Một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật là “Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập” (quy luật mâu thuẫn), đây cũng là quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin.
Theo quy luật này “mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng chính là động lực của sự phát triển”.
Nếu một sự vật, hiện tượng không chứa đựng mâu thuẫn, không tồn tại các mặt đối lập thì đương nhiên không có động lực phát triển.
Xã hội nước ta ngày nay không tồn tại mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp như thời thực dân, phong kiến nhưng không phải không chứa đựng mâu thuẫn.
Xác định mâu thuẫn chủ yếu, giải quyết mâu thuẫn chính là nguyên tắc bất di bất dịch tạo động lực cho xã hội phát triển.
Vậy phải chăng mâu thuẫn chủ yếu hiện nay không phải là mâu thuẫn giai cấp mà là giữa những vấn đề thuộc phạm trù lý luận, quyết sách ở thượng tầng với cách thức chỉ đạo, điều hành, thực hiện của các cơ quan chấp hành mà cụ thể là các bộ, ban, ngành, địa phương?
Liệu thực tế có tồn tại mâu thuẫn giữa đường lối và sự hiện thực hóa đường lối đó? Nếu nó tồn tại và đó đúng là mâu thuẫn chủ yếu, có cần công nhận sự tồn tại mâu thuẫn ấy như là một hiện thực khách quan để tập trung giải quyết, xem đó là động lực phát triển đất nước?
Mâu thuẫn nào là động lực phát triển xã hội? (Ảnh minh họa của DAD05) Trả lời câu hỏi này, cần dựa vào sự phân tích cơ cấu lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất, hiện trạng kinh tế, văn hóa, xã hội, mục tiêu trước mắt và lâu dài mà lực lượng dẫn dắt, lãnh đạo dân tộc hướng tới…
Đó là những điều vượt quá khuôn khổ một bài báo thông thường nên sẽ không đề cập ở đây.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích nêu lên những sự kiện trái ngược, dễ nhận thấy nhất, phổ biến nhất, những biểu hiện của mâu thuẫn mà bất kỳ người dân nào cũng cảm nhận được.
Chuẩn bị Đại hội Đảng 12, cử tri kiến nghị với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Từ bao lâu nay, dân đã tin Đảng, sẽ luôn bảo vệ Đảng, vậy thì Đảng phải tin dân, giao cho dân được quyền tham gia lựa chọn người vào Ban chấp hành cũng như Quốc hội". [1]
Bên lề Hội nghị TƯ 13 bàn về nhân sự, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang nêu ý kiến:
“Dư luận thì luôn có động cơ khác nhau, có sai có đúng. Nhưng tập trung nhất và đúng nhất là dư luận phê phán việc thiếu dân chủ, thiếu công bằng trong qui trình tuyển chọn.
Tức là người ta nói phương pháp chứ không nói kết quả hoặc ngược lại lấy kết quả để chứng minh cho phương pháp. Nghĩa là "cái khuôn bánh" chứ không nói "cái bánh" hoặc nếu có nói về "cái bánh" thì bao giờ cũng qui ngược lại là do "cái khuôn". (Theo Vietnamnet.vn 17/12/2015)
Hiếm thấy nhiều ý kiến thẳng thắn như vậy về công tác nhân sự trước thềm đại hội Đảng toàn quốc. Phải chăng vấn đề con người, vấn đề nhân sự cấp bách đến mức cần phải đặt ra một cách quyết liệt vượt trên vấn nạn tham nhũng hiện nay?
Ai dám gọi cho Cục chống tham nhũng khi chưa tố cáo đã nơm nớp sợ bị trả thù? (GDVN) - Người đi tố cáo mà cứ nơm nớp lo bị trả thù, thì ai dám tố cáo? Đây là chuyện rất đáng buồn”, ông Vũ Quốc Hùng nói về tố cáo tham nhũng, tặng quà Tết...
Liên quan đến con người, đến nhân sự và công tác tổ chức, có một câu hỏi cần đặt ra là “bảo vệ Đảng là bảo vệ uy tín của Đảng hay bảo vệ từng cá nhân cán bộ, đảng viên”?
Trong bài “Xây dựng Đảng về đạo đức” đăng trên Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương [2], GS. Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương viết:
“Tham nhũng vừa là nguy cơ, vừa là quốc nạn bởi nó đã trở nên phổ biến, ở mọi nơi, với những mức độ, hậu quả khác nhau. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Thực trạng này đang đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ như Đảng đã cảnh báo".
Nếu căn cứ vào dữ liệu tham nhũng mà Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố, có lẽ nhận định của GS. Hoàng Chí Bảo không hoàn toàn chính xác, có gì đó mâu thuẫn giữa các nhà lý luận và người chỉ đạo, điều hành bởi theo đánh giá của đội ngũ lãnh đạo hai địa phương quan trọng nhất nước về quy mô dân số, kinh tế, chính trị thì ở đó “không phát hiện tham nhũng”?
Cần nhấn mạnh rằng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Trong khi 48% doanh nghiệp gặp phiền hà vì thủ tục (phong bì), trong khi “Không có phong bì: Lập tức kém văn minh, mất lịch sự” [3] thì các nơi này lại “không thấy tham nhũng”?
Trên đây mới chỉ là nhận định của một học giả trên trang thông tin một ban của Đảng, sự kiện “không thấy tham nhũng” cũng chỉ mới được công bố ở vài nơi trong đó có hai thành phố đầu tàu của đất nước!
Trên bình diện quốc gia, ngày 16/1/2012 Trung ương ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11- “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nghị quyết nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Thế nhưng, cũng trên bình diện quốc gia, số liệu của Thanh tra Chính phủ cho thấy, năm 2014 trong số 998.394 người công khai tài sản, chỉ có 3 người bị kỷ luật. Sau 8 năm kê khai tài sản, chỉ có 18 người bị kỷ luật [4].
Vì sao kết quả thanh tra lại trái ngược với nhận định của trung ương?
Ảnh chụp màn hình báo nld.com.vn ngày 16/12/2015 Trước thềm Đại hội Đảng 12, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 13/12/2015 công bố:
“Trong năm qua, ngành thanh tra đã tiến hành trên 40.000 cuộc thanh tra, trên 830.000 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành và phát hiện trên 212.000 tỷ đồng sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 313 vụ với 356 đối tượng”. [5]
Người viết đã phải nghe đi nghe lại vài lần phát biểu của ông Huỳnh Phong Tranh vì sợ nghe nhầm con số 212 nghìn tỷ.
Nếu hiểu “năm qua” nghĩa là chỉ trong năm 2015, số tiền sai phạm phát hiện là 212.000 tỷ, số người bị đề nghị điều tra là 356 thì có gì mâu thuẫn với sự “trong sạch” của đội ngũ cán bộ, công chức năm 2014 cũng như 8 năm trước?
Có phải toàn bộ 356 người bị chuyển cơ quan điều tra đều không phải là cán bộ, đảng viên?
Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2015 ước tính đạt 709,8 nghìn tỷ đồng [6].
Theo phép tỷ lệ thuận thì cả năm sẽ vào khoảng 820 nghìn tỷ. Còn theo ý kiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: “Dự kiến tổng thu năm 2016 là 1.014 nghìn tỷ đồng, tăng 103 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2015” [7] thì có nghĩa là tổng thu ngân sách 2015 vào khoảng 900 nghìn tỷ.
Số tiền sai phạm mà Thanh tra Chính phủ phát hiện (212 nghìn tỷ) bằng khoảng một phần tư tổng thu ngân sách quốc gia, gần bằng 10 tỷ đô la, gấp 3 lần số tiền mà Quốc hội cho phép Chính phủ vay nước ngoài để đảo nợ.
Liệu việc phát hiện con số 212 nghìn tỷ sai phạm này có phải là đã tìm ra “nguồn gốc” làm đất nước tụt hậu nhiều năm so với khu vực, liệu việc giải quyết tận gốc sai phạm có tạo “động lực” cho sự phát triển?
Vì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh “không phát hiện tham nhũng” nên có lẽ Tổng Thanh tra Chính phủ nên công bố 212 nghìn tỷ sai phạm ấy rơi vào các bộ, ngành, địa phương nào, các cá nhân sai phạm bao nhiêu người là cán bộ, đảng viên, bao nhiêu thuộc các thành phần xã hội khác?
