Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của nữ thi sĩ dễ đi vào lòng người đọc với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Đó là những tâm tình, suy tư của người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương. Trong đó, “Sóng” là một thi phẩm nổi bật của thơ Xuân Quỳnh, đặc biệt là những dòng thơ đầu: “Dữ dội và dịu êm…Khi nào ta yêu nhau”.
Xuyên suốt trung tâm của bài thơ là hình tượng sóng và hình tượng em. Sóng là một hiện tượng của thiên nhiên. Nhưng ẩn sâu trong đó là sóng tình yêu, sóng lòng trong tâm hồn của người phụ nữ. Hình tượng em là sự hóa thân của nhà thơ Xuân Quỳnh. Nữ sĩ trải lòng mình trên những trang thơ, mượn hình ảnh sóng để nói lên những nỗi lòng.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Trong hai câu thơ trên, tác giả nêu lên những trạng thái đối lập của sóng: lúc thì mạnh mẽ, dữ dội, lúc lại trôi lững lờ. Đó cũng là đặc điểm của tâm trạng người con gái khi yêu. Có lúc cuồng nhiệt, đắm say, có lúc lại dè dặt e ấp. Những trạng thái tuy đối lập nhưng lại thống nhất với nhau. Hai câu thơ đầu được tổ chức theo phép đối, tạo nên cấu trúc hài hòa, cân xứng. Tác giả đặt những tính từ như “dịu êm”, “lặng lẽ” ở dưới mỗi câu thơ cũng cho thấy được sự nữ tính của con sóng.
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Phép nhân hóa đã thổi hồn vào sóng để biến nó trở thành một con người. Sóng không chấp nhận giới hạn chật chội, khi không được sông hiểu, khi không tìm thấy được sự đồng điệu, nó vươn ra tìm đến với đại dương mênh mông. Cũng giống như trong tình yêu, người phụ nữ không chấp nhận những gì tầm thường, chật hẹp mà luôn hướng tới những điều cao cả, lớn lao.
Ở đoạn thơ tiếp theo, tác giả viết:
“Ôi con sóng ngày xưa
…
Bồi hồi trong ngực trẻ.”
Con sóng đã vỗ bờ từ ngàn xưa, cho đến bây giờ và mãi mãi sau này. Đó là quy luật bất biến của tự nhiên. Trong tình yêu, cũng có sự tương đồng khi mà tình yêu, nỗi khao khát luôn thường trực trước đây, ngày nay và mãi cả về sau. Chừng nào con người còn tồn tại thì tình yêu cũng như một món quà diệu kì mà thượng đế ban tặng cho nhân loại. Khát vọng tình yêu là khát vọng bất diệt của con người, đặc biệt là những con người trẻ tuổi.
Nhân vật trữ tình đứng trước biển khơi với những suy nghĩ sâu lắng:
“Trước muôn trùng sóng bể,
….
Từ nơi nào sóng lên”
Người con gái đang yêu nghĩ về bản thân mình, nghĩ về người thương và cũng suy tư về sóng biển. Nhân vật trữ tình đang ở trong niềm khao khát lí giải nguồn gốc của sóng cũng như nguồn gốc của tình yêu.
“Sóng bắt đầu từ gió
…
Khi nào ta yêu nhau”
“Em” đã không đi truy tìm được căn nguyên của sóng, cũng như tình yêu. Tình yêu diệu kì nhưng cũng thật bí ẩn như thế giới tự nhiên. Nó là những rung động của con tim, có những khi lí trí không thể chiến thắng được con tim mách bảo. Tình yêu vẫn luôn là câu hỏi không khó nhưng cũng chẳng dễ dàng nào có thể lí giải được căn nguyên, cội nguồn. Nhân vật trữ tình cũng phải bộc lộ rằng "Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau”. Chính cái không biết đấy của em lại là minh chứng chân thành nhất cho tình yêu sâu đậm, không toan tính. Đó chính là tiếng lòng của người phụ nữ đang yêu.
Có thể thấy rằng, đoạn thơ mở đầu khắc họa được trọn vẹn hình tượng sóng và hình tượng em. Sóng là em và em cũng là sóng. Sóng mang ý nghĩ biểu trưng cho những trạng thái cảm xúc của người phụ nữ đang yêu. Qua hình tượng sóng để tác giả cũng nói lên quy luật bất diệt của tình yêu. Các câu thơ mặc dù ngắn về số lượng từ nhưng lại có sức cô đọng và giàu giá trị gợi hình gợi tả. Để rồi, người đọc cũng cảm thấy những con sóng đang gối thúc vào lòng mình.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |