Trẻ em là tương lai, cần được chăm sóc, bảo vệ và học tập. Thế nhưng, vẫn còn tồn tại những vấn đề trẻ em bị bóc lột, bị bạo hành ngược đãi, thậm chí là lạm dụng tình dục… Những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ. Theo các chuyên gia nếu áp dụng năm yếu tố bảo vệ của khung lý thuyết “sinh thái học xã hội”, bao gồm: Nhà nước; cộng đồng; nhà trường; gia đình và tự bản thân các em, cùng năm cấp độ từ cao đến thấp sẽ giúp trẻ em phòng ngừa, can thiệp, né tránh hành vi rủi ro tránh bị xâm hại.
Là đơn vị áp dụng thử nghiệm khung lý thuyết “sinh thái học xã hội”, các giáo viên Trường mầm non Sunshine - Ánh mặt trời (TP Hà Nội) luôn truyền tải, trang bị cho trẻ em những kiến thức và kỹ năng sống cơ bản, phòng tránh bị xâm hại, có thông tin và sự chia sẻ. Cô Nguyễn Thị Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: kết hợp với những kiến thức và lòng yêu trẻ, giáo viên nhà trường đã có phương pháp truyền tải kỹ năng bài bản hơn khi được tiếp cận khung lý thuyết. Qua đó, giúp trẻ nhận biết được những hành vi, nguy cơ rình rập có khả năng gây hại cho bản thân. Khi gặp vấn đề, trẻ em cần chia sẻ và lên tiếng để người lớn nắm bắt và xử lý. Đáng chú ý, hiện nay phần lớn trẻ thiếu tự tin cho nên có ít những hành động phòng ngừa và can thiệp. Chúng tôi đã vận dụng yếu tố nhà trường để khơi dậy yếu tố trong trẻ và kết hợp cùng yếu tố gia đình để nắm bắt được tâm lý giúp các em trong học tập tốt hơn.
Thạc sĩ Trần Quý Long, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu trẻ em và vị thành niên, Viện Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Năm yếu tố trong khung lý thuyết “sinh thái học xã hội” cần được vận hành một cách đồng bộ, có sự tương tác, bổ trợ cho nhau. Trong đó, yếu tố Nhà nước nhất là cơ quan quản lý cần phải nhận thức vấn đề xâm hại, lạm dụng và có các hành vi nguy cơ đối với trẻ em sẽ gây hậu quả rất lớn. Để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ thì luật pháp phải luôn được thượng tôn. Những văn bản pháp luật chưa bao quát, thiếu điều khoản tham chiếu cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Các chế tài xử lý nên đầy đủ và chi tiết. Nếu chưa đáp ứng được trong thực tiễn thì cần nhanh chóng sửa đổi và ban hành. Các dịch vụ phòng ngừa, can thiệp cần có sẵn và thân thiện với trẻ em. Hoạt động đầu tư vào xây dựng nguồn vốn con người (giáo dục, y tế, kỹ năng…) cần phải ưu tiên hàng đầu.
Mặt khác, mọi thành viên trong cộng đồng luôn có trách nhiệm truyền tải thông tin để phòng ngừa cũng như lên án những hành vi lệch chuẩn. Phong tục, tập quán và thái độ của cộng đồng có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân. Nếu cộng đồng có thái độ dè bỉu, dư luận không tốt sẽ làm cho trẻ em ngại chia sẻ và như thế càng bị nhấn sâu vào vòng bi kịch. Một cộng đồng cởi mở sẽ khuyến khích cá nhân hòa đồng và chia sẻ những khó khăn của mình. Ngoài những vấn đề về cộng đồng thì học vấn thấp, ít kỹ năng sẽ làm cho kỹ năng thương thuyết và giải quyết vấn đề của trẻ em gặp nhiều trở ngại.
Yếu tố gia đình bảo vệ trẻ em là quan trọng và có hiệu quả nhất. Những diễn biến, thay đổi tâm tư tình cảm, cảm giác âu lo của trẻ em là dễ nhận biết nhất trong gia đình. Nhưng đáng tiếc là nhiều trẻ em không chia sẻ với bố mẹ mà lại tìm đến bạn bè, người thân, hàng xóm. Một trong những nguyên nhân cản trở việc giao tiếp, nắm bắt giữa bố, mẹ và con cái đó là “chi phí cơ hội”, nhất là những gia đình nghèo, thu nhập thấp. Do lo toan kiếm sống nên nhiều bố mẹ bỏ bê, không có thời gian gần gũi tâm sự, nắm bắt tâm tư, tình cảm của con. Với những gia đình giàu có, kinh doanh bận rộn nhưng chừng mực nào đó họ có cách quản lý con cái theo cách riêng của mình. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải trang bị cho mình kiến thức, thông tin giao tiếp và truyền tải thông tin với con nhiều hơn. Một số gia đình không hòa thuận, bố mẹ ly hôn, ly thân ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của các con. Những rạn vỡ trong gia đình, sự xói mòn các giá trị, chuẩn mực sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và năng lực hành vi của trẻ em.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên khuyến khích trẻ em chủ động bảo vệ bản thân mình trước tiên. Mọi hành vi xâm hại cần được các em tự mình phòng ngừa, lên án, loại bỏ và có thể nhận biết được những nguy cơ rình rập có khả năng gây hại cho bản thân mình. Do đó, trẻ em cần phải được khuyến khích, hướng dẫn thảo luận về những vấn đề nguy cơ tại gia đình, nhà trường và xã hội. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần phối hợp nhà trường, cộng đồng và gia đình để triển khai các biện pháp thiết thực, gắn kết các yếu tố xã hội như đã nêu trên để bảo vệ trẻ em.