Con người là thực thể sống tồn tại, hoạt động trong thế giới khách quan, con người phải nhận thức, tỏ thái độ và hành động với thế giới ấy. Nhận thức, tình cảm và hành động là ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người. Trong quá trình hoạt động, con người phải nhận thức, thông qua hoạt động nhận thức, hiện thực xung quanh và hiện thực của bản thân được phản ánh, trên cơ sở đó con người tỏ thái độ, tình cảm và hành động. “Hoạt động nhận thức là quá trình tâm lý phản ánh hiện thực khách quan và bản thân con người thông qua các cơ quan cảm giác và dựa trên những hiểu biết vốn liếng kinh nghiệm đã có của bản thân”. Việc nhận thức thế giới có thể đạt tới những mức độ khác nhau: từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao. Mức độ nhận thức cảm tính, mức độ cao hơn là nhận thức lý tính.
Nhận thức cảm tính bao gồm cảm giác và tri giác, trong đó con người phản ánh những cái bên ngoài, những cái đang trực tiếp tác động đến giác quan con người.
Cảm giác là một quá trình tâm lý phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ, bề ngoài của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan hoặc trạng thái bên trong của cơ thể khi chúng đang trực tiếp tác động vào cơ quan cảm giác tương ứng của con người.
Cảm giác bên ngoài là những cảm giác do nguồn kích thích từ bên ngoài cơ thể gây ra. Để tiếp nhận nguồn kích thích này con người phải nhờ vào hoạt động của các cơ quan cảm giác. Cảm giác bên ngoài bao gồm: thị giác cho ta biết những thuộc tính về hình dạng màu sắc kích thươc, vị trí, độ sáng...của đối tượng; thính giác là loại cảm giác cho ta biết những thuộc tính về âm thanh, âm sắc của đối tượng; khứu giác cho ta biết những thuộc tính về mùi của đối tượng; vị giác cho ta biết những thuộc tính về vị của đối tượng, xúc giác là loại cảm giác cho ta biết những thuộc tính về nhiệt độ. Cảm giác bên trong là những cảm giác do nguồn kích thích từ bên trong cơ thể gây ra: cảm giác thăng bằng, cảm giác vận động.
Cảm giác con người diễn ra theo những quy luật tự nhiên riêng. Hiểu và vận dụng được những quy luật này trong hoạt động thực tiễn của cuộc sống là điều cần thiết với mỗi chúng ta.
Tri giác là một quá trình tâm nhận thức phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan khi chúng đang trực tiếp tác động vào các cơ quan cảm giác, người ta chia thành các loại tri giác: tri giác nhìn; tri giác nghe; tri giác ngửi...
Tri giác bao gồm các quy luật cơ bản: quy luật về tính đối tượng của tri giác; quy luật về tính lựa chọn của tri giác, tổng giác, ảo ảnh tri giác, ...
Trên đây là một số kiến thức tâm lý cơ bản liên quan tới nhận thức cảm tính.
Để gắn kết với kiến thức chuyên ngành Luật, chúng ta cùng nhau xem xét hồ sơ một vụ án cướp tiệm vàng xảy ra tại Bắc Giang như sau:
Vào rạng sáng ngày 24/8/2011, khi trời vẫn còn mờ tối, Lê Văn Luyện nấp cách tiệm vàng Ngọc Bích một quãng, mắt đảo nhìn quanh. Khi không thấy bóng người, Lê Văn Luyện nhanh chóng đột nhập lên tầng ba ngôi nhà. Công cụ của Luyện là một con dao nhọn và một con dao phớ. Sau khi dùng đèn pin soi tầng ba không tìm thấy gì, Luyện xuống tầng 2. Suy tính vàng và nữ trang giấu ở tầng 2 nên Luyện đi ngắt cầu dao và camera. Lúc 5 giờ rưỡi, thấy chủ nhân lên phơi quần áo tại tầng 3, Lê Văn Luyện vung dao đâm anh ta. Anh này tuy bị thương nhưng vẫn cố đoạt vũ khí và kêu cứu. Vợ của anh ta chạy lên liền hứng thêm nhiều nhát dao của kẻ thủ ác khi chủ nhà cướp được con dao nhọn, Luyện liền rút dao phớ chém tiếp. Chủ nhân lăn xuống tầng 2, Luyện tiếp tục chém nhiều nhát đến khi anh ta im hẳn.
Con gái lớn của chủ nhà thấy tiếng kêu bật dậy, tìm điện thoại liên lạc với bên ngoài. Lê Văn Luyện sợ bị lộ nên vung dao chém đứt tay cô bé rồi đâm thêm nhiều nhát. Tưởng cô bé này đã chết nên Luyện bỏ đi. Cô con gái thứ khóc to quá nên Luyện dùng dao phớ cướp mạng sống của em luôn.
Sát hại xong cả nhà người bị hại, Lê Văn Luyện đi lấy ba lô và cất hung khí rồi xuống tầng 1. Sau đó, Luyện phá tủ kính và lấy vàng rồi mở cửa bếp thoát ra ngoài. Lúc này, trời đã sáng, khu phố đã bắt đầu nhiều người qua lại. Sợ bị phát hiện, Luyện gọi điện cho người anh họ đến đón rồi bỏ trốn.
Tại cấp sơ thẩm, Lê Văn Luyện phải chịu mức án 18 năm tù. Khi vụ án đưa ra xét xử phúc thẩm thì mức án vẫn giữ nguyên như bản án sơ thẩm.
Như vậy, dưới góc nhìn tâm lý về nhận thức cảm tính chúng ta thấy rằng, chỉ vì lỡ cầm chiếc xe máy đi mượn của người khác lấy tiền rồi tiêu xài, không có tiền chuộc trả lại cho chủ sở hữu, Luyện đã thực hiện hàng loạt tội ác man rợ, dã man….cướp đi tính mạng của 3 người (trong đó có cả trẻ không có khả năng kháng cự) và gây thương tích nặng cho một người khác.
Nếu một người bình thường sau khi biết được vụ án này sẽ vội vàng đưa ra kết luận rằng phải xử lý nghiêm đối với Lê Văn Luyện, hình phạt phải là chung thân, tử hình mới đủ răn đe, làm bài học cho kẻ khác... Nhưng nếu là sinh viên chuyên ngành Luật, hay người có am hiểu pháp luật thì sẽ không vội vàng kết luận ngay, mà cần phải xem xét từng hành vi phạm tội của đối tượng này, các tình tiết vụ án, căn cứ pháp luật, nhân thân đối tượng cần phải nghiên cứu để xem xét tội danh, mức hình phạt tương xứng, tức là chúng ta đã tìm hiểu dưới góc độ nhận thức lý tính.
Nhận thức lý tính là nhận thức ở mức độ cao, bao dồm tư duy và tưởng tượng, trong đó con người phản ánh những cái thuộc bản chất bên trong, những mối quan hệ có tính quy luật. Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung, chi phối lẫn nhau trong cùng một hoạt động nhận thức thống nhất của con người.
Tư duy là một quá trình nhận thức mới về chất so với nhận thức cảm tính. Tư duy không phản ánh những cái bên ngoài mà phản ảnh những thuộc tính bên trong, thuộc tính bản chất, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của các sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan. Quá trình này mang tính gián tiếp và khái quát, nảy sinh trên cơ sở hoạt động thực tiễn. Như vậy tư duy là quá trình tìm kiếm và phát hiện cái mới về chất, nhờ đó chúng ta mới có khả năng giải quyết những nhiệm vụ phức tạp hơn.
Tư duy chỉ này sinh khi gặp những hoàn cảnh, những tình huống ma bằng vốn hiểu biết cũ, con người không đủ để giải quyết, để nhận thức, con người phải vượt ra khỏi những phạm vi hiểu biết cũ để đi tìm cái mới. Những tình huống như vậy được gọi là “tình huống có vấn đề”. Vấn đề có thể tồn tại dưới dạng các câu hỏi hay nhiệm vụ trong hoạt động. Trong hoạt động tư duy, con người cần phải thực hiện các thao tác đó là: phân tích và tổng hợp; so sánh; trừu tượng hóa; khái quát hóa, cụ thể hóa...
Tưởng tượng là một quá trình nhận thức phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những biểu tượng mới trên cơ sở những hình ảnh, biểu tượng đã có.
Như vậy, tưởng tượng phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân, tức là phản ánh những cái mới đối với cá nhân đó, bằng các biểu tượng. Biểu tượng vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát. Biểu tượng thường không rõ rệt như hình ảnh của tri giác mà nó thường xuất hiện những nét cơ bản, chủ yếu của đối tượng, còn những nét khác thì mờ nhạt. Tưởng tượng cũng phản ánh hiện thực khách quan vì để tạo ra những cái mới, con người phải dùng chất liệu là những hình ảnh cũ, biểu tượng cũ cá nhân có được trong hiện thực khách quan qua quá trình nhận thức cảm tính. Cũng như tư duy, tưởng tượng nảy sinh từ hoàn cảnh có vấn đề nhưng khác với hoàn cảnh làm nảy sinh qua trình tư duy. Khi những dữ kiện, điều kiện của hoàn cảnh có vấn đề đã được xác định cụ thể, không quá xa lạ với hiểu biết của con người tạo nên những nhiệm vụ rõ ràng, sáng tỏ và có cơ sở khoa học cụ thể để con người giải quyết vấn đề thì khi đó con người giải quyết vấn đề theo quy luật tư duy. Khi dữ kiện của hoàn cảnh có vấn đề mang tính không cụ thể, không rõ ràng thì việc giải quyết nhiệm vụ của vấn đề sẽ diễn ra theo cơ chế tưởng tượng.