những người làm cha mẹ phải tỉ mỉ, quan tâm từng động thái nhỏ của đứa trẻ. Ông tiết lộ, từng có những ngày con đi học thêm, hai vợ chồng ông phải theo sau để giám sát xem con có vào lớp đúng giờ, hay lại lang thang đi chơi với lũ bạn.
Gia đình ông có hai người con, một trai một gái. Đến nay đều đã tự lập. Con trai ông từng học Ngành Thương mại điện tử, hiện đang làm ở Ngân hàng Ngoại thương, còn con gái học Tài chính ngân hàng, nhưng lại quyết tâm theo đuổi đam mê làm báo, như bố.
Từ trước đến nay, ông Tấn chưa từng ép buộc con đi theo con đường của mình định sẵn. Ông cho rằng, người làm cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nhìn thấu được năng khiếu, sở thích và trí tuệ của con, để từ đó khuyến khích, hướng dẫn cho con đến được đích đã đặt ra. Yêu thương nhưng cũng tôn trọng là cách mà ông đối đãi với con cái.
Ông Tấn nhận định, mỗi một giai đoạn khác nhau, cách thức để chăm sóc, dạy dỗ con cũng có khác biệt, đặc biệt là hiện nay, cuộc sống có quá nhiều sự tác động. Tuy nhiên, ông luôn đề cao nên tảng gia đình: “Gia đình là nơi bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho con trước tiên”.