Và điều đáng nói hơn, số tiền sai phạm này có gắn với tham nhũng hay chỉ là do yếu kém về trình độ quản lý?
Số liệu của Tổng cục thống kê (ảnh chụp màn hình ngày 21/12/2015) Dù với bất kỳ lý do nào: đạo đức tha hóa, quản lý lỏng lẻo, lợi ích nhóm, trình độ yếu kém, … thì sự việc chỉ với 356 người bị đề nghị xử lý mà số tiền liên quan tương đương 1/4 tổng thu nhập quốc gia cũng là sự việc chưa có tiền lệ.
Sai phạm tăng vọt trong năm 2015 có phải chủ yếu là do “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay nó chính là phần chìm của tảng băng bây giờ mới hé lộ?
Quan điểm bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng đồng nhất với bảo vệ các cá nhân cán bộ, đảng viên dường như chiếm ưu thế chủ đạo, điều này được truyền thông đề cập rất nhiều, chẳng hạn “Hoan hô sai phạm “con voi”, xử lý… “con kiến”! (Dân trí 15//12/2015).
Xem việc xử lý nhẹ nhàng các cá nhân sai phạm không phải là nguy cơ, không hoặc ngần ngại sử dụng công cụ pháp luật với những người thoái hóa, biến chất chính là phá hoại uy tín của Đảng chứ không phải là bảo vệ Đảng.
Điều này người dân biết rất rõ, lãnh đạo cao cấp nhiều người cũng biết rất rõ, vậy động cơ nào chi phối “một bộ phận không nhỏ” nắm quyền xử lý cố tình làm trái?
Tản mạn về môn phái “Tân Vocobo” (GDVN) - Vocobo nghiên cứu sáng tạo nhiều thế đánh mới cho các đệ tử “bụng to, chân yếu”, nhờ thế mà Vocobo trở nên môn võ độc tôn, giành nhiều thắng lợi tuyệt đối.
Phải chăng đây không chỉ là bảo vệ “nhóm lợi ích” mà còn những mục tiêu kép nào đó trong đó có mục tiêu làm suy yếu đất nước, dẫn tới lệ thuộc vào nước ngoài?
Nếu biết rằng giai đoạn 2008-2015 Đức đã xuất khẩu 6 tàu ngầm Type 209 trị giá 2,2 tỷ USD, còn đơn hàng cho giai đoạn 2012-2015 là 11 tàu ngầm với giá bán xấp xỉ 4,2 tỷ USD [8] thì 10 tỷ đô la có thể mua được bao nhiêu máy bay, tàu ngầm, tên lửa?
Những cán bộ, công chức liên quan đến 212 nghìn tỷ sai phạm ấy không phải chỉ gây thất thoát, lãng phí mồ hôi, xương máu của dân mà nghiêm trọng hơn, chính họ đang gây nguy hiểm cho sự tồn vong chế độ.
Những ví dụ từ phạm vi hẹp đến phạm vi quốc gia nêu trên liệu đã đủ để kết luận, rằng có mâu thuẫn gay gắt giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghị quyết của Đảng, nhận định của các nhà lý luận với thực tế chỉ đạo điều hành của không ít địa phương, bộ, ngành chức năng.
Cần phải tìm hiểu, cần phải chỉ ra được đâu là “các mặt đối lập” trong giai đoạn hiện nay, nếu cứ an ủi rằng xã hội là tốt đẹp, quyền lợi các giai tầng không mâu thuẫn thì cũng có nghĩa là phủ định quy luật biện chứng của Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Phủ nhận động lực phát triển xã hội một cách duy ý chí cũng tức là tự đánh mất mình trước khi các yếu tố bên ngoài tác động vào.
Nếu không giải quyết được mâu thuẫn giữa việc bảo vệ cán bộ với việc bảo vệ uy tín của Đảng, nếu tiếp tục đặt việc bảo vệ sinh mạng chính trị của mỗi cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc sẽ chỉ làm giảm thêm niềm tin của nhân dân, dẫn tới suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng.